Brazil: Cuộc chiến pháp lý mới của 2 cựu Tổng thống

10:01 22/09/2016
Sau những tuyên bố vừa qua của ông Lula da Silva và bà Dilma Rousseff, dư luận cho rằng, cả 2 cựu Tổng thống đang bị cuốn vào một cuộc chiến pháp lý mới, và mọi việc đều bắt nguồn từ vụ đại án tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Và nếu xử lý không ổn thỏa, việc ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018 của ông Lula da Silva và bà Dilma Rousseff không những gặp khó khăn, mà còn có nguy cơ rơi vào vòng lao lý.


Từ sự oan ức của cựu Tổng thống Lula da Silva

Ngày 15/9, cựu Tổng thống Lula da Silva đã phản bác mọi cáo buộc tham nhũng chống lại ông, đồng thời coi đây là âm mưu nhằm ngăn cản nhà sáng lập Công đảng tham gia tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018.

Phát biểu trước các phóng viên tại thành phố Sao Paulo, ông Lula da Silva tuyên bố, luôn tôn trọng luật pháp và khẳng định sẽ tự nộp mình cho cảnh sát nếu có bằng chứng về những cáo buộc tham nhũng. Đồng thời nhấn mạnh, sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng để chứng minh sự trong sạch của bản thân.

Ngoài ra, ông Lula da Silva còn so sánh tiến trình phế truất bà Dilma Rousseff với việc bầu ông Michel Temer làm Tổng thống là động thái hủy hoại đời sống chính trị và nó giống như "một vở kịch".

Ông Lula da Silva và bà Dilma Rousseff.

Giới truyền thông đưa tin, ngay sau khi Viện Kiểm sát trình cáo trạng yêu cầu khởi tố vợ chồng cựu Tổng thống Lula da Silva với các tội danh tham ô, rửa tiền và giả mạo giấy tờ, Chủ tịch Công đảng Rui Falcao đã phản bác lại những cáo buộc kể trên và coi đây là "một hình thức khác của khủng bố" nhằm ngăn chặn việc ông ra tranh cử tổng thống năm 2018.

Phát biểu với báo giới hôm 14/9, ông Rui Falcao tuyên bố, những cáo buộc tham nhũng nhằm vào cựu Tổng thống Lula da Silva để ngăn cản ông tái tranh cử chức tổng thống là điều đã được lường trước. Đồng thời khẳng định, ông Lula da Silva chưa bao giờ sở hữu căn hộ hạng sang hay có hành vi lạm quyền.

Tuyên bố của Chủ tịch Công đảng Rui Falcao được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Viện Kiểm sát trình cáo trạng yêu cầu khởi tố vợ chồng cựu Tổng thống Brazil vì có liên quan tới bê bối tham nhũng tại Petrobras. Ông Rui Falcao từng tuyên bố, cảnh sát và tư pháp liên bang đã phối hợp với giới truyền thông cùng phe đối lập thực hiện vụ khám xét trái phép nhà riêng của ông Lula da Silva ở Guaruja, để tìm bằng chứng có liên quan tới vụ tham nhũng tại Petrobras.

Theo giới truyền thông, bản cáo trạng của Viện Kiểm sát được công bố hôm 14/9 được xây dựng dựa trên những bằng chứng liên quan do cảnh sát gửi lên hồi cuối tháng 8. Và đây là văn bản chính thức đầu tiên yêu cầu khởi tố cựu Tổng thống Lula da Silva với tội danh tham nhũng.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, cựu Tổng thống Lula da Silva bị tình nghi nhận tiền hối lộ thông qua khoản tiền mà công ty xây dựng OAS cải tạo căn hộ hạng sang mà ông mua ở thành phố Guaruja, ven biển bang Sao Paulo, để trả công giúp OAS nhận các hợp đồng làm ăn với Petrobras.

Cơ quan chức năng cũng nghi ngờ ông Lula da Silva đã mua bất động sản kể trên bằng tiền tham ô, tham nhũng. Các công tố viên cho rằng, có 5 nhà thầu xây dựng liên quan tới bê bối ở Petrobras đã trả cho cựu Tổng thống 2,7 triệu USD, gọi là tiền thù lao các cuộc diễn thuyết kể từ năm 2010, sau khi ông Lula da Silva mãn nhiệm. Và 5 công ty này còn chi cho Viện Lula 5,5 triệu USD, và một phần khoản tiền kể trên đã được chuyển cho một trong các con trai của ông Lula da Silva.

Cựu Tổng thống Lula da Silva coi quyết định của Viện Kiểm sát mang động cơ chính trị, không có đầy đủ thủ tục pháp lý và là hành vi vu khống. Thẩm phán liên bang Sergio Moro, người đang thụ lý điều tra vụ án tham nhũng ở Petrobras tuyên bố, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có truy tố ông Lula da Silva và những người có liên quan hay không. Và nếu ông Sergio Moro đồng ý với bản cáo trạng của Viện Kiểm sát, cựu Tổng thống Lula da Silva sẽ chính thức bị bắt giam để phục vụ điều tra.

Vợ chồng cựu Tổng thống Lula da Silva.

Đến nỗi lòng của bà Dilma Rousseff

Hơn 10 ngày trước (8-9), Thẩm phán Teori Zavascki của Tòa án Tối cao Brazil đã bác bỏ yêu cầu do cựu Tổng thống Dilma Rousseff đưa ra - đề nghị hủy bỏ kết quả cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm bà và giữ nguyên chức vụ tổng thống lâm thời đối với ông Michel Temer.

Trong đơn đề nghị trình lên Tòa án Tối cao, cựu Tổng thống Dilma Rousseff khẳng định, đã có những sai phạm trong tiến trình luận tội bà, do đó kết quả này không có giá trị. Thẩm phán Teori Zavascki còn cho biết, nhóm luật sư của bà Dilma Rousseff do cựu Bộ trưởng Tư pháp Jose Eduardo Cardozo dẫn đầu cũng đã phản đối tiến trình luận tội kể trên, nhưng bất thành.

Sau quyết định phế truất nữ Tổng thống tại Thượng viện hôm 31-8, bà Dilma Rousseff và ông Michel Temer đã chỉ trích lẫn nhau. Và nữ cựu Tổng thống tuyên bố, bà chưa hề bị đánh bại và sẽ sớm trở lại. Bởi luật sư của nữ Tổng thống, ông Jose Eduardo Cardozo tuyên bố, những cáo buộc liên quan đến việc sử dụng trái phép ngân sách nhà nước của Thượng viện đối với bà Dilma Rousseff là hoàn toàn bịa đặt và đó là âm mưu của các nhóm đối lập.

Bà Dilma Rousseff từng thừa nhận, đã phạm sai lầm khi chọn ông Michel Temer làm "phó tướng", người hiện là Tổng thống. Và bà Dilma Rousseff không những phải rời dinh tổng thống hiện đại, tiện nghi ở Brasilia, mà còn không có khoảng 9.500USD tiền lương mỗi tháng, cùng những quyền lợi khác, và trở về quê nhà ở thành phố Porto Alegre.

Hơn 1 tháng trước (16/8), sau khi Tòa án Tối cao quyết định mở cuộc điều tra chống lại bà Dilma Rousseff với cáo buộc cản trở thực thi công lý trong vụ bê bối tham nhũng ở Petrobras, nữ Tổng thống đầu tiên ở Brazil đã gửi một thông điệp tới các nghị sỹ và người dân Brazil khẳng định, bản thân vô tội và đề xuất tiến hành tổng tuyển cử sớm.

Cựu Tổng thống Lula da Silva.

Và những nhận định khác nhau

Nhiều tài liệu cho thấy, cơ quan tình báo Mỹ đóng vai trò đạo diễn của chiến dịch khiến Brazil rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị. Bởi Washington cảm thấy bất an sau khi Công đảng lên nắm quyền ở Brazil - không nghe theo sự áp đặt của Mỹ.

Nhằm lật đổ chính phủ của bà Dilma Rousseff - nữ Tổng thống đầu tiên của Brazil thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, Mỹ đã huy động mọi nguồn lực, thậm chí còn chuẩn bị kịch bản "Maidan cho Brazil" - giống như những gì từng diễn ra tại Ukraine hồi tháng 2-2014. Đại sứ Mỹ tại Brazil, bà Liliana Aialde và ông Andrew Bowen, chuyên gia đặc trách khu vực Mỹ Latinh trong Đại sứ quán Mỹ tại Brazil là 2 người đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch lật đổ chính phủ của bà Dilma Rousseff.

Bà Liliana Aialde từng làm việc trong Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ (USAID), là Đại sứ Mỹ tại Paraguay (2008-2011), đã đóng vai trò quyết định trong việc lật đổ chính phủ của Tổng thống Fernando Lugo.

Còn ông Andrew Bowen từng làm việc với tư cách chuyên gia chống ma túy tại Colombia, và nhiều vị trí khác nhau trong Đại sứ quán Mỹ ở một số quốc gia trên thế giới. Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro từng gọi những sự kiện diễn ra liên quan tới bà Dilma Rousseff là cuộc đảo chính do Mỹ tiến hành. Và việc này không những giáng một đòn mạnh vào nền dân chủ ở Brazil, mà còn là mối đe dọa đối với các liên kết trong khu vực Mỹ Latinh.

Trong phát biểu hôm 15/9, cựu Tổng thống Lula da Silva đã lên án những âm mưu hòng gạt bỏ Công đảng do ông sáng lập ra khỏi chính trường Brazil, cũng như hạ uy tín của đảng này trong cuộc tổng tuyển cử năm 2018.

Trong khi đó, Chính phủ của tân Tổng thống Michel Temer vừa thông báo kế hoạch tư nhân hóa nhiều dự án dầu khí, năng lượng, cơ sở hạ tầng như đấu thầu quyền khai thác các mỏ dầu khí, các sân bay tại nhiều thành phố lớn, một số tuyến đường cao tốc, hệ thống cảng biển… Đồng thời cam kết không theo đuổi chính sách kinh tế dưới thời của cựu Tổng thống Dilma Rousseff. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công nhận Chính phủ mới của Tổng thống Michel Temer khi tuyên bố, Brazil đang và sẽ là một trong những đối tác gần gũi nhất của Washington tại Mỹ Latinh.

Báo chí Brazil coi tuyên bố của ông Joe Biden là một cách gián tiếp thừa nhận tính hợp pháp của phiên tòa chính trị xét xử và phế truất cựu Tổng thống Dilma Rousseff. Nhưng gần 10 ngày trước (11/9), các đảng phái, tổ chức công đoàn và phong trào xã hội đối lập với Chính phủ của tân Tổng thống Michel Temer đã phát động một cuộc biểu tình lớn tại thành phố Sao Paulo với sự tham gia của khoảng 50.000 người.

Những người biểu tình yêu cầu Tổng thống Michel Temer từ chức và hối thúc tiến hành tổng tuyển cử sớm. Đây là cuộc biểu tình phản đối chính phủ mới lớn nhất kể từ khi ông Michel Temer lên cầm quyền hôm 31/8, sau khi Quốc hội bãi nhiệm bà Dilma Rousseff.

Trước đó (7/9), tại lễ diễu hành ở thủ đô Brasilia nhân kỷ niệm Quốc khánh Brazil, tân Tổng thống Michel Temer đã bị nhiều người dân phản đối. Nhiều người đã la ó và giương biểu ngữ phản đối ông Michel Temer.

Bộ trưởng Kinh tế Henrique Meirelles xác nhận thông tin, có hàng trăm nghìn người đã tham gia biểu tình chống chính phủ của tân Tổng thống Michel Temer tại nhiều thành phố, đặc biệt là ở Sao Paulo, trung tâm kinh tế và tài chính của Brazil.

Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Brazil đến nay, ông Michel Temer liên tiếp vấp phải sự phản đối của người dân. Chủ tịch Công đảng Rui Falcao khẳng định, những cuộc biểu tình kể trên diễn ra để phản đối hành vi đảo chính và vi phạm Hiến pháp của Tổng thống Michel Temer.

Ngày 12/9, với 450 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 9 phiếu trắng, Hạ viện Brazil đã quyết định tước bỏ tư cách nghị sỹ của cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, người đã bị Tòa án Tối cao đình chỉ chức vụ Chủ tịch Hạ viện và buộc phải từ chức với cáo buộc rửa tiền, giao dịch tiền tệ bất hợp pháp, và có liên quan đến vụ bê bối tham nhũng quy mô lớn ở Petrobras.
Quốc Tuấn-Khắc Dũng

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 26/11 cho biết sẽ áp thuế đáp trả Mỹ, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Mexico nếu nước này không ngăn chặn dòng ma túy và người di cư qua biên giới.

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam. Vậy nhưng đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 720,4/721,25km (đạt khoảng 99,9%), trong đó, nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng.

Ngày 27/11, Công an TP Hà Nội cho biết, một người đàn ông ở tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã bị mất hơn 200 triệu đồng khi cài đặt phần mềm “giả mạo” để đóng thuế điện tử. Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên; tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Đội tuyển Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị cho AFF Cup 2024. Nhiệm vụ của ông Kim Sang-sik và ban huấn luyện không chỉ xây dựng đội hình mà còn phải tìm ra một đội trưởng mới.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文