Tranh cãi việc phóng thích cựu Tổng thống Lula da Silva
Theo giới truyền thông, việc này diễn ra trong cùng ngày 8-7 và cùng tại Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 4 vùng Porto Alegre. Ngày 8-7, Thẩm phán Rogerio Favreto đã ra lệnh phóng thích ngay lập tức cho cựu Tổng thống, vì chấp nhận yêu cầu xác minh tính hợp pháp trong hành động bắt giam ông Lula da Silva do các nghị sỹ Công đảng đưa ra - việc kết án thiếu cơ sở pháp lý.
Trong quyết định của mình, Thẩm phán Rogerio Favreto cho rằng, việc giam giữ cựu Tổng thống khiến ông Lula da Silva (đang thụ án tù giam 12 năm kể từ ngày 7-4) bị tước bỏ quyền lợi với tư cách là ứng cử viên Tổng thống. Công đảng lập tức coi phán quyết của Thẩm phán Rogerio Favreto là "chiến thắng" quan trọng đối với ông Lula da Silva.
Cựu Tổng thống Lula da Silva. |
Ngay sau khi biết tin, Thẩm phán Joao Pedro Gebran Neto đã bãi bỏ việc này, đồng thời yêu cầu cảnh sát thành phố Curitiba tiếp tục giam giữ ông Lula da Silva. Và những tranh cãi nảy lửa giữa 2 thẩm phán đã khiến Chánh án Carlos Eduardo Thompson Flores phải lên tiếng.
Theo đó, người có thẩm quyền đối với sự tự do của cựu Tổng thống Lula da Silva là Thẩm phán Joao Pedro Gebran Neto, không phải Thẩm phán Rogerio Favreto. Quyết định của Chánh án Carlos Eduardo Thompson Flores khiến cựu Tổng thống Lula da Silva tiếp tục phải ngồi tù. Điều này đồng nghĩa với việc ông Lula da Silva sẽ khó có cơ hội tham dự cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 7-10-2018.
Động thái kể trên diễn ra sau khi ông Lula da Silva tuyên bố, sẽ không xin ân xá để ra tù và tranh cử. Chủ tịch Công đảng Gleisi Hoffmann, người mới thăm ông Lula da Silva trong tù cho biết, đây là yêu cầu rõ ràng của cựu Tổng thống.
Bởi theo cựu Tổng thống, ân xá chỉ dành cho người có tội, trong khi ông hoàn toàn vô tội và sẽ sớm chứng minh được sự trong sạch của mình để được trắng án. Tranh luận về vấn đề này xuất hiện sau khi 6 cựu nguyên thủ châu Âu gửi thư ngỏ đề nghị giới tư pháp Brazil trả tự do cho ông Lula da Silva.
Gần 2 tháng trước (16-5), Ngoại trưởng Aloysio Nunes Ferreira từng tuyên bố, luật pháp Brazil không cho phép người bị tòa phúc thẩm kết án tham gia hoạt động bầu cử, nên kiến nghị của 6 cựu lãnh đạo châu Âu về trường hợp ngoại lệ đối với cựu Tổng thống Lula da Silva là vi phạm nguyên tắc của nhà nước pháp quyền.
Theo giới truyền thông, cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande, cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero, cựu Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo, và 3 cựu Thủ tướng Italy Massimo d'Alema, Enrico Letta và Massimo Prodi đã ký vào bức thư kiến nghị Brazil cho phép ông Lula da Silva ra ứng cử một cách tự do trong cuộc bầu cử sắp tới.
Mặc dù đang bị giam trong tù, nhưng ông Lula da Silva vẫn được Công đảng chọn làm ứng viên ra tranh cử tổng thống và hiện là chính trị gia được cử tri ủng hộ nhiều nhất.
Gần 3 tháng trước (18-4), Tòa phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo của cựu Tổng thống Lula da Silva. Trong tuyên bố trên Twitter, Tòa phúc thẩm ở Porto Alegre cho biết, đã bác đơn kháng cáo và đây là lần thứ ba họ bác đơn của ông Lula da Silva.
Theo giới truyền thông, gần 3 tháng trước (24-4), cảnh sát từng đề nghị đổi địa điểm giam giữ cựu Tổng thống Lula da Silva vì cho rằng, cơ quan chức năng đang phải chi một khoản tiền quá lớn để bảo đảm an ninh cho nhà tù ở thành phố Curitiba.
Trong đề xuất gửi lên thẩm phán phụ trách thi hành án hình sự Carolina Lebbos, cảnh sát cho biết, đã phải chi thêm 43.000 USD cho "chi phí phụ trợ" trong 15 ngày đầu giam giữ ông Lula da Silva.
Hơn 2 tháng trước (30-4), các công tố liên bang lại đưa ra những cáo buộc tham nhũng mới đối với cựu Tổng thống Lula da Silva và Chủ tịch Công đảng Gleisi Hoffmann.
Theo đó, ông Lula da Silva và ban lãnh đạo Công đảng từng được tiếp cận một quỹ đen, do Tập đoàn Xây dựng Odebrecht tài trợ, trị giá 40 triệu USD năm 2010 để đổi lấy những quyết định của chính phủ có lợi cho họ.
Hiện luật sư của cựu Tổng thống Lula da Silva và ông Gleisi Hoffmann chưa có phản ứng gì về những cáo buộc này. Nhưng Công đảng cho rằng, những cáo buộc kể trên là vô căn cứ.
Mặc dù bị bắt và bị tòa phúc phẩm tuyên bản án 12 năm tù giam do dính líu tới vụ bê bối ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras, nhưng ông Lula da Silva vẫn là chính khách có ảnh hưởng lớn đối với chính trường Brazil và hiện là người có tỷ lệ ủng hộ cao nhất trong số các ứng cử viên của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Theo giới truyền thông, nếu ông Lula da Silva vẫn được đăng ký là ứng cử viên Tổng thống trước hạn chót 15-8, ngày 17-9, Tòa án Bầu cử Thượng thẩm sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này.