Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn ở châu Âu và Canada
- Mỹ lại nóng vì biểu tình sau cái chết của công dân da màu
- Cảnh sát Pháp ném còng tay, biểu tình phản đối lệnh cấm ghì cổ khống chế nghi phạm
Tại Thụy Sĩ, ngày hôm qua 13-6, các cuộc biểu tình với hàng chục ngàn người tham gia đã diễn ra tại nhiều thành phố trong cả nước, như Bern, Zurich, Lausanne…, bất chấp lệnh cấm các cuộc tập hợp trên 300 người - biện pháp nhằm ngăn chặn đà lây lan của COVID-19.
Cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra tại thành phố Zurich, với hơn 10.000 người tham gia. Đa phần người biểu tình mặc trang phục màu đen, giăng biểu ngữ "Black lives matter", "Kỳ thị sắc tộc cũng là một dịch bệnh", hay "I Can't Breath - Tôi không thở được" để liên tưởng đến vụ người da đen George Floyd bị cảnh sát ghì cổ đến ngạt thở.
Theo cảnh sát Zurich, cuộc tuần hành diễn ra ôn hòa, nhưng có vài trăm người thuộc phe cánh tả cực đoan quá khích vào cuối buổi chiều đã ném hơi cay khiến một cảnh sát bị thương.
Người biểu tình tại Quảng Trường Cộng Hòa (Pháp) ngày 13-6-2020. |
Theo AFP, tại Thụy Sĩ cũng xảy ra một số trường hợp cảnh sát dùng bạo lực khiến người da đen thiệt mạng, chẳng hạn trong vòng 4 năm qua tại Lausanne và vùng phụ cận, có 3 người da đen chết do sự can thiệp của cảnh sát.
Tại Pháp, ngày 13-6, hàng chục ngàn người lại xuống đường để phản đối kỳ thị và bạo lực trong giới cảnh sát, trong bối cảnh nhân viên công lực cung bày tỏ thái độ bất bình vì cảm thấy bị phủ nhận công lao và không được chính phủ tôn trọng.
Cuộc biểu tình, do Ủy ban Adama Traoré, tên của thanh niên da đen chết tháng 7-2016, sau khi bị cảnh sát vùng Paris câu lưu, được chờ đợi là rất rầm rộ ở Paris, bắt đầu từ lúc 14h30, đi từ quảng trường Cộng hòa đến Nhà hát Opéra. Cảnh sát Paris đã yêu cầu các cửa hàng, quán nước, nhà hàng dọc theo lộ trình đoàn biểu tình là nên đóng cửa, tránh sự cố quá khích.
Theo cảnh sát Paris, khoảng 15.000 người đã tập họp tại quảng trường Cộng hoà theo lời kêu gọi của ủy ban đòi công lý cho Adama Traoré. Trong bối cảnh đại dịch siêu vi corona, các cuộc tập họp quá 10 người không được phép, nhưng cảnh sát vẫn để yên.
Hàng quán chung quanh được lệnh đóng cửa để tránh bị đập phá. Cuộc mít-tinh được đảng cánh tả "Nước Pháp Bất Khuất" ủng hộ diễn ra bình thường, cho dù bị một nhóm cực hữu khiêu khích với biểu ngữ "Đả đảo kỳ thị người da trắng".
Tuy nhiên, vòi rồng và khói cay đã được cảnh sát dã chiến sử dụng khi cuộc mít-tinh biến thành tuần hành. Cuối cùng mọi người đã giải tán trong trật tự tương đối. Đây là lần thứ hai, phong trào chống kỳ thị tại Pháp biểu dương lực lượng, hưởng ứng phong trào đòi công lý cho George Floyd đang chấn động chính quyền Donald Trump.
Tình hình tại Pháp trở nên phức tạp hơn vì cảnh sát Pháp công khai bày tỏ thái độ phẫn nộ và bất bình vì công lao giữ gìn an ninh, chống khủng bố, đối phó với phong trào Áo Vàng, tham gia bảo vệ an toàn toàn dịch tễ đã không được đền đáp mà còn bị ngay Bộ trưởng Nội Vụ tỏ ra thiếu công bằng.
Cuộc biểu tình của phía chống lại việc phản đối phân biệt chủng tộc tại London, Anh, ngày 13-6. |
Trong khi đó tại Anh, các cuộc biểu tình ở Luân Đôn diễn ra trong không khí căng thẳng, nhất là khi một nhóm người thuộc phe cực hữu đụng độ với cảnh sát, ném chai lọ và hơi cay về phía lực lượng an ninh.
Cảnh sát London ngày 13-6 bắt hơn 100 người sau khi đụng độ với nhóm biểu tình cực tả, những người xuống đường phản đối hoạt động chống phân biệt chủng tộc. Cảnh sát cho biết họ đã phải huy động "phần lớn" lực lượng vì "một số động thái bạo lực nhắm vào các sĩ quan". Nhiều đoạn phim ghi hình buổi biểu tình cho thấy một số người kích động vung nắm đấm, ném chai lọ và bom khói về phía cảnh sát.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã lên tiếng chỉ trích cuộc biểu tình. Ông tuyên bố "những kẻ phân biệt chủng tộc không có chỗ trên đường phố của chúng ta" và "bất cứ ai tấn công cảnh sát sẽ đối mặt với đầy đủ trừng phạt của pháp luật".
Khi các đoạn phim ghi lại cảnh hỗn loạn được chia sẻ khắp nơi trên mạng xã hội, ông Johnson viết trên Twitter: "Phân biệt chủng tộc không có chỗ tại Anh và chúng ta phải cùng hợp tác để biến điều này thành sự thật".
Còn tại Canada, phong trào đấu tranh chống bạo lực của cảnh sát có xu hướng gia tăng trong bối cảnh mới đây xảy ra một số vụ thổ dân, người thuộc các nhóm thiểu số, bị chết vì hành động can thiệp thô bạo của cảnh sát.Những vụ việc này đã khiến công luận Canada phẫn nộ. Thủ tướng Canada đã phải lên tiếng về hiện tượng nhiều thổ dân trẻ tuổi hoặc các thanh niên thuộc các sắc tộc thiểu số rất sợ khi phải gặp cảnh sát.