Các quốc gia Trung Đông nhập khẩu gấp đôi vũ khí để đối phó với lực lượng Hồi giáo cực đoan
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 2012-2014, các quốc gia ở Trung Đông đã tăng lượng nhập khẩu súng ngắn, vũ khí hạng nhẹ và đạn dược lên gấp 2 lần.
Sau đó, hoạt động mua bán vũ khí được mở rộng hơn với các loại vũ khí hạng nặng và tên lửa. Riêng trong năm 2012, số vũ khí hạng nhẹ nhập khẩu vào Trung Đông chỉ khoảng 342 triệu USD thì đến năm 2015, con số này đã tăng thêm 84%.
Arab Saudi đi đầu với lượng súng nhập khẩu tăng từ 54 triệu USD lên 161 triệu USD, gấp 3 lần, trong đó phần lớn vũ khí này được dùng trong cuộc chiến ở Yemen.
Quân đội Arab Saudi đang duyệt binh ở Mecca. ảnh: AP |
Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) xếp vị trí thứ 2 với lượng vũ khí nhập khẩu tăng hơn 2 lần, từ 71 triệu USD lên 168 triệu USD. Nằm trong nhóm nước thuộc UAE, Qatar đã tăng gấp 8 lần số vũ khí nhập khẩu, từ 2 triệu USD lên 16 triệu USD. Đáng chú ý là những lô vũ khí được nhập vào Qatar từ năm 2015 đến nay sau đó lại đi đường vòng sang Libya.
Có vẻ như Qatar đã cung cấp hoặc tái xuất khẩu sang một nước khác mà không xin phép nước đã cho nhập khẩu vũ khí. Giám đốc tổ chức Thăm dò các vũ khí nhỏ Eric Berman cho biết, nhiều quốc gia ở Trung Đông đã nhập vũ khí xuất sang nước thứ 3 hoặc viện trợ cho các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Syria.
Trước đó, báo cáo mang tên “Cập nhật thương mại năm 2016: Minh bạch và chuyển giao” thuộc chương trình nghiên cứu độc lập “Khảo sát vũ khí loại nhỏ” của Liên Hợp Quốc (LHQ) công bố hồi đầu tháng 6 cũng khẳng định, kim ngạch nhập khẩu vũ khí hạng nhỏ và nhẹ của các nước Trung Đông là 630 triệu USD trong năm 2013.
Mức độ gia tăng đơn đặt hàng vũ khí trong những năm sau đó đều trùng với thời điểm các cuộc xung đột tại khu vực này leo thang, nhất là với các điểm nóng như Syria, Iraq, Libya và Yemen.
Chuyên gia cao cấp tại dự án này tên là Nocolas Florquin cho hay, các nhà điều tra LHQ cũng đã phát hiện đạn và súng ngắn ở Libya có liên quan đến các nước nhập khẩu khác ở khu vực, dù Libya thuộc diện bị cấm vận về buôn bán vũ khí. Điểm giống nhau giữa hai báo cáo nói trên ở chỗ đã chỉ rõ những nước đã xuất khẩu vũ khí hạng nặng và nhẹ ở Trung Đông, đó là Đức, Anh, Hà Lan, Serbia và Mỹ.
Đặc biệt, trong lĩnh vực này, từ năm 2013, Mỹ đã đạt doanh thu 1,1 tỷ USD và ngày càng gia tăng. Tiếp đó là Đức, Italia. 3 quốc gia này chiếm khoảng 40% thị phần xuất khẩu vũ khí.
Bên cạnh đó, các nước Trung Đông còn nhập khẩu rất nhiều vũ khí hạng nặng như súng trường tấn công, bệ phóng tên lửa, vũ khí chống tăng và súng máy hạng nặng từ Balkan.
Theo kết quả điều tra của các phóng viên đến từ Mạng lưới phóng viên điều tra Balkan (BIRN) và tổ chức Điều tra về tội phạm có tổ chức và tham nhũng (OCCRP), chính việc mua bán vũ khí ngầm này đã thúc đẩy cuộc chiến ở Syria kéo dài trong gần 5 năm qua.
Nhóm phóng viên này cũng cho biết, họ đã theo dõi các máy bay và lần theo các hợp động vận chuyển vũ khí và phát hiện ra rằng, các quốc gia tham gia đường dây mua bán vũ khí ngầm bao gồm Bosnia, Bulgaria, Croatia, CH Czech, Montenegro, Slovakia, Serbia và Romania.
Các nước ở Trung Đông nhập số vũ khí này gồm Arab Saudi, Jordan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây đều là thị trường mua bán vũ khí trọng điểm của Syria và Yemen, nhất là đối với các nhóm quân nổi dậy hoặc các tổ chức Hồi giáo cực đoan.
Gần đây, trên một số trang mạng xã hội, các nhà điều tra cũng đã phát hiện nhiều đoạn băng hoặc bức ảnh cho thấy, vũ khí và đạn dược từ Đông và Trung châu Âu đã được chuyển tới tổ chức Quân đội giải phóng Syria vốn được phương Tây hậu thuẫn và nằm trong tay một số nhóm Hồi giáo cực đoan như Ansar al-Sham, nhóm Jabhat al-Nusra từng tuyên bố trung thành với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Chỉ có một số ít vũ khí mới được cung cấp và sản xuất vào năm 2015 được bán cho các phe phái ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lực lượng Hồi giáo dòng Sunni ở Yemen.
Vũ khí được vận chuyển bằng đường biển và đường hàng không. Chi tiết về lịch trình các chuyến bay hoặc lịch khởi hành của các tàu thủy chở vũ khí đều được lưu tại các cơ quan kiểm soát không lưu.
Có tất cả 70 chuyến bay mang theo vũ khí đến các vùng xung đột ở Trung Đông trong năm 2015 và Belgrade, Sofia, Bratislav là các trung tâm vận chuyển chính của những chuyến hàng này.