Cần xử lý nghiêm việc báo tin giả gây hoang mang dư luận

07:52 06/03/2019
Không chỉ báo tin giả về các vụ trộm, cướp nhằm che giấu mục đích riêng vừa gây tâm lý bất an trong dư luận vừa làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, nhiều người còn báo cháy giả để làm "thú vui"...

Vụ việc người mẹ sinh con rồi đem cho người khác, sau đó dựng chuyện con mình bị bắt cóc đã gây rúng động dư luận. Vụ việc này cùng nhiều "vở kịch vụng" trước đó như có người đã tự dựng lên bị cướp tài sản hoặc bị trộm cắp… với nhiều thủ đoạn tinh vi, rồi báo cho cơ quan Công an nhằm che giấu sự thật, che mắt người thân, hòng chiếm đoạt tài sản và phục vụ nhu cầu cá nhân không chỉ gây khó khăn, phức tạp cho cơ quan Công an mà người báo án cũng phải chịu hình thức xử lý nghiêm khắc của pháp luật.

Người mẹ dựng chuyện con nhỏ 20 ngày tuổi bị bắt cóc

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, cho biết, sau nhiều giờ khẩn trương điều tra, đến nay đã xác định thông tin cháu bé vừa sinh 20 ngày tuổi bị bắt cóc là không có thật. Thực tế của vụ việc này là người mẹ sau khi sinh con ra quyết định không nuôi, mà cho con để người khác nuôi rồi dựng chuyện con mình bị bắt cóc.

Trước đó, chiều 1-3, với vẻ mặt hoảng loạn, chị Nguyễn Thị Bích T. (22 tuổi, quê ở Hậu Giang) thông báo với người dân xung quanh khu nhà trọ trên đường Bình Nhâm 40, thuộc khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương việc đứa con 20 ngày tuổi của chị (gia đình chưa làm giấy khai sinh) đột nhiên mất tích.

Theo lời kể của chị T., thời điểm trên, chị để con ngủ ngoài nệm rồi đi tắm, khi tắm xong ra thì không thấy con mình đâu, nhưng tại nơi nằm của con, chị phát hiện số tiền 2 triệu đồng không biết của ai. Nghĩ hàng xóm bế cháu, chị ra các phòng trọ xung quanh để hỏi, nhưng họ cho biết không ai bế cháu. Hoảng sợ, người mẹ này đã báo cho chồng (chưa đăng ký kết hôn) là anh Phạm T.T (32 tuổi, quê Đồng Tháp) làm thợ hồ về nhà tìm con. Sau đó, gia đình lên Công an phường trình báo sự việc "cháu bé bị bắt cóc".

Theo Đại tá Trần Văn Chính, sau khi khám nghiệm hiện trường, Công an đã lấy lời khai người mẹ và những người liên quan. Đồng thời, các trinh sát tỏa đi mọi hướng truy tìm và trích xuất các camera trên các tuyến đường để điều tra…

Hình ảnh người mẹ bần thần ngồi khóc khiến dư luận thương cảm nhưng thực tế chỉ là một "vở kịch".

Thông tin về vụ việc với hình ảnh người mẹ bần thần ngồi khóc trong phòng trọ nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Nhiều người tỏ ra vô cùng thương cảm cho người mẹ mất con, đồng thời cũng giận dữ trước hành động của những kẻ nghi là bắt cóc trẻ em…

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, cơ quan Công an phát hiện trong lời khai của chị T. có sự mâu thuẫn, bất nhất… Ngay sau đó, biết không thể giấu giếm được nữa, chị T. đã khai nhận toàn bộ sự thật.

Theo đó, khoảng giữa năm 2018, chị T. có quan hệ tình cảm với một người đàn ông khác rồi mang thai và rời quê từ tỉnh Hậu Giang đến tỉnh Bình Dương để làm ăn và tạm trú tại phường Bình Nhâm. Hiện chị đang sống cùng "chồng" và "mẹ chồng" tại phòng trọ thuộc phường Bình Nhâm. Điều đáng nói là người "chồng" này biết chị có thai với người đàn ông khác nhưng vẫn nhận chị làm "vợ". Để lý giải sự vắng mặt của bé, chị đã nói với mọi người rằng con mình bị ai đó bắt cóc như nêu trên.

Chị T. cho biết người nhận nuôi cháu bé này là một cặp vợ chồng hiếm muộn sống tại quận 8, TP Hồ Chí Minh. Chị T. quen đôi vợ chồng này thông qua facebook "Hội những người cho tặng con nuôi". Ngày 1-3, như thỏa thuận, cặp vợ chồng trên đến nơi ở trọ của chị để nhận con và gửi cho chị T. 15 triệu đồng. Sau khi cho con, sợ bị gia đình phát hiện nên chị T. bỏ 2 triệu đồng tại chỗ con nằm rồi dựng lên câu chuyện bé gái bị mất tích, gây hoang mang dư luận. Và chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, cơ quan Công an đã xác minh làm rõ vụ việc.

Khu nhà trọ, nơi diễn ra vụ "bắt cóc trẻ em" giả.

Việc hoang báo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Ngoài vụ việc "dựng chuyện" nói trên, thực tế, thời gian qua, có không ít trường hợp người dân báo tin giả (bị cướp, bị trộm…) hay còn gọi là trình báo sai sự thật với cơ quan Công an để che đậy việc làm mất, chiếm đoạt tài sản hoặc tạo lý do để trốn tránh trách nhiệm pháp lý… Tuy nhiên, những thủ đoạn này đã bị cơ quan Công an khám phá, kịp thời góp phần trấn an dư luận tại địa phương.

Sáng 27-2-2019, Công an huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức họp dân kiểm điểm hành vi báo thông tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với bà Thị Hồng (40 tuổi, ngụ xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao). 

Trước đó vào ngày 30-1, bà Hồng đến cơ quan Công an trình báo mình bị hai người đàn ông vào nhà dùng dao khống chế buộc Hồng phải mở két sắt. Sau đó, hai tên này đã lấy đi hơn 3 lượng vàng 18k và 24k, 5 triệu đồng tiền mặt (trong số đó có vàng của người thân của Hồng gửi giữ giùm). Trước khi tẩu thoát, hai tên cướp còn đẩy bà Hồng xuống mương nước trước nhà…

Nhận được tin báo, Công an huyện Gò Quao đã phối hợp với Phòng kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Kiên Giang khám nghiệm hiện trường. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã xác định đây là hiện trường vụ cướp giả. Lúc này, Hồng mới thừa nhận báo tin bị cướp giả nhằm hợp thức hóa số vàng mà bà này đã đem cầm cố và bán để tiêu xài chứ không có vụ cướp nào xảy ra.

Một vụ việc khác tương tự xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Theo đó, Lê Thanh Lâm (46 tuổi, ngụ xã Mỹ Hạnh Trung, thị xã Cai Lậy - hành nghề mua bán lúa gạo) đã loan báo bị hai thanh niên đi môtô dùng một vật giống kim tiêm đâm vào người làm bất tỉnh và cướp 800 triệu đồng khi anh này đang đi trên đường đi trả tiền mua bán lúa gạo cho chủ…

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tiền Giang cho thấy có nhiều mâu thuẫn trong lời khai của nạn nhân nên nhận định có thể không xảy ra vụ cướp. Và thực tế, trước những bằng chứng thu thập được của cơ quan điều tra, đến ngày 25-10, Lâm đã phải khai nhận không có việc bị cướp tài sản và cũng không bị các đối tượng dùng kim tiêm đâm vào người.

Nguyên nhân Lâm dựng chuyện bị cướp giả là do cách đó khoảng 2 năm, trong lúc mua bán gạo, Lâm làm thất thoát 800 bao gạo, trị giá 400 triệu đồng. Tuy nhiên, Lâm không nói việc này với gia đình, vì sợ gia đình buồn, mà đi vay mượn nợ dẫn đến "lãi mẹ đẻ lãi con". Và đến ngày 10-10, lợi dụng bệnh tai biến tái phát trên đường đi, nên Lâm nói dối bị cướp 800 triệu đồng…

Thị Hồng báo tin vụ cướp giả.

Cũng vì thiếu nợ (từ chuyện cờ bạc), một phụ nữ ngụ Cần Thơ cũng đã hoang báo bị bốn thanh niên cướp xe máy, điện thoại và tiền trên đường vắng. Theo đó, vào tối 5-10-2018, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (27 tuổi, ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền) đã được chồng chở đến Công an huyện Phong Điền trình báo đã bị nhóm 4 thanh niên lạ mặt chặn đường cướp xe, điện thoại, gần 4 triệu đồng trên đường vắng qua xã Tân Thới.

Công an huyện Phong Điền phối hợp với đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng có mặt tại hiện trường, trích xuất hình ảnh từ camera an ninh để điều tra. Và đáng nói là từ kết quả điều tra ban đầu, cơ quan điều tra nhận định trình báo của người phụ nữ này là giả.

Tại cơ quan Công an, Hạnh khai nhận do mê cờ bạc dẫn đến thiếu nợ nhiều người. Hạnh đã phải cầm xe và điện thoại được số tiền khoảng 9 triệu đồng để trả cho các chủ nợ và tiêu xài. Người phụ nữ này sợ bị chồng phát hiện la mắng nên đã dựng chuyện bị cướp chặn đường lấy tài sản và kêu chồng chở đến cơ quan Công an trình báo…

Không chỉ báo tin giả về các vụ trộm, cướp nhằm che giấu mục đích riêng vừa gây tâm lý bất an trong dư luận vừa làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, nhiều người còn báo cháy giả để làm "thú vui". Trước đây, trong một thời gian khá dài Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh liên tục nhận nhiều tin báo cháy giả khiến cho việc xử lý rất phức tạp và mất nhiều công sức, thời gian…

Căn cứ xử lý về hành chính, theo Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an ninh, an toàn xã hội, hành vi "Báo thông tin giả đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền" sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng. Đáng chú ý, hành vi "báo cháy giả" sẽ bị xử phạt ở mức cao hơn nhiều. Cụ thể, tại Điểm a Khoản 3 Điều 40 của Nghị định trên, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu việc báo tin giả nhằm thực hiện hoặc che giấu một hành vi tội phạm khác thì sẽ bị xử lý hình sự tương ứng. Chẳng hạn, nhân viên công ty đi rút tiền rồi giả vờ trình báo bị cướp để chiếm đoạt số tiền thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hoặc trường hợp báo tin giả để vu khống cá nhân, tổ chức nào đó, người báo tin cũng sẽ bị xử lý với tội danh tương ứng.

Lữ Phạm

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文