Cảnh báo về sự trồi sụt của Bitcoin
Theo giới truyền thông, một trong những lý do khác khiến giá trị Bitcoin lên xuống thất thường mấy ngày qua là do một số nhà đầu tư chuyển sang Bitcoin cash. Theo Coinmarketcap.com, Bitcoin cash đã giảm từ mức cao kỷ lục 2.477,65 USD xuống còn 1.277,29 USD trong phiên giao dịch hôm 13-11. Trước đó, trong khi giá Bitcoin giảm 8% xuống 6.575 USD, thì Bitcoin cash tăng từ 565 USD lên 900 USD và hiện giá trị loại tiền ảo này đã vượt ngưỡng 1.000 USD.
Theo hãng CNBC, Bitcoin cash là đồng tiền ảo được phân tách từ Bitcoin hồi đầu tháng 8. Theo Coinmarketcap.com, Bitcoin cash đã chạm mốc 800 USD lần đầu tiên hôm 10-11 và nhanh chóng tăng giá gấp đôi chỉ trong 1 ngày.
Và hiện Bitcoin cash đang ổn định quanh mức 1.400 USD, trở thành đồng tiền ảo có giá trị vốn hóa lớn thứ 3 trên thị trường. Trước đó, Bitcoin cash từng giảm giá từ 756 USD xuống mức 310 USD. Theo số liệu từ Coin Dance, đào Bitcoin cash có lợi nhuận cao hơn 13,6% so với đào Bitcoin.
Bitcoin tăng giá trở lại sau đợt bán tháo cuối tuần qua. |
Và việc này khiến giới chuyên môn phải đưa ra cảnh báo bởi trong phiên giao dịch hôm 2-11, giá Bitcoin đạt mức cao kỷ lục 7.882 USD, ngay sau khi CME Group (nhà điều hành các công cụ tài chính phát sinh lớn nhất thế giới) cho biết, sẽ giới thiệu các hợp đồng tương lai của Bitcoin.
CME Group còn cho biết, sẽ giới hạn khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai Bitcoin để hạn chế biến động quá lớn. Được biết, các hợp đồng tương lai của Bitcoin sẽ bắt đầu giao dịch vào cuối năm nay với thời gian cho các đợt niêm yết lần đầu lần lượt là tháng 12-2017, tháng 1-2018, tháng 2-2018 và tháng 3-2018.
Theo số liệu thống kê của sàn kinh doanh kim loại quý lớn nhất thế giới BullionVault cho thấy, mặc dù giá vàng đã giảm 6%, kể từ khi chạm mức cao nhất hồi đầu tháng 9-2017, nhưng số người mua và bán vàng lại không tăng như thường lệ mà liên tục sụt giảm bởi giới đầu tư hiện đang quan tâm tới Bitcoin. Theo Google Trend, số lượt tìm kiếm trên thế giới đối với từ khóa "mua Bitcoin" hiện đã vượt từ khóa "mua vàng".
Theo giới truyền thông, sàn giao dịch Bitcoin hàng đầu của Mỹ là Coinbase vừa đón thêm 100.000 khách hàng mở tài khoản chỉ trong 1 ngày. Và hiện Coinbase có gần 12 triệu khách hàng và những bước tiến chóng mặt của Bitcoin đang khiến đồng tiền ảo này ngày càng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Theo giới chuyên môn, từ mức khoảng 1.000 USD/Bitcoin hồi đầu năm 2017, nhưng sau 7 lần tăng liên tục, giá của Bitcoin đã vượt mức 7.000 USD. Và khi Bitcoin cán mốc 7.454 USD, nó có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 121 tỉ USD, cao hơn hãng McDonald có trị giá 106 tỉ USD.
Hãng Russia Today vừa dẫn đánh giá của ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America - tuy Bitcoin được thiết kế để trở thành lựa chọn tốt hơn đối với các hệ thống thanh toán truyền thống, nhưng nó đang trở thành loại tài sản bị lạm phát nhanh, nên không phải là hệ thống thanh toán nhanh và hữu dụng.
Bank of America còn ước tính, nếu có 300.000 giao dịch mỗi ngày thì thời gian chờ đợi cho mỗi giao dịch trung bình là 10 phút. Và điều này là một trở ngại lớn bởi so với Visa họ có khả năng xử lý 2.000 giao dịch/giây và tối đa là 56.000 giao dịch/giây.
Khi phát minh ra Bitcoin, nhà sáng lập Satoshi Nakamoto cho biết, ông muốn nó trở thành đồng tiền hoạt động trực tuyến và trở thành hệ thống thanh toán mới. Giới chuyên môn đang quan tâm tới việc 2 người ở Nga đang đi tiên phong trong lĩnh vực tiền điện tử khi biết sử dụng nhiệt lượng tỏa ra từ 2 máy đào Bitcoin để sưởi ấm cho căn phòng có diện tích 20m2.
Và việc này đang giúp họ kiếm khoảng 430 USD/tháng - sưởi ấm bằng nguồn nhiệt từ 2 chiếc máy này không những thân thiện với môi trường, mà còn rẻ hơn so với việc sưởi ấm bằng than hay củi.
Bất chấp việc Bitcoin đang trở thành đề tài nóng của giới tài chính thế giới, nhưng Ngân hàng Trung ương Ấn Độ vẫn nói không với đồng tiền ảo này. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ Ganesh Kumar cho biết, những đồng tiền ảo như Bitcoin không được chấp nhận ở nước ông. Tuyên bố của ông Ganesh Kumar được coi sẽ chấm dứt những đồn đoán về tính hợp pháp của các loại đồng tiền ảo tại Ấn Độ. Tuy nhiên, công nghệ blockchain (công nghệ nền tảng cho các loại đồng tiền ảo) vẫn có tiềm năng phát triển ở nước này. Trước đó, một ủy ban thuộc Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ Ấn Độ cấm sử dụng các loại tiền ảo trong nước vì coi loại tiền này có nguy cơ bị lạm dụng cao vào các mục đích phi pháp như gian lận và rửa tiền. |