Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động sang Nhật Bản

09:56 14/03/2019
Xuất khẩu lao động nước ngoài trong thời gian ngắn, việc nhẹ, lương cao, được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế và các chính sách xã hội khác như lao động nước sở tại…, đó là những lời mời chào đầy hấp dẫn và ngon ngọt mà các đối tượng vẫn thường sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động.


Mới đây, cơ quan An ninh điều tra Công an Thanh Hóa đã điều tra, làm rõ và khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 vợ chồng Nhữ Thị Nhàn (sinh năm 1990), ở huyện Như Thanh, Thanh Hóa và Phạm Tuấn Anh (sinh năm 1985), ở huyện Ninh Giang, Hải Dương về hành vi nói trên. Từ vụ án này đã hé lộ nhiều “chiêu trò” mà các đối tượng môi giới xuất khẩu lao động sang Nhật Bản thường sử dụng để lừa đảo, móc túi người dân nhẹ dạ, cả tin.

Giăng bẫy đủ kiểu

Ngày 31/10/2018, Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được Công văn số 13.659/UBND-THKH của UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở: Ngoại vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động, Thương binh và Xã hội, Trường Đại học Hồng Đức và các đơn vị liên quan kiểm tra giải quyết dứt điểm vụ việc công dân tố cáo bà Nhữ Thị Nhàn (sinh năm 1990), ở huyện Như Thanh, Thanh Hóa, là Giám đốc Công ty Cổ phần đào tạo du học và xuất nhập khẩu lao động Hoàng Phát (Công ty Hoàng Phát) cùng chồng là Phạm Tuấn Anh đã thu tiền của 5 công dân ở các huyện Như Thanh, Nông Cống, Triệu Sơn (Thanh Hóa) để đưa đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, nhưng lại đi theo hình thức du lịch để chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.

Xác định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, Giám đốc - Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo phòng ANĐT phối hợp với các sở, ngành chức năng khẩn trương vào cuộc và tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xác minh làm rõ. 

Quá trình điều tra, Phòng ANĐT Công an tỉnh xác định: Năm 2017, sau khi học tập, lao động ở Nhật Bản về nước, Nhữ Thị Nhàn và Phạm Tuấn Anh đã thành lập Công ty cổ phần Hoàng Phát (có địa chỉ tại phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa) và được cấp phép hoạt động dịch vụ tư vấn du học Nhật Bản. 

Do có sự hiểu biết về thị trường lao động Nhật Bản nên mặc dù mới chỉ được cấp phép tư vấn du học nhưng các đối tượng này đã tự câu kết với đầu mối khác để “môi giới” xuất khẩu lao động sang Nhật nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn mà vợ chồng Nhữ Thị Nhàn và Phạm Tuấn Anh thường sử dụng, đó là đưa ra những lời hứa hão về chế độ lương, thưởng và các chính sách trợ cấp xã hội khác mà người lao động sẽ được hưởng như: mức lương cao từ 950 yên đến 1.400 yên/giờ x 8 giờ/ngày (tương đương từ 1,6 đến 2,3 triệu đồng/ngày), chưa kể thời gian làm thêm ngoài giờ; thời hạn thẻ cư trú lao động là 3 năm, hết hạn được gia hạn 2 lần, mỗi lần 1 năm; được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như lao động người Nhật Bản; sau 6 tháng được bảo lãnh cho người nhà sang Nhật Bản..vv..

Để đi được theo hình thức trên mỗi trường hợp phải nộp cho vợ chồng Nhàn 13 nghìn USD (tương đương 300 triệu đồng/một trường hợp). Mức phí này cao hơn rất nhiều so với quy định của Nhà nước. 

Bởi theo Thông tư liên tịch số 16 giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính thì các công ty hoạt động trong lĩnh vực tuyển người đi lao động ở nước ngoài chỉ được phép thu tối đa 1 tháng tiền lương cơ bản cho phí môi giới và 1 tháng dịch vụ cho mỗi năm làm việc (đây là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp để thực hiện hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài).

Tuy nhiên, vợ chồng Nhàn, Tuấn Anh đã tư vấn và vẽ ra nhiều khoản thu khác để móc túi người lao động như: mua bằng cao đẳng với giá 35 triệu/người, bằng đại học với giá 45 triệu đồng/người; “Bao đậu đơn hàng” (tức là bảo lãnh không cần đạt tiêu chuẩn mà vẫn đạt yêu cầu khi phỏng vấn và vẫn được đạt điều kiện như đơn hàng đã nêu)..vv.. 

Không dừng lại ở đó, sau nhiều lần lấy lý do chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ và phía Nhật Bản đã hết nhu cầu tuyển lao động, trước sức ép của người lao động đòi lại tiền đặt cọc, vợ chồng Nhàn, Tuấn Anh lại quay sang tư vấn cho người lao động đi theo đơn hàng “thương mại” với mức phí rẻ hơn (khoảng 10.500 USD/người). Thực chất, đây là hình thức đi theo visa du lịch 15 ngày, sau đó trốn ở lại Nhật Bản lao động bất hợp pháp.

Cán bộ Phòng ANĐT Công an tỉnh Thanh Hoá và Viện KSND tỉnh nghiên cứu hồ sơ vụ việc.

Lời khai của bị hại

Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan ANĐT: Chỉ tính từ tháng 7/2017 đến tháng 10/2018, Nhữ Thị Nhàn (Giám đốc công ty) cùng chồng là Phạm Tuấn Anh lấy danh nghĩa Công ty cổ phần Hoàng Phát đã tư vấn cho 13 trường hợp là lao động ở các huyện Như Thanh, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống, TP. Thanh Hóa và tỉnh Nghệ An sang Nhật Bản theo đơn hàng kỹ sư với công việc: sản xuất linh kiện ôtô, điện tử, check hàng hóa… 

Trong đó có 11 trường hợp đã xuất cảnh sang Nhật Bản (chia làm 2 đợt: đợt 1 vào tháng 9/2018 đưa 6 lao động; đợt 2 vào tháng 10/2018 đưa 5 lao động); 2 trường hợp đã nộp tiền và chuẩn bị lên máy bay thì biết mình bị lừa nên đã không xuất cảnh sang Nhật Bản theo như thỏa thuận. 

Trong số những người đã xuất cảnh sang Nhật Bản, có 4 người thấy điều kiện làm việc không đúng như cam kết nên đã yêu cầu và gây sức ép buộc vợ chồng Nhàn phải mua vé máy bay để về nước, 1 người đồng ý trốn ở lại tìm việc làm; 6 trường hợp còn lại, ngay sau khi đến Nhật Bản đã bị phía Nhật Bản phát hiện, trục xuất về nước.

Sau khi về nước, 4/10 lao động gồm: Vi Văn Tr. sinh năm 1995 ở xã Hải Long, huyện Như Thanh; Lê Trần K. sinh năm 1991, ở xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống; Quyền Quang Th. sinh năm 1985 và Lê Đức D. sinh năm 1996 đều ở huyện Triệu Sơn đã thông qua luật sư Bùi Thị Hồng Dương, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội đến gặp vợ chồng Nhàn để lấy lại tiền, đồng thời làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng Nhàn. 

Tại cơ quan điều tra, các nạn nhân này đã giao nộp các tài liệu có liên quan gồm: 4 cuốn hộ chiếu kèm theo visa thời hạn lưu trú 15 ngày in trên hộ chiếu; các phiếu thu tiền và biên bản thỏa thuận giữa Công ty cổ phần Hoàng Phát với các lao động về việc xuất cảnh sang Nhật Bản để lao động.

Theo lời khai của 4 nạn nhân trên: Tháng 7/2017, Vi Văn Tr; Lê Trần K; Quyền Quang Th. và Lê Đức D. cùng với Nhữ Văn Ch. ở xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh tìm gặp Nhữ Thị Nhàn, Giám đốc công ty Hoàng Phát với mục đích được xuất khẩu lao động Nhật Bản. 

Sau khi được vợ chồng Nhàn tư vấn, các lao động trên đã đồng ý đi xuất khẩu lao động Nhật Bản theo đơn hàng kỹ sư với mức phí 13 nghìn USD. Do những người này không biết hoặc không đảm bảo trình độ tiếng Nhật và tay nghề hạn chế nên Nhàn và Tuấn Anh đã tư vấn thêm gói “bao đậu đơn hàng” và chủ động liên hệ mua bằng cao đẳng với mức giá 35 triệu đồng/người. Riêng Lê Đức D. do không có bằng cấp 3 nên phải nộp 45 triệu đồng.

Sau khi đã có bằng và hoàn thiện các thủ tục hồ sơ, nhưng Nhữ Thị Nhàn vẫn không đưa được 5 lao động nói trên sang Nhật Bản. Sau nhiều lần bị người lao động thúc ép, tháng 7-2918, Công ty Hoàng Phát thông báo đơn hàng kỹ sư phải chờ đợi lâu và tư vấn cho các lao động nên đi theo đơn hàng “thương mại” với mức phí là 10.500USD/người (tương đương 245 triệu đồng/người).

 Đồng thời giải thích, quyền lợi của đơn hàng này vẫn như đơn hàng kỹ sư nhưng không được bảo lãnh cho người thân sang Nhật và sau 3 năm mỗi lần gia hạn thì phải đóng phí 1.000 USD.

Do muốn đi sớm nên các lao động trên đã đồng ý và nộp tiền cho cty Hoàng Phát với tổng số tiền là 945 triệu đồng. Sau khi thu được số tiền trên, vợ chồng Nhàn đã thông qua Hoàng Thị Hương, Tổng Giám đốc Công ty VPROS ở Hà Nội để làm các thủ tục bay sang Nhật Bản (Nhàn Và Tuấn Anh phải chi cho Hương 8.000 USD/người). 

Sau khi sang đến Nhật, các trường hợp trên được người của Hương đón, thuê chỗ trọ và thuê thẻ ngoại kiều giả để đi phỏng vấn tìm việc làm. Biết mình bị lừa nên 4/5 lao động đã yêu cầu và gây sức ép buộc vợ chồng Nhàn phải mua vé máy bay để về nước. 

Riêng Nhữ Văn Ch. đồng ý trốn ở lại để tìm việc làm, bởi nếu Ch. “quay về Việt Nam thì sợ không lấy lại được tiền, đường nào cũng trót sang đây thì đành liều ở lại Nhật Bản để làm ăn thu lại tiền đã bỏ ra”.

Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, vợ chồng Nhàn khai nhận trước đó cũng tư vấn và móc nối với Hoàng Thị Hương tổ chức cho 6 trường hợp khác gồm: Nhữ Đức N. sinh năm 1988, Quách Văn T. sinh năm 1991, Vi Văn C. sinh năm 1993, Hoàng Ngọc Th. sinh năm 1988, đều ở huyện Như Thanh; Nguyễn Ngọc H. sinh năm 1989 ở TP. Thanh Hóa và Hà Huy L. sinh năm 1994 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An sang Nhật Bản lao động và thu phí mỗi người 245 triệu đồng (riêng Nhữ Đức N. không thu tiền vì là anh trai Nhàn). Các trường hợp này sau khi đến Nhật Bản đã bị phát hiện và trục xuất về nước.

Thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp nơi ở của Nhữ Thị Nhàn và Phạm Tuấn Anh.

Bộ mặt thật của những kẻ lừa đảo

Sau khi vào cuộc điều tra làm rõ, ngày 15/2/2019, cơ quan ANĐT Công an Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Phạm Tuấn Anh và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nhữ Thị Nhàn về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, công an các đơn vị liên quan để điều tra, mở rộng các đối tượng liên quan đến hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hành vi “Tổ chức đưa người khác đi nước ngoài trái phép”.

Theo kết quả điều tra ban đầu, cả 2 công ty Hoàng Phát do Nhữ Thị Nhàn làm Giám đốc và công ty VPROS do Hoàng Thị Hương làm Tổng Giám đốc đều không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài. 

Thậm chí công ty VPROS của Hoàng Thị Hương còn không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, không được phía Nhật Bản chỉ định hay cấp quyền xin, bảo lãnh thị thực xuất nhập cảnh (visa). 

Đối với 11 trường hợp mà vợ chồng Nhàn và Tuấn Anh móc nối với Hoàng Thị Hương tổ chức xuất cảnh sang Nhật Bản cũng không có tên trong hợp đồng của bất kỳ công ty sử dụng lao động hay công ty tư vấn cung ứng lao động nào của Nhật Bản. Đến đây bộ mặt thật của những kẻ lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản của người lao động đã lộ rõ.

Hành vi của vợ chồng Nhữ Thị Nhàn và Phạm Tuấn Anh sử dụng danh nghĩa Công ty cổ phần Hoàng Phát không có chức năng tư vấn, cung ứng lao động nước ngoài để tư vấn cho những người có nhu cầu xuất khẩu lao động Nhật Bản bằng đơn hàng “thương mại” không có thật nhằm chiếm đoạt số tiền mồ hôi, nước mắt của họ, đủ căn cứ cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Riêng đối với Hoàng Thị Hương, có dấu hiệu đồng phạm với vợ chồng Nhữ Thị Nhàn trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện cơ quan ANTT công an Thanh Hoá đang tiếp tục điều tra làm rõ, đồng thời phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân tỉnh để xử lý nghiêm vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Đình Hợp

Trưa 16/11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, vừa phối hợp cùng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và các đơn vị nghiệp vụ liên quan triệt phá đường dây vận chuyển 58 kg ma túy.

Thời gian qua, chính quyền địa phương, các ban ngành, nhất là Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện đã vận dụng tối đa nguồn lực, trở thành điểm tựa, hỗ trợ cho những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, lao động vươn lên trong cuộc sống…

Xung đột Israel-Palestine từ lâu đã trở thành tâm điểm trong quan hệ quốc tế, với giải pháp hai nhà nước được nhiều người coi là chìa khóa để đạt được hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, sau nhiều năm chiến tranh và đau thương, phần lớn người Palestine đã mất niềm tin vào giải pháp này, cho rằng đó là một giấc mơ không thể thành hiện thực.

Theo một số nguồn tin quân sự, kể từ tuần trước, các lực lượng Nga đã tăng gấp đôi cường độ tấn công của họ trên một số mặt trận, trong bối cảnh ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và thời gian tới có khả năng sẽ diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình. Đặc biệt, việc Nga nối lại các hoạt động quân sự ở Zaporizhzhia từ đầu tháng 10 cho thấy khả năng Moscow sẽ mở đợt tấn công lớn nhằm vào khu vực này.

Ngày 4/11 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi UBND tỉnh Phú Thọ đề xuất một số giải pháp bảo vệ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, di vật sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chùa Xuân Lũng (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Sáng 16/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Biên (Tây Ninh) cho biết, vừa phối hợp cùng Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ Huỳnh Văn Thanh (SN 1989, ngụ Trà Vinh), Chung Diệu Long (SN 1988, ngụ TP Hồ Chí Minh) để điều tra, làm rõ hành vi trộm và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Một buổi tối trung tuần tháng 11/2024, lớp học tình thương nằm bên đầm Sam (thuộc đầm phá Tam Giang) ở khu tái định cư (TĐC) Đập Góc, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) sáng trưng ánh đèn điện cùng nhiều tiếng cười nói của các em học sinh. Như thường lệ, cứ vào buổi tối có 20 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 ở khu TĐC Đập Góc lại mang sách vở đến lớp học miễn phí này để được thầy Hòa dạy kèm viết chữ, tập đọc và làm Toán. Bên trong phòng học rộng gần 50m2 với những bộ bàn ghế gỗ được kê san sát, các em học sinh cần mẫn ngồi viết chữ theo hướng dẫn của thầy Hòa. 

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) mới đây đã có báo cáo về kế hoạch kiểm toán năm 2025 gửi tới Quốc hội. Theo đó, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 116 nhiệm vụ (giảm 5 nhiệm vụ so với năm 2024). 

Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng Công an xã tại Hà Tĩnh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng, trong đó phổ biến vẫn là chiêu thức mạo danh người có công quyền đề nghị chuyển tiền qua tài khoản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文