Cảnh giác với tội phạm lừa đảo công nghệ cao

13:01 30/07/2017
Theo đánh giá của cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP HCM, tình hình tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân vẫn diễn biến phức tạp. Đường dây hoạt động của tội phạm này có hệ thống tổ chức chặt chẽ, khép kín rất tinh vi, những kịch bản lừa thường luôn mới và không bị trùng lắp, nên danh sách nạn nhân sập bẫy lừa cũng càng lúc càng nhiều.


Những "cái bẫy"...  ngọt ngào

Anh Hoàng Mạnh Hà (44 tuổi) bay từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để tố giác với cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh về việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt gần 3,5 tỷ đồng.

Anh Hà trần tình: Anh nhận được tin nhắn gửi từ số điện thoại +447114546165 thông báo anh đã trúng thưởng đặc biệt 1 triệu USD từ Công ty Verizone USA. Sau đó, đối tượng này tiếp tục gửi email và gọi điện cho anh yêu cầu nộp tiền phí dịch vụ để được nhận giải.

Từ trái qua: Ihugba Augustine Chinonso, Onu Chinonso Peter và các bị can trong nhóm.

Vốn cẩn thận, anh Hà lên mạng Internet để tra cứu các thông tin liên quan đến giải thưởng và thông tin mà anh nhận được từ người của "ban tổ chức". Thấy giải thưởng là có thật, tin rằng mình đã trúng thưởng lớn, anh liền thực hiện theo yêu cầu của đối tượng, nộp nhiều lần tổng cộng gần 3,5 tỷ đồng vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng này cung cấp.

"Cứ mỗi lần đóng tiền, bọn chúng đều kêu đó là khoản tiền đóng cuối cùng nên tôi tưởng thật cứ lao đầu vào đóng. Càng đóng, số tiền càng lớn, nợ nần chồng chất nhưng không thể dừng lại vì nếu dừng tôi sẽ bị mất trắng số tiền đã đóng và mất luôn tiền thưởng.

Chỉ đến khi tôi thấy Công an TP Hồ Chí Minh bắt một nhóm đối tượng lừa đảo sử dụng số tài khoản đứng tên nhiều người để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào và chúng rút ra chiếm đoạt thì mới phát hiện trong số các tài khoản đó tôi có chuyển tiền vào, lúc này mới biết mình thật bị lừa", anh Hà bức xúc.

Trong số các tài khoản mà đối tượng lừa đảo yêu cầu anh Hà chuyển tiền vào, có tài khoản mang tên Huỳnh Kim Hạnh. Tuy nhiên, khi đối diện với sự thật, chị Hạnh (ngụ tỉnh An Giang) cho biết: Khoảng tháng 12-2015, thông qua mạng xã hội wechat, chị kết bạn với một người nước ngoài da đen có nickname là Mantan, xưng tên Honey.

Sau đó, chị Hạnh và Honey gặp nhiều lần tại khách sạn, Honey hứa cưới Hạnh làm vợ, hứa mua cho nhà tại TP Hồ Chí Minh. Tháng 3-2016, Honey nói Hạnh đứng tên mở tài khoản để Honey chuyển tiền làm đám cưới.

Tin lời, Hạnh mở tài khoản số 0151000554597 và 070060149680 tại hai ngân hàng khác nhau rồi cung cấp thông tin tài khoản cho Honey, Hạnh giữ thẻ ATM. Sau đó, Honey nhắn tin nói là rất nhớ và muốn gặp chị Hạnh. Tin lời, chị từ An Giang lên TP Hồ Chí Minh để gặp Honey.

Sau khi gặp, Honey yêu cầu chị Hạnh ra ngân hàng rút tiền trong 2 tài khoản do chị đứng tên với lý do là  để mua quần áo bán sang Nigeria lấy tiền lời dành làm đám cưới. Chị Hạnh liền ra rút hết tiền mặt giao cho Honey tổng cộng 633 triệu đồng.

Do chị Hạnh bị bệnh nên Honey "hào phóng" tặng chị 15 triệu đồng. Vài ngày sau, Honey tiếp tục yêu cầu chị Hạnh đi rút tiếp 1 tỷ đồng trong tài khoản. Linh cảm là tiền phạm pháp, chị Hạnh đã không thực hiện theo yêu cầu của Honey.

Đến lúc này, Honey đã lộ nguyên hình là Onu Chinonso Peter (SN 1985, quốc tịch Nigeria), là đối tượng có nhiệm vụ thu gom các thông tin tài khoản ngân hàng cung cấp cho đường dây lừa đảo.

Onu Chinonso Peter khai nhận đã cung cấp số tài khoản ngân hàng của Hạnh cho đồng bọn Nigeria tên Christopher (không rõ lai lịch) để yêu cầu anh Hà chuyển tiền vào. Sau đó, "mượn tay" Hạnh rút ra để chiếm đoạt.

Ngoài thủ đoạn trên, chúng còn áp dụng thủ đoạn "giăng lưới tình" để chiêu dụ những phụ nữ Việt Nam ham mê trai ngoại. Mặc dù tình trạng này xảy ra khá phổ biến nhưng có lẽ chiêu lừa này quá siêu nên cho đến nay nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn chưa rút ra được bài học. Trái lại, mức độ "lây lan" vẫn còn diễn biến phức tạp.

Cũng qua mạng xã hội facebook, chị Ngô Thị Hồng Châu (ngụ quận Bình Tân) kết bạn với một người nước ngoài xưng tên Brian Ronald (quốc tịch Anh) và chưa đầy 1 tháng thì "yêu nhau". Brian Ronald hứa sẽ gửi quà về tặng cho chị gồm laptop, ipad, ĐTDĐ iphone, túi xách, nước hoa và 100.000 USD.

Ngày 4-2, chị Châu nhận được điện thoại của một phụ nữ giới thiệu là Huỳnh Kim Thoại, nhân viên của Công ty chuyển phát XL Logistics yêu cầu chị nộp 1.200 USD vào tài khoản để đóng phí vận chuyển nhận số hàng trên. Không chút nghi ngờ, chị Châu đã đến ngân hàng nộp tiền vào tài khoản theo chỉ định.

Sau đó, Thoại tiếp tục gọi điện yêu cầu chị Châu nộp thêm 80 triệu đồng vào tài khoản trên để đóng tiếp phí hải quan với lý do trong thùng hàng có số tiền lớn nên bị Hải quan tạm giữ. Sau khi chuyển tiền theo yêu cầu của Thoại, chị Châu tưởng đã thực hiện xong các thủ tục và chờ quà của "người yêu" chuyển về.

Đối tượng người Nigeria lừa phụ nữ qua Facebook.

Thế nhưng, đến ngày 19-2, một người phụ nữ tự xưng là Lê Thị Mai Phương, nhân viên của Công ty chuyển phát XL Logistics, gọi điện nói chị Châu chưa chuyển các khoản tiền phí nên yêu cầu chuyển tiếp 111.650.000 đồng vào tài khoản số 0501000098371 mang tên Lê Thị Hiền để hoàn tất thủ tục nhận quà.

Thấy bất hợp lý, nhưng không muốn đôi co với nhân viên Công ty chuyển phát XL Logistics, chị Châu bấm bụng đóng số tiền trên để mong nhận được món quà từ nước ngoài gửi về.

Chờ mãi không thấy quà đâu, chị Châu lại tiếp tục nhận được điện thoại của một người đàn ông xưng tên Trần Tấn Phát - Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội báo gói hàng của chị hiện đang ở sân bay Nội Bài - Hà Nội, do bên trong có rất nhiều tiền nên phải đóng tiền phạt 200 triệu đồng, chuyển vào tài khoản của Lê Thị Hiền thì mới nhận được hàng. Đến lúc này, chị Châu tìm hiểu sự thật mới biết mình bị lừa.

Nhận diện tội phạm

Thực tế, vụ lừa chị Châu cũng do nhóm người Nigeria chỉ đạo thực hiện. Kẻ lấy tên Brian Ronald (quốc tịch Anh) để sắm vai người yêu của chị Châu chính là Ihugba Augustine Chinonso (thường gọi là Ben), người Nigeria.

Còn người xưng Trần Tấn Phát tên thật là Trần Viết Hùng (35 tuổi) và Lê Thị Mai Phương (35 tuổi) là vợ Hùng (cùng ngụ quận 12). Theo lời khai của Phương, do nhiều lần thấy bạn là Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (1991, ngụ phường Phú Mỹ, quận 7) gọi điện thoại xưng là nhân viên hải quan, nhân viên công ty chuyển phát hàng... yêu cầu người khác chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.

Phương tò mò thì được Tuyết "bật mí", hiện Tuyết là đang làm việc cho một nhóm người Nigieria và phân tích cho Phương thấy rõ thủ đoạn lừa đảo này. Tuyết rủ vợ chồng Hùng, Phương cùng tham gia và vợ chồng Hùng đồng ý.

Trong đường dây này, Tuyết đảm nhiệm vai trò nhận thông tin về họ tên, số điện thoại của người bị hại do đối tượng người Nigeria cung cấp rồi chuyển cho vợ chồng Hùng để vợ chồng Hùng đóng giả nhân viên công ty chuyển phát nhanh, nhân viên hải quan, cảnh sát kinh tế… yêu cầu người bị hại đóng phí vận chuyển, phí hải quan và tiền phạt vì trong gói quà có số tiền lớn.

Ngoài nhiệm vụ trên, Trần Viết Hùng còn được giao nhiệm vụ làm đầu mối thu mua thẻ ATM của nhiều người để cung cấp thông tin tài khoản ATM cho nhóm lừa đảo.

Nhằm tránh bị Công an phát hiện, Hùng móc nối với Lê Văn Nhóc (22 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh), Phạm Trường Thành (24 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Văn Hải (ngụ tỉnh Bình Thuận), sử dụng CMND giả mở tổng cộng 21 thẻ ngân hàng, bán lại cho Hùng giá 200 ngàn đồng/thẻ.

Sau khi lừa các bị hại chuyển tiền vào các tài khoản, Hùng, Nhóc, Thành, Hải trực tiếp đi rút tiền đưa cho Tuyết chuyển cho các đối tượng người Nigeria tổng cộng hơn 4 tỷ đồng của nhiều bị hại.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra: Nhóm của Ihugba Augustine Chinonso đã thực hiện rất nhiều vụ lừa với thủ đoạn như trên tại Việt Nam. Ihugba Augustine Chinonso được Nigeria cử sang Việt Nam với mục đích liên hệ tìm người Việt Nam  để mở tài khoản ngân hàng, rồi hướng dẫn họ đóng giả nhân viên giao nhận hàng bưu phẩm và các lực lượng chức năng của Việt Nam như cảnh sát, hải quan... để lừa đảo.

Ngày 25-7, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hồ Chí Minh vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP Hồ Chí Minh truy tố các bị can:  Ihugba Augustine Chinonso, Onu Chinonso Peter, Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, Lê Thị Mai Phương cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị can Trần Viết Hùng, Lê Văn Nhóc, Phạm Trường Thành, Nguyễn Văn Hải bị đề nghị truy tố về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Tang vật trong một vụ án do nhóm lừa đảo người Nigeria thực hiện.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, tội phạm người Nigeria hoạt động chủ yếu ở Malaysia và Campuchia. Thủ đoạn lừa của chúng rất đa dạng "đánh" vào nhiều đối tượng: Lừa bằng cách lập mail giả, lừa góp vốn đầu tư dự án (đối tượng bị lừa chủ yếu là doanh nghiệp); lừa trúng thưởng; lừa hưởng thừa kế; lừa gửi tiền làm từ thiện...

Trong đó lừa phổ biến nhất là giả yêu đương phụ nữ rồi gửi quà tặng giá trị lớn. Khi lừa đảo, bọn chúng thường đóng vai là những doanh nghiệp thành đạt, làm ăn ở nhiều nước trên thế giới.

Nếu lừa phụ nữ thì chúng thường "chôm" hình của những diễn viên, người mẫu làm ảnh đại diện và sắm vai "gà trống nuôi con" để đánh vào lòng thương cảm của những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin. Sau khi đã hoàn toàn lấy được lòng tin của đối phương thì bọn chúng mới tiến hành các bước lừa tiền. Vì vậy người dân cần tỉnh táo để nhận diện các loại tội phạm trên.

Thúy Hà

Temu - Ứng dụng mua sắm trực tuyến xuyên biên giới đổ bộ vào Việt Nam đang gây ra một cơn sốt cho các tín đồ mua sắm trực tuyến. Với kho hàng khổng lồ giá rẻ, hình thức linh hoạt, giao hàng nhanh chóng và đặc biệt là chính sách săn hoa hồng khủng đã khiến hàng triệu người “say men” vào lốc xoáy Temu…

Dự báo từ 3 đến 5/11, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa to, cục bộ, có nơi mưa rất to. Từ 6/11, mưa lớn có khả năng dịch xuống khu vực Hà Tĩnh đến Bình Định và có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày; nguy cơ ngập úng tại các vùng trũng, thấp, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 gồm 8 chương và 65 điều, dự kiến thông qua vào ngày 28/11 tới đây. Qua 2 kỳ thảo luận, dự án luật được các đại biểu Quốc hội và người dân đánh giá cao bởi khi ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống mua bán người đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng là cuộc chơi nghề nghiệp thực sự, không có bất kỳ sự nể nang nào trong tuyển chọn và tôn vinh các tác phẩm, nghệ sĩ. Ban giám khảo không thiên vị, rất thẳng thắn, Ban tổ chức cũng phải đợi đến “sát nút” lễ trao giải mới biết được kết quả.

Chiều 2/11, Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, CBCS của đơn vị trong quá trình làm nhiệm vụ đã giúp đỡ gia đình chị Đ.T.H.H. (SN 1982; trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) tìm thấy con trai đi lạc và đưa về nhà an toàn.

Tại Hội trường Tỉnh ủy Khánh Hòa chiều nay 2/11 đã diễn ra hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Trong đó, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cùng bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Làm thế nào để sinh viên ra trường có tính “thực chiến”? Giải pháp nào để gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp? Đào tạo những kiến thức nhà trường có hay những kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp cần?... Đó là những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại sự kiện.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文