Cảnh sát châu Á mạnh tay với IS
Tổng Thanh tra cảnh sát Khalid Abu Bakar cho biết, cảnh sát Malaysia nên được thông báo kịp thời về vấn đề kể trên để tránh làm xấu hình ảnh của Malaysia và tạo ra sự sợ hãi cho người dân.
Tổng Thanh tra cảnh sát Khalid Abu Bakar đưa ra tuyên bố kể trên sau khi tháp tùng Thủ tướng Najib Razak và Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin Tun Hussein, cùng Tư lệnh lực lượng Quốc phòng Zulkifeli Mohd Zin thị sát tuần tra chung với cảnh sát và quân đội Malaysia tại trung tâm mua sắm Pavilion ở Kuala Lumpur.
Trước đó (21-2), Cảnh sát trưởng Kuala Lumpur, tướng Tajundin Isa tuyên bố, họ chưa nhận được thông tin nào về nguy cơ khủng bố, song lực lượng cảnh sát và an ninh Malaysia đã được đặt trong tình trạng "sẵn sàng chiến đấu". Cùng ngày 21-2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi tuyên bố, 132 công dân Malaysia (đã xác định danh tính) đang ở Syria và Iraq để tham chiến trong hàng ngũ IS sẽ bị cấm về nước.
Cảnh sát Malaysia. |
Và cảnh sát Malaysia sẽ hợp tác với Interpol để đảm bảo những tay súng kể trên không thể trở về Malaysia. Ông Ahmad Zahid Hamidi cũng vừa thảo luận với Quốc vụ khanh phụ trách trang thiết bị và công nghệ quốc phòng Anh Philip Dunne tại Putrajaya, để phối hợp hợp tác trong việc đối phó với các mối đe dọa đến từ IS.
Hơn 3 tháng trước (19-11-2015), Malaysia và Mỹ đã ký thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác chống khủng bố và theo Bộ trưởng Nội vụ Ahmad Zahid Hamidi, với thỏa thuận này, Malaysia có thể tiếp cận cơ sở dữ liệu của Mỹ đối với các nghi can khủng bố và những đối tượng bị liệt vào diện theo dõi, nhằm ngăn chặn các nghi can khủng bố thâm nhập và lợi dụng Malaysia như một trung tâm quá cảnh.
Theo hãng tin Bernama, Malaysia đã đồng ý sử dụng phương pháp của Saudi Arabia để xác định nguồn tài trợ của IS nhằm giải quyết các mối đe dọa đến từ nhóm khủng bố này. Và việc này diễn ra sau cuộc gặp hôm 18-2 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein với Bộ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia Muhammad bin Salman.
Và theo thống kê, kể từ năm 2013 đến nay, Malaysia đã bắt khoảng 150 đối tượng ủng hộ IS, trong đó có nhiều đối tượng đã bị cáo buộc âm mưu tấn công tại quốc gia Đông Nam Á này. Những động thái kể trên diễn ra sau cảnh báo của Anh, Australia và New Zealand hôm 21-2 xung quanh nguy cơ xảy ra khủng bố tại Malaysia, trong đó có thủ đô Kuala Lumpur, đồng thời khuyến cáo công dân của họ tránh du lịch tới quốc gia này.
Ngày 20-2, tờ New Straits Times dẫn lời Cục phó Cục Nhập cư Malaysia Datuk Ibrahim Abdullah cho biết, trong năm 2015, Cục Nhập cư Malaysia đã bắt hơn 60.000 người nhập cư bất hợp pháp vào nước này. Và phần lớn người nhập cư trái phép bị bắt nằm trong chiến dịch mang tên Op Ikrar của Cục Nhập cư.
Cùng ngày 20-2, người phát ngôn của cảnh sát tỉnh Trung Java, ông Liliek Darmanto cho biết, lực lượng cảnh sát chống khủng bố Indonesia đã bắt 41 nghi can phiến quân Hồi giáo trên đảo Java, trong đó 36 đối tượng đang tham gia các hoạt động huấn luyện theo kiểu quân sự trong một doanh trại tại khu vực núi Sumbing.
Cảnh sát đang điều tra xem số đối tượng này có liên quan đến khủng bố hay không. Trước đó (9-2), một tòa án ở Indonesia đã kết án tù đối với 7 đối tượng bị cáo buộc có liên quan đến IS. Chính phủ Indonesia đang xem xét lại luật lệ chống khủng bố để kiềm chế chủ nghĩa quá khích đang lan rộng, cũng như ngăn chặn người dân nước này tham gia các tổ chức phiến quân.
Gần 1 tháng trước (27-1), cảnh sát Indonesia đã khởi động ứng dụng "chặn đứng chủ nghĩa khủng bố" trên điện thoại di dộng nhằm khuyến khích người dân thông báo về các hoạt động có liên quan tới khủng bố tại khu vực mình sinh sống. Ứng dụng này có thể được tải miễn phí trên các loại điện thoại thông minh, thông qua Google Playstore và Amazon Store.
Trong khi đó, cảnh sát Singapore vừa trục xuất 4 đối tượng người Indonesia (bị bắt tại cửa khẩu Woodlands khi tìm cách nhập cảnh vào Singapore từ bang Johor của Malaysia), được cho đang trên đường đến Syria để tham gia IS. Trước đó, các đối tượng này đã bị thẩm vấn trong 5 giờ ở Batam trước khi được di lý đến Jakarta và bị trục xuất.
Ngày 20-2, phát biểu trước báo giới, Phó Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Đại tướng Sriwara Ransibhramanakul cho biết, cảnh sát Thái Lan đã tăng cường an ninh tại các địa điểm quan trọng trên toàn quốc như khu du lịch, trung tâm mua sắm, sân bay và các đầu mối giao thông. Và động thái này diễn ra sau khi Đại sứ quán Mỹ ở Bangkok cảnh báo về khả năng xảy ra một vụ tấn công của IS.