Cảnh sát giao thông và cuộc chiến trên những cung đường
- Hành trình triệt phá 3 đường dây túy từ Campuchia về TP HCM
- Trao bằng khen cho 2 CSGT trong vụ phát hiện gần 900 bánh heroin
Chính vì vậy, trong dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT, Bộ Công an đã đưa nội dung trang bị thêm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên cho CSGT nhằm tăng cường sức mạnh trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo TTATGT của lực lượng này.
Cuộc chiến trên đường
Nhớ lại những lần anh em trong đơn vị đối mặt với những kẻ buôn ma tuuys có trang bị súng, Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, Hoà Bình là một trong những tuyến chính vận chuyển ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam. Với số lượng ma tuý lớn, các đối tượng bao giờ cũng mang theo vũ khí, sẵn sàng chống trả khi bị truy bắt. Như trường hợp của đối tượng Tạ Văn Hùng, SN 1964 tại xã Phong Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang).
Khi phát hiện Hùng vận chuyển số lượng lớn ma tuý qua địa bàn tỉnh Hoà Bình, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT dừng xe, phối hợp Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma tuý bắt giữ đối tượng. “Lúc đó, anh em được trang bị súng K59, nhưng đối tượng có hẳn "kho" súng đạn trong xe gồm 5 khẩu súng, gồm 1 khẩu AK, 1 súng bắn đạn ghém do Mỹ sản xuất, 2 súng ngắn K59, 1 súng Colt và 120 viên đạn các loại; 2 quả lựu đạn...
Sau khi bị CSGT dừng xe, đối tượng giả vờ chấp hành nhưng ngay sau đó quay đầu bỏ chạy. Trong quá trình truy đuổi dài hơn 50 km qua 14 xã của 3 huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, đối tượng liên tục dùng súng AK bắn trả quyết liệt. Đối tượng còn đốt cháy xe ôtô LX 570 của mình để tiêu huỷ tang vật, cướp xe máy của người dân để chạy trốn. Lực lượng chức năng phải dập lửa “cứu” xe của hắn, đồng thời nổ súng để tiếp cận đối tượng,
Cùng với đảm bảo an toàn giao thông, CSGT còn có nhiệm vụ trấn áp tội phạm. |
Thượng tá Nguyễn Văn Hải khẳng định với cuộc chiến chống tội phạm khốc liệt như thời gian qua, việc CSGT được trang bị vũ khí quân dụng như súng trường, súng tiểu liên là rất cần thiết. “Trong các vụ bắt giữ đối tượng vận chuyển ma tuý thì CSGT là lực lượng có trách nhiệm dừng xe để kiểm tra.
Vừa qua, CSGT Hoà Bình cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng bắt giữ 2 vụ vận chuyển ma tuý lớn, 1 vụ 4 bánh heroin, 1 vụ 7 bánh heroin. Nếu không được trang bị súng quân dụng vừa không đảm bảo an toàn cho anh em làm nhiệm vụ, vừa giảm hiệu quả công tác tấn công, trấn áp, bắt giữ đối tượng phạm tội”.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải cho rằng không phải lúc nào CSGT cũng cần thiết sử dụng súng, nếu chỉ TTKS xử lý vi phạm thông thường thì không cần sử dụng súng quân dụng, nhưng trong các trường hợp bắt tội phạm, TTKS ban đêm ở nơi hẻo lánh, địa bàn xa khu dân cư việc trang bị súng là cần thiết nhưng phải sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
6 tháng đầu năm 2019, qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã thu giữ 203 bánh heroin. |
Cũng là đơn vị trực diện bắt nhiều vụ vận chuyển ma tuý lớn, trong đó có những vụ vận chuyển 40 bánh heroin, anh em ở Phòng CSGT Bắc Giang cũng không ít lần đối diện với họng súng của tội phạm. Đại tá Đỗ Văn Huyền, Trưởng phòng CSGT Công an Bắc Giang cho rằng đề xuất trang bị súng quân dụng cho CSGT là cần thiết trong tình hình hiện nay.
“Trang bị vũ khí để tăng cường sức mạnh của lực lượng CSGT khi khống chế, bắt giữ đối tượng phạm tội là điều cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Việc quản lý sử dụng vũ khí cũng được quán triệt đúng theo tinh thần và các quy định của pháp luật”, Đại tá Đỗ Văn Huyền nhấn mạnh.
Là người trực tiếp bị đối tượng vận chuyển ma tuý tạt đầu xe Cảnh sát để hòng thoát thân, Thượng uý Nguyễn Thành Trung, cán bộ Phòng CSGT Quảng Ninh cho biết đối tượng vận chuyển ma tuý thường rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt đến cùng để hòng thoát thân.
Anh Trung là người bị đối tượng vận chuyển 3.000 viên ma tuý tổng hợp tạt đầu, chèn ép xe CSGT khi anh và Thiếu uý Phạm Văn Chính đuổi theo bắt giữ đối tượng. Vụ chống đối quyết liệt trên đã khiến Thượng uý Nguyễn Thành Trung và Thiếu uý Phạm Văn Chính bị thương.
Thực tế hiện nay, ngoài nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn gioa thông, lực lượng CSGT còn trực tiếp tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó đã bắt giữ nhiều tượng buôn bán ma tuý, đối tượng truy nã.
Theo thống kê của Cục CSGT, ăm 2018, lực lượng CSGT đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện 4.962 vụ, bắt giữ 3.286 đối tượng trên các tuyến giao thông, thu giữ 633 bánh heroin, 606.390 viên ma túy tổng hợp, 436kg ma túy đá và ma túy các loại, 7.699 kg pháo, 10 khẩu súng, 217 viên đạn.
6 tháng đầu năm 2019, lực lượng CSGT toàn quốc đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ 3.536 vụ, 2.985 đối tượng có dấu hiệu của tội phạm trên các tuyến giao thông. Thu giữ 203 bánh heroin, 55.891 viên ma túy tổng hợp, 78,9kg ma túy các loại, 48 khẩu súng, 712 chai rượu ngoại, 7.770kg pháo các loại, 1,3 tấn thuốc nổ và tiền chất thuốc nổ, 100kg cá thể động vật quý, 46,7 tấn đường, 317.677 gói thuốc lá, 300kg + 465,6 m³ gỗ, 2.811,6m³ cát, 340,8 triệu con tôm giống, 102.000 lít xăng, 4.700 lít dầu ăn, 35 tấn tiêu, 98 tấn than, hơn 70.000 con gia cầm cùng nhiều loại hàng hóa khác có giá trị hơn 15 tỷ đồng... 9 tháng năm 2019, lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, lập biên bản xử lý 160 trường hợp lái xe dương tính với ma tuý; 14.756 trường hợp vi phạm nồng độ cồn…
Chiến sỹ CSGT bị đối tượng vi phạm tông thẳng vào xe. |
Trang bị vũ khí quân dụng cho CSGT phù hợp với các quy định của pháp luật
Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng CSGT, Bộ Công an, việc đề xuất trang bị súng trường, súng tiểu liên là phù hợp với hoạt động của lực lượng CSGT và là cụ thể hoá quy định trong luật. Việc trang bị vũ khí quân dụng cho CSGT phù hợp với các quy định của pháp luật hiện nay và giúp cho lực lượng CSGT thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo ANTT, trật tự an toàn xã hội trên tuyến, địa bàn giao thông.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng cho biết: “Theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Công an nhân dân được sử dụng một số loại vũ khí, công cụ hỗ trợ. Tại Thông tư 01/2016 lại chưa được nêu cụ thể CSGT được sử dụng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ gì nên dự thảo này phải bổ sung. Hơn nữa, đây chỉ là cụ thể hoá trong luật, không phải khi có quyền sử dụng, cảnh sát sẽ được trang bị ngay. Nếu được thông qua, Bộ Công an còn phải căn cứ trên tình hình thực tế mà quyết định trang bị vũ khí cho lực lượng CSGT địa bàn sao cho phù hợp”.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội cho rằng, việc trang bị vũ khí quân dụng cho CSGT là cần thiết. Đặc biệt, khi CSGT thực nhiệm vụ nhất là tuyến tuần tra phức tạp về an ninh trật tự hay có vấn đề về hoạt động về tội phạm ma túy như các tỉnh biên giới, các tuyến đường giáp vùng biên. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho rằng để đảm bảo hiệu quả, an toàn và phát huy được tác dụng của việc trang bị vũ khí này, việc trang bị phải được lựa chọn kỹ càng, có trong các kế hoạch tuần tra kiểm soát. Các trường hợp được nổ súng đã có quy định rất rõ Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nên CSGT cũng phải tuân thủ quy định chặt chẽ quy định của Luật này.
Vì vậy để đảm bảo an toàn tính mạng cho cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm, việc trang bị vũ khí cho CSGT là việc rất cần thiết trong tình hình hiện nay.
Những trường hợp được nổ súng Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 01.07.2018 quy định rất rõ 11 trường hợp được nổ súng, trong đó có 5 trường hợp phải cảnh báo trước và 6 trường hợp nổ súng không cần cảnh báo. Cụ thể, khoản 2, điều 23 Luật này quy định: Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong trường hợp: đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin; đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ; đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; được nổ súng vào động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. |