Cảnh sát hình sự quyết liệt đấu tranh với tội phạm liên quan đến "tín dụng đen"
- Cục Cảnh sát hình sự phải phát huy “quả đấm thép” trong tấn công, trấn áp tội phạm
- Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Nghệ An chiến công nối tiếp chiến công
- Cảnh sát hình sự Công an Tiền Giang: Xuất sắc phá nhanh nhiều vụ “án nóng”
Nhân dịp đầu năm mới, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục CSHS đã chia sẻ với phóng viên Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu về quyết tâm của lực lượng Công an trong việc tiếp tục đấu tranh để trấn áp, đẩy lùi hoạt động của "tín dụng đen" để đem lại bình yên cho cuộc sống người dân.
Thưa đồng chí Cục trưởng, đồng chí có thể chia sẻ về kết quả của Cục CSHS nói riêng và lực lượng CSHS toàn quốc nói chung trong việc đấu tranh với các băng nhóm TPCTC trong năm 2018?
Cục trưởng Trần Ngọc Hà: Công tác phòng ngừa, đấu tranh với TPCTC, tội phạm xuyên quốc gia thời gian qua được lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt với lực lượng Công an các cấp, đặc biệt là lực lượng CSHS. Vừa qua, Bộ Công an cũng đã tổng kết 5 năm thực hiện Kế hoạch 03/KH-BCA-C41 ngày 6-1-2014 của Bộ Công an và triển khai Đề án 2 về phòng ngừa, đấu tranh với TPCTC, tội phạm xuyên quốc gia.
Trong giai đoạn 5 năm (2014 - 2018) thực hiện Kế hoạch 03, lực lượng Công an toàn quốc đã triệt phá 11.767 băng nhóm, 56.355 đối tượng. Xác lập chuyên án triệt phá 2.734 băng nhóm; điều tra truy xét, mở rộng 5.367 vụ án do băng nhóm TPCTC gây ra; thực hiện đối sách nghiệp vụ làm tan rã 1.109 băng nhóm. Khởi tố 41.146 bị can; rà dựng hơn 2.800 băng nhóm để áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Riêng năm 2018, toàn quốc đã triệt phá 2.539 băng nhóm, 10.893 đối tượng; điều tra truy xét, mở rộng 1.832 băng nhóm; thực hiện đối sách nghiệp vụ làm tan rã 203 băng nhóm.
Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch 03 đã tạo những bước chuyển biến đáng kể đối với công tác đấu tranh phòng, chống TPCTC. Lực lượng Công an đã thể hiện được vai trò nòng cốt, trách nhiệm cao trong phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, TPCTC nói riêng. Chủ động xây dựng nhiều chuyên đề, kế hoạch đấu tranh, phòng ngừa TPCTC liên quan đến “tín dụng đen”, “núp bóng” doanh nghiệp...; xác lập, điều tra khám phá nhiều chuyên án, vụ án lớn triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm, tạo thế trận đồng loạt tấn công, trấn áp tội phạm, làm chuyển biến tình hình, góp phần lấy lại thế chủ động trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình thăm, chúc Tết Cục Cảnh sát Hình sự. |
Tuy nhiên, tình hình hoạt động của TPCTC, tội phạm xuyên quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, phương thức thủ đoạn tinh vi, đan xen, liên kết nhiều lĩnh vực, vùng miền, lãnh thổ, trên cả không gian mạng, với tính chất lưu động, lợi dụng công nghệ cao để gây án, che giấu tội phạm... hậu quả, hệ lụy của loại tội phạm này gây nên những thiệt hại đặc biệt lớn cho xã hội.
Năm 2018, Cục CSHS đã tham mưu Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, triển khai Đề án “Phòng, chống các loại TPCTC, tội phạm xuyên quốc gia” thuộc Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm trong giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 2) để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này.
Thời gian qua, một trong những vấn nạn gây bức xúc dư luận là hoạt động “tín dụng đen” cũng được thực hiện bởi các băng nhóm TPCTC và quy mô. Tuy nhiên, đấu tranh với loại tội phạm này còn gặp nhiều khó khăn. Xin đồng chí Cục trưởng cho biết các giải pháp giải quyết vấn đề này?
Cục trưởng Trần Ngọc Hà: Bản chất của “tín dụng đen” là quan hệ dân sự hình thành giữa bên cần vay tiền với bên có tiền cho vay, sự tin tưởng, đảm bảo dựa trên uy tín của hai bên và điều kiện ràng buộc.
Tuy nhiên, do quy định của pháp luật về vấn đề này còn nhiều bất cập, trình độ dân trí, sự am hiểu pháp luật dân sự liên quan của người đi vay, người cho vay hạn chế dẫn đến một số người lợi dụng hoạt động này để cưỡng đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản của nạn nhân và người liên quan.
Một số đối tượng sử dụng các hình thức đòi nợ, siết nợ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị hại, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, kéo theo nhiều loại tội phạm khác.
Nguyễn Đức Thành - nghi phạm cầm đầu tổ chức "tín dụng đen" Nam Long bị Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ tháng 11-2018 |
Có thể định nghĩa “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất cho vay mà pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Tình hình các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” thời gian qua diễn biến phức tạp, gắn với hoạt động có tổ chức và có xu thế tạo vỏ bọc hợp pháp dưới các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp để hoạt động.
Sau một thời gian bị lực lượng Công an các địa phương tập trung tấn công, trấn áp, các băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê có dấu hiệu chuyển ra các vùng ven, chuyển sang hoạt động không có cơ sở, địa điểm cụ thể mà biến tướng theo dạng câu kết với nhau hoạt động lưu động ở nhiều địa bàn, tỉnh thành khác nhau.
Đây là hệ lụy của nhiều nguyên nhân từ những sửa đổi, bổ sung, chưa hoàn thiện của pháp luật dân sự, hành chính, hình sự; những quy định chặt chẽ của hệ thống ngân hàng trong việc cấp tín dụng dẫn đến việc một bộ phận người dân chưa tiếp cận với nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng; sự phát triển của công nghệ hiện đại; sự tăng trưởng nóng của nhiều ngành nghề, địa bàn; sự diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm; sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan có thẩm quyền.
Công tác đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật thời gian qua gặp khó khăn, vướng mắc trong việc vào cuộc phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các Bộ, ngành, hệ thống pháp luật còn chưa được bổ sung, điều chỉnh và hướng dẫn đầy đủ, kịp thời dẫn đến tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thời gian qua gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Chính phủ, các ngành, các cấp, lãnh đạo Bộ Công an thời gian qua cũng đã quyết liệt đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn hoạt động của “tín dụng đen”, bước đầu đã có những tác động tích cực.
Tuy nhiên, để đẩy lùi “tín dụng đen”, thời gian tới cần một giải pháp đồng bộ, tổng thể của cả hệ thống chính trị mà nòng cốt trong đó là Bộ Công an, hệ thống ngân hàng, UBND các địa phương và cần cả điều chỉnh, bổ sung một số văn bản pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.
Mặc dù khó khăn, vướng mắc như vậy nhưng thời gian qua với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, các lực lượng Công an trong cả nước đã mở chiến dịch truy quét, triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”. Đồng chí Cục trưởng có thể cho biết kết quả ban đầu trong đấu tranh với loại tội phạm này?
Cục trưởng Trần Ngọc Hà: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSHS và Công an các địa phương đã triển khai kế hoạch tổng điều tra cơ bản, rà soát các cơ sở, cá nhân kinh doanh dịch vụ tài chính, cầm đồ, cho vay lãi nặng trên toàn quốc. Chỉ đạo lực lượng CSHS toàn quốc phối hợp với các lực lượng có liên quan để tổng kiểm tra hành chính, phát hiện những cơ sở, cá nhân kinh doanh dịch vụ tài chính, cầm đồ, đòi nợ có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Thời gian qua, lực lượng Công an toàn quốc đã triệt phá nhiều chuyên án, vụ án liên quan đến “tín dụng đen”.
Theo báo cáo của 38/63 Công an địa phương, lực lượng Công an đã tiến hành tổng điều tra cơ bản, rà soát, lên danh sách tất cả các băng nhóm, cơ sở kinh doanh, cá nhân có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nhằm quản lý và áp dụng các đối sách để xử lý. Theo đó, đã rà dựng được 374 băng nhóm, 2.035 đối tượng, 1.191 cá nhân, 3.810 cơ sở kinh doanh liên quan đến “tín dụng đen”. Trong năm 2018, Công an các địa phương đã xử lý 600 vụ việc, 394 đối tượng. Số vụ án và bị can bị khởi tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” năm 2018 là 34 vụ, 66 bị can gấp 242% số vụ, 174% số bị can so với hai năm 2017 và 2016 cộng lại, khởi tố 159 vụ án khác có liên quan đến “tín dụng đen”.
Năm 2019 chúng ta sẽ tiếp tục có các giải pháp đấu tranh với các băng nhóm tội phạm, đặc biệt là tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” như thế nào, thưa Cục trưởng?
Cục trưởng Trần Ngọc Hà: Phát huy kết quả đạt được của năm 2018, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSHS tiếp tục phối hợp Công an các đơn vị, địa phương và chỉ đạo hệ lực lượng CSHS tăng cường đấu tranh với TPCTC nói chung, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” nói riêng; triển khai thực hiện Kế hoạch Cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong đó đưa nội dung phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, đòi nợ thuê là một nội dung trọng tâm trong Kế hoạch triển khai Cao điểm.
Về giải pháp tổng thể trong năm 2019, Cục CSHS tham mưu lãnh đạo Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, nhằm huy động cả hệ thống chính trị tham gia phòng ngừa, đấu tranh với TPCTC cũng như tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.
Bộ Công an nói chung, lực lượng CSHS nói riêng sẽ vẫn tiếp tục đóng vai trò nòng cốt trong đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó tập trung vào các giải pháp đã và đang triển khai trong Đề án 2 về Đấu tranh phòng chống TPCTC, tội phạm xuyên quốc gia, trọng tâm là công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm tình hình địa bàn, quản lý đối tượng và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm triệt xóa các băng nhóm TPCTC liên quan đến “tín dụng đen”, phối hợp các ngành để tham mưu, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, tăng cường công tác kiểm tra hành chính các cơ sở kinh doanh cầm đồ, cho vay, đòi nợ, phát động phong trào quần chúng nhân dân bóc gỡ những tờ rơi quảng cáo liên quan đến “tín dụng đen”, thường xuyên tuyên truyền phương thức thủ đoạn của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Cục CSHS và Công an các địa phương sẽ tăng cường công tác xác lập các chuyên án, điều tra triệt phá các băng nhóm tội phạm hoạt động “tín dụng đen” để trấn áp, đẩy lùi hoạt động của “tín dụng đen”.
Xin cảm ơn đồng chí Cục trưởng!