Châu Âu lại có nguy cơ xảy ra khủng bố
Bởi trong cảnh báo, Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập tới các vụ tấn công gần đây tại Pháp, Nga, Thụy Điển và Anh, đồng thời cho rằng IS và Al-Qaeda có khả năng thực hiện các kế hoạch tấn công khủng bố tại châu Âu.
Do đó, công dân Mỹ cần nhận thức về các mối đe dọa tấn công khủng bố tiếp tục hiện hữu ở "lục địa già". Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ từng đưa ra cảnh báo tương tự bởi có nhiều dấu hiệu cho thấy, có thể sẽ xảy ra các nguy cơ tấn công, đặc biệt trước thềm những kỳ nghỉ lễ mùa hè.
Cảnh sát Italia tuần tra. |
Và cảnh báo sẽ hết hạn vào ngày 1-9, theo đó các trung tâm thương mại, tòa nhà chính phủ, khách sạn, câu lạc bộ, nhà hàng, nơi cầu nguyện, công viên, sân bay và các địa điểm công cộng khác đều có thể trở thành mục tiêu của khủng bố.
Cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra sau khi cảnh sát Italia bắt 6 đối tượng tình nghi theo chủ nghĩa phát xít mới và chuyên kích động bạo lực chống người nước ngoài. 6 đối tượng này bị bắt tại thành phố La Spezia và cảnh sát đã thu được nhiều tài liệu hướng dẫn chế tạo chất nổ, tài liệu tuyên truyền về chủ nghĩa phát xít mới tại một khu trại dã ngoại ở trong rừng.
Trước đó, lực lượng tác chiến đặc biệt (ROS) Italia đã bắt nghi can khủng bố người Maroc có biệt danh Saladin, 29 tuổi, tại thành phố Turin. Theo giới truyền thông, đối tượng này (luôn bày tỏ sự vui mừng trước các vụ tấn công khủng bố ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức, Pháp và Thụy Điển) sống bất hợp pháp ở Turin từ năm 2008, được coi là phần tử cực kỳ nguy hiểm và đang có âm mưu tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ở Italia.
Cảnh sát Italia bắt nghi can này sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cung cấp thông tin về kẻ từng sử dụng ứng dụng Zila để tiếp xúc với các phần tử khủng bố trên mạng Internet.
Hơn 1 tháng trước (30-3), cảnh sát Italia đã bắt 3 người đàn ông và 1 thiếu nữ (đến từ Kosovo) trong một chiến dịch chống khủng bố tại Venice và tịch thu nhiều tài liệu mang tính tuyên truyền cực đoan. Trưởng công tố Adelchi d'Ippolito dẫn lời cảnh sát cho biết, 4 người kể trên bị tình nghi có âm mưu cho nổ tung cây cầu Rialto tại Venice.
"Đặt bom dưới cầu Rialto tại Venice, bạn được lên thẳng thiên đàng", một trong những tên bị bắt đã tuyên bố như vậy. Ông Adelchi d'Ippolito cho biết, 4 tên này bị theo dõi từ năm ngoái và sau khi thấy chúng chuẩn bị động thủ, cảnh sát đã bắt chúng. Bộ trưởng Nội vụ Marco Minniti đã khen ngợi lực lượng cảnh sát ở Venice và gọi đây là "thành công quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn khủng bố".
Theo giới truyền thông, cộng đồng Hồi giáo ở Italia đã ký thỏa thuận với Chính phủ, trong đó cam kết phản đối mọi hình thức bạo lực và khủng bố. Đây là một thỏa thuận quan trọng bởi hiện Italia có từ 1 đến 2 triệu người theo đạo Hồi, chủ yếu thuộc các cộng đồng người nhập cư.
Tờ Der Spiegel vừa cảnh báo, hàng nghìn tay súng Taliban có thể đã xâm nhập vào Đức trong 2 năm qua bằng cách trà trộn vào dòng người tị nạn đến nước này. Theo số liệu của Văn phòng Di cư và Người tị nạn Liên bang Đức, 70 người đến từ Afghanistan đã bị cảnh sát điều tra, dù chưa có xác nhận về việc họ có phải là tay súng Taliban hay không.
Trong khi đó một Trung úy 28 tuổi thuộc quân đội Đức bị bắt hôm 26-4 ở thành phố Hammelburg, vì giả dạng người tị nạn Syria khi chuẩn bị tiến hành âm mưu khủng bố để đổ tội cho người nước ngoài.
Cảnh sát mới triệt phá thành công một âm mưu tấn công khủng bố trước cổng Đại sứ quán Nga tại Berlin. Theo tờ Sputnik News và tờ Bild am Sonntag, nghi phạm bị bắt khi bàn chuyện tấn công khủng bố Đại sứ quán Nga trên mạng xã hội và hắn định trà trộn vào đám đông biểu tình trước cổng Đại sứ quán Nga để thực hiện vụ tấn công nhằm gây nhiều thương vong.
Cảnh sát Bulgaria cũng vừa bắt 5 người Đức bị nghi có liên quan đến các hoạt động khủng bố - họ bị bắt khi đang cố gắng rời Bulgaria tại trạm kiểm soát Kapitan Andreevo trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Cảnh sát Bulgaria cho biết, 5 người này có những dấu hiệu cực đoan và từng ủng hộ một nhóm khủng bố hoạt động ở Syria và Iraq.
Từ 1-6, các hãng hàng không Đức sẽ bỏ luật yêu cầu phải có 2 người trong buồng lái của máy bay bởi không có lợi ích an ninh nào từ khi luật này có hiệu lực. "Luật 2 người" được ban hành năm 2015 sau khi cơ phó người Đức Andreas Lubitz cố tình điều khiển chiếc máy bay Airbus A320 của hãng Germanwings đâm vào dãy núi Alps (Pháp) khi đang trên hành trình từ Barcelona (Tây Ban Nha) về Dusseldorf (Đức), khiến 150 người trên máy bay thiệt mạng. |