Châu Âu vẫn bị người di cư "vây hãm"
Thông tin này được đưa ra sau khi người ta phỏng vấn 4 người di cư được cứu sống trong vụ tai nạn kể trên. Và những người được cứu đến từ Eritrea và Ethiopia cho biết, đã xảy ra vụ lật tàu từ 3 ngày trước ở ngoài khơi Libya.
Trong những ngày đầu năm 2017, UNHCR cho biết, đã có 226 người di cư thiệt mạng trên hành trình vượt Địa Trung Hải tới châu Âu và khoảng 2.300 người di cư tới được Italia. Theo cựu Thủ tướng Italia Mario Monti, những thách thức về an ninh và nhập cư mà Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt phải được giải quyết bằng một ngân sách khác lấy trực tiếp từ nguồn thu thuế quốc gia. Bởi EU đang có những nhiệm vụ mới phải giải quyết về nhập cư và an ninh.
Người tị nạn đi bộ dọc biên giới Macedonia-Serbia trong thời tiết giá lạnh. |
Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ bắt đầu bàn về ngân sách cải cách của EU cho giai đoạn sau năm 2020 trong năm nay. Tờ La Repubblica cũng vừa dẫn cảnh báo của cơ quan tình báo và cảnh sát Italia cho rằng, nước này đang đối mặt với nguy cơ bị tấn công bởi các tay súng thuộc IS hiện ở Albania. Thông tin này xuất hiện sau khi Tư lệnh Cảnh sát Franco Gabrielli tuyên bố, IS sẽ sớm tấn công Italia.
Ngày 15-1, Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Sobotka cho biết, số đơn xin tị nạn vào nước này trong năm 2016 tuy đã giảm hơn 50% so với năm 2015, nhưng con số này vẫn còn khá cao. Số người xin tị nạn vào Áo nói riêng và các nước châu Âu nói chung đã giảm mạnh trong năm 2016, sau khi hành lang Balkan bị đóng cửa.
Trước đó (13-1), Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố, tái khôi phục các trại tạm giam người di cư bất hợp pháp đến nước này. Đây là biện pháp đối phó với các vụ tấn công khủng bố như đã từng xảy ra tại châu Âu thời gian gần đây. Theo đó, khi có phán quyết của tòa đối với người di cư vào Hungary mà không có đầy đủ giấy tờ liên quan, họ sẽ lập tức bị đưa vào trại tạm giam của cảnh sát.
Động thái này của Hungary được coi là thách thức đối với chính sách của EU về người di cư. Ngày 10-1, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere và Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas đã công bố kế hoạch cải tổ an ninh của nước này sau vụ tấn công khủng bố bằng xe tải ở Berlin.
Kế hoạch này nhằm đối phó với các nguy cơ tấn công khủng bố do lực lượng Hồi giáo thánh chiến gây ra. Và một trong những biện pháp được đề cập là giam giữ những kẻ tiềm ẩn nguy cơ gây ra bạo lực.
Theo kế hoạch cải tổ, những người bị bác đơn xin tị nạn có thể bị tạm giữ tới 18 tháng trong thời gian chờ trục xuất, thay vì 3 tháng như hiện nay, nếu họ bị xác định có nguy cơ gây nguy hiểm cho xã hội.
Số vũ khí được đăng trên trang của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha. |
Ngày 16-1, hãng ANSA dẫn một nguồn tin chống tội phạm của Đức cho biết, từ tháng 11-2016, Anis Amri - nghi phạm khủng bố người Tunisia trong vụ đâm xe tải vào khu chợ Giáng sinh ở Berlin từng khẳng định, hắn có thể mua một khẩu Kalashnikov tại thành phố Naples của Italia mà không vấp phải bất cứ vấn đề gì. Và tên này "muốn chiến đấu vì niềm tin của hắn với bất cứ giá nào".
Ngày 16-1, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết, cảnh sát nước này vừa bắt giữ một đối tượng người Maroc ở thành phố miền Bắc San Sebastian, bị tình nghi cầm đầu một nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan chuyên tuyển mộ người sang Thổ Nhĩ Kỳ để IS đào tạo.
Trước đó, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt 2 đối tượng có những hành vi liên quan tới IS. 2 đối tượng này bị bắt tại thành phố Ceuta và chúng đã trải qua quá trình cực đoan hóa lâu, thuộc một nhóm đang âm mưu chuẩn bị tiến hành các hành động khủng bố.
Việc này diễn ra khi cảnh sát Tây Ban Nha phá đường dây buôn lậu vũ khí có chân rết ở châu Âu, và trong số 10.000 - 20.000 vũ khí vừa tịch thu có những loại đủ sức bắn hạ máy bay. Cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt 5 công dân nước này (4 nam và 1 nữ), có dính líu vào đường dây buôn lậu vũ khí phức tạp, hoạt động ở một số tỉnh thành như Cantabria, Girona và Vizcaya.
Tại hiện trường, cảnh sát còn phát hiện khoảng 80.000 euro tiền mặt. Giá trị của lô hàng này vào khoảng 10 triệu euro trên thị trường chợ đen. Tây Ban Nha khẳng định, sẽ tiếp tục trấn áp hoạt động mua bán vũ khí trái phép với sự phối hợp của cảnh sát châu Âu.
Giới chuyên môn cho rằng, việc phá đường dây buôn lậu vũ khí ở Tây Ban Nha là minh chứng cho thấy, châu Âu đã và sẽ còn tiếp tục khốn đốn với nạn buôn lậu vũ khí.