Chi nhánh Al-Qaeda tại Somalia đe dọa tấn công tổng lực nước Mỹ

02:09 25/03/2020
Shabab, Chi nhánh Al-Qaeda tại Somalia, chi nhánh quốc tế quan trọng nhất của tổ chức khủng bố này, đã có động thái đe dọa mới nhằm vào các lực lượng Mỹ tại Đông Phi và ngay cả trên đất Mỹ.


Đó là nhận định chung của các chỉ huy quân đội, lãnh đạo các cơ quan chống khủng bố cũng như những nhà phân tích thông tin tình báo.

Tuyên bố sẽ tấn công Mỹ khắp mọi nơi

Chỉ vài tháng gần đây, hai thành viên của Shabab đã bị bắt giữ khi đang theo học những lớp huấn luyện lái máy bay, một ở Philippines và một ở tại một nước châu Phi. Những người này bị buộc tội: "nghiên cứu những khả năng vô hiệu hóa các biện pháp an toàn hàng không  và cách thức cướp máy bay" bên cạnh "tội giả mạo giấy tờ tùy thân". 

Hai vụ bắt giữ này gợi lại những liên tưởng đáng lo ngại về vụ khủng bố 11-9, khi mà nhiều tên khủng bố cũng đã theo học các lớp lái máy bay đường dài trước khi thực hiện vụ tấn công. Những thành viên của Shabab cũng đang tìm cách sở hữu những tên lửa vác vai có xuất xứ từ Trung Quốc, đó là những đe dọa nguy hiểm đối với những chiếc trực thăng và các loại máy bay khác của quân đội Mỹ tại Somalia.

Nhóm khủng bố Shabab kiểm soát một phần lãnh thổ rộng lớn của Somalia.

Các chỉ huy quân đội Mỹ đã gia tăng các biện pháp phòng vệ tại các căn cứ trong vùng sau vụ tấn công của Shabab vào Manda Bay, Kenya vào tháng giêng vừa qua, vụ tấn công đã giết chết ba lính Mỹ và để lộ ra những lỗ hổng an ninh nghiêm trọng. 

Đây là vụ tấn công thứ hai liên tiếp, xảy ra chỉ sau một tuần lễ khi một chiếc xe tải chất đầy thuốc nổ đã nổ tung tại một ngã tư đông đúc ở Mogadishu (thủ đô Somalia) giết chết 82 người. Shabab đã lên tiếng nhận trách nhiệm của cả hai vụ tấn công này.

Vào cuối tháng 2 năm nay, Abu Ubaidah, thủ lĩnh của Shabab đã xuất hiện trên một video dài 52 phút trên mạng internet để kêu gọi mở những cuộc tấn công vào những người Mỹ ở tất cả mọi nơi họ có mặt và rằng tất cả những người Mỹ đều là "những mục tiêu hợp pháp". Lời tuyên bố này rất giống với lời tuyên chiến với Mỹ của Oussama Ben Laden được tung ra vào năm 1996.

"Shabab giờ đây là một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho Somalia, cho vùng Đông Phi và cho chính đất nước Mỹ", tướng Stephen J.Townsend, Tư lệnh quân đội Mỹ tại châu Phi, nhận định.

Nhóm khủng bố Shabab kiểm soát một phần lãnh thổ khá lớn của Somalia và có một nguồn lực tài chính dồi dào đến từ các nguồn thuế tại địa phương và những của cải cướp được. Bất chấp việc Mỹ gia tăng không kích, Shabab vẫn liên tục tiến hành các cuộc khủng bố đẫm máu không chỉ ở Somalia và còn ở những nước láng giềng như Kenya và Uganda. 

Trước mối đe dọa ngày càng tăng của nhóm khủng bố này, các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây đang rất lo lắng về sự an toàn của căn cứ quân sự của Mỹ ở Djibouti, căn cứ quân sự lớn nhất ở châu Phi với lực lượng đồn trú lên tới 3.500 người, cũng như sự an toàn của tuyến vận tải hàng hải đi ngang qua bờ biển của Yemen.

Trong một bản báo cáo đệ trình Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, cơ quan tình báo Mỹ đánh giá hiện nay khả năng để Shabab tổ chức những cuộc khủng bố ngay trên đất Mỹ vẫn còn thấp, nhưng nhóm khủng bố này đã tuyên bố công khai ý định muốn sát hại người Mỹ ở tất cả mọi nơi. 

Trong tương lai không xa, nguy cơ những vụ khủng bố dạng này sẽ đến từ những kẻ khủng bố "nằm vùng" ngay trên đất Mỹ. Tại các thành phố như Minneapolis, Columbus hay Ohio hiện có rất nhiều cộng đồng người Mỹ gốc Somalia trong đó có nhiều thành phần đã bị cực đoan hóa.

Ở thời điểm hiện tại, những mối đe dọa lớn nhất của Shabab với Mỹ chủ yếu vẫn đang là ở Đông Phi. Tháng 9 năm ngoái, một kẻ đánh bom tự sát đã làm nổ tung một chiếc xe tải chất đầy thuốc nổ ở lối vào của sân bay quân sự ở Bale Dogle, Somalia và làm bị thương một lính Mỹ. 

Theo báo cáo của Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, hiện nay  nhóm Shabab và các nhóm khác có liên quan đến Al-Qaeda dường như đã có sự phối hợp chặt chẽ khi đăng gần như đồng thời các thông điệp đe dọa Mỹ trên các mạng xã hội.

Chiến lược đáp trả của Mỹ

"Đây chính là những mối đe dọa mà chúng tôi đang phải đương đầu", trong một cuộc trả lời phỏng vấn bên lề cuộc tập trận chống khủng bố ở Mauritania hồi tháng trước, tướng Dagvin RM Anderson, chỉ huy các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ ở châu Phi cho biết. "Ý định của họ đã được nêu ra rất rõ ràng. 

Câu hỏi đặt ra là, liệu họ đủ khả năng lên kế hoạch, tài trợ và thực hiện các vụ tấn công vào người Mỹ ? Thời gian hành động sẽ vào lúc nào? Mỹ và các đồng minh cần phản ứng ra sao để có thể bẻ gẫy sức mạnh của họ".

Hiện tại có khoảng 500 lính Mỹ đóng quân tại Somalia. Phần lớn họ thuộc các lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Đóng quân tại một số căn cứ nằm rải rác trên cả nước, nhiệm vụ chủ yếu của họ là huấn luyện và cố vấn cho quân đội Somalia và liên quân chống khủng bố. Trong một số trường hợp đặc biệt, các lực lượng đặc nhiệm này cũng trực tiếp thực hiện một số chiến dịch tiêu diệt hoặc bắt giữ quân khủng bố .

Phương thức tác chiến chủ yếu được ưu tiên lựa chọn là những cuộc không kích  bằng máy bay không người lái. Hai tháng đầu năm nay Mỹ đã tiến hành 31 vụ không kích, gần gấp đôi so với cùng thời kỳ này năm ngoái. 

Các cuộc không kích gần đây đều tập trung vào các mục tiêu tại Jilib, cách Mogadishu khoảng 220 km về phía Nam. Đây là một trong các trung tâm chỉ huy đầu não của Shabab, nơi lên kế hoạch tổ chức các chiến dịch khủng bố ở bên ngoài Somalia. Những mục tiêu khác của các trận không kích là những căn cứ của Shabab như Jamame, Sakow, Bu'aale et Janaale.

Năm 2019, Shabab đã tuyên bố nhận trách nhiệm một vụ đánh bom ở thủ đô Mogadishu của Somalia làm 82 người chết.

Liên minh châu Phi cũng đã thành lập một lực lượng đặc biệt được gọi là Africom để hỗ trợ Somalia. Ngày 22/2 vừa qua, lực lượng này đã tiến hành một trận tập kích trong vùng phụ cận của Sakow và đã hạ sát được Bashir Mohamed Mahamoud một nhân vật cấp cao của Shabab, kẻ đã lên kế hoạch và chỉ huy cuộc tấn công hủy diệt ở Manda Bay mới đây.

"Nguy cơ ẩn chứa trong những lời đe dọa này là rất cao, cao hơn hẳn cách đây 8 tháng trước đây khi tôi đến với Africom. Điều đó giải thích vì sao chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng gần đây của các hoạt động chống đối", tướng Townsend phát biểu với báo chí sau buổi điều trần tại Hạ viện.

Nhóm khủng bố Shabab đã tuyên thệ trung thành với Al-Qaeda vào năm 2012. Nhưng trước đó các thành viên của nhóm này đã tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào Chính phủ Somalia được phương Tây hậu thuẫn với mục đích để áp đặt hệ tư tưởng Hồi giáo cực đoan lên toàn lãnh thổ Somalia. 

Để hỗ trợ cho những Chính phủ Somalia yếu ớt, Mỹ chủ yếu dựa vào các lực lượng ủy nhiệm, gồm hơn 20.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình, được thành lập dựa theo một thỏa thuận của Liên minh châu Phi. Những binh sĩ này chủ yếu đến từ Uganda, Kenya và một số nước Đông Phi khác.

Theo ước tính của cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây, quân số của Shabab tại Somalia dao động từ 5.000 đến 7.000 người, nhưng con số đó có thể còn rất xa với sự thực bởi hệ thống tổ chức của Shabab rất mềm dẻo, linh hoạt. 

Trong những năm gần đây, Shabab đã chứng minh cho thấy tổ chức này có khả năng chuyển đổi thành một lực lượng du kích và dễ thích nghi. Shabab cũng đã tự chế ra những quả bom tinh xảo, được cài đặt cả những thiết bị nổ ngẫu hứng.

Theo nhận định của Abdisaid Muse Ali, cố vấn an ninh quốc gia của Somalia: "Giờ đây, Al Shabab đã biết cách sử dụng mìn và các thiết bị nổ rất hiệu quả, biết cách lên kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công phức tạp nhắm vào các mục tiêu dân sự và quân sự, biết khéo léo ngụy trang để trốn tránh sự truy đuổi, chúng đang gia tăng các hành vi tống tiền và đe dọa trên khắp đất nước nhằm gây bất ổn tối đa cho Somalia và các nước láng giềng". 

Ali cũng cho rằng các lãnh đạo của Shabab đang muốn biến tổ chức này thành một tổ chức thánh chiến mang tầm vóc quốc tế thông qua những cuộc tấn công vào các quyền lợi của nước Mỹ ở khắp thế giới.

"Hiện tượng Al Shabab đã cho chúng ta thấy một khả năng phục hồi kiên định của tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Tổ chức khủng bố này đã bị mất đi nhà lãnh đạo, mất đi lãnh thổ và nguồn thu nhập, chúng cũng đã mất đi một số lượng lớn các chiến binh, nhưng chúng vẫn tiếp tục chiến đấu bằng cách thay đổi chiến thuật và chuyển hướng hoạt động sang các vùng lãnh thổ khác", Bruce Hoffman, một chuyên gia chống khủng bố tại Hội đồng các quan hệ đối ngoại nói.

Dương Quốc Tuệ (tổng hợp)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文