Chiến tranh tự động
- Những nỗ lực ngoại giao ngăn chặn chiến tranh
- Nguy cơ tái diễn Chiến tranh Lạnh giữa Nga và Mỹ
- Nguy cơ “chiến tranh mạng” do sử dụng camera “lạ”
Đứng đầu về công nghệ drone hiện nay không ai khác hơn chính là Mỹ. Nước này sở hữu rất nhiều dòng drone hiện đại và nguy hiểm, trong đó 2 dòng drone được xếp hạng chết chóc nhất là “Tử thần” (Reaper) và “Kẻ săn mồi” (Predator). Cả 2 dòng UAV này đều đã tham gia những cuộc chiến ở Trung Đông, là nỗi ám ảnh của kẻ thù không lực Mỹ, cũng như... thường dân ở những nước đó.
Tử thần và Kẻ săn mồi
MQ-1 Predator được biết đến như máy bay tấn công không người lái đầu tiên trên thế giới. Được phát triển vào đầu những năm 1990 cho nhiệm vụ trinh sát, Predator mang camera và các cảm biến khác nhưng đã được sửa đổi và nâng cấp để có thể mang 2 quả tên lửa AGM-114 Hellfire hoặc các loại đạn dược khác.
Trang bị động cơ Rotax và một cánh quạt, chiếc UAV này có thể bay xa 740km, lượn lờ trên không trong 14 giờ để bắn giết, sau đó trở về căn cứ của mình. Tốc độ bay của phi cơ đạt gần 220 km/h. General Atomics Aeronautical Systems (GA) giành được hợp đồng phát triển Predator vào tháng 1-1994. Chuyến bay thử đầu tiên thực hiện vào tháng 6-1996 tại sân bay El Mirage ở sa mạc Mojave.
Từ năm 2000, những cải tiến trong các hệ thống thông tin liên lạc đã giúp người ta có thể điều khiển UAV từ khoảng cách rất xa, không cần phải tiến tới gần để điều khiển Predator cất cánh bằng sóng radio trực tiếp nữa. Toàn bộ chuyến bay có thể được điều khiển bằng vệ tinh từ bất kỳ trung tâm chỉ huy và kiểm soát nào có các thiết bị phù hợp.
Trong các hoạt động bay của Predator, cần một phi hành đoàn ở trạm kiểm soát mặt đất gồm một phi công và 2 người điều khiển cảm biến. Máy bay được trang bị hệ thống nhắm mục tiêu đa quang phổ AN/AAS-52, một máy ảnh, một biến độ mở ống kính máy ảnh ngày và một máy ảnh nhiệt tùy biến khẩu độ (trong trường hợp ánh sáng yếu hoặc ban đêm). Tất cả Predator sau này đều được trang bị một thiết bị laser cho phép phi công xác định mục tiêu cho các máy bay khác và thậm chí dẫn đường bằng laser cho máy bay có người lái.
USAF đặt hàng tổng cộng 259 chiếc Predator và tính đến tháng 5-2014, còn 154 chiếc đang phục vụ. Kế hoạch ngân sách quốc phòng năm 2015-2017 cho thấy Mỹ sẽ dần thay thế các Predator bằng những chiếc Reaper, được cho là dòng kế thừa với những ưu điểm vượt trội. Hiện Mỹ đã bán Predator cho một số đồng minh thân cận.
MQ-9 Reaper được mệnh danh là dòng UAV chết chóc nhất, rất xứng đáng với danh xưng “tử thần”. Đây là một sự kế thừa từ các dòng Predator (trước đây nó có tên Predator B). MQ-9 là UAV săn lùng-bắn giết (hunter-killer) đầu tiên được thiết kế để vận hành lâu và giám sát trên cao. MQ-9 lớn hơn, nặng hơn và có nhiều tính năng hơn so với MQ-1 Predator; nó có thể được điều khiển bởi cùng hệ thống mặt đất dùng để kiểm soát MQ-1.
Reaper có một động cơ phản lực cánh quạt 950 mã lực (so với động cơ piston 115 mã lực của Predator). Sức mạnh lớn hơn cho phép Reaper mang nặng gấp 15 lần so với MQ-1 và bay nhanh hơn gấp 3 lần. General Atomics đã bắt đầu phát triển dòng Reaper từ dòng "Predator B-001". Nó có khung máy bay dựa trên khung của Predator chuẩn, nhưng có thân máy bay được mở rộng và cánh kéo dài từ 15m lên 20m. B-001 có tốc độ 410km/h và có thể mang 340kg lên độ cao 15.000m và lượn lờ trên đó suốt 30 giờ.
Phiên bản mới MQ-9 được trang bị camera cực tốt giúp người điều khiển có thể trông rõ biển số xe hơi ở khoảng cách 3,2km. Mệnh lệnh của phi công từ căn cứ ở gần Las Vegas sẽ mất 1,2 giây để truyền đến UAV qua kết nối vệ tinh. MQ-9 được trang bị 7 giá treo vũ khí, mỗi giá có thể mang tối đa 680kg, nhưng giá treo giữa bụng hầu như không bao giờ sử dụng. Nó thường bố trí 2 kiểu giá treo là 4 giá và 6 giá, chia đều 2 bên cánh, các giá treo lại phân làm các loại 4, 2 và 1 điểm treo vũ khí.
MQ-9 Reaper có thể mang theo hơn 1,1 tấn vũ khí và gần 600kg thiết bị. Khi chất đầy đạn dược, Reaper vẫn có thể hoạt động suốt 14 giờ. MQ-9 mang nhiều loại vũ khí bao gồm cả bom GBU-12 Paveway II dẫn đường bằng laser, tên lửa không đối đất AGM-114 Hellfire II, tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder hoặc AIM-92 Stinger, và bom GBU-38 JDAM cùng một số vũ khí khác.
Đến tháng 5-2007, Không quân Mỹ sở hữu 9 Reaper. Năm 2008, Phi đội New York Air National Guard 174 bắt đầu quá trình chuyển đổi từ máy bay chiến đầu có người lái F-16 sang MQ-9 Reaper, trở thành phi đội đầu tiên hoàn toàn dùng UAV cho không chiến. Đến tháng 12-2010, USAF có 57 chiếc và có kế hoạch mua thêm 272 chiếc khác.
Theo New America Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington thường xuyên theo dõi các vụ tấn công bằng UAV ở Pakistan cho biết, trong năm 2010, Mỹ đã thực hiện 122 phi vụ không kích bằng UAV, số người thiệt mạng ước tính 209-328 người.
Vũ khí mới của IS
Đầu tháng 10-2016, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã giết 2 chiến binh người Kurd trong một vụ nổ bằng máy bay điều khiển từ xa. Đây là một cách đánh mới và sẽ nhanh chóng lan rộng trong các tổ chức khủng bố. Taliban mới đây đã công bố một video quay cảnh dùng một UAS để đánh bom hủy hoại một đồn cảnh sát ở Helmand, Afghanistan.
Những vụ việc này cho thấy một sự tiến triển về bản chất của chiến tranh hiện đại. Dù không giỏi về công nghệ, không có thời gian và tiền bạc để nghiên cứu các loại drone như "Kẻ săn mồi" hay "Tử thần" của Mỹ, các nhóm khủng bố vẫn có thể sử dụng drone là các UAS dân dụng. Và mức độ nguy hiểm của chúng là không thể xem thường.
Những hàng hóa trên kệ siêu thị có thể trở thành vũ khí để chống lại quân đội của những nước hùng mạnh, theo Tiến sĩ Robert J. Bunker, thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược của Đại học Quân đội Mỹ. Trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, những lực lượng nổi dậy thường dùng những thiết bị phát nổ điều khiển từ xa (IED) như vũ khí chính. Theo USA Today, năm 2013, những thiết bị này gây ra 1/2-2/3 thương vong cho binh sĩ Mỹ trên chiến trường.
Đối với binh lính trên chiến trường, việc này cũng đồng nghĩa với việc hạ những thiết bị không người lái dân dụng đã trở thành một nhu cầu sống còn. Trước đây, binh lính thường phải cố gắng bắn hạ các thiết bị không người lái (UAS) bằng vũ khí thông thường. “Các lực lượng người Kurd phải làm điều đó suốt một thời gian qua”, Bunker nói.
Nhưng khi các cuộc xung đột chuyển đến những thành phố đông đúc, và khi IS bắt đầu gắn bom lên UAS, Bunker nói việc hạn chế thương vong đối với thường dân đã trở thành một ưu tiên, và việc bắn hạ chúng không còn là một lựa chọn. Có nhiều cách ứng phó. Bao gồm đào tạo diều hâu “bắt” UAS, đến dùng súng cannon bắn lưới lên trời, hoặc một loại súng trường có thể chiếm quyền kiểm soát thiết bị và buộc chúng hạ xuống đất.
Công nghệ “bắt” drone
Tuy nhiên, giải pháp cận tương lai có lẽ giống như thứ đang được dùng ở Phần Lan, nơi công nghệ chống drone được lắp ở những nơi quan trọng để ngăn chặn drone bay vào động cơ của máy bay thương mại, ngăn chặn tù nhân dùng các thiết bị bay điều khiển từ xa để phân phối ma túy và điện thoại, và phát hiện bất kỳ ai dùng drone để theo dõi các quan chức chính phủ.
Công ty đứng đằng sau công nghệ ở Phần Lan là Sensofusion, và theo Phó giám đốc hoạt động công ty, Kaveh Mahdavi, các chính phủ khắp nơi trên thế giới đang đến tham quan khu vực của công ty để xem công nghệ của họ hoạt động như thế nào.
Các thiết bị AIRFENCE của Sensofusion có thể phát hiện, vô hiệu hóa và chiếm quyền kiểm soát các UAS. Công nghệ này dùng 3 antenna có thể quét các sóng không mã hóa trên một khu vực rộng lớn, trong đó bao gồm nhiều thiết bị dùng sóng radio và các UAS. “Chúng tôi có thể quét tất cả những thứ đó”, Mahdavi nói, lưu ý sau khi phát hiện một UAS có dấu hiệu nguy hiểm, hệ thống của công ty có thể chiếm quyền kiểm soát và buộc nó hạ cánh.
Dĩ nhiên, công nghệ này vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại: có lợi cho an ninh nhưng có hại cho quyền riêng tư. Công nghệ quét nhiệt có thể xâm nhập sóng điện thoại và wifi, và nó cũng có thể dò ra địa điểm của thiết bị khi người chủ di chuyển.
Trong khi Mahdavi lưu ý công ty của ông không vi phạm luật vì được luật địa phương hỗ trợ, nhưng nó có thể phát hiện những điện thoại di động được các chủ UAS sử dụng, cho phép họ có thể xác định người sử dụng và cảnh sát có thể tiến hành bắt giữ nếu cần thiết.
Ông nói công nghệ này sẽ sớm có mặt khắp nơi, không chỉ vì các mối đe dọa từ các drone, nhưng vì các chính phủ ngày càng ứng dụng nhiều công nghệ thành phố thông minh. Thí dụ, nếu một tội phạm diễn ra, công nghệ có thể cho phép biết được số điện thoại nào đã ở đó, từ đó cảnh sát có thể tìm kiếm người tình nghi.
“Đối với tôi, điều này chắc chắn sẽ diễn ra. Vấn đề chỉ là thời gian”, Mahdavi nói.