Chính phủ Mỹ muốn gì khi quyết tâm giữ các mỏ dầu ở Syria?

07:09 06/11/2019
Ngày 2-11, đại diện quân đội Mỹ thảo luận với quan chức chính quyền người Kurd tại thành phố Qamishli về khả năng tái triển khai lực lượng ở đây.

"Người Mỹ muốn quay trở lại Qamishli. Họ sẽ triển khai một tiền đồn lớn ở thành phố", một người tham gia cuộc họp giữa đại diện Mỹ và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho biết. Đây là chuyến thăm thứ hai của đại diện quân đội Mỹ sau khi nước này tuyên bố rút quân khỏi Đông Bắc Syria.

Đại diện liên quân chống IS của Mỹ từ chối bình luận cụ thể về chuyến thăm và cho biết sẽ tiếp tục rút binh sĩ khỏi phía Bắc Syria. Các binh sĩ Mỹ sẽ được tái bố trí ở khu vực phía Đông Syria để bảo vệ các mỏ dầu và ngăn phiến quân IS chiếm lại chúng.

Ngày 31-10, một đoàn xe quân sự của Mỹ tuần tra tại thị trấn Qahtaniyah, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, nơi họ từng hoạt động trước tuyên bố rút quân. Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria cho biết Mỹ vẫn duy trì một căn cứ gần thị trấn Rmeilan, khu vực Đông Bắc Syria. Mỹ đã triển khai khoảng 10 thiết giáp M2A2 Bradley cùng vài chục binh sĩ thuộc Lữ đoàn cơ giới số 30 Vệ binh Quốc gia tới tỉnh Deir Ezzor, Syria để bảo vệ các mỏ dầu. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố quân đội Mỹ triển khai binh lính tại khu vực chiến lược này nhằm ngăn chặn IS tiếp cận các tài nguyên sống còn. “Chúng tôi sẽ sử dụng sức mạnh quân sự áp đảo để đối phó mọi lực lượng đe dọa an toàn của binh sĩ tại đó", Bộ trưởng Mark Esper nói.

Trong cuộc họp báo ngày 1-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết nước này triển khai binh sĩ tại Syria để bảo vệ các mỏ dầu. "Chúng tôi sẽ lùi lại và giữ các mỏ dầu. Những người khác có thể tuần tra biên giới Syria, hãy để Thổ Nhĩ Kỳ làm điều này. Họ đã chiến đấu suốt 1.000 năm", Tổng thống Trump nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định nguồn dầu mỏ ở Syria là ưu tiên với an ninh quốc gia Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng mong muốn đạt thỏa thuận với Exxon Mobil hoặc các công ty năng lượng khác nhằm khai thác dầu mỏ ở Syria. 

Ông Trump nói rằng dầu mỏ Syria rất có giá trị vì nhiều lý do. "Thứ nhất, đây là nhiên liệu tiếp tế của IS. Thứ hai, nó giúp cho người Kurd vì nó về cơ bản bị lấy đi từ người Kurd. Và thứ ba, nó có thể giúp chúng ta, vì chúng ta cũng nên có phần của mình", Tổng thống Mỹ tuyên bố.

Với sản lượng 385.000 thùng/ngày trước khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011, ngành công nghiệp dầu mỏ của Syria chiếm 25% tổng thu ngân sách của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad giai đoạn trước cuộc nội chiến. 

Syria từng có tương đối nhiều nhà đầu tư nước ngoài, từ các tập đoàn lớn như Total và Sinopec tới các công ty nhỏ như Gulfsands, hợp tác với Công ty Xăng dầu Syria (SPC) với các thỏa thuận chia sẻ sản lượng. Tuy nhiên, bạo lực gia tăng và các lệnh trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU) hồi cuối năm 2011 đã khiến hầu hết các tập đoàn dầu khí nước ngoài rời bỏ Syria.

Năm 2015, khi tổ chức Nhà nước nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát các giếng dầu, sản lượng dầu của Syria đã giảm 90% xuống còn khoảng 40.000 thùng/ngày. 

Tuy nhiên, đây vẫn là nguồn thu đáng kể bởi IS đã có thể "biến những thùng dầu thô thành tiền mặt" khi buôn lậu dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ, bán ra các thị trường địa phương, kể cả chính quyền Assad, thu về khoảng 500 triệu USD/năm, giúp tổ chức này có một nguồn tài chính vững chắc và trở thành tổ chức khủng bố giàu nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, tài nguyên dầu mỏ đã giúp IS chiêu mộ tân binh từ các nhóm phiến quân khác ở Syria và trên thế giới vì sẵn sàng trả lương cao.

Mỹ đưa quân trở lại Syria để giữ giếng dầu.

Cuối năm 2017, tổ chức khủng bố IS gần như bị đẩy hoàn toàn ra khỏi các khu vực chiếm đóng ở Syria. Nhưng người Kurd đã không trao trả các vùng lãnh thổ được giải phóng khỏi những kẻ khủng bố cho chính quyền trung ương Damas và quyết định tăng cường hợp tác với Mỹ. Ranh giới chia cắt giữa chính quyền Damas và lực lượng người Kurd là sông Euphrates. Phía Đông của dòng sông này do người Kurd chiếm đóng là nơi có nhiều mỏ dầu.

Giờ đây, khi IS đã bị đánh bại và lui về hoạt động bí mật, các mỏ dầu được chuyển giao cho Các lực lượng Dân chủ Syria (SFD) và người Kurd. Hiện sản lượng dầu của Syria đang được cho là vào khoảng 15.000-30.000 thùng/ngày. Dù vậy, đây sẽ vẫn là một nguồn tài chính quan trọng đối với SDF và người Kurd.

Theo các nhà quan sát, thực tế sản lượng dầu mỏ của Syria quá nhỏ với Mỹ. Nhưng Mỹ có một số lý do để duy trì lực lượng bám trụ tại các mỏ dầu nước này, trong đó điều quan trọng nhất được Washington nêu ra là sự hiện diện của lính Mỹ đảm bảo rằng các mỏ dầu này không rơi vào tay IS một lần nữa. 

IS vẫn còn hàng nghìn tay súng ở Iraq và Syria, cộng thêm một lượng lớn phiến quân đang bị giam trong các nhà tù do người Kurd kiểm soát. Kể cả khi IS không có khả năng "trở lại thời hoàng kim", các tay súng của tổ chức này vẫn có thể phá hoại các mỏ dầu, nguồn tài nguyên đáng giá nhất của Syria.

Một lý do quan trọng khác là với việc nắm trong tay các mỏ dầu, vốn là nguồn thu quan trọng nhất của chính quyền của Tổng thống Assad, Mỹ sẽ ở thế “trên cơ” để buộc Tổng thống Assad và Nga chấp nhận yêu cầu của Mỹ trong quá trình giải quyết chính trị cuộc xung đột Syria. 

Ngọc Trang

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文