Cho vay lãi nặng và những trò biến tướng của “tín dụng đen”

10:55 08/12/2020
Cho vay lãi nặng dưới hình thức “bốc bát họ”, thu nạp tay chân, đệ tử để chuyên đòi nợ thuê, khủng bố nếu con nợ không trả tiền đúng hạn, nhiều trùm cho vay lãi nặng trở thành nỗi ám ảnh với các con nợ. Nhưng vì cần tiền làm ăn họ vẫn cắn răng chấp nhận vay với lãi suất cắt cổ.

1.Sau một thời gian điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công anTP Hà Nội đã triệt phá đường dây cho vay lãi nặng dưới hình thức “bốc bát họ” với lãi suất “cắt cổ” ngay tại Hà Nội do đối tượng Nguyễn Trung Hiếu (còn gọi là Hiếu “chùa Vua”),trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội, cầm đầu. Các đối tượng trong ổ nhóm bị bắt gồm: Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Mạnh Quân (SN 1997); Tạ Đình Đăng (SN 1997); Cao Duy Hiếu (SN 1997); Đỗ Minh Hiếu (SN 1997); Trương Đình Đức (SN 1997) và Nguyễn Hoàng Hải (SN 1996) đều ở Hà Nội.

Hiếu “chùa Vua” sinh năm 1994. Mới 26 tuổi nhưng Hiếu nổi tiếng ở khu vực Hai Bà Trưng với thủ đoạn cho vay lãi "cắt cổ", kiểu đòi nợ khủng bố.

Theo cơ quan Công an, từ tháng 1-2019, Hiếu bắt đầu hoạt động cho vay dưới hình thức "bốc bát họ" với lãi suất 121,6%/năm. Khách hàng vay dao động từ 5 triệu đến 500 triệu đồng. Để mở rộng kinh doanh, Hiếu thuê các đối tượng là "đàn em" làm nhân viên cửa hàng. Hằng ngày từ 14h đến 19h, Hiếu giao cho đám đàn em đi tìm khách vay, xác minh thông tin khách, tìm khách để nhắc nhở nợ nần và thu tiền của khách vay. Toàn bộ số tiền này được chuyển qua hình thức chuyển khoản ngân hàng. Nếu người vay chậm trả hoặc không có khả năng trả, các "đàn em" của Hiếu sẽ thay nhau đến nhà để đòi tiền.

Bẫy cho vay lãi nặng luôn trực chờ người vay.

Để thu nạp những đệ tử trung thành, ngoài việc trả lương đều đặn 7-9 triệu đồng/tháng, Hiếu còn thưởng cho đám đệ tử thêm 5% trên tổng số tiền đòi được vào cuối năm để ăn Tết. Chính vì thế đám tay chân của Hiếu đều manh động, liều lĩnh, sẵn sàng khủng bố con nợ nếu không trả tiền đúng hạn.

Những khách hàng vay tiền, ngoài việc cho đám đàn em điều tra kỹ nhân thân, lai lịch, sở thích, khả năng tài chính để trả nợ, thì Hiếu còn hướng dẫn khách hàng điền thông tin cá nhân vào mẫu giấy vay tiền đã in nội dung sẵn có. Những tờ giấy vay tiền này đều có nội dung "trói" khách hàng vay và nếu họ không trả thì sẽ dễ dàng bị đưa vào hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Khi khách hàng trả tiền gốc, lãi tại nơi hoạt động của Hiếu thì có trách nhiệm nhận tiền đánh dấu xác nhận vào bảng kê các khách vay đã được in sẵn rồi đưa lại tiền cho Hiếu. Ngoài ra, khách vay còn thanh toán bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng đứng tên vợ của Hiếu. Những con nợ nào chậm trả tiền, sẽ được đám đàn em của Hiếu đêm ngày "hỏi thăm" gây sức ép bằng mọi thủ đoạn.

Phòng Cảnh sát hình sự xác định các đối tượng cho vay với lãi suất là 12 “ăn” 10, tương đương 3.333 đồng/triệu/ngày, tức 121,6%/năm. Số tiền gốc và lãi mỗi ngày các đối tượng thu về khoảng 60 triệu đồng với trên dưới 250 khách vay tiền. Khi con nợ nào chậm đóng tiền lãi hoặc có ý định "xù" nợ, Hiếu cho đám đàn em dùng đủ thủ đoạn để đến tận nhà, cơ quan gây sức ép, buộc con nợ phải xoay tiền để trả.

Trong số các nạn nhân, đau lòng nhất có lẽ là câu chuyện của chị N, trú tại Nguyễn Du, Hà Nội. Vợ chồng con trai chị N có vay của Hiếu vài trăm triệu đồng để làm ăn nhưng vỡ nợ. Lãi mẹ đẻ lãi con, từ số tiền vài trăm triệu đã nhân lên thành tiền tỉ, không còn khả năng trả nợ cho Hiếu.

Quảng cáo cho vay dán khắp nơi.

Sau nhiều lần gia đình bị khủng bố, chị N. đành cắn răng đứng ra nhận trả nợ thay cho con. Chị N.bán hết tài sản trong nhà, cả căn nhà nhỏ trong ngõ sâu bố mẹ để lại chị cũng bán, cả gia đình đi thuê trọ, hằng ngày bán trà đá lấy tiền trả nợ nhưng vẫn không đủ. Hiếu liên tục cho đàn em đến quán trà đá của chị N để khủng bố, đe doạ khiến chị nhiều lần phải muối mặt đi vay cả khách quen vài trăm đến vài triệu đồng đưa vội cho Hiếu. Ngày chị N mất đột ngột vì đột quỵ, Hiếu cho đồng bọn đến tận nhà, mở cả nắp quan tài chị ra… xem có phải chị giả chết để trốn nợ.

Tính chất hoạt động của ổ nhóm của Hiếu rất tinh vi, có sự phân công, tổ chức rõ ràng, cấu kết chặt chẽ với nhau. Khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ nhiều sổ sách, giấy tờ liên quan đến việc cho vay nợ cùng nhiều tài liệu, tang vật khác.

Cũng giống như Hiếu, Nguyễn Phú Cường (trú tại Hoài Đức, Hà Nội) cũng hoạt động tín dụng đen, cho vay với lãi suất cắt cổ dưới hình thức “bốc bát họ”. Để thực hiện hành vi của mình, Cường thuê nhà tạikhu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) làm nơi giao dịch, làm ăn của mình. Đối tượng tự quy định với người vay tiền mỗi "bát họ" từ 10 đến 30 triệu đồng, khi cho vay Cường cắt lãi luôn từ 1,5 đến 2 triệu đồng/1 "bát họ" (tương ứng với lãi suất vay từ 110% đến 146%/năm) và người vay trong vòng 30 ngày phải trả cho Cường đủ gốc, cũng như lãi vay.

Sau một thời gian theo dõi, xác minh, ngày 20-9, cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông (Hà Nội)đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Phú Cường về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Khám xét nơi ở của Cường, cơ quan Công an đã phát hiện và thu giữ 7 quyển sổ ghi chép việc cho vay tiền, cùng nhiều giấy tờ ghi nợ của Cường và nhiều người vay nợ.

Hiếu “chùa vua” và đồng bọn bị bắt.

Bước đầu cơ quan điều tra xác định từ năm 2019 đến nay, Cường thực hiện hành vi cho vay tiền với lãi suất cao dưới hình thức “bốc bát họ” cho khoảng hơn 200 khách vay tiền, với tổng số tiền khoảng 8 tỷ đồng.

Đầu tháng 7-2020, Công an quận Cầu Giấy cũng đã triệt phá đường dây “tín dụng đen” doTrần Minh Quang (sinh năm 1997, trú tại đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cầm đầu. Quang mua một trang web có tên miền là F98credit.vn dùng đăng tin cho vay tiền. Làm công cho Quang có ba đối tượng Ngô Văn Tráng (sinh năm 1999), Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1998), và Trần Quốc Tuấn (sinh năm 2004). Những đối tượng này chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ của con nợ, đòi tiền, gây sức ép.

Một trong những nạn nhân của Quang là chị Cao Thị Nhung, ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cuối năm 2019 vay của Quang 100 triệu đồng. Theo thỏa thuận, lãi suất là 5.000 đồng/triệu đồng/ngày. Chị Nhung phải trả lãi định kỳ 15 ngày một lần với số tiền 7,5 triệu đồng. Quang yêu cầu chị Nhung viết giấy nhận tiền với mục đích nhờ Quang mua hộ xe máy. Quang khai, thỏa thuận này giúp nhóm tín dụng đen không bị xử lý nếu bị Công an điều tra. Viết xong giấy nợ, Quang lấy luôn tiền lãi 15 ngày đầu và chuyển cho chị Nhung 92,5 triệu đồng. Mấy tháng đầu Nhung trả lãi đều đặn. Sau đó do khó khăn nên mất khả năng trả lãi, bị Quang liên tục gọi điện, nhắn tin đe dọa. Ngày 9-7-2020, Quang cho đàn em đến chỗ làm việc của chị Nhung yêu cầu trả tiền, liền bị Công an quận Cầu Giấy bắt giữ.

Một ổ nhóm tín dụng đen khác bị Công an triệt phá.

2. Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã liên tục tấn công các nhóm hoạt động cho vay lãi nặng theo kiểu “tín dụng đen”. Tuy nhiên, nhiều đối tượng vẫn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và những kẽ hở của luật pháp để hoành hành, khiến không ít người dân lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Trong các hợp đồng "tín dụng đen" sẽ có những điều khoản, phụ lục nhỏ mà người dân không hiểu ký vào, trong khi việc cho vay thấp hơn mức lãi suất ngân hàng và không cần tài sản đảm bảo rất có thể chỉ là mồi nhử trá hình.

Sự manh động của các đối tượng vi phạm pháp luật đang gây hoang mang trong xã hội, trong khi đó các quy định của luật pháp còn chưa chặt chẽ, chưa sát thực tế. Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất thỏa thuận giữa các bên cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Điều 201 của Bộ luật Hình sự 2015 quy định lãi suất hơn 100%, thu lời bất chính hơn 30 triệu đồng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định thì việc cho vay lãi quá 556 đồng/triệu đồng/ngày là vi phạm. Song hiện lãi suất “tín dụng đen” lên đến 300 - 700%/năm, tương ứng 5.000 đồng/triệu đồng/ngày nhưng vì các đối tượng tìm cách lách luật bằng những hợp đồng trong đó không ghi rõ mức lãi suất nên không dễ xử lý.

Hiền Trâm

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文