Chương trình người dân tố giác tội phạm của cảnh sát Mỹ
Đối với giới chức LAPD, ưu tiên hàng đầu là chống lại hệ tư tưởng bạo lực và cực đoan của một vài cộng đồng người Hồi giáo trong khu vực với nhiều thành phần dân tộc khác nhau: Yemen, Libya, Ai Cập, Somalia, Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ v.v…
Phần lớn những cộng đồng này đều liên kết chặt chẽ với quê nhà của mình. Lãnh đạo LAPD nhận định, mối đe doạ khủng bố chính là những tổ chức Hồi giáo bạo lực, như Al Qaeda, Hezbollah và Hamas; cùng với những yếu tố khủng bố khác như: những kẻ ly khai người da đen, những phần tử cực đoan theo thuyết chủng tộc da trắng ưu việt và những tên khủng bố nhân danh quyền động vật.
Lực lượng LAPD. |
Kịch bản tấn công đáng lo ngại là những nhóm nhỏ trang bị vũ khí hạng nhẹ tấn công nhằm vào nhiều mục tiêu cùng lúc và đồng bộ, như kiểu tấn công liên hoàn vào thành phố Mumbai của Ấn Độ năm 2008 giết chết 174 người tại 10 khu vực khác nhau. Cuộc tấn công kiểu Mumbai không tốn nhiều tiền, được thiết kế nhằm gieo rắc hoảng loạn khắp nơi và kích thích các phương tiện truyền thông đưa tin đồng loạt. Ngoài ra, kiểu tấn công bằng đánh bom ôtô như một vụ đã xảy ra ở Quảng trường Times (New York, Mỹ) cũng là một nguy cơ.
Mối đe doạ chính là nỗ lực của những phần tử Hồi giáo cực đoan nhằm kiểm soát những nhà thờ Hồi giáo ở Los Angeles với số tín đồ lớn hàng thứ hai ở Mỹ. Những phần tử Hồi giáo cực đoan được cho là cung cấp tài chính cho các nhà thờ Hồi giáo trong khu vực với điều kiện thầy tế những nơi này phải là người cực đoan và sau đó đe doạ nếu những lãnh đạo nhà thờ từ chối yêu cầu của chúng. Ví dụ trong một trường hợp, một lãnh đạo nhà thờ bị đe doạ với những lời lẽ "chúng tao biết cô cháu gái của ông ở đâu, học trường nào ở Pakistan, ông có muốn nó còn tiếp tục đi học không?".
Los Angeles là một trong vài thành phố lớn của nước Mỹ, mà ở đó lực lượng cảnh sát nổi tiếng với các chương trình thu thập thông tin tình báo chống khủng bố. Từ năm 2010, đơn vị tình báo của LAPD bắt đầu mở rộng chiến lược gọi là "săn tìm và truy đuổi", với những chuyên gia phân tách nghiên cứu dữ liệu được thu thập bởi cảnh sát và các mạng lưới người chỉ điểm kết hợp với mạng lưới dân thường cảnh giác để xác định các nhóm, hay những người lên kế hoạch tấn công khủng bố.
Sau đó, lực lượng cảnh sát sẽ hành động để phá vỡ những chiến dịch khủng bố. LAPD chủ yếu tập trung vào chương trình thâm nhập các cộng đồng Hồi giáo được thiết kế nhằm chống lại những động cơ khủng bố. Một sĩ quan cao cấp tiết lộ: Mục tiêu của LAPD cũng nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của người Hồi giáo trong bảo vệ an ninh nước Mỹ. Cảnh sát cũng gửi thông điệp rõ ràng đến những cộng đồng Hồi giáo rằng những hoạt động cùng với những sự phản đối trong hoà bình được hoan nghênh nhưng "phải chắc chắn rằng một khi bạo lực xảy ra thì chúng tôi sẽ phải đưa các bạn vào tù".
Giới chức LAPD hy vọng những cộng đồng Hồi giáo đồng thuận với cảnh sát chống lại những phần tử Hồi giáo cực đoan bạo lực, tôn trọng luật pháp nước Mỹ, và bắt đầu nói "Al Qaeda là gì? Chúng đại diện cho cái gì? Chúng giết người Hồi giáo còn nhiều hơn những người không Hồi giáo".
Một dấu hiệu thành công là sự chấp thuận của các cộng đồng Hồi giáo tham gia chương trình mật báo gọi là "iWatch" của LAPD nhằm khuyến khích mọi người tích cực báo cáo với cảnh sát về những âm mưu tấn công khủng bố đang chuẩn bị. Ban đầu giới lãnh đạo của những cộng đồng Hồi giáo chỉ trích chương trình IWatch, và họ đưa ra một số đề nghị được LAPD chấp thuận để chương trình nhận được sự ủng hộ rộng rãi giữa những tín đồ Hồi giáo yêu chuộng hoà bình và chống khủng bố.
Khi phát hiện hành động khả nghi, người dân có thể chuyển thông tin - bao gồm cả đoạn phim hoặc hình ảnh - lên hệ thống iWatch bằng điện thoại hoặc Internet. Trước đó, iWatch được cải tiến từ chương trình báo cáo các hành vi nghi ngờ khủng bố sử dụng trong nội bộ Sở Cảnh sát Los Angeles.
Chương trình iWatch gồm danh sách các loại hành vi khả nghi, như: mùi lạ, trang phục quá nặng nề hay quá rộng so với thời tiết, kẻ lạ mua hóa chất hay vật dụng có thể dùng để chế tạo bom, hay các dấu hiệu khác thường về an ninh trong vùng. Các nơi cần lưu ý bao gồm công sở, trường học, hệ thống vận tải hành khách công cộng v.v…
Ngoài ra, LAPD cũng tiến hành nhiều chương cải tổ trong lực lượng như sắp xếp lại đội ngũ, trong đó bao gồm những đơn vị cảnh sát đặc nhiệm SWAT, những nhóm hành động trực tiếp, củng cố sự hỗ trợ trên không, những nhóm phản công và những đội chuyên viên phá huỷ những chiếc ôtô gài bom.
Giới lãnh đạo LAPD kết luận: "Chúng tôi có trong tay một số trang thiết bị cực kỳ hiện đại. Nếu một cuộc tấn công khủng bố kiểu Mumbai xảy ra ở Los Angeles, nó sẽ không kéo dài hơn 60 giờ mà chỉ là 30 phút và cảnh sát sẽ nhanh chóng vô hiệu hoá bọn khủng bố".