Có một thị trường đen thiết bị gian lận thi cử

08:01 12/08/2020
Camera wifi siêu nhỏ, tai nghe siêu nhỏ, thiết bị định vị… là những thiết bị thường được dùng trong các công tác đặc biệt của các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên những thiết bị này lại đang được rao bán tràn lan trên mạng Internet cho các thí sinh chuẩn bị đi thi. Lực lượng chống tội phạm công nghệ cao vừa triệt phá hàng loạt đường dây...

Thiết bị ngày càng tinh vi

Đầu tháng 8-2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an phát hiện một đường dây mua bán các thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang để gian lận thi cử.

Trước đó, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phát hiện nhiều website như:  ca...com.vn, may...com... rao bán các thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.

Các thiết bị được đối tượng quảng cáo là “tai nghe siêu nhỏ kỹ thuật số dùng nghe lén, chơi bài, thi cử”, “camera 4g iPhone chụp đề rõ nét và tai nghe”, “camera 4g siêu nhỏ chụp ảnh đề thi siêu nét”... Những thiết bị này được ngụy trang dưới dạng đồ vật, vật dụng như bút, móc khóa, đồng hồ để bàn, đồng hồ đeo tay, cúc áo, sạc điện thoại, pin dự phòng để bí mật sử dụng, tránh sự phát hiện.

Phần lớn các thiết bị này đều hoạt động theo cơ chế truyền dữ liệu thu thập được qua sim điện thoại về các máy chủ ở nước ngoài. Người dùng có thể truy cập dữ liệu sau khi tải, chạy và kết nối với các ứng dụng trên các kho ứng dụng của Appstore và Google Play.

Đối tượng Trần Văn Tiến và thiết bị gian lận thi cử bị thu giữ.

Ngày 29-7-2020, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với các lực lượng chức năng và Đội QLTT số 12 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt quả tang Trần Văn Tiến (thường trú tại Hội Hợp, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đang rao bán thiết bị định vị được ngụy trang dưới hình thức USB cho khách hàng.

Tổ chức kiểm tra đã phát hiện, thu giữ tại nơi ở của Tiến có tới 23 mặt hàng với hàng trăm thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị ngụy trang dưới hình thức như hộp giấy ăn, đồng hồ, bút, USB, cúc áo...; trong đó, có một số loại thiết bị ghi âm, ghi hình được rao bán với tên gọi “dụng cụ thi cử” để phục vụ những người mua có ý định gian lận trong các kỳ thi.

Bước đầu, đối tượng khai nhận đã bán được hơn 100 thiết bị là camera, tai nghe ngụy trang tinh vi phục vụ gian lận thi cử. Toàn bộ các thiết bị đều không có hóa đơn chứng từ, không có giấy phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong vụ việc này loại tai nghe hạt đậu siêu nhỏ, hoạt động với cơ chế rất đơn giản. Theo đó, người sử dụng chỉ cần một chiếc sim điện thoại cắm vào thiết bị hỗ trợ thu phát. Khi có điện thoại từ bên ngoài gọi vào máy sẽ tự động kết nối tới tai nghe.

Ngoài ra, các đối tượng còn rao bán các camera siêu nhỏ. Với thiết bị này, người sử dụng có thể dễ dàng ngụy trang dưới dạng cúc áo. Khi hoạt động, camera này sẽ kết nối tới thiết bị phát Wifi (thiết bị phát Wifi có tầm phủ sóng trong bán kính 10-15m). Ở bên ngoài có sẽ sử dụng điện thoại thông minh có cài các ứng dụng tương ứng với từng loại camera để nhận tín hiệu hình ảnh truyền ra. Giá bán các thiết bị này dao động từ 2,5- 3 triệu đồng.

Cũng trong thời gian đầu tháng 8-2020, trinh sát Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội phát hiện trước thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, trên mạng Internet xuất hiện tình trạng công khai chào bán thiết bị công nghệ cao chuyên nghe lén.

Tai nghe siêu nhỏ dùng để gian lận trong thi cử.

Qua xác minh, cơ quan Công an đã làm rõ một trong những “đầu nậu” cung cấp mặt hàng này là Nguyễn Công Chốp (SN 1985, thường trú tại Kim Bảng, Hà Nam). Tại căn phòng thuê ở ngõ 612 đường Đê La Thành (quận Ba Đình, Hà Nội), Chốp thực hiện các video hướng dẫn cách sử dụng thiết bị công nghệ cao, chăm sóc khách hàng và cất giữ hàng. 

Ngoài ra, Chốp thuê nhân viên giao hàng là Đinh Văn Hải (SN 1999, thường trú tại Ninh Bình). Hải còn quản lý văn phòng ở ngõ 26 Nguyên Hồng (Láng Hạ, Đống Đa) cũng là nơi cất giấu các sản phẩm, thiết bị công nghệ cao.

Bước đầu, cơ quan chức năng lập biên bản xác định hơn 150 bộ sản phẩm không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Qua đấu tranh, Nguyễn Công Chốp và những người liên quan đã thừa nhận ý đồ kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Vụ việc đang được cơ quan chức năng lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Điều đáng nói là tháng 6-2016, Nguyễn Công Chốp cũng từng bị cơ quan chức năng xử lý phát hiện do có hành vi buôn bán thiết bị dùng gian lận thi cử. Thời điểm đó, khi kiểm tra nơi ở của Chốp, cơ quan Công an phát hiện, thu giữ rất nhiều dụng cụ, linh kiện điện tử phục vụ việc chế tạo tai nghe siêu nhỏ trên. 

Làm việc tại cơ quan Công an, Chốp thừa nhận mua bán các loại linh kiện để chế tạo tai nghe siêu nhỏ, sau đó rao bán, cho thuê trên các trang rao vặt. Chi phí chế tạo 1 bộ tai nghe chỉ 80.000 đồng. Khách hàng có nhu cầu liên lạc với Chốp qua điện thoại đặt hàng, sau đó Chốp mua linh kiện về chế tạo…

Có lẽ thấy kiếm tiền bằng “nghề” này quá dễ nên giờ đây Chốp lại trở lại nghề cũ.

Cách đây 5 năm, kỳ thi THPT năm 2015, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã phát hiện một vụ việc gian lận, sử dụng thiết bị tai nghe để đọc bài cho thí sinh trong phòng thi khi bắt quả tang 2 trường hợp Lê Thị Thùy Linh (SN 1995, sinh viên ĐH Quốc gia) và Trần Đức Cường (SN 1995, nhân viên bảo vệ của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), đang sử dụng thiết bị thu phát thông minh để giải đề thi môn Lịch sử, đọc lời giải vào phòng thi cho thí sinh Phạm Dương Long tại cụm thi số 3, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương.

Để thực hiện hành vi gian lận, Linh và Cường chọn địa điểm là một quán giải khát trên đường Trần Quốc Hoàn, sử dụng thiết bị công nghệ cao gắn vào điện thoại iPhone để đọc câu trả lời môn thi Lịch sử cho Long. Sau khi kết thúc phần thi, thí sinh Phạm Dương Long đã được mời về hội đồng trông thi của điểm thi trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương để xác minh.

Kiểm tra trang phục của thí sinh này, cơ quan Công an đã thu giữ chiếc áo phông Long đang mặc có gắn thiết bị thu phát trên cổ áo. Thiết bị này có gắn sim và hoạt động như một chiếc điện thoại di động, kết hợp với 2 tai nghe siêu nhỏ.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, tại điểm thi Trường THPT Quốc Oai (Hà Nội), các giám thị cũng bắt quả tang thí sinh T.V.C (sinh năm 1997), dùng thiết bị để thu phát âm thanh. Các cán bộ tại điểm thi đã lập biên bản ghi nhận hiện trạng, rồi giao thí sinh cùng tang vật cho Công an huyện Quốc Oai thụ lý.

Cơ quan chức năng kiểm tra một kho thiết bị gian lận trong thi cử.

Cần xử lý nghiêm những kẻ tiếp tay cho gian lận thi cử

Thông thường, càng gần thời điểm các kỳ thi quan trọng như thi THPT quốc gia, thị trường mua bán thiết bị công nghệ gian lận thi cử càng “nóng”. Việc sử dụng thiết bị công nghệ cao vào mục đích gian lận trong học tập, thi cử đã giúp cho các học sinh lười học “qua mặt” giáo viên, làm biến chất ý nghĩa của thi cử...

Thời gian gần đây trước sự kiểm tra, xử lý gắt gao của cơ quan chức năng, hiện các đối tượng không dám quảng cáo công khai về công dụng “phục vụ thi cử” của các loại tai nghe siêu nhỏ này, mà chỉ quảng cáo là thiết bị phục vụ nghe lén, thám tử; hoặc có thêm khuyến cáo rằng không nên sử dụng trong kỳ thi đại học. Thế nhưng, thực tế khi giao dịch, sẽ được các đối tượng hướng dẫn rất chi tiết việc sử dụng các thiết bị này trong phòng thi để không bị phát hiện. Giá cả các thiết bị này cũng rất đa dạng, từ vài triệu/bộ đến gần chục triệu/bộ.

Đặc biệt, hiện các đối tượng còn mở thêm dịch vụ cho thuê thiết bị để phục vụ “nhu cầu” gian lận của nhiều học sinh - sinh viên lười học, sử dụng trong các môn thi lý thuyết, các môn thi xã hội với nhiều kiến thức đòi hỏi học thuộc. Giá thuê từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/bộ/ngày.

Khi người thuê, mua có nhu cầu, liên lạc qua điện thoại sẽ có người mang thiết bị đến điểm hẹn. Do các đối tượng hoạt động mua bán chủ yếu trên mạng nên gây khó khăn cho cơ quan Công an trong việc phát hiện, xử lý.

Cơ quan Công an khuyến cáo, theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh sẽ bị đình chỉ thi khi mang theo phương tiện kỹ thuật, truyền tin, ghi âm, ghi hình, thiết bị chứa đựng thông tin có thể lợi dụng vào phòng thi. Thậm chí thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi trong tình trạng tắt máy cũng bị đình chỉ thi.

Đối với các đối tượng bên ngoài “giúp sức” cho thí sinh, khi bị cơ quan điều tra phát hiện, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Minh Khang

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文