Còn nhiều ẩn khuất trong vụ VN Pharma

15:25 26/10/2017
Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ VN Pharma gây sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi xung quanh phiên tòa này có khá nhiều chi tiết "hot" và cả những thông tin mâu thuẫn trong nội dung vụ án… Qua hai ngày xét xử, cho thấy xung quanh vụ án này còn khá nhiều điều ẩn khuất cần được làm rõ.


Đại diện Bộ Y tế tới tòa... để "né"

Điều đáng nói là các bị cáo được tại ngoại nên khi đến tòa trong buổi đầu phiên phúc thẩm, đa số có vẻ khá thoải mái.

Ở phiên tòa này, có ba nội dung thu hút sự quan tâm là tội danh của các bị cáo buôn lậu hay buôn bán hàng giả; trách nhiệm của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế; cá nhân, tổ chức nào đã nhận 7,5 tỷ đồng từ VN Pharma chi "hoa hồng". Đây cũng là những vấn đề chính trong văn bản kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đề nghị TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xem xét trong phiên xử phúc thẩm.

Qua hai ngày xét xử, diễn biến tại phiên tòa đã lần lượt hé lộ những bí ẩn quanh vụ buôn thuốc chữa ung thư H-Capita. Công ty cung cấp Helix Canada và người đàn ông Raymondo tưởng như rất "mờ ảo" trong phiên xử sơ thẩm đã dần lộ rõ trong phiên phúc thẩm. Cũng chính vì thế mà vụ việc này chưa có cái kết rõ ràng như dư luận mong đợi.

Điểm nổi cộm và gây nhiều tranh cãi trong vụ án này là lô thuốc H-Capita do Công ty VN Pharma nhập về là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng? Hành vi của các bị cáo là buôn lậu hay buôn bán thuốc giả?

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

Ở phiên xử sơ thẩm, đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại tòa và HĐXX đều cho rằng hành vi của các bị cáo là buôn lậu, lô thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả. Vì vậy, các bị cáo bị kết án về hai tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Nhưng tại bản kháng nghị, Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Tháng 12-2014, Bộ Y tế có quyết định thành lập Hội đồng giám định lô thuốc H-Capita với thành phần Hội đồng giám định gồm 10 người do ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược làm Chủ tịch hội đồng. Ông Đông là cấp dưới của ông Nguyễn Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược - người đã ký văn bản cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu lô thuốc H-Capita về Việt Nam.

Cục Quản lý dược là đơn vị cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu lô thuốc. Quá trình cấp phép có nhiều thiếu sót, sai phạm cần xem xét trong vụ án, nhưng đơn vị này lại tham gia giám định tư pháp chính lô hàng mà mình cấp phép "tai tiếng" trước đó là chưa đảm bảo tính khách quan.

Hội đồng giám định cũng kết luận lô thuốc H-Capita "chứa 97% hoạt chất capecitabine, là thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được dùng làm thuốc chữa bệnh cho người".

Theo đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, kết luận giám định của Bộ Y tế quá mâu thuẫn, không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của vụ án. Trong đó, kết luận giám định cho rằng thuốc H-Capita "không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người", nhưng thực tế các bị cáo nhập thuốc về Việt Nam với mục đích chữa bệnh ung thư cho người. Tuy nhiên, kết luận giám định lại cho rằng thuốc kém chất lượng mà không kết luận là thuốc giả.

Ngoài ra, Hội đồng giám định có 10 chuyên gia giám định nhưng trong biên bản chỉ có 7 chuyên gia ký tên, 3 chuyên gia còn lại không ký cũng không có đánh giá đạt hay không đạt. Hồ sơ đăng ký lô thuốc giả nhưng Cục Quản lý dược không phát hiện ra, Cục trưởng vẫn ký cho nhập khẩu lô thuốc là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.

Vì vậy, Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng cần thiết phải trưng cầu giám định lại để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Bởi kết luận giám định là một trong những chứng cứ quan trọng, làm cơ sở cho việc xác định tội danh của các bị cáo được chính xác, đúng pháp luật.

Đặc biệt, trong lần xét xử phúc thẩm, tòa đã triệu tập đại diện của Bộ Y tế và Bộ Công thương để làm rõ những vấn đề liên quan. Tuy nhiên, nhiều người tham dự phiên tòa cho rằng, sự có mặt của đại diện hai bộ này cũng như không, bởi vì cả hai người đại diện đều từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến những sai phạm của VN Pharma. 

Trong đó, đại diện Bộ Y tế là ông Giang Hán Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế phải trả lời một số câu hỏi chất vấn của HĐXX và đại diện Viện KSND, nhưng ông cho biết sẽ ghi nhận các câu hỏi để về trình lãnh đạo cấp trên chứ không trả lời tòa ngay được. Tương tự, đại diện Bộ Công Thương cũng từ chối trả lời trước tòa các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của bộ này trong vụ VN Pharma.

Điều đáng nói là sau lần xuất hiện chỉ để nghe, ghi nhận của Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế Giang Hán Minh chiều 19-10 thì ngày 20-10 lại không có đại diện nào của Bộ Y tế có mặt tại phiên tòa. Do đó, những thắc mắc liên quan đến Cục Quản lý dược và Bộ Y tế được xem là những thông tin vô cùng quan trọng có thể là "lời giải" cho vụ án VN Pharma đã không được giải đáp.

Dùng mọi thủ đoạn tạo tính hợp pháp cho lô thuốc

Theo đại diện Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, đầu năm 2012, bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc VN Pharma, đã đặt bị cáo Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C - người môi giới cho VN Pharma nhập lô thuốc H-Capita) mua thuốc H-Capita từ Canada về Việt Nam. Cường đã liên hệ với ông Raymundo (Giám đốc Công ty Helix Canada) để bàn bạc việc nhập thuốc để bán cho Hùng.

Do hồ sơ thuốc thiếu một số giấy tờ nên Hùng đã chỉ đạo nhân viên thuê dược sĩ Phạm Văn Thông (SN 1954, quê Hải Dương) viết hồ sơ, tiêu chuẩn thuốc. Dựa trên các hồ sơ này, Cục trưởng Cục Quản lý dược đã cấp phép cho lô thuốc về Việt Nam.

Đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hùng và các đồng phạm có mục đích thu lợi cao nhất khi mua thuốc về nâng khống giá lên để bán kiếm lời, bất chấp sức khỏe người bệnh. Cụ thể, bị cáo Hùng thừa nhận đã chỉ đạo nhân viên nâng khống lô thuốc giá từ 25 USD/hộp lên 75 USD/hộp để bán ra thị trường kiếm chênh lệch. Trước tòa, Hùng nhận hành vi tự nâng giá thuốc là sai và nếu bộ hồ sơ được xác minh là giả thì bị cáo nhận trách nhiệm của mình và mong tòa xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo…

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng.

Theo đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, các bị cáo đã dùng mọi thủ đoạn tinh vi tạo tính hợp pháp cho lô thuốc trị ung thư như ung thư trực tràng, ung thư đại tràng, ung thư vú… Các bị cáo còn có sự phân công rành mạch, sử dụng một loạt con dấu, giấy tờ giả để hợp pháp hóa hồ sơ cho lô thuốc. 

Đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nhận định cấp sơ thẩm chưa phản ánh đúng bản chất vụ việc. Nhiều vấn đề chưa được làm rõ, do đó cần phải điều tra để làm rõ bản chất vụ việc, làm rõ từng chi tiết để xử lý đúng pháp luật. 

Về số tiền được cho là chi "hoa hồng" cho các bác sĩ, đại diện Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, lô thuốc H-Capita do VN Pharma nhập về có giá trị hơn 5,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, các bị cáo khai nhận đã chi cho các bác sĩ để bán thuốc khoảng 7,5 tỷ đồng. 

Trong quá trình điều tra, bị cáo Ngô Anh Quốc, nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma, đã giao nộp cho cơ quan điều tra một số giấy biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho bác sĩ các bệnh viện mà VN Pharma cung cấp thuốc. Tổng cộng các hóa đơn này khoảng 7,5 tỷ đồng.

Tại quyết định kháng nghị, Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải điều tra, làm rõ xem số tiền này còn chi cho những lô thuốc nào. Vì nếu chỉ chi cho lô thuốc H-Capita thì không phù hợp vì tiền mua thuốc thấp hơn nhiều so với số tiền chi "hoa hồng".

Vấn đề này đã được vị chủ tọa phiên tòa chất vấn các bị cáo trong sáng 19-10. Trả lời HĐXX, bị cáo Ngô Anh Quốc cho biết: "Việc chi cho ai, chi bao nhiêu bị cáo không rõ. Chi cho lô thuốc nào bị cáo cũng không nắm được vì công ty bán rất nhiều hàng". Có thể thấy, câu trả lời này của Quốc khá mâu thuẫn, bởi chính Quốc đã giao nộp cho cơ quan điều tra các biên nhận chi tiền cho nhân viên phòng bán hàng để chi phí cho các bác sĩ.

Trong khi đó, bị cáo Hùng cho rằng, do mình bị bắt nên không biết chi 7,5 tỷ đồng cho những khoản nào. Tất cả những khoản chi của công ty chỉ phục vụ cho việc mua bán chăm sóc khách hàng, hoàn toàn không có việc VN Pharma dùng tiền chi cho các bác sĩ bệnh viện để tiêu thụ thuốc.

Một nội dung khá mới tại phiên phúc thẩm là bị cáo Võ Mạnh Cường đã yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ vai trò của ông Raymundo (Công ty Helix Canada) để minh oan cho chính mình. Cường cho rằng mình không biết rõ sự việc, bị cáo hoàn toàn tin tưởng vào Raymundo.

Sau đó, bị cáo Cường cung cấp cho HĐXX giấy phép hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định cấp giấy phép cho doanh nghiệp Helix Pharmaceuticals Inc. Bị cáo Cường cho rằng mình chỉ là người môi giới khi VN Pharma cần mua thuốc từ ông Raymundo. Về nguồn gốc thuốc thì bị cáo chỉ biết từ Helix Canada.

Theo bị cáo Cường, trong quá trình mua bán thuốc, bị cáo không có hành vi gian dối cũng như không hưởng lợi. Raymundo giao cho bị cáo con dấu của Công ty Helix Canada nên bị cáo hoàn toàn không biết con dấu này là con dấu giả.

Trong khi đó, theo kháng nghị của Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, kết quả điều tra cho thấy Công ty Helix Canada không có thực, mã số mã vạch trên hộp thuốc thu tại VN Pharma và Cục Quản lý dược, đem kiểm tra trên hệ thống mã vạch toàn cầu quốc tế cũng không tìm thấy bất cứ thông tin nào về công ty bán thuốc. Tương tự, các bị cáo khác trong vụ án một mực kêu oan, cho rằng chỉ biết làm công việc được giao, không hề hay biết là lô thuốc giả và không cố ý làm điều sai trái.

Trước đó, bản án sơ thẩm đã tuyên mức án cao nhất là 12 năm tù cho bị cáo Hùng và bị cáo Cường. Còn lại 7 bị cáo khác chịu các mức án từ 2 đến 5 năm tù. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, đại diện Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đề nghị TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.

Phú Lữ

Trong 11 tháng đầu năm 2024, số ca chết não hiến tạng ở Việt Nam tăng gấp đôi năm 2023. Kể từ ca hiến tạng từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam vào năm 2008, đây là năm đạt kỷ lục cao nhất về số người chết não hiến tạng.

Chiều 15/11, Công an huyện Thăng Bình (Quảng Nam) cho biết, đã chuyển hồ sơ cùng 2 đối tượng Hồ Xuân Tâm (SN 1998) và Bùi Vinh Quang (SN 1993, cùng trú xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình) đến Phòng ANĐT Công an tỉnh Quảng Nam để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi tàng trữ tiền giả.

Với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”, ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.

Trong lúc nam thanh niên cầm lái xe máy chở người cha ruột ôm hai bình rượu rắn đi giao cho khách hàng thì bị phát hiện. Khám xét nơi ở của đối tượng, cơ quan điều tra thu giữ thêm nhiều tang vật có liên quan, nhưng phải 4 tháng sau đó, khi có kết luận giám định từ cơ quan chức năng mới khởi tố vụ án và bị can.

Ngày 14/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Vũ Đình Kiên - Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Nam về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”

Ngày 15/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, quá trình đấu tranh mở rộng chuyên án “Tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng” liên quan đến đối tượng Shen Chia Chi (SN 1980, quốc tịch Đài Loan; tạm trú TP Hà Nội) mà Báo CAND đã đưa tin, đến nay cơ quan này đã khởi tố thêm 11 bị can.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文