Cuộc chạy đua lên Sao Hỏa tăng tốc

17:46 12/08/2020
Cuộc chạy đua lên Hành tinh Đỏ có vẻ như đang tăng tốc: chỉ trong khoảng thời gian từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8-2020, đã có 3 chuyến bay lên Sao Hỏa, tranh thủ lúc hành tinh này và Trái đất nằm cùng phía với Mặt trời, tức là nằm gần nhau nhất.

Nhân loại đã bắt đầu thám hiểm Sao Hỏa ngay từ thập niên 1960, nhưng cuộc chạy đua lên Hành tinh Đỏ có vẻ như đang tăng tốc: chỉ trong khoảng thời gian từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8-2020, đã có 3 chuyến bay lên Sao Hỏa, tranh thủ lúc hành tinh này và Trái đất nằm cùng phía với Mặt trời, tức là nằm gần nhau nhất. 

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng với nhau từ Biển Đông, Hồng Kông, cho đến thương mại, gián điệp công nghiệp, một “mặt trận” khác lại vừa được mở ra trong tháng 7-2020 giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới: Sao Hỏa

Chuyến bay đầu tiên lên Sao Hỏa của Trung Quốc

Ngày 23-7-2020, thêm một sự kiện đánh dấu lịch sử của ngành không gian Trung Quốc: Lần đầu tiên nước này phóng một phi thuyền không người lái và một robot lên Sao Hỏa. Phi thuyền mang tên Thiên Vấn-1 (Tianwen-1) sẽ bay khoảng 7 tháng, tức là sang năm 2021 mới đến hành tinh này. 

Tham vọng của Trung Quốc rất lớn: lần đầu tiên tự mình thực hiện tất cả những gì mà Hoa Kỳ đã làm trong nhiều chuyến bay lên Sao Hỏa từ thập niên 1960 đến nay. Có nghĩa là đặt phi thuyền lên quỹ đạo của Hành tinh Đỏ, đáp xuống đây, rồi từ phi thuyền này một robot được điều khiển từ xa sẽ tiến hành các phân tích trên bề mặt Sao Hỏa.

Robot nặng hơn 200 kg, được gắn 4 tấm pin Mặt trời và 6 bánh xe, theo dự kiến sẽ hoạt động trong 3 tháng trên Hành tinh Đỏ, để phân tích bề mặt, bầu khí quyển, chụp ảnh, lập bản đồ của hành tinh này và tìm dấu vết của sự sống trước đây. Về việc này, Trung Quốc đã có nhiều kinh nghiệm, vì họ đã từng đưa hai robot lên Mặt trăng, Thỏ Ngọc-1 và Thỏ Ngọc-2, vào năm 2013 và năm 2019.

Theo nhà thiên văn học Jonathan McDowell tại Trung tâm Thiên văn học Harvard-Smithsonian, với hai robot Thỏ Ngọc, coi như Trung Quốc đã tập dượt trước, vì bề mặt của Mặt trăng và Sao Hỏa rất giống nhau. Có điều Sao Hỏa nằm xa hơn Trái đất rất nhiều so với Mặt trăng, chuyến du hành càng dài thì nguy cơ hỏng hóc máy móc càng cao và việc liên lạc viễn thông với Trái đất sẽ chậm hơn nhiều.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 5 mang theo Thiên Vấn-1 rời bệ phóng trên đảo Hải Nam vào trưa 23-7.

Thật ra, Trung Quốc đã từng muốn phóng một phi thuyền lên Sao Hỏa vào năm 2011 trong một chuyến bay chung với Nga, nhưng ý định này đã không thành. Tên lửa đẩy của Nga đã không thể bay đến quỹ đạo trung chuyển lên Sao Hỏa, toàn bộ các thiết bị đã rơi trở lại Trái đất và một phần bị phân rã trong bầu khí quyển. Sau thất bại đó, Bắc Kinh quyết định sẽ một mình thám hiểm Hành tinh Đỏ.

Trước mắt, như ghi nhận của Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard - Smithsonian, Hoa Kỳ, được AFP trích dẫn ngày 23-7-2020, đây rõ ràng là một sự kiện quan trọng đối với Trung Quốc, vì lần đầu tiên họ đi xa đến như thế trong Thái Dương Hệ. 

Chen Lan, nhà phân tích của trang mạng GoTaikonauts.com chuyên về các chương trình không gian Trung Quốc, nhấn mạnh nếu chuyến bay Thiên Vấn-1 thành công, đây sẽ là lần đầu tiên một phi thuyền và một robot tự hành không phải là của Mỹ hoạt động trên Sao Hỏa.

Cuộc chạy đua lên Sao Hỏa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ khiến người ta liên tưởng đến cuộc chạy đua vào không gian giữa Mỹ và Liên Xô vào thời gian chiến tranh lạnh. Nhưng thực sự Bắc Kinh nhắm mục tiêu gì khi phóng phi thuyền lên Hành tinh Đỏ? 

Theo Carter Palmer, chuyên gia về không gian của công ty Mỹ Forecast International, được hãng tin AFP trích dẫn, mục tiêu của Trung Quốc cũng giống như nhiều cường quốc không gian khác: Nâng cao hiểu biết của nhân loại về Sao Hỏa. Mặt khác, thám hiểm không gian còn là một niềm tự hào dân tộc. Qua việc nâng cao khả năng thám hiểm không gian, Bắc Kinh cũng gia tăng ảnh hưởng chính trị và vị thế trên trường quốc tế.

Trung Quốc đang đầu tư hàng tỷ đô la vào chương trình không gian của họ với hy vọng bắt kịp châu Âu, Nga và Hoa Kỳ. Thậm chí, họ còn dự trù lắp ráp một trạm không gian lớn từ đây đến năm 2022 và trong khoảng một chục năm nữa sẽ cố gắng đưa phi hành gia lên Mặt trăng.  

Tìm bằng chứng sự sống trên Sao Hỏa    

Mỹ là cường quốc không gian hàng đầu thế giới, vì thế Sao Hỏa vẫn là một mục tiêu dài hạn. Ngày 30-7-2020, NASA đã phóng lên Sao Hỏa xe tự hành tinh vi nhất của họ, một chiếc xe lớn có 6 bánh, mang tên Perseverance (Kiên trì), để cố tìm ra những bằng chứng là cách đây 3 tỷ rưỡi năm đã có đầy những vi khuẩn sống trong các con sông trên Hành tinh Đỏ, tức là ở đây đã từng có sự sống. 

Chuyến du hành từ Trái đất đến Sao Hỏa của Perseverance sẽ kéo dài hơn 6 tháng và nếu đáp xuống mà không bị trục trặc gì, xe tự hành này sẽ ở lại đây trong suốt nhiều năm để thu thập và đóng gói nhiều mẫu đá mà sau này sẽ được một robot khác đem về Trái đất vào năm 2031.

Như vậy, Perseverance tiếp nối công việc của 4 xe tự hành, tất cả đều là của Mỹ, đã từng đáp xuống Sao Hỏa và đã giúp cho chúng ta hiểu được Hành tinh Đỏ trước đây không phải là một hành tinh khô cằn và lạnh giá như hiện nay, mà trên đây đã từng có nước, có các hợp chất hữu cơ và một bầu không khí thuận lợi cho sự sống. Chỉ có điều, theo các nhà khoa học, sự sống trên Sao Hỏa đã không có đủ thời gian phát triển thành những dạng phức tạp hơn trước khi hành tinh này trở nên khô cằn.

Trong số 4 xe tự hành mà Mỹ đã phóng lên Sao Hỏa (Pathfinder, Spirit, Opportunity và Curiosity), hiện Curiosity vẫn còn hoạt động. Mặc dù đang có dịch COVID-19 nhưng NASA đã vẫn cố giữ nguyên lịch trình phóng Perseverance lên Sao Hỏa, một chuyến bay tốn kém đến 2,7 tỷ USD. Cứ khoảng 26 tháng, Trái đất và Sao Hỏa lại nằm cùng một phía với Mặt trời, khoảng thời gian lý tưởng để thực hiện chuyến bay lên Hành tinh Đỏ, một cơ hội không thể bỏ lỡ.

Nặng gần 1 tấn, Perseverance được gắn 19 camera, hai micro và một cánh tay robot dài 2 mét, mang theo những công cụ như máy chiếu tia laser và tia X. Trên xe tự hành này còn có một trực thăng tí hon nặng 1,8 kg, mang tên Ingenuity. Nếu thành công, Ingenuity sẽ là trực thăng đầu tiên bay trên một hành tinh khác. Theo dự kiến, Perseverance sẽ đáp xuống Sao Hỏa ngày 18-2-2021.

Máy bay trực thăng tự hành Ingenuity đi kèm với Rover. Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, một chiếc máy bay đã bay trên một thế giới khác.

Tham vọng không gian của UAE

Nhưng không chỉ có các cường quốc không gian như Mỹ, Nga, Trung Quốc hay EU, mà nhiều nước nhỏ nay cũng có tham vọng chinh phục Hành Tinh Đỏ. Al-Amal (Hy Vọng), đó là tên phi thuyền đầu tiên của một nước Arab bay lên Sao Hỏa. Phi thuyền không có người lái của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã cất cánh ngày 20-7-2020 từ trung tâm không gian Tanegashima (Tây Nam Nhật Bản), sau hai lần bị đình hoãn vì lý do thời tiết xấu.

Phi thuyền Al-Amal, nặng 1.350 kg, sẽ bay trong 7 tháng, vượt qua đoạn đường dài 493 triệu km để đến Sao Hỏa vào tháng 2-2021, vừa kịp lúc để đánh kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất 7 tiểu vương quốc Arab. Sau đó, Al-Amal sẽ ở trên quỹ đạo trong suốt một năm Sao Hỏa, tức là 687 ngày. 

Theo bà Sarah al-Amiri, Bộ trưởng Các công nghệ tiên tiến của UAE, nhiệm vụ của Al-Amal là giúp các nhà khoa học nắm tường tận những thay đổi khí hậu của Sao Hỏa trong cả một năm. Hiểu được các bầu khí quyển của các hành tinh khác sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về khí hậu Trái đất.

Khác với các cường quốc không gian như Trung Quốc, cũng phóng phi thuyền lên Sao Hỏa trong cùng thời gian, UAE dựa vào hợp tác quốc tế để giúp họ thực hiện chương trình này. Trong khi đó chương trình Sao Hỏa của Trung Quốc hoàn toàn tự lập, họ sử dụng tên lửa riêng và tự chế tạo phi thuyền bằng những phương tiện của họ. Nhưng họ trình bày chuyến bay này như là một sự đóng góp của khối Arab vào khoa học không gian, trong sự trở lại sân khấu quốc tế, ngành khoa học các nước Arab đã chọn con đường khám phá thế giới của ngày mai.

Chính Trung tâm Không gian của UAE đã phát triển một phần các dụng cụ trên phi thuyền dưới sự chỉ đạo của Mỹ. Mặc dù chịu nhiều áp lực, các kỹ sư của nước này đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong một thời gian rất ngắn để cho phi thuyền bay đến quỹ đạo Sao Hỏa kịp với thời điểm kỷ niệm 50 năm thống nhất các tiểu vương quốc Arab. Họ không được phép phạm sai lầm vì nếu bỏ lỡ cơ hội trong khoảng thời gian mà Sao Hỏa nằm gần Trái đất, thì sẽ phải đợi thêm 2 năm rưỡi nữa.

Việc UAE phóng phi thuyền lên Sao Hỏa có phải là một kiểu “trưởng giả học làm sang”? Không hẳn như thế, vì đây là những chuyến bay nhằm mục đích nghiên cứu  khoa học cơ bản, để tìm hiểu trước đây đã có sự sống trên Sao Hỏa hay không, khí hậu trên hành tinh này ra sao, bầu khí quyển Sao Hỏa phản ứng lại với gió Mặt trời như thế nào. 

Những chuyến bay này tuy tốn kém, nhưng chi phí không phải là lớn quá mức, hơn nữa lại được trải dài nhiều năm, không phải một sự phung phí. Chuyến bay lên Sao Hỏa cũng là dịp khơi lại lòng tự hào dân tộc và biết đâu qua đó có thể thu hút thế hệ trẻ đến với nghiên cứu không gian. Tương tự như các chuyến bay của Appollo ở Mỹ trước đây đã lôi cuốn công chúng trở lại với khoa học kỹ thuật, và nhiều người đã chọn đường nghiên cứu khoa học, không nhất thiết chỉ trong ngành không gian.

UAE là một quốc gia dầu hỏa giàu có của vùng Vịnh và hiện đã có mặt trong không gian với 9 vệ tinh nhân tạo đang hoạt động trên quỹ đạo và cộng thêm 8 vệ tinh nhân tạo dự trù sẽ được phóng. 

Vào tháng 9-2019, Hazza al-Mansouri đã là phi hành gia đầu tiên của UAE bay lên không gian trên phi thuyền Soyouz và cũng là công dân đầu tiên của khối Arab làm việc trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Tham vọng của quốc gia vùng Vịnh này không dừng ở việc phóng một phi thuyền không người lái lên Sao Hỏa, mà họ còn dự tính đưa người lên sống trên hành tinh này từ đây đến năm 2117. 

Trước mắt, UAE sẽ xây dựng một thành phố khoa học tại vùng sa mạc gần thủ đô Dubai, để mô phỏng các điều kiện sống trên Sao Hỏa, từ đó phát triển các công nghệ cần thiết để con người lên định cư trên hành tinh này. UAE cũng đang chuẩn bị các dự án khai thác quặng mỏ và du lịch không gian. Họ đã ký một hiệp định với Virgin Galactic, công ty du lịch không gian của nhà tỷ phú người Anh Richard Branson.

Minh Trang (theo RFI)

Những ngày này, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội nơi có Nhà thờ Lớn đón rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi và đón lễ Giáng sinh. Nhằm đảm bảo cho nhân dân được đón lễ Giáng sinh, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an ninh, an toàn, Công an phường Hàng Trống đã lập kế hoạch, tham mưu cho Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính quyền địa phương tổ chức các phương án phân luồng giao thông và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc vào cuối năm 2025 hoặc giữa năm 2026, với một kịch bản tiêu cực cho Ukraine, trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bất ngờ đề cập đến việc sẽ sớm trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột này.

Tối 23/12, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT) cho biết, Tổ công tác của đơn vị làm nhiệm vụ tại Km188 (Khu vực Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) vừa kịp thời dùng ô tô đặc chủng đưa 1 cháu bé đi cấp cứu.

Tối 23/12 (giờ địa phương), tân Thủ tướng Pháp François Bayrou đã chính thức công bố thành phần nội các mới sau hơn 2 tuần kể từ khi được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm. Ông François Bayrou bày tỏ tự hào và tin tưởng vào một chính phủ được xây dựng hướng tới sự cân bằng với kinh nghiệm trong việc hòa giải và khôi phục niềm tin với tất cả người dân Pháp.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文