Dân nghiện ma túy đầu thú vì sợ chết
- "Quý bà" nhập cảnh với hơn 4kg ma túy xách tay
- Băng đảng Sinaloa "báo thù" cho trùm ma túy Joaquin Guzman?
- Game thủ buôn ma túy bằng đường... phát chuyển nhanh
Vấn nạn quá thiếu cơ sở cai nghiện
Các quan chức nói họ đang có hai mặt trận chống ma túy. Một số đơn vị cảnh sát truy bắt “những mục tiêu giá trị cao” bị nghi buôn bán ma túy số lượng lớn. Nhiều cuộc khám xét có kết quả là nghi phạm bị bắn chết. Mặt trận thứ hai là vận động người nghiện và bọn bán lẻ ma túy ra đầu thú.
Trên toàn quốc, cảnh sát phối hợp với quận trưởng để lập danh sách nghi phạm. Tiếp đó họ đến từng nhà, yêu cầu bọn bán lẻ và người nghiện trình diện chính quyền. Tại vài quận, cảnh sát còn hát nhạc đạo để trình bày yêu cầu, theo người phát ngôn Cảnh sát quốc gia cho biết. Ở các quận khác, họ dùng loa và phát tờ rơi.
Chiến dịch chống ma túy hiện nhận được sự ủng hộ của đa số dân Philippines, kể cả người nghiện đã ra đầu thú. Nhưng Chính phủ Philippines lại đang chứng minh họ hoàn toàn không sẵn sàng giúp đỡ làn sóng người đầu thú đã hứa từ bỏ chơi ma túy, khiến rất nhiều người phải tự cai nghiện. Các cơ sở cai nghiện ma túy sơ sài bị quá tải, tạo ra một cuộc khủng hoảng mới cho Tổng thống Duterte, vào lúc ông quyết tâm theo đuổi chiến dịch bạo lực để xóa sạch bọn buôn ma túy ở Philippines.
Chính phủ cũng ráo riết mở rộng các cơ sở cai nghiện ma túy với những biện pháp bảo vệ an ninh. Toàn Philippines chỉ có không quá 50 cơ sở cai nghiện ma túy và hầu hết đều đã kín người cai nghiện. Philippines cũng thiếu bác sĩ có thể đáp ứng nhu cầu của người bệnh, thiếu cả các nhà tư vấn cai nghiện ma túy giỏi.
Chính phủ Philippines đang xây những trung tâm cai nghiện ma túy ở các căn cứ quân sự, tổ chức các cuộc hội thảo để hướng dẫn kỹ thuật cai nghiện cho người nghiện, theo Tiến sĩ Bernardino Vicente, một bác sĩ tâm lý vừa được giao nhiệm vụ chỉ huy một tổ đặc nhiệm phụ trách phát triển một kế hoạch tầm quốc gia.
Vị bác sĩ cũng là lãnh đạo Trung tâm Sức khỏe tâm thần quốc gia, một trong những cơ sở chữa trị tâm thần lớn nhất Philippines. Ông nói: “Đột nhiên chúng tôi bị tràn ngập người cai nghiện. Đấy là một cuộc khủng hoảng. Nhưng cùng lúc, chúng tôi tranh thủ lợi thế từ cuộc khủng hoảng này để giúp người cai nghiện”. Ông cho biết sẽ phải tốn nhiều tỉ USD để chữa trị những người nghiện ma túy ra đầu thú.
Người ra đầu thú hy vọng bằng cách này, họ sẽ được tha thứ. Nhưng không hẳn như thế. Cảnh sát nói khoảng 15.000 người đã bị bắt, bị đưa đến các nhà tù đã chật kín phạm nhân, ngay sau khi họ đầu thú. Người ra đầu thú cũng bị bắn chết ngay trên đường phố. Melvin Odicta là một tay buôn ma túy có biệt danh “Rồng”, đã đầu hàng cảnh sát hồi cuối tháng 8 vừa qua và được thả. Nhưng 3 ngày sau, “Rồng” cùng cô vợ Meriam bị một kẻ giấu mặt bắn chết tại một bến phà. Cảnh sát phủ nhận sự dính líu vào vụ giết người này.
Cai nghiện bằng cách tập nhảy múa !
Dù vậy, đối với nhiều người nghiện ma túy, cuộc chiến chống ma túy của chính phủ Tổng thống Duterte là một chương trình “bắt rồi thả”. Quan chức chính quyền địa phương và cảnh sát đều cố gắng khắc phục việc thiếu những chương trình cai nghiện, bằng cách tổ chức các hoạt động như tập khiêu vũ !.
Rayzabell Bongol là một ví dụ. Người mẹ 18 tuổi này nghiện ma túy đá methamphetamine, sợ bị chết, nên cô đầu thú với Cảnh sát Philippines. Họ buộc cô ký cam kết rằng sẽ không lén chơi ma túy đá nữa, rồi cho cô về nhà. Một tuần sau, Bongol cùng 30 người nghiện khác tham gia lớp học nhảy Zumba do cảnh sát tài trợ. Ở đây, cô được khám sức khỏe và cho ăn. Khoảng một chục cảnh sát cùng học nhảy điệu vũ latinh Zumba với lớp học của cô Bongol ở quận Ususan tại thủ đô Manila.
Các chuyên gia giúp cai nghiện ma túy nói: Dù tập thể dục là một cách tiêu khiển tốt, nhưng nó không thể giúp nhiều người nghiện ma túy cai nghiện. Các chuyên gia lo ngại người muốn từ bỏ ma túy đá đều thất bại. Tiến sĩ Vicente nói: “Điều quan trọng là khi họ bắt đầu đầu hàng, vài người hy vọng họ sẽ được giúp đỡ, và rồi chẳng có gì cả. Họ sẽ chỉ ngồi chờ”.
Đa phần người lén chơi ma túy ở Philippines đều hút shabu, một dạng ma túy đá rẻ tiền phổ biến và gây nghiện cao. Tổng thống Duterte nói có 3,7 triệu người nghiện ma túy, và ông đổ tội cho họ gây ra các tệ nạn như hiếp dâm, trộm cướp. Tiến sĩ Vicente nói có 1,8 triệu người nghiện, dựa theo số liệu thăm dò hồi năm 2015. Philippines có khoảng 100 triệu dân.
“Cá béo ú" vì ăn xác người nghiện ma túy
Ngày 5-9, sau khi một quả bom phát nổ ở một chợ đêm đông người khiến 14 người chết và 70 người bị thương ở trung tâm thành phố Davao (thủ phủ đảo Mindanao, quê nhà của ông Duterte), Tổng thống Philippines đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, vì tình trạng bạo lực “vô luật pháp” ở nước ông, giao thêm quyền cho quân đội tiến hành các chiến dịch truy bắt ma túy của cảnh sát, gồm: tuần tra các vùng đô thị, tiến hành các cuộc lục soát, khám xét, tăng cường giới nghiêm và lập các chốt kiểm soát.
Theo tuyên bố từ Văn phòng báo chí Phủ Tổng thống, quân đội và cảnh sát quốc gia đã được lệnh phải “trừ diệt mọi hình thức bạo lực vô pháp luật” trên đảo Mindanao, và ngăn chặn “bạo lực vô pháp luật” tràn lan ở các vùng khác. Tuyên bố khẳng định quân đội và cảnh sát có quyền hành động vì Hiến pháp và luật pháp Philippines cho phép, vẫn đảm bảo các quyền cơ bản và quyền chính trị của công dân. Tình trạng khẩn cấp có hiệu lực từ ngày 5-9 cho đến khi Tổng thống Duterte ra lệnh dở bỏ.
Tổng thống Duterte bắt đầu cuộc chiến chống ma túy ngay trong ngày nhậm chức (30-6). Ông hứa trong 6 tháng đầu tiên sẽ tiêu diệt 100.000 tội phạm và sẽ chôn xác chúng dưới Vịnh Manila khiến “cá sẽ béo ú”. Ngày 31-8, ông tuyên bố: “Nếu đồng bào có bạn hoặc gia đình thì hãy khuyên họ đừng chơi ma túy, nếu không thì sẽ bị giết”.
Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Phipippines - Ronald Dela Rosa |
Nhưng theo báo New York Times, xem ra Chính phủ Philippines đã thổi phồng số người chết trong cuộc chiến chống ma túy này. Cách đây hai tuần, Tướng tư lệnh Cảnh sát quốc gia Ronald dela Rosa giải trình trước một tiểu ban thuộc Thượng viện Philippines rằng có 1.900 người chết trong chiến dịch này. Tuy nhiên sau đó, người phát ngôn cảnh sát Dionardo Carlos lại nói số liệu trên tính cả những vụ giết người chưa được xác minh. Nay, cảnh sát nêu số người bị giết khoảng 1.300 người, gồm 1.000 người mà cảnh sát nói là bị bắn chết vì chống lệnh bắt. 300 vụ còn lại là những vụ tấn công liên quan ma túy do những kẻ lạ mặt ra tay. Trong khi đó, Hãng tin AFP dẫn số liệu chính thức công bố ngày 4-9 rằng từ khi ông Duterte nhậm chức tổng thống, đã có hơn 2.400 chết trong cuộc chiến chống ma túy của cảnh sát.
Tổng thống Mỹ bị mắng là “đồ khốn”
Cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Philippines đã bị các tổ chức nhân quyền quốc tế và Liên Hiệp Quốc lên án. Cuộc chiến này cũng lẽ ra là chủ đề cuộc nói chuyện giữa ông Duterte với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 6-9, khi hai nhà lãnh đạo tham dự cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp hội 10 nước Đông Nam Á (ASEAN) tại thủ đô Vientiane của Lào. Nhưng ông Obama đã hủy cuộc gặp này, vì hôm 5-9, Tổng thống Duterte mắng ông Obama là “đồ khốn” và cảnh cáo ông Obama chớ hỏi ông về những vụ giết nghi phạm ma túy không qua xét xử ở Philippines. Ông tuyên bố sẽ không chịu nghe ông Obama rao giảng về vấn đề nhân quyền, ngay trước khi đáp máy đi Lào.
Tại cuộc họp báo, ông Duterte nói: “Ông ấy phải tôn trọng tôi. Đừng đưa ra những câu hỏi và tuyên bố bừa bãi. Này đồ khốn, tôi sẽ nguyền rủa ông ở diễn đàn đó”. Ông Duterte còn nhấn mạnh ông không phải là “tay sai của Mỹ” và “không quan tâm bất kỳ ai theo dõi hành vi của tôi”. Ông nói thêm rằng Philippines không còn là thuộc địa của Mỹ, và “tôi không có người chủ nào khác ngoại trừ nhân dân Philippines”.
Theo báo Guardian (Anh), ông Duterte dùng cụm từ thô tục hơn, gọi ông Obama là “con của ả điếm”, theo cách dịch cụm từ “Putang ina” của thổ ngữ Tagalog mà ông Duterte hay nói. Trước đó, ông từng gọi Đức Giáo hoàng Francis và Đại sứ Mỹ tại Philippines là “đồ khốn nạn”, vì họ lên án cuộc chiến chống ma túy đẫm máu do ông phát động”.
Phản ứng lại, tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu (Trung Quốc), ông Obama gọi ông Duterte là “người màu mè”. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Agnes Callamard nói tuyên bố của ông Duterte “không khác gì kích động bạo lực và giết chóc, một tội ác theo luật quốc tế”.
Ông Duterte cũng đã giận dữ bác bỏ những chỉ trích của Vatican, các thượng nghị sĩ Philippines và của Liên Hợp Quốc. Ông tuyên bố cuộc chiến đẫm máu sẽ tiếp diễn vì ông quyết tâm xóa sạch ma túy ở Philippines: “Sẽ có thêm nhiều người bị giết, rất nhiều người bị giết cho đến khi không còn một tên bán ma túy nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho đến khi kẻ sản xuất ma túy cuối cùng bị tiêu diệt”.
“Hệ thống thối nát tận gốc rễ”
Thư ký báo chí Martin Andanar của ông Duterte nói giới chỉ trích ở phương Tây nên thừa nhận sự rối loạn pháp lý của Philippines: cho đến nay, bọn buôn ma túy “ăn nên làm ra” dưới một hệ thống tham nhũng, trở thành bọn “bất khả xâm phạm” và có sự tiếp tay của những quan chức chính phủ và cảnh sát “thối nát”.
Ông Andanar còn nói: “Chúng tôi có một hệ thống thối nát tận gốc rễ, và chúng ta đang thấy một tân tổng thống sẵn sàng cải tổ, làm cách mạng trên toàn quốc. Chúng tôi bầu cho ông Duterte vì chúng tôi cần khởi động lại. Sẽ có sự rối loạn lúc ban đầu, nhưng điều đó không có nghĩa nó sẽ kéo dài”. Ông cũng bày tỏ sự thương tiếc cái chết của nạn nhân trẻ nhất của cuộc chiến chống ma túy: một tay súng lạ mặt đã bắn chết bé gái Danica May 5 tuổi trong lúc hắn lùng kiếm ông nội của em. Tên này là một kẻ nghiện ma túy, đã đầu thú 3 ngày trước đó và được cảnh sát cho về nhà.
Ông Andanar nói: “Chính phủ rất buồn về chuyện này. Nhưng hãy tưởng tượng xem, sẽ còn bao nhiêu đứa trẻ khác bị giết nếu chúng ta cho phép ma túy bùng nổ trong xã hội”.
+ Chỉ trong hai tháng qua, đã có 6.000 đợt truy quét, bắt giữ 10.153 nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy, tịch thu số ma túy trị giá 51 triệu USD. Ít nhất 756 nghi phạm đã bị cảnh sát bắn chết trong các cuộc truy quét đó, cùng với 1.160 vụ nổ súng bắn chết người có liên quan tới ma túy trên khắp đường phố, trong đó có nhiều vụ do người dân thực hiện nhắm vào tội phạm bán lẻ ma túy. + Chỉ trong vòng hai tháng, hơn 700.000 người nghiện đã "tự nguyện" ra trình diện chính quyền và cam kết không tiếp tục sử dụng ma túy. |