Đi về đâu quan hệ Ả Rập Saudi và Qatar?!

17:05 10/07/2020
Lịch sử của mảnh đất vùng Vịnh là lịch sử của sự tranh chấp đầy những bất hòa giữa những bộ lạc và các quốc gia hàng xóm với nhau. Thực tế đã - đang chứng minh rằng, vùng Vịnh không phải là mảnh đất của hoà bình.


Nào là, những cuộc nội chiến liên miên vẫn đang ra sức tàn phá Yemen. Trong khi đó, quốc gia nghèo Jordan lại tiếp tục phải đối diện với những bất ổn đến từ  vùng biên giới với Israel. Rồi thì Kuwait lâu nay vẫn đang trong tình trạng thấp thỏm đứng ngồi không yên bởi cảm giác lo sợ trước khả năng vào một lúc nào đó tổ chức ISIS bất ngờ hồi sinh trở lại tại Iraq và tràn qua quốc gia láng giềng này, vân vân và vân vân.

Trong những cuộc tranh chấp kể trên đã - đang nổi lên một vấn đề thời sự hết sức nóng khiến cả thế giới quan ngại bấy lâu nay, đó là mối xung khắc kịch tính giữa Ả Rập Saudi và Qatar, một điểm đứt gãy mới trong mối quan hệ chưa bao giờ lặng sóng này. 

Chính vì mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" mang tính truyền thống ấy mà kể từ tháng 6 năm 2017 đến nay, Ả Rập Saudi đã đóng cửa đường biên giới, hải phận và không phận giữa nước này với Qatar. Vì sao đất nước lớn nhất và hùng mạnh nhất tại vùng Vịnh lại phải dùng đến biện pháp cực đoan đến như vậy với Qatar, một quốc gia láng giềng nhỏ hơn mình 185 lần?!

Tuy đã tạm yên ắng nhưng mối quan hệ Ả Rập Saudi - Qatar còn ẩn chứa nhiều phức tạp.

Trong lịch sử tồn tại và phát triển của quốc gia mình, Qatar gần như luôn luôn phải chịu sự áp đặt hà khắc của Ả Rập Saudi. Lịch sử cho thấy, ngay từ trước thế kỷ 19, hầu hết các bộ lạc tại Qatar đều phục tùng mệnh lệnh của hoàng tộc Ả Rập Saudi. Tiếp đến, ngay cả sau khi chế độ thuộc địa sụp đổ và các quốc gia vùng Vịnh (trong đó có Qatar) tuyên bố độc lập, thì đất nước nhỏ bé này vẫn còn phụ thuộc vào Ả Rập Saudi cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.

Mọi chuyện thay đổi vào năm 1995 của thế kỷ trước khi hoàng tử Hamad bin Khalifa Al Thani tiếm ngôi cha mình và trở thành tiểu vương Qatar. Ngay từ đầu Hamad bin Khalifa đã muốn Qatar thoát khỏi cái bóng của Ả Rập Saudi và tìm được chỗ đứng thực sự trên trường quốc tế. Ông cho tiến hành một loạt các cuộc cải cách làm thay đổi một cách toàn diện đất nước mình.

Dưới sự lãnh đạo của Hamad bin Khalifa, tiểu vương quốc Qatar nhanh chóng trở thành quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất thế giới. Đồng thời, họ cũng trở thành một trong những trung tâm tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế, nhà đầu tư mạo hiểm toàn cầu, v.v… Trong nhiều trường hợp như là mối quan hệ ngoại giao với Iran, Qatar làm ngược lại hoàn toàn với ý muốn của Ả Rập Saudi và trở thành một trong số ít quốc gia là đồng minh thân cận của Iran.

Ả Rập Saudi sẽ phải tính toán rất kỹ xem liệu có nên rút quân khỏi Yemen để điều quân đến biên giới với Qatar không?

Tất nhiên là hoàng gia Ả Rập Saudi rất không bao giờ hài lòng với những động thái của Hamad bin Khalifa. Tuy vậy, nếu như trước kia Ả Rập Saudi có thể dùng quân đội mình để tạo ra áp lực lên Qatar, thì nay điều này là không thể. 

Vào năm 2003, tiểu vương Hamad bin Khalifa đã đồng ý để Mỹ xây dựng một căn cứ trên đất Qatar nhằm  mục đích tạo ra một thứ bàn đạp cho cuộc xâm lược Iraq của người Mỹ. Chính vì căn cứ quân sự nói trên mà Ả Rập Saudi không thể điều quân sang Qatar nhằm gây áp lực với láng giềng của mình được. Thế nhưng điều này không có nghĩa là Ả Rập Saudi chịu thua tiểu vương Hamad bin Khalifa.

Vào năm 2002, để phản đối tiểu vương Hamad bin Khalifa bin, Ả Rập Saudi  triệu hồi đại sứ của mình tại Qatar về nước. Ấy thế nhưng hành động đó của Ả Rập Saudi  không có nhiều tác dụng. Thế nên vào năm 2008 thì Ả Rập Saudi  lại phải bổ nhiệm đại sứ sang thủ đô Doha của Qatar. Lần thứ hai đất nước này triệu hồi đại sứ là vào năm 2014.

Ngoài Ả Rập Saudi ra thì Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất cũng làm điều tương tự. Các nước này phản đối việc Qatar ủng hộ về mặt tài chính cho Hội Anh em Hồi giáo khi đó đang cạnh tranh quyền lực tại Ai Cập. 

Nhiều nhà quan sát khi đó đã cho rằng, ngoài lý do nói trên, chẳng qua cũng chỉ bởi cái sự "trâu buộc ghét trâu ăn" mà Ả Rập Saudi còn có mục tiêu ngăn cản đường xuất khẩu dầu mỏ của Qatar, vì từ sau khi Hamad bin Khalifa bin lên ngôi, nguồn dầu mỏ của Qatar luôn bán chạy hơn và bán với giá cao hơn so với dầu mỏ Ả Rập Saudi.

Quan ngại nói trên của các nhà quan sát đã trở thành hiện thực vào năm 2017, khi mà Ả Rập Saudi  chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, rồi sau đó đặt lệnh phong tỏa. 

Đây là một quyết định chung giữa Ả Rập Saudi và Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất cùng các quốc gia Bahrain, Ai Cập, Maldives, Mauritania, Senegal, Djibouti, Jordan, Libya, và Yemen. Các nước này cùng nhau nhất loạt phản đối việc Qatar hỗ trợ tài chính cho các nhóm khủng bố và ủng hộ Iran. 

Về phần mình, Qatar thừa nhận rằng, có hỗ trợ cho một số tổ chức Hồi giáo ở nước ngoài, nhưng trong đó không có những nhóm khủng bố như al Quaeda hay ISIS như cáo buộc của các nước láng giềng.

Nhóm các nước cấm vận yêu cầu Qatar ngoài việc chấm dứt tài trợ cho khủng bố và ủng hộ Iran ra thì phải đóng cửa Al Jazeera và một số cơ quan truyền thông khác. Không dừng lại ở đó, họ còn yêu cầu người bạn láng giềng của mình phải giải tán căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar, cũng như trục xuất những đối tượng đã trốn sang Qatar.

Lệnh cấm không phận đã và đang gây thiệt hại nặng nề lên đất nước Qatar.

Đồng thời với đó, Qatar phải ký vào một hiệp ước bắt buộc quốc gia này phải thay đổi chính sách chính trị, kinh tế, ngoại giao theo hướng có lợi cho Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh khác. 

Qatar ngay từ đầu đã bác bỏ những yêu sách nói trên vì họ cho là vô lý và can thiệp vào chủ quyền lãnh thổ của mình. Chính vì lý do đó mà cho đến hiện nay các bên vẫn không thể đi đến một sự đồng thuận chung, mặc cho sự can thiệp của Mỹ, EU và Liên Hiệp Quốc.

Thật khó mà kể hết những thiệt hại kinh tế mà Qatar phải hứng chịu vì lệnh cấm vận mới của Ả Rập Saudi cũng như các nước trong khu vực. Qatar là một bán đảo chỉ duy nhất giáp giới với Ả Rập Saudi qua một đường biên giới rộng 41km. Hơn một nửa lượng lương thực và các nhu yếu phẩm khác mà người dân Qatar tiêu dùng hằng ngày đều dù muốn hay không thì đều phải bắt buộc đi qua đường biên giới này.

Mặt khác, các tàu chở dầu từ Qatar hoặc là đỗ tại những cảng Ả Rập Saudi , hoặc là đi qua vùng biển của Ả Rập Saudi . Do vậy vào thời điểm hiện tại việc đưa hàng hoá vào Qatar là gần như không thể. Tình hình còn có thể trở nên tồi tệ hơn nữa nếu như Ả Rập Saudi  chính thức tiến hành kế hoạch đào một con kênh chạy dọc theo đường biên giới giữa nước này và Qatar. Nếu dự án này thành công thì Qatar sẽ hoàn toàn trở thành một hòn đảo cô độc.

Quãng thời gian khổ cực nhất của Qatar là trong cơn đại dịch COVID - 19 khủng khiếp hiện vẫn đang diễn ra. 

Thuốc men và các loại trang thiết bị y tế mà chính phủ Qatar bỏ tiền ra nhập về chỉ vì mối quan hệ với người bạn láng giềng Ả Rập Saudi đang trong tình trạng chẳng bằng mặt cũng chẳng bằng lòng cho nên không thể đi qua đường Ả Rập Saudi để về thẳng đất nước họ được bởi thế cho nên, vì một sự cực chẳng đã mà bắt buộc phải đi vòng qua lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Oman. 

Chính vì thế những mặt hàng vô cùng thiết yếu với sinh mạng con người về được tới Qatar đều trong tình trạng vừa chậm trễ, vừa bị đội giá tới mức "dã man".

Bởi câu chuyện đắng lòng trên mà gần đây, báo chí Qatar đã có ý kiến thẳng thắn cho rằng, rất  nhiều trường hợp trong số 104 ca tử vong vì COVID-19 ở đất nước này thời gian qua đã có thể được cứu sống nếu như không vì lệnh cấm vận của Ả Rập Saudi . Cộng đồng quốc tế vì vậy đã có nhiều lời chỉ trích Ả Rập Saudi. Và yêu cầu quốc gia này gỡ bỏ lệnh cấm vận nhằm giúp Qatar đối đầu với đại dịch, nhưng ý kiến của họ đều không hề có hiệu quả vì sự phớt lờ của Ả Rập Saudi .

Trên mặt trận ngoại giao, cả Ả Rập Saudi  và Qatar đang rất nỗ lực tìm mọi cách hòng có thể lôi kéo được đồng minh về phía mình. Nhân tố quan trọng nhất là Mỹ. Mỹ hoàn toàn có quyền lực để quyết định xem ai sẽ là người thắng trong cuộc tranh chấp giữa Ả Rập Saudi và Qatar. Thế nhưng xem ra có vẻ như Washington ít có khả năng sẽ công khai sử dụng quyền hạn này.

Tại sao Mỹ lại có hành động như thế?! Đơn giản, hiện là năm bầu cử Tổng thống Mỹ, và cho dù là đảng Cộng hoà hay đảng Dân chủ đi nữa thì cả hai bên đều rất ngần ngại đưa ra những quyết sách ngoại giao có thể làm thay đổi căn bản cục diện địa chính trị, vì họ rất sợ thất bại sẽ đưa đến việc mất lá phiếu của cử tri. Thế nên điều tốt nhất mà Ả Rập Saudi  và Qatar có thể mong chờ vào lúc này là một sự đồng thuận "ngầm" tới từ Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trong số các đồng minh khác thì Israel cũng đang nằm trong "tầm ngắm" của hai quốc gia vùng Vịnh. Không những Israel nắm giữ vị thế quan trọng trên "bàn cờ" chiến lược Trung Đông, mà đất nước này cũng có ảnh hưởng lớn đối với chính trường Mỹ thông qua mạng lưới vận động hành lang đông đảo do mình chỉ đạo. Bởi vậy, vào lúc này nếu  Ả Rập Saudi hoặc Qatar, nếu ai lôi kéo được Israel về phía mình cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc thuyết phục được Washington đưa ra quyết định có lợi.

Từ chỗ nhộn nhịp xe cộ qua lại, cửa khẩu giữa Qatar và Ả Rập Saudi nay vắng lặng không một bóng người.

Để có thể đạt được điều nói trên, hiện nay ngoài việc tăng cường đầu tư vào Israel, chính quyền Ả Rập Saudi  cũng đang xem xét việc dỡ bỏ lệnh cấm bất kỳ người Do Thái nào đặt chân lên lãnh thổ của mình. Còn về phía Qatar thì họ đã bí mật ra lệnh nghiêm cấm đài truyền hình Al Jazeera của mình không được phép phát sóng một loạt các phóng sự "vạch trần" mạng lưới vận động hành lang Israel tại Mỹ.

 Nhân nói về Al Jazeera, đài truyền hình nhà nước Qatar này chịu sự thù ghét của không chỉ Ả Rập Saudi  mà còn với cả các quốc gia vùng Vịnh khác. Vậy mà chỉ trong vòng hơn một thập kỷ từ khi chính quyền Qatar thành lập Al Jazeera vào năm 1996 cho tới nay, họ đã trở thành cơ quan truyền thông có uy tín nhất vùng Trung Đông.

Al Jazeera sở hữu đội ngũ phóng viên rất đông đảo và chuyên nghiệp, sẵn sàng đi tới tận cùng những câu chuyện mà nhiều đồng nghiệp khác trong nước cũng như các quốc gia láng giềng không dám thực hiện. Nhiều nguồn tin cho rằng, Qatar đã khiến cho thái tử Mohammad bin Salman của Ả Rập Saudi  nổi giận khi làm phóng sự về cuộc tranh giành địa vị giữa ông và người cháu họ có tên là Muhammad bin Nayef. Với cương vị Phó thủ tướng và cố vấn hàng đầu của vua cha Salman bin Abdulaziz Al Saud, Mohammad bin Salman là người nắm quyền quyết định "vận mạng" mối quan hệ Ả Rập Saudi  - Qatar.

Liệu có cơ hội nào để cho lệnh cấm vận của Ả Rập Saudi với quốc gia láng giềng Qatar sớm được dỡ bỏ?! Việc phải đối mặt với COVID-19 và một cuộc khủng hoảng kinh tế gần như sẽ chắc chắn xảy ra sau đại dịch đang khiến các quốc gia vùng Vịnh nghiêm túc xem xét việc tạm gác lại những mối bất đồng hiện nay. Ngay cả hoàng tử Mohammad bin Salman cũng đã tỏ ra một số dấu hiệu sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với tiểu vương Tamim bin Hamad Al Thani của Qatar.

Tuy vậy, khả năng này cũng dựa nhiều vào giá dầu thế giới. Mới cách đây vài tháng thôi, giá dầu thô thế giới đã xuống mức 0 đồng, và hiện nay vẫn chưa hồi phục để có thể trở về mức như trước khi đại dịch diễn ra. Nếu giá dầu tiếp tục ở mức thấp thì rất có thể các quốc gia vùng Vịnh sẽ chưa dỡ bỏ cấm vận ngay nhằm ngăn chặn Qatar xuất khẩu dầu ra thế giới và đẩy giá dầu đi xuống.

Lịch sử và thời gian cho thấy, mối quan hệ Ả Rập Saudi  - Qatar giống như là một bàn cờ không có hồi kết trong thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai. Hai bên không thể "chiếu tướng" cho dù họ có thí đi bao nhiêu quân cờ khác đi chăng nữa. Thế nhưng họ cũng không có sự lựa chọn nào khác là phải tiếp tục cuộc chơi trong thế đối trọng đến cùng. Với Qatar thì họ đã - đang đặt cược sinh mạng, sự độc lập của quốc gia mình.

Trong khi đó, với Ả Rập Saudi, thua cuộc trước Qatar cũng tức là đồng nghĩa với việc quyền lực mà họ áp đặt lên vùng Vịnh bấy lâu nay sẽ bị lung lay đến tận gốc. Và nếu điều đó xảy ra thì họ sẽ đứng trước nguy cơ bị "mất giá" không chỉ trong khu vực Trung Đông. Bởi thế cho nên, câu hỏi thời sự được đặt ra hiện nay là: liệu Qatar và Ả Rập Saudi  sẽ sẵn sàng tự tin đi xa đến đâu để đạt được mục đích cuối cùng của mình là bên nọ thắng cuộc bên kia nhằm trở thành người "cầm chịch" bàn cờ vùng Vịnh?!

Lê Công Vũ (tổng hợp)

Ngày 14/1, liên quan đến vụ việc cháu N.T.M (SN 2021) học lớp 3 tuổi tại Trường mầm non Thiên Hương (TP Thủy Nguyên, Hải Phòng) bị người lạ dẫn ra khỏi trường từ chiều 13/1 đến chiều 14/1, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủy Nguyên cho biết, cơ quan này đã tạm đình chỉ 1 giáo viên của nhà trường.

“Sau khi trúng thầu, Công ty của Ngọc và công ty của Minh đã đến gặp và cảm ơn bị cáo. Trong đó, Ngọc thường đến cảm ơn vào dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Tổng số tiền bị cáo đã nhận của Ngọc là hơn 20 tỷ đồng. Còn bị cáo Minh đến cảm ơn vào dịp Ngày nhà giáo Việt Nam và đưa hơn 4 tỷ đồng. Số tiền trên bị cáo đã sử dụng cá nhân hết, không mua tài sản gì, cũng không biếu ai khác. Quá trình điều tra, bị cáo đã nộp lại 25 tỷ đồng”, cựu Chủ tịch HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) Nguyễn Đức Thái trình bày.

Nhằm bảo đảm việc xử phạt nghiêm minh, có tính khả thi, phù hợp với thực tế, góp phần bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Công an dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chiều 14/1, thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết, cháu bé học lớp 3 tuổi Trường mầm non Thiên Hương (TP Thủy Nguyên, Hải Phòng) mất tích đã được tìm thấy vào chiều cùng ngày.

Dư luận ở Khánh Hòa đang quan tâm đến thông tin Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang khởi tố, bắt tạm giam về tội danh “Gây rối trật tự công cộng” đối với Nguyễn Thanh Bình, biệt danh Bình “con” (SN 1972, trú ở 04 Bùi Thị Xuân, phường Tân Tiến, TP Nha Trang) – người đàn ông mặc veston đi xe Mercedes rút kiếm đe dọa công nhân môi trường đô thị ở phố biển Nha Trang.

Chiều 14/1, Cơ quan CSĐT Công an quận 4, TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”; bắt tạm giam đối với: Lê Nguyên Hạnh, Nguyễn Trường Phi và Nguyễn Văn Khánh về tội “Mua bán trái phép vũ khí quân dụng”, Phan Đình Lộc, Bùi Anh Pháp về tội “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”...

Ngày 14/1, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Bình Phước chỉ đạo Đại đội Công binh và Ban CHQS huyện Bù Đăng thu gom, vận chuyển, xử lý an toàn 1 quả bom MK82 còn sót lại sau chiến tranh.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngày 14/1, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng Đoàn công tác của Bộ đến thăm hỏi, chúc Tết Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an và gia đình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.