Nhức nhối nạn trẻ vị thành niên mang bầu
Làm mẹ trước khi trở thành thiếu nữ
30 phút sau, có tiếng khóc của trẻ em, cậu bé mới chào đời cân nặng 2,9kg và là con của một thiếu nữ 14 tuổi. Bác sĩ Carlo Vasquez, Trưởng khoa sản của Bệnh viện ở Sayaxches Peten cho biết, tháng nào bệnh viện cũng tiếp từ 20-40 ca sinh nở mà thai phụ chưa tròn 15 tuổi. Mới đây thôi, hồi đầu tháng, bác sĩ Carlo Vasquez đã phải xử lý một ca băng huyết của một bé gái 11 tuổi. Kết quả là cả thiếu nữ này lẫn cái thai trong bụng đều chết…
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc mang thai ở độ tuổi quá trẻ sẽ có nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và con. Sinh nở cũng là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở thiếu nữ Guatemala từ 15 đến 19 tuổi. Còn 50% những đứa trẻ được sinh ra bởi các bà mẹ dưới 20 tuổi phải chịu cuộc sống nghèo đói, túng thiếu và bệnh tật. Và trong khi nhiều đứa trẻ được đi học, đến trường, vô ưu vô lo trong vòng tay chăm sóc yêu thương của gia đình thì những bé gái tại Guatemala lại có một tương lai hoàn toàn khác. Các em phải gánh trên vai trách nhiệm của một người mẹ.
Báo cáo của Cơ quan giám sát sức khỏe tình dục và sinh sản Guatemala cho hay, từ năm 2014 đến nay, hơn 5.200 thiếu nữ ở độ tuổi từ 10 đến 19 mang bầu và sinh con. Guatemala hiện đang là quốc gia có tỷ lệ thanh thiếu niên mang thai cao nhất thế giới với 1/4 số trẻ được sinh ra từ những bà mẹ còn trong độ tuổi thanh thiếu niên. Tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng, bởi vào năm 2011 chỉ có hơn 35 bà mẹ trẻ mới tròn 10 tuổi nhưng con số này đã tăng gấp hàng trăm lần chỉ 4 năm sau đó.
Hậu quả của các vụ lạm dụng tình dục
Trên thực tế, việc mang thai ở tuổi vị thành niên tại Guatemala đang trở thành một hiện tượng "bình thường" khi mà tuổi kết hôn hợp pháp tại nước này chỉ là 14. Tuy nhiên, nhằm đối phó với tình trạng trên thì Chính phủ Guatemala đã nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp lên ngưỡng 18. Song số thanh thiếu niên mang bầu vẫn tăng.
Đau đớn là có tới 30% số trẻ được sinh ra là hệ quả từ những vụ lạm dụng tình dục và hãm hiếp, trong đó có nhiều em bị chính cha đẻ của mình làm nhục. Bà Mirna Montenegro, Giám đốc Cơ quan giám sát sức khỏe tình dục và sinh sản Guatemala, cho biết, các thành viên trong cơ quan bà đã tiếp xúc, gặp gỡ và nói chuyện với nhiều nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục.
Chẳng hạn như Michelle ở làng Monja, Jalapa, cách thủ đô Guatemala City khoảng 50km. Em đã bị tấn công, bị bắt cóc và bị hãm hiếp bởi một người đàn ông lạ mặt khi đang đi trên đường. Người đàn ông này sau đó bị truy đuổi, bị bắt giữ và bị xét xử với lời tuyên án 10 năm tù giam. Còn Lilian ở miền Trung Mataquescuintla lại bị chính ông trẻ bên họ ngoại cưỡng hiếp khi mới 9 tuổi.
Vụ việc xảy ra vài lần và chỉ bị phát hiện khi Lilian kể với mẹ về việc bụng của em cứ bị phình ra. Còn Sarah thì bị chính cha dượng cưỡng bức đến mang thai và bị đe dọa giết chết nếu tiết lộ sự thật với bất kỳ ai…
Trong lần trò chuyện với báo giới, bác sĩ Carlos Vasquez kể rằng, ông thường chứng kiến cảnh những em bé 13-14 tuổi đến bệnh viện nạo thai hoặc sinh con vì đã bị những người đàn ông từ 27 đến 30 tuổi cưỡng hiếp. Phần lớn những em này đều bị sang chấn thần kinh, tổn thương tâm lý, bị sốc và không nhận được sự quan tâm từ gia đình, thậm chí bị xã hội và mọi người xung quanh dè bỉu. Thêm vào đó là việc cơ thể các em chưa phát triển hoàn toàn, không thích hợp cho việc mang thai nên những đứa trẻ sinh ra luôn bị còi xương, suy dinh dưỡng hoặc đẻ non…
Các bà mẹ nhí ở Guatemala đang chờ tại một phòng khám thai. (ảnh: tuschman.wordpress). |
Bác sĩ Carlos Vasquez khẳng định, chỉ có chặn đứng nạn cưỡng hiếp, xử lý thật nghiêm thì mới mong giải quyết được vấn nạn này. Còn theo quan điểm của bà Mirna Montenegro, nguyên nhân chính của tình trạng này là do lối sống coi phụ nữ như tài sản cá nhân của đàn ông nước này. Nhiều người cha còn thản nhiên "hợp lý hóa" việc hiếp dâm con gái mình bằng cách tuyên bố con cái là tài sản của cha mẹ nên có thể "làm bất cứ việc gì mình muốn".
Tư duy vô nhân tính đó đã ăn sâu vào đầu óc người dân tại Guatemala đến mức, chỉ 1 trong 10 trường hợp báo án hiếp dâm được đưa ra tòa và thủ phạm bị xử lý "thích đáng". Nhưng rồi những kẻ đồi bại này cũng chỉ phải nhận có vài tháng tù giam. Vì thế, muốn cứu cuộc đời các bé gái ở Guatemala, cần phải thay đổi nhận thức của người dân bằng các biện pháp tuyên truyền hữu hiệu nhất cùng chế tài nghiêm khắc.