Hacker Trung Quốc đánh cắp bí mật của hải quân Mỹ

16:47 21/06/2018
Một nhóm tin tặc Trung Quốc vừa tuyên bố đã lấy cắp được nhiều thông tin mật của hải quân Mỹ, trong đó có cả các thiết kế tên lửa cho tàu ngầm mà các nhà thầu hải quân Mỹ vừa thực hiện.


Tờ Wasshington Post cho hay, những vụ đánh cắp thông tin này được thực hiện từ hồi đầu năm bởi một nhóm điện tử tác chiến hoạt động tại tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. 

Nhóm này đã tấn công hệ thống máy tính của một nhà thầu hải quân Mỹ (không nêu tên) đang làm việc cho Trung tâm chiến tranh hải quân dưới đáy biển có trụ sở tại Newport, Rhode Island. 

Nhà thầu này đang tiến hành nghiên cứu và phát triển một loại tên lửa chống tàu ngầm mới cho tàu ngầm khai thác và hệ thống vũ khí dưới nước cho hải quân Mỹ. 

Toàn bộ 614 gigabyte dữ liệu bao gồm thông tin liên quan đến cảm biến, hệ thống mật mã tàu ngầm và một dự án ít được gọi là Sea Dragon đã bị đánh cắp. Đáng chú ý là Sea Dragon được Lầu Năm Góc cho ra mắt từ năm 2012 rồi sau đó rút vào hoạt động bí mật. 

Khi được hỏi về thông tin này, phát ngôn viên hải quân Bill Speaks đã từ chối trả lời mà chỉ nói rằng "Những mối đe dọa trên mạng là vấn đề nghiêm trọng và chúng tôi không ngừng củng cố an ninh mạng bằng cách tập trung vào nhận thức về mối đe dọa trên mạng, và tính đầy đủ của khả năng phòng thủ và công nghệ thông tin của chúng tôi".

Hãng Reuters thì cho hay, ngoài các thông tin về dự án Sea Dragon, các tin tặc đã đánh cắp dữ liệu về cảm biến và các tín hiệu, thông tin liên quan đến hệ thống mật mã của tàu ngầm và thư viện chiến tranh điện tử của bộ phận phát triển tàu ngầm của hải quân Mỹ. 

Nguồn tin này cũng cho biết những bằng chứng của vụ tấn công cho thấy các tin tặc đến từ Trung Quốc là thủ phạm. Hiện hải quân Mỹ đang phối hợp với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để điều tra. 

Hôm 8-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã yêu cầu xem xét lại khả năng phòng thủ trước các đợt tấn công mạng liên quan đến các nhà thầu quốc phòng. 

Hãng VOA của Mỹ cũng cho rằng, khả năng hacker Trung Quốc tham gia vào hoạt động đánh cắp này là rất lớn bởi lẽ trước đó, Công ty Nghiên cứu và phân tích an ninh internet ProtectWise có trụ sở tại Denver bang Colorado (Mỹ) đã công bố báo cáo cho biết, nhiều nhóm hacker Trung Quốc mà vỗn dĩ được cho rằng chỉ là hành vi mang tính cá nhân, nhưng thực tế không phải vậy, đó là các tổ chức có quy mô lớn hơn vẫn tưởng, đã hoạt động lâu dài và nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc. 

Theo báo cáo này, một trong những nhiệm vụ quan trọng và kéo dài của một nhóm hacker có tên Winnti Umbrella có liên quan đến chính trị. 

Các tin tặc này xâm nhập vào những tổ chức nhỏ trong lĩnh vực trò chơi điện tử và công nghệ, sử dụng chứng thư số (digital certificate) của người bị hại để phát tán phần mềm độc hại, dùng nó để tấn công vào các ngành công nghiệp và các nhà hoạt động chính trị của Mỹ.

Hồi tháng 4, hãng Bloomberg News đã dẫn nguồn tin từ Công ty An ninh mạng FireEye cho hay, các hacker Trung Quốc cũng đã tấn công vào nhiều công ty Mỹ để đánh cắp các thông tin liên quan đến cạnh tranh giá cả, hợp động, mua bán sáp nhập… 

Trước đó, vào năm 2009, các tin tặc Trung Quốc cũng đã lấy cắp hàng ngàn gigabyte dữ liệu về dự án phát triển chiếc máy bay chiến đấu F-35 Joint Strike Fighter của Bộ Quốc phòng Mỹ. 

Năm 2014, một người đàn ông quốc tịch Trung Quốc có tên Su Bin cũng đã bị bắt giữ sau khi đột nhập vào hệ thống nhà thầu của Bộ Quốc phòng Mỹ để lấy cắp các thông tin liên quan đến máy bay vận tải C-117 và máy bay chiến đấu F-22, F-35. 

Các gián điệp của Trung Quốc cũng đã lấy cắp thông tin của nhiều hệ thống vũ khí của Mỹ như hệ thống tên lửa Patriot, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), hệ thống phòng thủ chống tên lửa Aegis của Hải quân Mỹ... kết quả là nhiều hệ thống vũ khí của Trung Quốc được phát triển với nhiều nét tương đồng nổi bật so với hệ thống vũ khí của Mỹ. 

Người từng đứng đầu Cơ quan tình báo Mỹ James Clapper trong lần trả lời phỏng vấn báo giới cũng khẳng định, nghi phạm hàng đầu trong các vụ tấn công mạng lớn nhằm vào Mỹ là tin tặc Trung Quốc và rằng Trung Quốc có lượng tin tặc hoạt động hết công suất và đeo bám rất dai dẳng mục tiêu. Chúng đã tấn công là phải thu được thứ gì đó làm thỏa mãn và chấp nhận dành ra hơn 10 năm chỉ để có điều mình muốn. 

Linh Oanh

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước giảm sâu, vàng nhẫn chính thức rơi xuống dưới 80 triệu đồng/lượng.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam xuất hiện một trào lưu đặc biệt: mua bán và sưu tầm thiên thạch. Nhiều người cho rằng loại đá này mang lại may mắn, phong thủy tốt và thậm chí là sức khỏe. Tuy nhiên, thực hư về giá trị của những mẩu đá này lại là một vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều dấu hỏi về tính xác thực và cả những vụ lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội ngày 13/11 cho biết đã triệt phá thành công băng nhóm hoạt động mua bán trái phép chất ma túy với số lượng lớn và tàng trữ vũ khí quân dụng. Vật chứng cơ quan Công an thu giữ trong vụ án là gần 2 bánh heroin có trọng lượng 595,455 gram; 594,29 gram ma tuý tổng hợp các loại; 2 quả lựu đạn; 3 cân điện tử cùng một số đồ vật, tài sản khác có liên quan.

Trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao gia tăng, mạo danh cơ quan Nhà nước để lừa đảo qua điện thoại khiến nhiều người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ đạo triển khai giải pháp định danh cuộc gọi, giúp người dân nhận diện các cuộc gọi chính thức từ các cơ quan Nhà nước, từ đó giảm thiểu rủi ro bị lừa đảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文