Hai tháng mật phục, bắt gọn "tập đoàn cát tặc" tại Cồn Ngựa
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng Công an đã tạm giữ 9 xà lan loại từ 800-1.200 tấn và trên 40 đối tượng là những công nhân làm thuê cho các chủ tàu đưa về bến tàu của Thủy đoàn CSGT đường thủy nằm tại khu vực cầu Cỏ May để tiến hành lấy lời khai.
Trong những tháng cuối năm 2014, Cục C49 (phía Nam) liên tục nhận được đơn thư của đông đảo bà con ngư dân ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang tố cáo về việc một đội xà lan có trọng tải hàng ngàn tấn được trang bị nhiều loại máy móc thiết bị chuyên dụng liên tục hút trộm cát ở cửa sông thuộc khu vực Cồn Ngựa. Việc khai thác cát trái phép này đã làm thay đổi dòng chảy, tạo ra sự nguy hiểm cho tàu thuyền của các ngư dân đánh bắt tại khu vực cửa biển này và đặc biệt gây mất an ninh trật tự cho ngư trường. Ngoài ra bọn cát tặc còn đem cát bán cho một số vựa để trộn vào cát xây dựng làm giảm chất lượng các công trình, nhất là các công trình xây dựng nhà cao tầng.
Lực lượng Công an lấy lời khai của thuyền viên. |
Sau khi xác định những đơn thư tố cáo của ngư dân là hoàn toàn đúng sự thật, đầu tháng 10/2014, Đại tá Dương Văn Linh, Phó cục trưởng Cục C49 đã chỉ đạo cho Phòng 3 xác lập chuyên án và tung ngay các trinh sát vào cuộc với yêu cầu phải nhanh chóng tìm ra manh mối để triệt phá tận gốc "tập đoàn" cát tặc này trong thời gian sớm nhất, đồng thời trả lại sự bình yên cho bà con ngư dân trước dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên công tác trinh sát bước đầu gặp phải không ít những khó khăn vất vả. Do lực lượng trinh sát của Cục C49 đều là những cán bộ chiến sỹ chuyên làm việc trên đất liền nên những ngày đầu tiên khi xuống các loại ghe, tàu để thực địa khu vực Cồn Ngựa, tất cả đều bị say sóng, nôn mửa. Phải mất hàng tuần làm quen với sóng biển, các trinh sát mới tiếp cận được khu vực khai thác cát trái phép.
Một tuần, rồi hai tuần tiếp theo, các trinh sát vẫn chưa thu thập được chút thông tin gì bởi do được chuẩn bị từ trước nên "tập đoàn" cát tặc này cảnh giác đối với bất cứ loại phương tiện giao thông đường thủy nào đến gần. Mặc dù trước đó qua ống nhòm từ xa, các trinh sát phát hiện có dấu hiệu bơm hút cát trái phép nhưng khi đến gần, hàng chục chiếc xà lan sẵn sàng xả hết cát xuống biển rồi tắt toàn bộ máy móc, chụm đầu vào nhau giả bộ như đang nằm nghỉ ngơi chờ tìm mối chở hàng.
Không thể để bọn cát tặc tiếp tục lộng hành gây hại cho dân, những ngày tiếp theo, các trinh sát quyết định vừa tiếp tục công việc vừa rút kinh nghiệm để tìm ra phương án hữu hiệu và đến cuối tháng 11/2014 thì phát hiện có từ 14-15 xà lan loại từ 800-1.200 tấn thường xuyên lui tới nạo hút cát trái phép tại khu vực này. Khi thời cơ đã đến thì bất ngờ "tập đoàn" cát tặc này cho dừng đột ngột khiến cho kế hoạch đánh án buộc phải rời lại và đến 10 giờ sáng ngày 29/12/2014, lực lượng Công an đã bắt quả tang 9 chiếc xà lan mang các số hiệu NĐ 2196, NĐ 2005, HD 1645, HP 2988, HP 3102, HGI 4499, HGI 2089, QN 4658, PV 0893 của "tập đoàn" cát tặc này khi chúng đang mở hết công suất máy móc để nạo hút cát trái phép.
Xà lan đang hút cát. |
Tại cơ quan Công an, bước đầu tất cả những công nhân này đều khai nhận chỉ là những người làm công ăn lương cho các chủ xà lan, ngoài ra không biết thêm bất cứ điều gì khác. Tuy nhiên theo một thanh niên tên K (người được các chủ xà lan thuê làm đốc công) khai nhận thì toàn bộ đoàn xà lan khai thác cát trái phép bao gồm từ 14-15 chiếc của nhiều ông chủ khác nhau từ các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Nam… vào khu vực này hút cát.
Mỗi ngày một xà lan bắt buộc phải hút cát từ 4-5 giờ, khi nào đầy thì chạy về bán cho các chủ vựa ở các khu vực TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu với giá từ 30-40 triệu đồng để san lấp mặt bằng. Tuy nhiên khi nào trúng mạch cát đẹp thì bán cho những người chuyên kinh doanh cát xây dựng để những người này trộn vào cát nước ngọt đem bán lại cho các công trình.
Cho đến nay, lực lượng Công an đã có được danh sách đầy đủ các chủ xà lan khai thác cát trái phép và hiện đang tiếp tục lấy lời khai từ những người này để củng cố hồ sơ tiến hành xử lý trước pháp luật.