Hành trình tìm lại chính mình của người tị nạn chuyển giới ở Hy Lạp

16:53 19/07/2018
Những người chuyển giới tị nạn đầu tiên ở Hy Lạp đã được một tòa án phán quyết đồng ý cho phép xác định lại giới tính. Đây được coi là quyết định mang tính đột phá, giúp người chuyển giới bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn ở Hy Lạp.

Những quyết định khó khăn

Natasha là một phụ nữ chuyển giới, một người tị nạn Pakistan ở Hy Lạp. Cô cũng là phụ nữ chuyển giới tị nạn đầu tiên nộp đơn xin sửa lại nhận dạng giới tính tại Hy Lạp. Natasha cho biết, cô quyết định tìm lại chính mình khi gần đây, luật pháp Hy Lạp cho phép sửa đổi giới tính và tên trong các giấy tờ tùy thân.

Gabi, một phụ nữ chuyển giới người Tunisia ngồi ngay cạnh và nắm tay Natasha. Gabi cũng là phụ nữ chuyển giới tị nạn ở Hy Lạp. Khi Natasha quyết định nộp đơn sửa đổi giới tính, Gabi rất hoài nghi. Cô không chắc mình có muốn làm điều tương tự như Natasha hay không. Bây giờ, Gabi biết chắc mình nên làm gì. 

"Tôi quyết định từ bỏ tất cả để đến Hy Lạp. Tôi gặp nhiều vấn đề rắc rối vì giới tính và tên thật của mình. Tôi không thể sống với cái tên và giới tính ấy. Tôi cần phải thay đổi", Gabi nói với phóng viên tờ DW (Đức).

Natasha là phụ nữ chuyển giới tị nạn đầu tiên nộp đơn xin sửa lại nhận dạng giới tính tại Hy Lạp.

Quyết định đến Hy Lạp không dễ dàng với Gabi. Ở Tunisia, cô phải đối mặt với sự quấy rối diễn ra hàng ngày. Gabi bỏ học giữa chừng vì giáo viên và bạn bè luôn lấy cô làm trò đùa. Cô không được các thành viên trong gia đình chấp nhận. Gabi bỏ nhà đi năm 18 tuổi. 

"Một lần, khi tôi đang ngồi trong xe taxi, nhân viên cảnh sát dừng xe và yêu cầu kiểm tra chứng minh nhân dân. Khi đọc phần giới tính "nam" ghi trên giấy tờ tùy thân, nhân viên cảnh sát đã bắt tôi. Tôi bị giam giữ, đánh đập và tra tấn trong bảy ngày. Tôi bị kết án một năm tù giam. Với sự giúp đỡ của mẹ, tôi đã được giảm án xuống còn hai tháng", Gabi kể lại.

Sau khi được trả tự do, Gabi quyết định đến Thổ Nhĩ Kỳ. Cô yêu thích cuộc sống ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ở đây, cô cũng phải đối mặt với hành vi quấy rối và lạm dụng tình dục. 

"Đến Hy Lạp là quyết định khó khăn nhất mà tôi phải lựa chọn. Một ngày, tôi tự hỏi mình sẽ tiếp tục cuộc sống như hiện tại hay sống cuộc sống mà mình thực sự mong muốn. Tôi quyết định từ bỏ tất cả để đến Hy Lạp", Gabi nói tiếp. 

Gabi đến đảo Lesbos và được đưa đến Moira. Một vài người tị nạn biết cô là phụ nữ chuyển giới nên đã tổ chức biểu tình và đe dọa cô. Cảnh sát đã giải cứu Gabi và đưa cô đến sống tại khu vực do Cơ quan tị nạn của Liên Hợp quốc cung cấp. 5 tháng sau, Gabi chuyển đến Thessaloniki.

Natasha chạy trốn khỏi Pakistan vào năm 2015 sau khi liên tục phải đối mặt với nạn lạm dụng và quấy rối tình dục. Cô ở lại Thổ Nhĩ Kỳ vài tháng trước khi đến Hy Lạp. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Natasha kiếm sống bằng nghề may. "Tôi sống ở Istanbul. Khi ra ngoài đường, mọi người lạm dụng, đánh đập, lấy trộm giấy tờ tùy thân của tôi. Tôi quyết định chạy trốn sang Hy Lạp", Natasha nói.

Khi đến Hy Lạp, Natasha làm việc cho một nông dân ở Skala Lakonias để kiếm tiền cho hành trình tiếp theo. Tuy nhiên, người nông dân từ chối trả tiền cho cô. 

Cuối cùng, Natasha rời trang trại đến Idomeni, gần biên giới Hy Lạp-Macedonia. Cô đã sống trong trạng thái lo lắng kéo dài cho đến khi gặp một tình nguyện viên người Tây Ban Nha và một bác sĩ tâm thần người Hy Lạp giúp cô đến Thessaloniki.

Gabi nói rằng, cô lạc quan về tương lai của mình ở Hy Lạp.

"Cuối cùng, tôi đã được là chính mình"

Quyết định của tòa án công nhận lại giới tính cho Natasha được đánh giá là bước đột phá về nhân quyền. Aikaterini Georgiadou, luật sư của Liên đoàn Luật sư Hy Lạp, người đại diện pháp lý cho Natasha cho rằng, quyết định này có thể tác động đến nhiều quốc gia trên thế giới. 

Đối với Natasha, quyết định sẽ giúp cô thay đổi cuộc sống. Cô có thể tự do thể hiện bản thân mình với xã hội. "Tôi thực sự hạnh phúc. Tôi không còn sợ nữa. Cuối cùng, tôi đã được là chính mình", Natasha nói.

Cả Gabi và Natasha hiện định cư tại Thessaloniki - nơi họ cảm thấy an toàn và được cộng đồng chào đón. Cả hai đều là thành viên tích cực của Eclipse - một tổ chức do người dân địa phương và người tị nạn thành lập nhằm cung cấp, hỗ trợ cho người tị nạn thuộc cộng đồng LGBT.  

"Bây giờ, tôi đã có Eclipse. Đó là một nơi an toàn, đặc biệt đối với những người chuyển giới”, Natasha chia sẻ. "Mọi người ở Eclipse làm bất cứ điều gì mà họ có thể để chúng tôi cảm thấy hạnh phúc và thoải mái", Gabi nói thêm.

Tường Phạm (Tổng hợp)

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文