Hồi hương chiến binh IS và người tị nạn Syria - bài toán khó của Thổ Nhĩ Kỳ

14:25 13/11/2019
Tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu rằng nước này không phải là một khách sạn dành cho các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị bắt và sẽ gây sức ép, buộc các quốc gia châu Âu phải bất đắc dĩ nhận lại công dân của mình… đang tạo nên cuộc tranh cãi trên toàn thế giới.


Tuyên bố gây sốc

Ngày 8-11, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ bắt đầu trả các chiến binh IS trở lại quê hương trong vòng 72 giờ tới. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm gây sức ép buộc các quốc gia châu Âu bất đắc dĩ phải lấy lại những công dân được nhóm cực đoan bạo lực này tuyển mộ. "Bây giờ chúng tôi đang nói với bạn rằng chúng tôi sẽ gửi lại cho nước bạn những công dân đó" - Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu cho biết trong thông báo rằng việc hồi hương sẽ bắt đầu được thực hiện vào ngày 11-11.

"Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một khách sạn cho các tù nhân IS từ các nước khác", ông Suleyman Soylu nói. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ lại không giải thích chính xác cách mà nước này hồi hương các chiến binh một cách hợp pháp hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu đất nước của các chiến binh này không chấp nhận.

Nhiều chiến binh nước ngoài của IS và người tị nạn Syria đang bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đã liệt kê hơn 1.200 tù nhân là thành viên IS đang bị giam giữ ở Syria, nhiều người trong số họ là phụ nữ, trẻ vị thành niên đến từ Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Anh, Italia và Áo. Hồi tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã bắt giữ hàng trăm người có liên kết với tổ chức IS khi tấn công vùng lãnh thổ ở phía Đông Bắc Syria.

"Các lực lượng người Kurd ở đó phải từ bỏ một số thị trấn và ít nhất một trại giam", ông Suleyman Soylu nói với các phóng viên và cho biết thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 287 thành viên IS, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.

Nhiều người trong số này đến từ các quốc gia Tây Âu và một số trường hợp đã bị tước quốc tịch. Hầu hết những người bị giam giữ đã bị bắt sau khi trốn thoát khỏi một trại giam tại Ain Issa ở Syria và giờ họ bị giam giữ trong một cơ sở tại Al-Rai, vùng lãnh thổ do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát ở miền Bắc Syria.

"Các chiến binh Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn là thành viên của dân quân Ahrar al-Sharqiya đã tiến nhanh về phía Ain Issa khi chiến dịch bắt đầu vào 9-10. Các chiến binh này đã gặp 190 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em vừa trốn thoát khỏi trại giam giữ và trú ẩn trong những ngôi nhà gần đó. Lúc đầu, các chiến binh e ngại một nhóm người lớn như vậy nhưng họ không được vũ trang và hợp tác một cách hòa bình.

Sau đó, phụ nữ và trẻ em được đưa đến thị trấn biên giới Tel Abyad và bị tạm giữ họ trong những ngôi nhà ở đó. Trong số những người bị giam giữ có người từ Đức, một phụ nữ Ireland và một phụ nữ Anh có con. Người phụ nữ Anh bị cúm và các chiến binh đã cung cấp cho cô thuốc", Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ.

Khi thoả thuận ngừng bắn ở Syria được ký kết, vấn đề được đặt ra với chính quyền Ankara là phải làm gì với các thành viên bị bắt của IS? Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối phó với các tù nhân IS.

Ông nói: "Chúng tôi đã chấp nhận nhận lại những công dân Thổ Nhĩ Kỳ, vợ và con cái của họ - những người được xác định là gia nhập IS ở Syria. Chúng tôi áp đặt một quy trình pháp lý chống lại những người có bằng chứng liên kết khủng bố. Chúng tôi truy tố họ. Đối với trẻ em, chúng tôi giao cho các cơ quan hữu quan của chúng tôi hỗ trợ chúng vượt qua những chấn thương mà chúng vấp phải. Các quốc gia đang áp dụng một phương pháp mới liên quan đến việc thu hồi quyền công dân để tránh trách nhiệm. Nhưng phương pháp này vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế".

Phản ứng của người trong cuộc

Tin từ hãng BBC cho hay, một nửa trong số những chiến binh nước ngoài của IS đang bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ là người châu Âu, gồm cả hai phụ nữ Hà Lan gốc Morocco trốn thoát khỏi trại Al Hol ở Syria, mang ba con nhỏ trái phép vào Thổ Nhĩ Kỳ. Hai phụ nữ này đã tới Đại sứ quán Hà Lan ở Ankara và các quan chức Hà Lan đã thông báo cho các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ để giam giữ họ.

Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn rằng người Hà Lan đã thu hồi quyền công dân của một người phụ nữ vào ngày cô bị giam giữ. Ngoại trưởng Hà Lan Stefan Blok xác nhận thông tin này và cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không phải truy tố các chiến binh Daesh nước ngoài mà không phạm tội gì trên đất của họ. Phát biểu trên một chương trình truyền hình về phiên tòa xét xử các chiến binh Daesh, ông Stefan Blok khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia bị tổ chức khủng bố đe dọa giống như Hà Lan, vì thế, luật pháp quốc tế nên được đưa ra trong các phiên tòa kiểu này vì tội ác không được thực hiện trong biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền quyết định nên trục xuất những kẻ khủng bố về nước hay giữ chúng ở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Hà Lan cũng cho biết đã có sự hợp tác và chia sẻ thông tin giữa hai nước về vấn đề này.

Trên thực tế, việc hồi hương công dân đã chiến đấu cho IS ở Syria là vấn đề gây chia rẽ ở châu Âu, với nhiều quốc gia từ chối chấp nhận những kẻ khủng bố. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng chỉ trích Anh, Pháp và một số nước châu Âu khác trước việc các nước này từ chối tiếp nhận các chiến binh IS hồi hương. Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng các biện pháp chống lại những chiến binh IS nước ngoài này kể từ đầu cuộc nội chiến Syria năm 2011.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ giám sát xe chở những người tị nạn Syria hồi hương.

Theo các nguồn tư pháp, hơn 70.000 người đã bị cấm nhập cảnh vào nước này, và hơn 7.000 người liên kết với các nhóm khủng bố hoặc những kẻ chạy trốn đã bị trục xuất. Chính quyền Ankara từ lâu đã chỉ trích các nước châu Âu vì đã cho phép những người đó đến biên giới của họ. Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ liệt IS vào danh sách các nhóm khủng bố vào năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tấn công bởi những kẻ khủng bố trong đó có 10 vụ đánh bom tự sát, 7 vụ đánh bom và 4 vụ tấn công vũ trang làm chết 315 người, bao gồm cả sĩ quan cảnh sát và binh sĩ và hàng trăm người khác bị thương.

Để đối phó với các cuộc tấn công này, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các hoạt động quân sự trong và ngoài nước, là một trong những nhân tố hiệu quả nhất trong việc loại bỏ mối đe dọa IS ở miền Bắc Syria, tiêu diệt 3.500 tên khủng bố và bắt giữ hơn 5.500 tên…

Về những chiến binh nước ngoài của IS đang bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ, rất nhiều người trong số họ có nguyện vọng trở về quê hương. Như 3 phụ nữ Pháp chẳng hạn. Họ cho biết sẵn sàng về nhà và đối mặt với bất kỳ hành động pháp lý nào mà Pháp yêu cầu đối với những người liên quan tới IS. Những người phụ nữ này không đưa ra chi tiết về cuộc sống của họ trước khi bị giam giữ nhưng một số nguồn tin khẳng định họ là vợ và con của các chiến binh IS đã bị giết hoặc bị giam giữ sau khi tổ chức này bị đánh bật khỏi các thành trì tại Iraq và Syria.

"Tôi đã ở đây 5 năm và tôi muốn quay lại và tiếp tục cuộc sống của mình, quay trở lại thời gian tôi đã mất. Tôi muốn quay trở lại Pháp với con trai tôi", một phụ nữ nói…

Tuy nhiên, đấy là tâm trạng của những chiến binh IS người châu Âu. Còn đối với các chiến binh IS người Syria hoặc người Syria tị nạn thì phản ứng hoàn toàn ngược lại. Trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết chính phủ có kế hoạch đưa tới 2 triệu người tị nạn trở lại Syria. Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận hơn 3,5 triệu người tị nạn Syria chạy trốn chiến tranh. Những người tị nạn dự kiến sẽ trở lại những nơi Thổ Nhĩ Kỳ coi là khu vực an toàn ở Syria.

Khu vực này đã bị lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ trong một chiến dịch chống lại dân quân người Kurd. Nhưng các chuyên gia đã cảnh báo rằng về kế hoạch này. Soli Ozel, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Kadir Has của Istanbul nói: "Tôi không thấy bất kỳ lý do tại sao Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ muốn bất kỳ ai trong số những người tị nạn trở lại. Và ông ấy chắc chắn sẽ không chấp nhận. Kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn".

Tháng trước, một báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế cũng đã cảnh báo: "Có khả năng hàng trăm người trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ bị giam giữ và vận chuyển trái với ý muốn của họ đến một trong những quốc gia nguy hiểm nhất thế giới".

Nhiều người tị nạn Syria đã bắt đầu cuộc sống mới ở Thổ Nhĩ Kỳ được vài năm cũng xuất hiện trên báo chí và tuyên bố không thấy lý do gì để quay lại quê hương. Isam Abdi, người đang sở hữu Mandy, một nhà hàng ở Istanbul, đã ở Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn sáu năm và khẳng định không trở lại Syria. Isam Abdi nói với VOA rằng ông rời Syria khi bắt đầu cuộc nội chiến.

Ông đến Istanbul khi nói được rất ít tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và không quen biết ai nhưng ông vẫn có thể xây dựng thành công một doanh nghiệp. Hiện ông đang sở hữu hai nhà hàng và con cái đang theo học đại học. Song, trong khi Istanbul được cho là mang lại cuộc sống tốt hơn cho Isam Abdi và gia đình, thì nhiều người Syria khác lại có khoảng thời gian khá khó khăn. "Họ không thể tìm được việc làm. Họ đang mắc nợ và có một số người muốn quay trở lại", Isam Abdi tâm sự.

Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định, kế hoạch hoàn trả chiến binh IS về nước và người tị nạn Syria hồi hương sẽ được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Hiện có hơn 350.000 người tị nạn Syria đã tự nguyện trở về nước. Đối với các chiến binh IS, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ có chiến lược ép buộc cụ thể với từng quốc gia từ chối bởi lẽ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng ở trong nước để giảm sự hiện diện của các chiến binh IS và người tị nạn. Và nếu không giải quyết triệt để vấn đề này, vị trí và sự nghiệp chính trị của người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị lung lay.

Khánh Chi (tổng hợp)

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文