Huyền thoại súng bắn tỉa - nỗi “bạt vía” trên chiến trường

16:19 11/06/2012
Súng bắn tỉa có vai trò khá cao trong lĩnh vực quân sự từ thế kỷ XVIII, nhưng những khẩu súng bắn tỉa thật sự chỉ được phát triển trong thời gian gần đây. Với các tiến bộ trong công nghệ như chế tạo các ống nhắm khác nhau và gia công một cách chính xác để tăng độ chuẩn xác khi bắn, đã giúp cho những binh lính được huấn luyện đặc biệt trong việc sử dụng các loại súng trường có thể bắn những phát đạn chuẩn xác hơn bất kỳ loại súng bình thường nào đã từng được sử dụng.

Xạ thủ bắn tỉa

Mỗi quốc gia có những lý luận quân sự khác nhau trong việc sử dụng xạ thủ bắn tỉa, quy định đội hình và chiến thuật. Về cơ bản, mục đích của xạ thủ trên chiến trường là tiêu hao năng lực chiến đấu của đối phương bằng việc tiêu diệt những mục tiêu có giá trị, nhân vật quan trọng, thường là sĩ quan.

Quân đội Liên xô và những học thuyết quân sự bắt nguồn từ đội quân này sử dụng các xạ thủ ở mức tập trung, gọi là các tiểu đội bắn tỉa bởi bộ binh thông thường mất đi khả năng bắn ở khoảng cách xa khi súng liên thanh được sử dụng rộng rãi. Xạ thủ bắn tỉa trong quân đội thường hình thành nhóm hai người, một xạ thủ và một trợ thủ. Hai thành viên này có nhiệm vụ tùy theo kỹ năng, nhưng thông thường là sẽ đổi vị trí cho nhau thường xuyên để tránh mỏi mắt. Trợ thủ sử dụng ống nhòm để giúp xạ thủ đánh giá, phân biệt hoặc xác định mục tiêu.

Nhiệm vụ chủ yếu của xạ thủ là trinh sát, giám sát, chống bắn tỉa, tiêu diệt chỉ huy đối phương, lựa chọn mục tiêu có giá trị và phá hoại khí tài của đối phương. Nhiệm vụ phá hoại đòi hỏi sử dụng loại đạn cỡ lớn, ví dụ 20mm quân đội Mỹ và Anh sử dụng xạ thủ bắn tỉa có hiệu quả trong chiến dịch tấn công Iraq, hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh, đặc biệt là ở trong thành phố.

Các lực lượng cảnh sát sử dụng xạ thủ bắn tỉa trong các cuộc giải cứu con tin, khi không còn giải pháp nào khác và sinh mạng con tin bị đe dọa trực tiếp, khẩn cấp. Các xạ thủ loại này thường không cần bắn vô hiệu hóa mà bắn tiêu diệt, mặc dù xác suất thành công không phải là hoàn toàn. Khoảng cách tác chiến của xạ thủ bắn tỉa trong lực lượng cảnh sát thường ngắn hơn so với trong quân đội rất nhiều, dưới 200m.

Nhu cầu về đào tạo xạ thủ bắn tỉa trong lực lượng cảnh sát trở thành cấp thiết từ sau vụ khủng bố Munich năm 1972. Trong sự kiện đó, cảnh sát không có vũ khí bắn tỉa thích hợp để đối phó với việc khủng hoảng con tin, kết quả là tất cả con tin người Israel đã bị giết. Sử dụng xạ thủ bắn tỉa của quân đội Đức khi đó là không thể bởi hiến pháp không cho phép quân đội tham gia các sự vụ trong nước. Tình huống này đã đưa đến việc thành lập đơn vị chống khủng bố GSG-9 của cảnh sát Đức.

Trong một vụ việc năm 2007, xạ thụ bắn tỉa đội SWAT Columbus, bang Ohio đã ngăn chặn vụ tự tử bằng cách bắn vào khẩu súng trên tay đối tượng, tước vũ khí mà không làm tổn thương đối tượng. Mặc dù xử lý tình huống thành công, đoạn băng video quay lại cho thấy người đàn ông có ý định tự tử đã thoát được trong gang tấc những mảnh kim loại của viên đạn và của khẩu súng. Các xạ thủ từng thử nghiệm kỹ thuật này bằng cách bắn vào khẩu súng đã lên đạn không phải lúc nào cũng thành công. Khẩu súng bị bắn có thể phát hỏa về bất kỳ hướng nào và thậm chí là khẩu súng đó bị bắn trúng cũng chưa chắc đã mất khả năng phát nổ. Hơn nữa việc bắn viên đạn vào đối tượng có thể gây chết người, và việc bắn đó kể cả để ngăn chặn tự tử cũng không hợp pháp ở một số nước.

Trong thời bình, xạ thủ bắn tỉa của lực lượng cảnh sát, ví dụ nhóm phản ứng tình huống nguy hiểm của FBI (còn gọi là đội giải cứu con tin) phục vụ lâu hơn, được huấn luyện kỹ hơn và có nhiều kinh nghiệm tác chiến hơn là xạ thủ quân đội.

Huấn luyện các xạ thủ bắn tỉa

Huấn luyện giúp các xạ thủ bắn tỉa dần có được kỹ năng để hành động hiệu quả. Xạ thủ quân sự phát triển các kỹ năng ngụy trang, ẩn nấp, tiếp cận, quan sát và bắn súng trong các tình huống tác chiến khác nhau. Trong thời gian luyện tập các kỹ năng cơ bản, xạ thủ bắn đến hàng ngàn phát đạn trong vài tuần.

Huấn luyện kỹ năng bắn súng chỉ là một phần của khóa huấn luyện. Một xạ thủ sử dụng các chiến thuật đặc biệt để tiến nhập, di chuyển mà không bị phát hiện trong khu vực hoạt động. Các xạ thủ bắn tỉa còn đóng vai trò là người đi trước quan sát và được huấn luyện để cung cấp thông tin vị trí chính xác cho pháo binh và không quân. Các chức năng khác của xạ thủ bắn tỉa còn là do thám và thu thập tin tức. Một kỹ năng khác là phân biệt và lựa chọn mục tiêu, xác định khí tài hay cá nhân nào là mục tiêu cần tiêu diệt.

Các xạ thủ bắn tỉa được huấn luyện để bóp cò bằng đầu ngón tay nhằm hạn chế xê dịch khẩu súng, tư thế bắn chính xác nhất là nằm sấp với túi cát hoặc giá hai, ba chân đỡ súng, và áp má vào báng súng. Trên chiến trường, giá hai chân khá thông dụng. Đôi khi, một lớp lót được quấn quanh phần đặt tay không bóp cò để giảm xê dịch súng. Có nơi, xạ thủ được luyện hít thở sâu trước khi bắn, sau đó bắn khi phổi không còn không khí. Ở những trường huấn luyện tinh vi hơn, xạ thủ luyện bắn giữa hai lần tim đập để giảm thiểu rung súng. Thêm vào đó, còn phải nắm vững kỹ năng xác định khoảng cách, gió, chênh lệnh độ cao và những yếu tố có thể ảnh hưởng đường bay viên đạn.

Các xạ thủ ấn định kính ngắm và súng trùng nhau ở một khoảng cách bắn nhất định, tức là ở khoảng cách đó viên đạn bay chính xác vào tâm điểm trên kính ngắm. Khi biết điểm viên đạn sẽ chạm ở khoảng cách biết trước, xạ thủ sẽ tính toán để điều chỉnh phù hợp với sức gió, khoảng cách dựa trên hiểu biết về đường bay của viên đạn. Mỗi xạ thủ điều chỉnh súng thường xuyên để thích nghi với điều kiện, với áp suất và đảm bảo rằng đường đạn luôn ổn định.

Thời gian huấn luyện là cần thiết để các kỹ năng được hấp thụ đầy đủ, xạ thủ khi đó có thể ước tính chính xác khoảng cách, các yếu tố không khí (gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm) và bắn trúng mục tiêu chỉ với một phát đạn.

Khoảng cách tới mục tiêu nên được đo đạc và ước tính càng chính xác càng tốt. Tính toán khoảng cách trở nên tối cần thiết với những mục tiêu ở xa bởi viên đạn đi theo đường vòng cung và xạ thủ phải điều chỉnh súng cao hơn mục tiêu do viên đạn sẽ bay hạ xuống bởi trọng lực. Nếu khoảng cách không được xác định chính xác, viên đạn sẽ bay quá cao hoặc quá thấp. Ví dụ, loại đạn phổ biến cho xạ thủ là 7.62 × 51mm NATO M118 Special Ball sẽ “rơi” thêm 200mm khi khoảng cách tăng từ 700m lên 800m. Điều này có nghĩa, nếu khoảng cách thực là 800 m nhưng tính toán sai thành 700m, viên đạn sẽ đi xuống dưới điểm cần bắn 200mm.

Ống nhòm hay kính ngắm có thiết bị laser đo khoảng cách có thể được sử dụng nhưng thường là không được lựa chọn trên chiến trường bởi tia laser có thể bị đối phương phát hiện. Một phương pháp hữu dụng để xác định khoảng cách là so sánh chiều cao của mục tiêu (hoặc vật thể gần mục tiêu) với thước đo trên kính ngắm để suy ra khoảng cách. Trung bình đầu người có kích thước chiều ngang 150mm, vai rộng 500mm, và khoảng cách từ mông lên đỉnh đầu là 1m. Có nhiều phương pháp tính khoảng cách khác nhau được sử dụng giúp xạ thủ xác định chính xác khoảng cách.

Bắn tới mục tiêu cao hơn hay thấp hơn cũng cần tính toán đặc biệt bởi tác dụng của lực hấp dẫn lên đường đạn. Gió cũng ảnh hưởng đường đạn càng nhiều khi khoảng cách tăng lên. Bắn mục tiêu di động cần những kỹ năng tinh tế hơn, nhưng vẫn dựa trên những kỹ năng cơ bản khi bắn mục tiêu tĩnh.

Huyền thoại bắn tỉa của Liên Xô

Cái tên Vasili Zaisev từng là nỗi kinh hoàng của phát xít Đức tại mặt trận Stalingrad. Để săn lùng ông, Hitler đích thân cử tới Stalingrad Thiếu tá Heinz Thorwald - chuyên gia bắn tỉa hàng đầu của Đức đồng thời là hiệu trưởng một trường dạy bắn tỉa gần Berlin - nhưng người này đã không thể trở về vì một viên đạn của Zaisev. Câu chuyện nổi tiếng về cuộc đối đầu giữa hai xạ thủ bắn tỉa xuất sắc nhất trong Thế chiến II đã trở thành đề tài hấp dẫn cho bộ phim Hollywood “The Enemy at the Gates”.

Vasili Zaisev sinh ngày 23/3/1915 tại làng Elino, tỉnh Cheliabinsk. Khi còn nhỏ, cậu bé Vasili xin phép người ông của mình là thợ săn được phép bắn thử một phát súng. Ông trao cho cậu một cây cung và yêu cầu bắn một con sóc ngay gần đó. Zaisev hoàn thành xuất sắc bài học đầu tiên và chỉ vài ngày sau được ông tặng một khẩu súng trường, Vasili Zaisev đã giúp ông hạ hàng loạt những con sói và hươu.

Zaisev nhập ngũ phục vụ trong lực lượng hải quân từ năm 1936 và bắt đầu tham gia chiến đấu từ tháng 9/1942, trong thành phần Sư đoàn 284. Tại mặt trận Stalingrad, Zaisev tiêu diệt được rất nhiều tên phát xít bằng một khẩu súng trường bình thường chỉ trong một tháng.

Tin đồn về chiến công xuất sắc này đến tai chỉ huy cao cấp Chukov. Zaisev được dẫn lên gặp chỉ huy và nhận một khẩu súng trường bắn tỉa chuyên nghiệp. Zaisev cũng trở thành một tấm gương hàng đầu được báo chí Xôviết tuyên truyền và ca ngợi, được coi là một “người hùng” thực sự đối với đồng đội trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến tại Stalingrad. Chiến công của ông đã khiến cấp chỉ huy quyết định thành lập nhiều nhóm bắn tỉa gây kinh hoàng cho phát xít Đức.

Cuộc đối đầu giữa Zaisev và Thorwald cũng mang rất nhiều huyền thoại. Sau khi được cử tới đây, Thorwald luôn nghiên cứu rất kỹ đặc điểm địa hình cũng như các mục tiêu trước mỗi lần ra tay. Phía Xôviết đã nhận được thông tin về trùm bắn tỉa này của Đức thông qua lời khai của một tù binh. Sau khi hai chiến sĩ bắn tỉa Xôviết bị hạ gục chỉ bởi một phát đạn, Zaisev đã quyết định tham gia vào trận “quyết đấu” với Thorwald. “Việc xuất hiện một chuyên gia bắn tỉa của phát xít đã khiến chúng tôi phải bắt tay vào một nhiệm vụ mới", Vasili Zaisev kể lại. "Chúng tôi đặt quyết tâm bằng mọi giá phải tìm ra hắn, nghiên cứu mọi thói quen và phương pháp của hắn, kiên nhẫn chờ đợi một thời điểm thích hợp (có lẽ chỉ xuất hiện có một lần) để có thể hạ hắn chỉ bằng một viên đạn”.

Sau một vài ngày thăm dò, Zaisev đã nhờ người đồng đội là Kulikov nghi binh bằng cách giơ chiếc mũ sắt qua đầu. Sau phát đạn bắn tỉa của Thorwald, Kulikov đã giả vờ hét lên rồi gục xuống. Tên phát xít đã quá nôn nóng muốn xác định “con mồi” nên đã ló đầu lên và bị hạ chỉ bởi một phát súng của Zaisev.

Vasili Zaisev từng là đối tượng săn lùng hàng đầu của phát xít, chứ không phải chỉ riêng có Heinz Thorwald. Quân Đức, để trấn an tinh thần, không ít lần tung ra tin đồn đã tiêu diệt được Vasili Zaisev. Trên thực tế, ông đã có lần bị thương rất nặng tưởng đã chết. Các y tá phát hiện ông không còn thở nữa và mang đi chôn. Nhưng khi những xẻng đất được hất xuống lấp huyệt thì ông lại cử động tay. May mắn là một nữ y tá đã kịp nhìn thấy và cứu sống ông. Về sau, Vasili cùng với cô y tá này còn trao đổi thư từ qua lại trong nhiều năm.

Tháng 1/1943, Zaisev lại bị thương nặng. Ông nghe tin mình được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô trong một hoàn cảnh cũng hết sức bất ngờ - được đồng đội thông báo sau khi nghe qua radio lúc đang nằm viện tại Moskva. Sau chiến thắng, Zaisev về định cư ở Kiev và lấy vợ. Không mấy ai có thể ngờ, Zaisev cho đến trước tuổi 75 vẫn có thể bắn súng chính xác chẳng kém gì thời tham gia trận chiến Stalingrad. Khi được mời tới tham quan và đánh giá việc đào tạo các chuyên gia bắn tỉa trẻ tuổi, ông đã được mời tham gia bắn súng. Cả ba phát đạn của Zaisev đều bắn trúng vào quả táo làm mục tiêu khiến tất cả học viên đều phải chịu thua.

Sau chiến tranh, Zaisev làm Tư lệnh Quân khu Pecherski ở Kiev, tiếp đó lại qua nhiều chức danh khác như Giám đốc Nhà máy sửa chữa ôtô, Giám đốc Nhà máy may Ukraina và sau đó lãnh đạo Trường Trung cấp kỹ thuật công nghiệp nhẹ. Người ta còn nói là Zaisev có dịp sang Đức và gặp gỡ con gái của đối thủ Thorwald. Nhưng ngay sau đó, ông đã được yêu cầu quay về Kiev luôn vì lo ngại về nguy cơ bị trả thù. Trong chiến tranh, Zaisev đã tiêu diệt hơn 300 tên phát xít.

Vasili Zaisev qua đời năm 1991 cùng với một nguyện vọng trước khi chết là được chôn tại khu gò mộ Mamaev bên cạnh đồng đội cũ. Nhưng phải đến 14 năm sau khi mất, vợ của Zaisev mới có điều kiện thực hiện lời di chúc của chồng khi mang phần di hài của ông tới chôn tại đây. Sự kiện trên đã thu hút sự chú ý đông đảo của công chúng. Hai thị trưởng của Kiev và Volgagrad đã đạt được thỏa thuận, theo đó buổi lễ được tổ chức chung vào ngày 31/1/2006.

Anh hùng hay quỷ dữ?

Chris Kyle là một tay súng bắn tỉa cừ khôi nhất lịch sử quân đội Mỹ, mới đây ông đã cho xuất bản cuốn sách American Sniper (Lính bắn tỉa Mỹ). Nội dung của cuốn sách này là cung cấp cái nhìn khác lạ về tâm lý người thường xuyên phải ẩn nấp, chờ đợi và giết người. Khi Mỹ tăng quân đến Iraq trong cuộc chiến tranh năm 2003, Chris Kyle (cao bồi bang Texas, gia nhập Lực lượng đặc nhiệm hải quân Mỹ - SEAL) nhận nhiệm vụ trông chừng một tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ tiến vào một thành phô của Iraq. Khi họ đến nơi đã có một đám đông ùa ra đón họ tại thị trấn.

Qua kính ngắm, Chris thấy một phụ nữ tay cầm lựu đạn đang tiếp cận các lính thủy. Người phụ nữ không đi một mình mà lại đi cạnh một đứa trẻ. “Đây là lần đầu tiên tôi sắp phải giết một ai đó… Mọi thứ lướt nhanh trong óc. Trước tiên, đây là một phụ nữ. Sau đó, tôi chắc chắn phải giết người này? Việc làm này có đúng không, có chính đáng không? Sau khi làm điều này, về nhà tôi có bị xử lý không?”. Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu Chris, ông trăn trở không biết mình nên xử trí thế nào trong khi thời gian không thể chờ đợi ông lâu được. Sau khi giết người liệu ông có phải đi tù bởi ông đã giết một người phụ nữ đáng thương. Không còn nhiều thời gian để đấu tranh tư tưởng, Chris đã quyết định và ông chắc chắn rằng chính người phụ nữ kia sẽ giúp ông. Nếu ông không giết người phụ nữ ấy thì đồng đội của ông sẽ phải chết, và Chris đã nhanh chóng quyết định bóp cò. Chuyện gì đến đã phải đến, đồng đội của ông thoát khỏi tiếng nổ của quả lựu đan.

Kyle đã ở lại Iraq cho tới năm 2009. Theo tin từ Lầu Năm Góc thì Kyle đã bắn hạ 160 người và ông trở thành lính bắn tỉa cừ nhất lịch sử quân đội Mỹ. Trong khi đó, Kyle ngẫm nghĩ và ước tính, ông đã lấy đi mạng sống của 255 người. Riêng trong trận đánh ở thành phố Fallujah năm 2004, Kyle đã hạ chết 40 người.

Nguồn tin tình báo cho hay, quân đội Iraq đặt cho Kyle biệt danh “The Devil” (Quỷ dữ) và treo thưởng 20.000 USD cho ai giết được ông.

Kết hôn và có hai đứa con, hiện tại Chris Kyle đã giải ngũ và ông dành thời gian để  viết sách, trong đó ông đã bày tỏ rằng bản thân mình không hề hối tiếc về những điều đã làm, coi những người mình giết là “kẻ độc ác, dã man” và phải trừ khử. Tuy nhiên, một nghiên cứu về lính bắn tỉa ở Israel cho thấy, khác các đối tượng binh sĩ khác, những người bắn tỉa ít có xu hướng “độc ác hóa” kẻ thù của họ như Kyle. Một trong những lý do là lính bắn tỉa có thể nhìn thấy mục tiêu rõ ràng, đôi lúc phải quan sát họ hàng giờ, thậm chí nhiều ngày.

Nghiên cứu 30 tay súng bắn tỉa Israel hoạt động ở Palestine giai đoạn 2000-2003, nhà tâm lý Neta Bar muốn biết việc giết chóc là trái lẽ thường, độc ác hay gây đau buồn, khó chịu đối với con người. Bà chọn lính bắn tỉa chứ không phải phi công hay người lái xe tăng, vì những đối tượng này bắn phá các mục tiêu lớn như tòa nhà, còn lính bắn tỉa nhằm vào từng con người cụ thể. Kết quả khảo sát cho thấy, trong khi nhiều quân nhân Israel gọi lính Palestine là “khủng bố” thì các tay súng bắn tỉa xem họ đơn giản là con người.

“Trong tiếng Hebrew (Do Thái cổ), từ con người là con trai của Adam và từ này được lính bắn tỉa dùng nhiều hơn đáng kể so với các đối tượng quân nhân khác, khi họ nói về những người mà họ đã giết”, bà Neta Bar nói. Lính bắn tỉa hầu như không bao giờ coi những người họ giết là mục tiêu mà đấy là việc làm tất yếu. Một số lính bắn tỉa thậm chí nói rằng, nạn nhân của họ là những chiến binh chính thống. “Người này có bạn bè yêu quý. Tôi chắc anh ấy là một người tốt vì anh ấy hành động theo lý tưởng của mình”, một lính bắn tỉa, người theo dõi cảnh gào khóc của gia đình nạn nhân vừa bị mình bắn chết, tâm sự.

Nghiên cứu ở Canada cho thấy, các tay súng bắn tỉa có chỉ số chấn thương tâm lý hậu chiến thấp hơn, nhưng lại có chỉ số về độ hài lòng với công việc này cao hơn lính thông thường. Với người bắn tỉa là cảnh sát, những người sống trong xã hội bình thường không phải chiến tranh, triệu chứng ám ảnh xuất hiện sớm hơn nhiều.

Cả hai nghiên cứu ở IsraelCanada đều thực hiện với lính bắn tỉa tại ngũ. Chuyên gia tâm lý Neta Bar nghi ngờ rằng, nhiều người trong số họ có thể gặp vấn đề tâm lý trong những năm tới, khi họ quay lại xã hội bình thường.

Ilya Abishev, cựu lính bắn tỉa Nga, nói: “Có khoảng 20 tay súng đi theo đoàn xe, và tất cả họ đều nằm trong phạm vi ống ngắm. Tôi chỉ nghĩ làm sao bắn được càng nhiều càng tốt. Tôi nhìn thấy những gương mặt hoảng loạn, cố gắng ẩn náu. Chúng tôi giết gần như hết bọn họ, trừ ba hay bốn người bị bắt giữ. Sau đó, tôi tự trách mình không đủ bình tĩnh để có thể giết thêm nhiều người. Khi đó chúng tôi tự hào, còn bây giờ tôi thấy xấu hổ. Nếu bây giờ hỏi tôi, tôi có thể nói giết người khó khăn hơn nhiều, nhưng 20 năm trước tôi còn quá trẻ”.

Súng bắn tỉa và những xạ thủ cừ khôi đã gieo rắc nỗi sợ hãi trên mọi chiến trường bởi công việc chính là bắn chính xác vào từng con người. Họ được nhìn rõ cận cảnh những mục tiêu của họ ngã xuống nhưng không còn cách nào khác, đã là chiến tranh thì phải có sinh tồn, đó là quy luật mà không ai có thể thay đổi được

Trần Tú – Hải Anh (tổng hợp)

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

Sau gần 10 tháng khởi tố vụ án hình sự liên quan đến một cán bộ Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố bị can đối với cựu Trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng về hành vi nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文