Iran định trả đũa bằng việc bắt giữ tàu chở dầu của Anh?
Tuy nhiên sau đó 5 tàu của Iran đã buộc phải rút lui khi nhận được lời cảnh báo qua hệ thống radio từ tàu hộ vệ HMS Montrose của Hoàng gia Anh, con tàu đi theo bảo vệ tàu chở dầu Heritage.
Tàu khu trục HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia Anh, đi theo hộ tống chiếc tàu dầu, đã chĩa súng vào các tàu của Iran và ra hiệu lệnh cảnh cáo các tàu này lùi lại. Tàu Montrose được trang bị các nòng súng 30mm trên boong tàu, được thiết kế cụ thể để điều hướng các tàu nhỏ. Bộ Quốc phòng Anh chưa đưa ra lời bình luận về thông tin được Reuters đăng tải.
Tàu dầu British Heritage của Anh rời cảng Rotterdam hồi năm ngoái. |
Các quan chức an ninh của Anh trước đó xác nhận tàu Montrose đang ở trong khu vực để thực hiện một "vai trò an ninh hàng hải". Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Anh "sẽ phải chịu hậu quả" sau khi Hải quân Hoàng gia bắt giữ một tàu chở dầu của Iran đến Syria vào tuần trước.
Ông Rouhani cho biết: "Tôi nói với người Anh rằng họ là người khởi nguồn các bất ổn an ninh và sau này họ sẽ phải nếm trải hậu quả của việc đó". Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã lên tiếng chế giễu việc Anh điều tàu hộ vệ HMS Montrose đi theo hộ tống tàu chở dầu Heritage. Theo ông Rouhani, hành động của Anh là mang tính khiêu khích và cản trở tự do hàng hải.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết Mỹ đang thành lập một liên minh để đảm bảo tự do di chuyển hàng hải ở khu vực, giữa các đe doạ gia tăng từ Iran. "Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận vào hôm nay, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và tôi, và chúng tôi đang liên lạc với một số nước để xem chúng tôi có thể thành lập một liên minh nhằm đảm bảo tự do di chuyển ở Eo biển Hormuz và Eo biển Bab el-Mandeb hay không", ông Dunford nói.
Căng thẳng giữa Anh và Iran tiếp tục leo thang khi ngày 4- 7, lính thủy đánh bộ Anh cùng Cảnh sát Gibraltar đã bắt giữ Grace 1, siêu tàu dầu Iran, ngoài khơi bờ biển phía nam bán đảo Iberia. Lãnh đạo Gibraltar Fabian Picardo lý giải con tàu bị bắt giữ vì đang vận chuyển dầu thô tới Syria, vi phạm các cấm vận của EU đối với Damascus. Tehran phủ nhận cáo buộc, khẳng định đích đến của hàng hóa trên tàu không phải là Syria.
Tàu chở dầu MT Grace 1 dài 330 m với trọng tải 300.000 tấn bị Cảnh sát và lực lượng bảo vệ bờ biển Gibraltar dưới sự hỗ trợ của Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh, bắt vào sáng sớm nay. Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh.
"Chúng tôi có lý do để tin rằng Grace 1 đang vận chuyển lô dầu thô đến nhà máy lọc dầu Banyas ở Syria. Nhà máy lọc dầu đó là tài sản của một thực thể chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Syria", Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo cho hay. "Chúng tôi đã bắt tàu và hàng hóa trên tàu".
Con tàu treo cờ Panama, do công ty IShips Management, có trụ sở tại Singapore, quản lý. Iran xác nhận sở hữu lô hàng trên tàu và triệu tập đại sứ Anh tại Tehran để phản đối việc bắt tàu "bất hợp pháp". Truyền thông nhà nước Iran khẳng định tàu đang chở dầu thô tới cảng Basra của Iraq.
Ngoại trưởng Tây Ban Nha Josep Borrell sau đó lên tiếng cho rằng con tàu đã bị bắt theo yêu cầu của Mỹ. Ông nói thêm rằng Tây Ban Nha, quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền với vùng biển ngoài khơi Gibraltar, đang đánh giá mục đích việc bắt tàu Grace 1.
Theo Reuters, Iran từng sử dụng MT Grace 1, vốn được xem là "siêu tàu chở dầu", để vận chuyển dầu thô tới Singapore và Trung Quốc, bất chấp lệnh trừng phạt đơn phương của Washington đối với Tehran. Chuyến đi được cho là tới Syria bắt đầu từ cảng Bandar Assalyeh của Iran.
Ngay sau vụ việc tàu Grace 1 bị bắt giữ, Bộ trưởng Quốc phòng Iran tuyên bố việc Anh bắt giữ tàu dầu nước này ngoài khơi Gibraltar là không thể chấp nhận được và chẳng khác gì "cướp biển".
Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên Đài Truyền hình quốc gia Iran, ông Amir Hatami lên án các hành động đe dọa của lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh và tuyên bố Tehran sẽ không dung thứ cho những hành động như vậy. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran sau đó lặp lại những lời của Bộ trưởng Hatami, mô tả vụ việc là một vụ cướp rõ rành rành.
Ngày 7-7, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Seyyed Abbas Araqchi tuyên bố Anh không có quyền bắt giữ con tàu, và Tehran sẽ dùng pháp luật để giải quyết vấn đề. Một tư lệnh cấp cao của Lực lượng Cận vệ cách mạng Iran (IRGC) thậm chí nêu ra một biện pháp đáp trả khác biệt, đó là bắt giữ một tàu Anh nếu Grace 1 không được thả.