Iraq hỗn loạn vì biểu tình
- Nam giới Iraq, Syria sang Lebanon tị nạn phải hành nghề bán thân
- Iraq cấm chiến đấu cơ Mỹ bay tự do trong không phận sau vụ nổ "lạ"
Phát biểu tại cuộc họp báo được phát trên sóng truyền hình nhà nước, người phát ngôn Maan nêu rõ các nhà chức trách lên án tất cả các vụ tấn công nhằm vào các hãng truyền thông, sau khi xuất hiện thông tin rằng các nhóm không xác định tiến hành đột kích nhằm vào văn phòng của một số hãng tin địa phương và quốc tế.
Trong ngày 6-10, ngày biểu tình thứ 6 liên tiếp, đã có thêm 8 người thiệt mạng trong các vụ biểu tình tại Iraq, bất chấp việc chính phủ vừa công bố một loạt cải cách sau phiên họp "bất thường" kéo dài trong đêm nhằm đối phó với các cuộc biểu tình phản đối chính phủ đang lan rộng.
Khói lửa tràn ngập thủ đô Baghdad trong những ngày qua khi người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh. Ảnh: AP. |
Cùng ngày, truyền thông Trung Đông dẫn nguồn tin cảnh sát Iraq cho biết, người biểu tình đã phóng hỏa nhiều trụ sở của lực lượng bán quân sự Hashd al-Shaabi thân Iran tại tỉnh Dhi Qar, miền Nam Iraq.
Người biểu tình đã đốt trụ sở của các nhóm vũ trang Asaib Ahl al-Haq, Saraya Khurasan và al-Badir thuộc phong trào bán quân sự Hashd al-Shaabi thân Iran tại tỉnh Dhi Qar. Ngoài ra, người biểu tình cũng phóng hỏa cơ sở của đảng Xã hội Iran, đảng Hồi giáo Dawa, đảng Hikma và một số văn phòng khác trên địa bàn tỉnh này.
"Chúng tôi đã chịu đựng 16 năm tham nhũng và bất công", ông Abbas Najm, một kỹ sư thất nghiệp 43 tuổi, một trong những người xuống đường hôm 5-10, nói. "Chúng tôi không sợ súng đạn hay phải hy sinh. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh và chúng tôi sẽ không lùi bước".
Kể từ ngày 1-10, hàng nghìn người Iraq đã xuống đường biểu tình nhằm phản đối tình trạng tham nhũng trong chính phủ, tình trạng thất nghiệp cao trong giới trẻ và các dịch vụ công yếu kém. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo lực gây nhiều thương vong.
Chính quyền Iraq đã ban hành lệnh giới nghiêm ở thủ đô Baghdad và ngừng cung cấp dịch vụ Internet ở hầu hết các địa phương. Ngày 5-10, Chính phủ Iraq đã bãi bỏ lệnh giới nghiêm có hiệu lực vào ban ngày ở thủ đô Baghdad, song vẫn phong tỏa những tuyến đường dẫn tới các quảng trường lớn do lo ngại xảy ra thêm các cuộc biểu tình bạo lực.
Theo Bộ Nội vụ Iraq, số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở thủ đô Baghdad và các thành phố ở miền Nam nước này đã lên tới 104 người và trên 6.000 người bị thương.
Liên đoàn Arab (AL) ngày 5-10 đã lên tiếng kêu gọi đối thoại để giải quyết những nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình ở Iraq trong suốt mấy ngày vừa qua khiến nhiều người thương vong.
Trong một tuyên bố, AL nêu rõ: "Chúng tôi mong muốn chứng kiến Chính phủ Iraq tiến hành tất cả các biện pháp để làm dịu tình hình và khởi xướng cuộc đối thoại nghiêm túc và thực chất nhăm giải quyết những nguyên nhân dẫn đến biểu tình". Ngoài ra, AL cũng nhắc lại sự ủng hộ đối với Iraq "trong việc thực thi mọi biện pháp để chấm dứt tình trạng leo thang hiện nay và khôi phục hòa bình và an ninh ở nước này".
Làn sóng biểu tình phản đối tình trạng thất nghiệp và trì trệ trong dịch vụ công ở miền Nam Iraq đã nổ ra từ tháng 7 khi hàng trăm người biểu tình đã xông vào trụ sở chính quyền tỉnh Basra, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng vòi rồng, hơi cay và bắn chỉ thiên để giải tán đám đông.
Dịch vụ công yếu kém và tình trạng thất nghiệp cao lên tới 10,8%, trong khi cuộc sống đắt đỏ cùng với sự thiếu hụt các dịch vụ cơ bản là những nguyên nhân làm bùng phát làn sóng biểu tình tại tỉnh Basra từ đầu tháng Bảy và lan sang các tỉnh khác của Iraq.
Các vụ biểu tình là thách thức về chính trị và an ninh lớn nhất cho chính quyền của Thủ tướng Adel Abdul Mahdi kể từ khi ông lên nắm quyền cách đây một năm. Trong ngày 6-10, nội các của Thủ tướng Iraq Adel Abdel Mahdi đã công bố nhiều biện pháp cải cách sau phiên họp "bất thường" trong đêm trước tình hình các cuộc biểu tình lan rộng.
Người biểu tình bạo động trên đường phố Baghdad. |
Theo đó, chính quyền đưa ra nhiều chương trình cải cách theo kế hoạch trong các lĩnh vực: phân chia đất đai, nghĩa vụ quân sự và tăng thu nhập, phúc lợi cho các gia đình nghèo. Trong vấn đề việc làm, Iraq khẳng định sẽ tạo ra những nhóm thị trường liên kết và tăng phúc lợi cho người thất nghiệp.
Trước khó khăn trong nước do liên quan đến các biện pháp trừng phạt của Mỹ, người biểu tình, đa số là thanh niên đã xuống đường để yêu cầu chính quyền cải cách kinh tế, tạo việc làm, cải thiện dịch vụ công cơ bản như điện, nước và chấm dứt tình trạng tham nhũng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Iraq lên tới 25%.