Italia:

Bê bối của nữ Thị trưởng Virginia Raggi

15:06 09/02/2017
Vì là nữ Thị trưởng đầu tiên của Rome, thủ đô của Italia nên thông tin về việc bà Virginia Raggi bị Văn phòng công tố Rome gửi giấy triệu tập để thẩm vấn trong một vụ điều tra tham nhũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.


Hơn nữa, bà Virginia Raggi được coi là gương mặt chính trị đang lên của đảng Phong trào 5 Sao (M5S), nên thông tin được nữ Thị trưởng đăng tải trên Facebook cá nhân được coi là chính thức.

Theo đó, bà Virginia Raggi bị các công tố viên triệu tập để thẩm vấn có liên quan tới ông Raffaele Marra, một trong những phụ tá thân cận, người mới bị cảnh sát bắt hồi tháng 12-2016 vì bị cáo buộc tham nhũng.

Trong khi nữ Thị trưởng tuyên bố "bình tĩnh và hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống tư pháp", nhưng phe đối lập đang kêu gọi bà Virginia Raggi từ chức. Tuy mới nhậm chức được khoảng 8 tháng, nhưng bà Virginia Raggi đã bị phe đối lập nhiều lần yêu cầu từ chức bởi những bê bối của thuộc cấp.

Theo hãng tin Agi, các công tố viên thẩm vấn bà Virginia Raggi xung quanh cáo buộc lợi dụng chức quyền và gian lận trong khuôn khổ cuộc điều tra nhằm vào ông Raffaele Marra, người phụ trách công tác nhân sự của chính quyền thành phố, được coi là "cánh tay phải" của nữ Thị trưởng.

Bà Virginia Raggi cũng thừa nhận lý do chính bị thẩm vấn đến từ ông Raffaele Marra. Bởi sau khi đắc cử ghế Thị trưởng Rome (19-6-2016), bà Virginia Raggi đã bảo vệ ông Raffaele Marra và bổ nhiệm đứng đầu bộ phận nhân sự của chính quyền thành phố, trong khi nhân vật này bị tình nghi đã nhận tiền bất hợp pháp từ một nhà phát triển bất động sản năm 2013.
Thị trưởng Virginia Raggi.

Tại thời điểm kể trên, ông Raffaele Marra là người quản lý chính sách nhà đất dưới thời cựu Thị trưởng Gianni Alemanno. Điều đáng nói là, nữ Thị trưởng tuy thừa nhận đã "phạm sai lầm" khi tin tưởng ông Raffaele Marra, nhưng bà Virginia Raggi lại bổ nhiệm ông Renato Marra, anh trai ông Raffaele Marra, làm người đứng đầu Sở Du lịch thành phố Rome.

"Lần đầu tiên trong lịch sử, Rome có nữ Thị trưởng ở một thời đại mà sự bình đẳng vẫn còn là ảo tưởng", bà Virginia Raggi nhấn mạnh trong bài phát biểu sau chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 19-6-2016.

Với khẩu hiệu tranh cử "Đã đến lúc thay đổi Rome" và cam kết chống nạn tham nhũng, bà Virginia Raggi đã nhận được sử ủng hộ của gần 800.000 người dân thành phố Rome.

Thách thức lớn nhất đối với bà Virginia Raggi là sự gia tăng ảnh hưởng của các băng nhóm mafia ở Rome, đặc biệt là vụ án "Mafia Capitale". Bởi nhiều quan chức thành phố câu kết với mafia để tham nhũng, rửa tiền, cho vay nặng lãi, biển thủ công quỹ…

Vấn nạn tham nhũng đã khiến các dịch vụ công như xử lý rác thải và giao thông ở Rome gặp nhiều trở ngại khiến người dân bức xúc trong một thời gian dài. Bà Virginia Raggi đang phải đối mặt với sức ép lớn liên quan tới bê bối nhân sự và vẫn bế tắc trong việc tìm ra cách thực hiện những cam kết với cử tri khi vận động tranh cử trước đó.

Cuộc đời của nữ luật sư Virginia Raggi đã thay đổi sau khi lên xe hoa với Giám đốc Đài Phát thanh Andrea Severini bởi ông là người đã đưa bà vào đảng M5S (thành lập tháng 10-2009).

Tuy chưa tới 40 tuổi (sinh ngày 18-7-1978), và mới gia nhập M5S nhưng bà Virginia Raggi đã làm nên chiến thắng lịch sử của đảng này khi trở thành nữ Thị trưởng đầu tiên ở Thủ đô Rome. M5S thu hút sự ủng hộ của người dân bởi những chính sách chống tham nhũng ở Italia.

Giới bình luận cho rằng, vì thiếu kinh nghiệm lãnh đạo (mới có 3 năm hoạt động tại Hội đồng thành phố), nên bà Virginia Raggi gặp không ít khó khăn trong việc điều hành và giải quyết một loạt vấn đề tồn đọng của thành phố như cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông công cộng nghèo nàn, thiếu thốn nhà cửa và khoản nợ gần 15 tỷ USD.

Theo giới chuyên môn, ban đầu M5S chỉ thành lập như một phong trào chính trị chống lại hệ thống chính trị cổ điển của Italia, khi liên minh trung tả và trung hữu bị chỉ trích tham nhũng và bất lực trong việc đưa đất nước thoát khủng hoảng, nên đảng này đã gây chú ý lớn khi giành số phiếu cao thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013.

Và từ đó, M5S liên tục thành công trên chính trường, trở thành chính đảng lớn giành được sự ủng hộ nhiều thứ 2 ở Italia. Nhưng hiện uy tín của M5S, đảng đối lập lớn nhất ở Italia đã suy giảm mạnh sau hàng loạt quan chức được đảng này đề cử vào chính quyền Thủ đô Rome bị điều tra về các bê bối tham nhũng và lợi dụng chức quyền.

Gần 3 tháng nắm quyền (thượng tuần tháng 9-2016), uy tín của M5S đã giảm sau cuộc khủng hoảng nhân sự trong nội bộ chính quyền thủ đô Rome trở nên nghiêm trọng.

Theo kết quả thăm dò của Viện nghiên cứu dư luận, tỷ lệ cử tri ủng hộ M5S đã giảm 4,4% chỉ trong một tuần, khiến lượng người ủng hộ đảng này trong 7 ngày (từ 1 đến 8-9-2016) giảm từ 29,5% xuống còn 25,1%.

Anh Phương

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文