Làm nghiêm việc thu hồi bằng lái sẽ hạn chế tài xế cố tình vi phạm

20:16 16/06/2020
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) (sửa đổi), trong đó có quy định những người bị tước Giấy phép lái xe 4 lần trong 3 năm sẽ bị thu hồi GPLX.

Sau thời gian “treo” bằng có thời hạn, tài xế phải học lại, thi lại. Dù mới là dự thảo, song quy định mới này nhận được sự đồng tình từ phía các chuyên gia giao thông cũng như người dân.

Bị tạm giữ giấy phép lái xe nhiều lần phải học lại, thi lại

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về cơ bản không khó cho người dân và lực lượng thi hành công vụ xử lý hành vi vi phạm, góp phần giảm sâu số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) từ trên 15.000 người xuống còn dưới 8.000 người hiện nay. 

Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện, Luật Giao thông đường bộ xuất hiện một số tồn tại, bất cập phát sinh cần được sửa đổi, bổ sung, như tỉ lệ % diện tích đất dành cho đường bộ chưa đảm bảo; hạn chế về hạ tầng giao thông thông minh khiến cho việc xử phạt không minh bạch; phương tiện cá nhân phát triển nhanh với nhiều loại hình công nghệ tiên tiến…Vì vậy Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sẽ giải quyết những bất cập trong Luật hiện hành. 

Đáng chú ý, trong dự thảo Luật sửa đổi có đề xuất việc theo dõi số lần vi phạm hành chính của người lái xe, quy định nội dung tài xế bị tước bằng lái 4 lần trong 3 năm sẽ phải học lại, thi lại. Quy định này được cho là tương tự việc tính điểm như một số nước trên thế giới đang áp dụng.

Ông Lương Duyên Thống-Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ) cho biết trong dự thảo Luật, Tổng cục đề xuất trong 3 năm nếu tài xế bị tước Giấy phép lái xe (GPLX) 4 lần thì sẽ thu hồi GPLX có thời hạn. 

Sau khi chấp hành các quy định xử phạt vi phạm và hết thời gian thu hồi, chủ phương tiện sẽ phải thi lại để cấp GPLX mới. Việc này cũng tương tự như tính điểm để xử lý vi phạm của tài xế, không phát sinh thêm thủ tục. Người dân có thể theo dõi số lần bị tước GPLX qua hệ thống thông tin dữ liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cập nhật đầy đủ thông tin công khai, minh bạch. 

“Nghị định 100/2019 quy định 61 hành vi vi phạm ngoài việc phạt tiền, người lái xe sẽ bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 24 tháng. Quy định tước quyền sử dụng GPLX đã được cập nhật vào phần mềm quản lý vi phạm. Hiện Tổng cục và Cục CSGT đang quản lý tốt dữ liệu này” - ông Thống thông tin. 

Tổng cục Đường bộ cho rằng, hình thức này sẽ phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức người lái xe, hình thức này hơn hẳn hình thức chấm điểm một số nước đang thực hiện khi phải thêm phần mềm mới, thủ tục mới.

Người tham gia giao thông nếu vi phạm nhiều lần sẽ bị thu hồi GPLX và buộc thi lại.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng việc Bộ GTVT đưa ra chế tài thu hồi GPLX và buộc phải học, thi lại bằng lái đối với các trường hợp trên là phù hợp. Quy định trên sẽ giúp hạn chế được những tai nạn do sử dụng rượu, bia, ma túy. 

Người tham gia giao thông thường vi phạm các quy định về an toàn giao thông do hai nguyên nhân. Một là do nắm kiến thức pháp luật về GTĐB không đầy đủ, vững chắc. Hai là ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông không tốt. Để ngăn chặn tình trạng trên cần có chế tài nặng để răn đe, phòng ngừa nên cá nhân tôi rất ủng hộ quy định này…

Về một số ý kiến cho rằng tai nạn giao thông phần lớn do ý thức người tham gia giao thông chứ không phải do kiến thức hoặc công tác đào tạo “có vấn đề”, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng nếu do một trong hai nguyên nhân nêu trên dẫn đến tai nạn thì việc thu hồi bằng lái đều có tác dụng. 

“Khi có chế tài mạnh, người tham gia giao thông sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật hơn, từ đó hạn chế các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng… Tất nhiên, theo tôi biết, những trường hợp vi phạm đến mức phải tước bằng lái 4 lần trong 3 năm hoặc có tổng lần tước bằng lái trên 24 tháng… không nhiều, chỉ là cá biệt nhưng cần chế tài mạnh với bộ phận này”, ông Quyền nói.

Tuy nhiên, khi được hỏi về những quy định mới này, nhiều tài xế cho rằng họ không phản đối song bên cạnh các chế tài họ mong lực lượng chứ năng thực thi công vụ trên đường cần xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm giao thông. Ví dụ như hành vi lái xe đi ngược chiều, lùi xe trên cao tốc, vượt đèn đỏ… 

Nếu có chế tài mạnh nhưng phát hiện vi phạm lại bị “lơ đi”thì người dân, đặc biệt người có tiền sẽ xem thường pháp luật, thậm chí gây hậu quả lớn cho nhiều người tham gia giao thông chấp hành đúng pháp luật…

Muốn xử nghiêm cần có cơ sở dữ liệu ATGT chính xác

Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đưa ra quy định buộc tài xế bị tước giấy phép lái xe nhiều lần đang nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận. Bởi lâu nay, việc xử phạt rất ít khi truy xuất lại lịch sử vi phạm của từng tài xế.

Siết chặt quy định thi lại bằng lái xe sẽ giảm TNGT.

Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực từ 1-1-2020 có quy định 61 hành vi vi phạm mà ngoài bị phạt tiền, người lái xe còn bị tước giấy phép lái xe từ 1 đến 24 tháng, trong đó, có 4 hành vi vi phạm bị tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng, gồm: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở và Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. 

Ngoài ra, những trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ cũng bị tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Nhưng với những trường hợp này, hình phạt bổ sung thường được áp dụng là tước giấy phép lái xe 23 tháng.

Điều này cho thấy, để bị tước giấy phép lái xe đến 24 tháng, tài xế ít nhất có 2 lần vi phạm lỗi bị tước giấy phép lái xe, trong đó có 1 lỗi bị tước giấy phép lái xe với thời gian dài nhất. Khi họ cố tình vi phạm những lỗi này một cách liên tiếp, thì quy định buộc phải học lại, thi lại sẽ trở thành tấm chắn loại dần những tài xế coi thường pháp luật.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại việc xây dựng hệ thống dữ liệu về tình trạng vi phạm của lái xe để buộc tài xế học lại, thi lại có lẽ là chưa đủ. Yêu cầu về một hệ thống cơ sở dữ liệu an toàn giao thông chia sẻ, dùng chung cho các cơ quan quản lý đã được Ủy ban ATGTQG đặt ra từ lâu. Dữ liệu này không chỉ là tình trạng vi phạm của tài xế, mà bao gồm cả phương tiện và người lái, đến điều kiện hạ tầng và thực trạng TNGT.

Có một kinh nghiệm hay mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện, đó là tài xế càng lái an toàn thì càng được giảm mức đóng bảo hiểm. Ngược lại những tài xế nào có vi phạm, có tiền sử gây tai nạn hoặc có hành vi vi phạm TTATGT thì phải đóng mức bảo hiểm cao hơn chứ không phải cào bằng như hiện nay. 

Song, kinh nghiệm đó cũng chỉ có thể áp dụng khi cơ sở dữ liệu về vi phạm giao thông đã liên thông với bảo hiểm. Do vậy, để làm được điều này, dữ liệu xây dựng từ một ngành là không đủ, và sẽ càng khó khăn nếu thiếu sự chia sẻ, dùng chung. 

Ngoài ra, để dự thảo quy định buộc phải học lại thi lại nếu bị tước bằng lái nhiều lần, cũng như nhiều quy định tới đây có thể triển khai và mang lại hiệu quả thì việc xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia cũng cần có lộ trình cụ thể, công khai và bám sát lộ trình đó, để tránh tình trạng quy định chờ dữ liệu, hoặc đã lạc hậu so với dữ liệu.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, Cục Cảnh sát giao thông, cho rằng hệ thống cơ sở dữ liệu về người vi phạm đã được Cục CSGT xây dựng và liên tục cập nhật. Ngoài dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ Công an cũng vừa công bố dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT, trong đó đề ra biện pháp trừ điểm đối với các hành vi vi phạm để có được giải pháp quản lý chặt chẽ đối với người lái xe.
Đặng Nhật

Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đang được dư luận và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ rất cao. Dư luận xã hội và ĐBQH đánh giá, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, tránh để tồn tại thực trạng tài sản “đóng băng”, không lưu thông, hay nằm “phơi sương, phơi nắng” trong khi đất nước đang rất cần nguồn lực để phát triển.

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Mang cái tên đặc biệt, Võ Thị Nở (SN 1979, không nơi cư trú nhất định) từng có 5 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng ngựa quen đường cũ, Nở vẫn tiếp tục thực hiện nhiều vụ móc túi, lấy trộm ĐTDĐ đắt tiền tại khu vực rạp chiếu phim và bệnh viện xung quanh khu vực quận 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh…

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Israel và Lebanon đã chấp nhận đề xuất của Washington nhằm chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc giữa Israel và Hezbollah, mở đường cho việc kết thúc gần 14 tháng giao tranh xuyên biên giới đã giết chết hàng nghìn người.

Những tuyên bố gần đây của NATO về khả năng thực hiện các cuộc tấn công “phòng ngừa” nhằm vào Nga đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên, đẩy thế giới đến gần hơn với nguy cơ xung đột trực tiếp.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 26/11 cho biết sẽ áp thuế đáp trả Mỹ, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Mexico nếu nước này không ngăn chặn dòng ma túy và người di cư qua biên giới.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam. Vậy nhưng đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 720,4/721,25km (đạt khoảng 99,9%), trong đó, nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文