Những vụ mất tích bí ẩn
Vào một ngày tháng 9/1982, anh Adnan, chồng chị Wadad Halwani trở về nhà ăn trưa như bao người đàn ông khác ở Lebanon. Cảnh sát đến nhà anh chị ở Beirut và nói rằng, họ có vài câu hỏi cần thẩm vấn anh Adnan về một vụ tai nạn giao thông. Bữa trưa định mệnh đó cũng là lần cuối cùng chị Wadad Halwani gặp chồng mình. Vụ việc của vợ chồng chị Wadad Halwani chỉ là một trong hàng ngàn vụ mất tích bí ẩn đã xảy ra ở Lebanon.
Gần 32 năm sau, chị Wadad Halwani vẫn cố gắng “chiến đấu” để biết những gì đã xảy ra. "Nó không đơn thuần là sự biến mất của chồng tôi mà còn “động chạm” tới khoảng 17 nghìn người mất tích và thân nhân của họ. Đó là một vấn đề mang tính quốc gia", Wadad Halwani nói. Xuất phát từ lý do đó, Halwani – người đồng sáng lập Ủy ban gia đình những người mất tích ở Lebanon đã liên tục yêu cầu chính phủ đưa ra câu trả lời.
Từ năm 2005, một nhóm phụ nữ đã tập trung trong một công viên gần Quốc hội Lebanon để yêu cầu chính phủ phải có những động thái tích cực hơn về vụ việc. Hàng ngàn phụ nữ mang theo ảnh của những người thân yêu đòi chính phủ phải lý giải nguyên nhân mất tích. Gần ba thập kỷ sau khi bắt đầu cuộc nội chiến ở Lebanon, một số thông tin bí mật liên quan đến vụ việc dần được hé mở. Tháng trước, Quốc hội đã đưa ra phán quyết rằng, gia đình những người bị mất tích sẽ có thể được tiếp cận những tài liệu về cuộc điều tra. Đồng thời, phán quyết này cũng thừa nhận, gia đình có quyền được biết về những gì đã xảy ra với người thân yêu. Chị Halwani gọi đó là một "chiến thắng lớn" cho thân nhân của những người mất tích.
|
Sau hơn 30 năm, sự mất tích của 17 nghìn người dân Lebanon trong cuộc nội chiến vẫn còn là điều bí ẩn. |
Chính phủ Lebanon cho rằng, tìm kiếm đến cùng nguyên nhân mất tích sẽ “động” đến vết thương cũ và châm ngòi cho những xung đột dân sự. Trung tâm chuyển tiếp Tư pháp Quốc tế - một tổ chức phi chính phủ (NGO) thì cho rằng, sự trốn tránh trách nhiệm của chính quyền Lebanon là “tội ác chiến tranh” và vi phạm nhân quyền.
Trên thực tế thì Chính phủ Lebanon chưa bao giờ tiến hành một cuộc điều tra chính thức về cuộc nội chiến. Một bản báo cáo sơ sài về cuộc nội chiến được công bố vào năm 2000 cho biết, chỉ có 2.046 người mất tích và tất cả là đã chết. Chính quyền Lebanon khuyên các gia đình nên tuyên bố rằng người thân đã chết. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy, việc đồng ý tuyên bố những người thân yêu đã chết đồng nghĩa là họ sẽ không bao giờ tìm được nguyên nhân chính xác những gì đã xảy ra
Ghassan Moukheiber, một người tích cực vận động thành lập Ủy ban quốc gia tìm kiếm người bị mất tích trong cuộc nội chiến nói rằng, "nhiều đảng chính trị có lực lượng dân quân riêng, nhiều người trong số đó hiện đang nắm giữ những cương vị quan trọng ở Lebanon, có bộ đã từng tham gia giết hại dân thường". Ông Moukheiber hy vọng, Ủy ban quốc gia tìm kiếm người bị mất tích trong cuộc nội chiến sẽ có đóng góp tích cực trong việc tìm ra nguyên nhân thực sự của vụ mất tích. Ước tính, 17 nghìn người đã mất tích trong cuộc nội chiến 1975-1990, trong đó có trên 150 nghìn người chết
Những người mất tích đang bị giam giữ ở Syria?
Gia đình các nạn nhân mất tích trong cuộc chiến ở Lebanon chưa bao giờ thôi hy vọng về sự trở lại của những người thân yêu. Tín hiệu lạc quan nhất là thông tin khoảng 300 đến 600 tù nhân Lebanon đã “biến mất” một cách bí ẩn sau khi bị giam giữ ở Syria. Điều này nhen lên hy vọng rằng, những người mất tích vẫn đang còn sống và bị giam giữ tại Syria.
Các gia đình đã chi khá nhiều tiền để tìm kiếm người thân. Bà Marie Mansourati cho biết, gia đình bà đã phải chi khoản tiền lên đến 200.000 USD để tìm kiếm con trai Daniel. Daniel bị bắt cóc khi gia đình đến thăm Damascus vào năm 1992, hai năm sau cuộc nội chiến kết thúc. Một nhà lãnh đạo dân quân hồi giáo 30 tuổi đã khẳng định với bà Mansourati là Daniel đang bị giam giữ ở Syria. Bà Marie Mansourati đã phải trả lên đến 500 USD cho mỗi thông tin mới nhưng điều duy nhất mà bà nhận lại là sự thất vọng. Tuy nhiên, bà Marie Mansourati chưa bao giờ từ bỏ hy vọng dù có thông tin cho rằng, con trai bà đã chết vào năm 1990. "Con trai tôi vẫn còn sống và đang bị giam giữ trong nhà tù nào đó ở Syria". Bà Marie Mansourati nhấn mạnh, "tôi chắc chắn con trai tôi vẫn còn sống"