Lùm xùm quanh chuyện ông trùm truyền thông Hồng Kông Jimmy Lai bị bắt

14:30 16/08/2020
Ngày 10-8, ông Jimmy Lai, 71 tuổi, một trong những nhân vật phản đối chính quyền Trung Quốc dữ dội nhất, đồng thời cũng là người đóng vai trò then chốt trong phong trào biểu tình tại Hồng Kông thời gian qua, đã bị cảnh sát bắt giữ vì bị nghi đã bắt tay với thế lực ngoại quốc và có hành vi lừa đảo trong kinh doanh. Hàng trăm cảnh sát Hồng Kông liên tục khám xét toà soạn báo Apple Daily suốt nhiều giờ liền.


Trong video, Tổng biên tập tờ Apple Daily, ông Ryan Law Wai-kwong đã cố gắn ngăn cản cảnh sát bằng cách lên tiếng: "Các anh bỏ tay ra, đợi đến lúc luật sư của chúng tôi kiểm tra lệnh khám xét đã". Mọi nhân viên đều được yêu cầu trình thẻ ID và giữa lúc cảnh sát đang kiểm tra thì ông Lai, vẫn đang bị còng tay, được dẫn giải qua phòng họp của toà soạn. Cảnh sát Hồng Kông sau đó có tổ chức một cuộc họp báo để thông tin thêm về vụ bắt giữ, nhưng các hãng thông tấn bao gồm Reuters, Agence France Presse, AP và RHTK đều bị cấm tham dự.

Ông Jimmy Lai bị bắt giữ vào 10-8-2020.

Từ thợ may thành ông chủ giàu nhất Hồng Kông

Tuy có quốc tịch Anh nhưng ông Jimmy Lai lại sinh ra và lớn lên tại Quảng Châu, Trung Quốc. Khi lên 12 tuổi, cậu bé Jimmy Lai rời Trung Quốc bằng cách vượt biên, và đặt chân lên Hồng Kông trên một chiếc thuyền đánh cá. Trong vài thập kỉ tiếp theo, từ một công nhân may nghèo khổ làm việc trong một xưởng may bất hợp pháp với mức lương 8 USD/ tháng, Jimmy Lai đã gây dựng một đế chế kinh doanh và trở thành một trong những người giàu có bậc nhất Hồng Kông.

Theo BBC, sau một thời gian dài làm việc hết sức chăm chỉ, chàng thanh niên Jimmy dần leo lên vị trí quản lý xưởng may. Vào năm 1975, anh dùng tiền thưởng cuối năm để mua cổ phiếu, rồi đợi đến lúc giá cổ phiếu tăng cao để bán lấy tiền mặt. Với chỗ tiền mặt kiếm được, Jimmy đã mua lại một xưởng may sắp phá sản tên Comitex, đặt lại tên thành Giordano và tiến hành sản xuất áo len.

Các khách hàng của xưởng may này bao gồm nhiều doanh nghiệp Mỹ danh tiếng như J.C. Penney và Montgomery Ward. Bằng đầu óc kinh doanh, Jimmy đã đưa Comitex từ một nhà may sắp phá sản thành một doanh nghiệp bán lẻ Giordano tầm cỡ Châu Á, với 8.000 nhân viên làm việc trong 2.400 chi nhánh khắp 30 quốc gia trên toàn cầu.

Ông trùm truyền thông

Ngoài Giordano, Jimmy Lai còn là người tiên phong trong làm báo lá cải ở Hồng Kông. Hai tờ báo bán chạy nhất của ông là Apple Daily và Next Magazine có nguyên tắc hoạt động tương tự như tờ USA Today của Mỹ và The Sun của Anh: sử dụng tin bài của một đội quân paparazzi, kết hợp những tin tức giật gân với những bài báo nghiêm túc về kinh tế và chính trị, thu hút người đọc bằng ảnh minh hoạ thật đẹp mắt và sặc sỡ…

Được biết, sự kiện Thiên An Môn vào năm 1989 đã ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm chính trị của tỷ phú này và thúc đẩy ông thành lập tờ Next Magazine.

Vào năm 1995, khi Anh chuẩn bị chuyển giao quyền kiểm soát Hồng Kông cho Trung Quốc và biến Hồng Kông thành một đặc khu tự trị, ông Jimmy Lai đã bỏ 100 triệu USD tiền túi ra để thành lập tờ Apple Daily. Tới năm 1997, số lượng phát hành của tờ Apple Daily đã đạt 400.000 bản/ tuần, lượng phát hành cao nhất trong số 60 tờ báo của Hồng Kông.

"Đặc sản" của tờ Apple Daily, ngoài các tin bài giật gân ra, còn có các bài báo vạch trần bê bối của các triệu phú Hồng Kông cũng như các mối quan hệ mờ ám của họ với chính quyền. Vào tháng 7-2003, ngay trước thềm cuộc biểu tình đi vào lịch sử của Hồng Kông, tờ Next Magazine đã cho đăng bức ảnh cựu Đặc khu Trưởng Hồng Kông Đổng Kiến Hoa bị ném bánh ngọt vào mặt lên trang bìa.

Tờ Next còn cổ vũ người đọc xuống phố tuần hành, còn Apple Daily thì phát sticker kêu gọi ông Đổng từ chức. Ngoài Apple Daily và Next Magazine, ông Jimmy còn là chủ sở hữu của nhiều tờ báo khác như Sudden Weekly, Eat & Travel Weekly, Trading Express/Auto Express, Easy Finder…Vào năm 2006, tờ Sudden Weekly và Next Magazine lần lượt trở thành hai tờ báo bán chạy thứ nhất và thứ nhì Hồng Kông.

Cảnh sát khám xét toà soạn Apple Daily.

Đế chế truyền thông của Jimmy Lai còn thống lĩnh cả Đài Loan. Ông Jimmy Lai cho in phiên bản Đài Loan của tờ Next Magazine và tờ Apple Daily vào năm 2001 và 2003, công khai thách thức hàng loạt đối thủ hùng mạnh tại Đài Loan. Không hài lòng với việc thị trường của mình bị xâm chiếm, nhiều tờ báo Đài Loan đã tung ra hàng loạt chiêu đòn nhằm hạ bệ Jimmy Lai: từ ép các hãng quảng cáo không được kí kết hợp đồng với Next Magazine và Apple Daily, cấm các hãng vận chuyển không được nhận rao báo đến liên tục phá hoại trụ sở của hai tờ báo này…Những trò quấy rối này đã chấm dứt khi Next Magazine và Apple Daily trở thành hai tờ báo có đông độc giả nhất trong các tờ lá cải.

Tháng 10-2006, Jimmy cho phát hành nhật báo Sharp Daily và phát miễn phí cho khách sử dụng phương tiện công cộng ở Đài Bắc. Ngoài Shard Daily, Jimmy Lai còn sở hữu cả tờ Me! Magazine. Những tờ báo của Jimmy được đánh giá là có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến văn hoá truyền thông của Đài Loan.

Nhưng con đường kinh doanh của Jimmy Lai không phải chỉ có hoa hồng. Vào cuối những năm 1990, khi bong bóng dot-com đang đạt đỉnh, Jimmy đầu tư vào một chuỗi cửa hàng tạp hoá online có dịch vụ giao hàng đến tận nhà người mua tên adMart.

adMart dần mở rộng sang kinh doanh cả thiết bị điện tử và các mặt hàng văn phòng phẩm nhưng sớm bị đóng cửa sau khi thua lỗ từ 100 đến 150 triệu USD. Jimmy Lai thẳng thắn thừa nhận nguyên nhân adMart thất bại là do ông đã quá tự tin và không có chiến lược kinh doanh hiệu quả. Vào năm 2013, Jimmy Lai bỏ ra 73 triệu USD để mua 2% cổ phần của tập đoàn điện tử Đài Loan HTC.

"Kẻ gây rối"

Từ lâu, Jimmy Lai đã là cái gai trong mắt chính quyền Trung Quốc khi năm 1994 công khai xúc phạm cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng cũng như Chính phủ Trung Quốc trên mặt báo. Vì vậy, Trung Quốc đáp trả bằng cách yêu cầu Giordano đóng cửa mọi chi nhánh trên toàn quốc, khiến cho Jimmy phải bán đi một phần Giordano để cứu lấy "con cưng". Nhiều doanh nghiệp cũng ngừng kí kết hợp đồng quảng cáo với Apple Daily để tránh "gây sự" với Trung Quốc.

Một người lớn tuổi đọc Apple Daily trên tàu điện.

Thêm vào đó, nhiều triệu phú có mối quan hệ làm ăn với Trung Quốc cũng phản đối Jimmy bằng cách chỉ quảng cáo trên những tờ báo là đối thủ của Apple Daily. Đồng thời, Jimmy Lai còn phải trải qua một cuộc chiến pháp lý rất vất vả để có thể đưa cổ phiếu của mình lên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông.

Trước vụ bắt giữ này, Jimmy Lai đã bị cảnh sát Hồng Kông "sờ gáy" 3 lần. Lần đầu vào ngày 13-12-2014 vì tham gia vào phong trào biểu tình "Cách mạng ô dù", và bị bắt giữ lần hai và lần ba lần lượt vào ngày 28-2-2020 và 18-4-2020 cũng vì tham gia biểu tình trái phép, cộng với xúc phạm một phóng viên năm 2017.

Ngoài vô số rắc rối với luật pháp, ông Jimmy Lai còn là nạn nhân của hàng loạt cuộc tấn công. Vào năm 2015, một kẻ giấu mặt vứt hàng loạt vũ khí như cưa, rìu và các lá thư doạ dẫm trước nhà ông và sau đó lái một chiếc xe hơi ăn cắp húc đổ một phần cổng biệt thự của Jimmy Lai. Nhà của ông cùng với toà soạn Next Magazine đã bị đánh bom nhiều lần, gần đây nhất là vào năm 2019.

Phản ứng bất ngờ của người Hồng Kông

2 giờ sáng ngày 11-8, chỉ nửa ngày sau khi ông Jimmy Lai bị bắt giữ, người dân Hồng Kông đã xếp hàng dài ở khắp các sạp báo để mua báo nhằm bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông. Nhiều người bỏ tiền ra mua hàng chồng báo và để lại một mẩu giấy nhắn thúc giục những người khác mua thêm, trong khi số khác để báo trước lối lên cầu thang chung cư để ai cũng có thể lấy một tờ.

Một độc giả thậm chí còn viết hẳn lên bìa báo: "Kể cả Apple Daily có cho in giấy trắng đi chăng nữa thì chúng tôi cũng mua hết". Ông Ping, 55 tuổi, thức dậy từ 6 giờ sáng để đi mua báo, và chỉ vài tiếng sau khi đang ăn sáng gần nhà, ông đã nhận được tin rằng các sạp báo cũng như cửa hàng tiện lợi đã bán sạch Apple Daily cho dù vào ngày 11-8, Apple Daily được in tới nửa triệu bản - gấp năm lần lượng bản in bình thường. Chưa hết, nhiều người dân Hồng Kông còn đăng tải lên mạng xã hội hình ảnh mình đang đọc Apple Daily hoặc hình ảnh bàn tay nâng một quả táo cùng với các hashtags "Ủng hộ Apple Daily" và "Chúng tôi cần Apple Daily".

Theo hãng tin Bloomberg, ngay sau khi Jimmy bị bắt giữ, giá cổ phiếu của Next Digital đã đạt mức tăng kỉ lục 300%, và đến chiều 11-8 giá đã tăng tới 500% so với hôm trước đó. Người dân Hồng Kông còn xếp hàng ngoài nhà hàng Cafe Seasons của Ian Lai - con trai Jimmy Lai. Tất cả đều đeo khẩu trang màu vàng - màu sắc biểu tượng cho cuộc biểu tình đẫm máu tại Hồng Kông. 

30 tiếng sau khi bị bắt giữ, hai con trai của ông Jimmy Lai đã được thả ra nhờ trả tiền bảo lãnh. Ian Lai Yiu-yan, 39 tuổi rời đồn cảnh sát Tseung Kwan O vào 7 giờ 30 tối 11-8, trong khi anh trai của Ian là Timothy Lai Kin-yang, 42 tuổi, người bị bắt giữ vì tình nghi lừa đảo, rời đồn cảnh sát vào 10 giờ tối. Ông Jimmy Lai được cho tại ngoại vào sáng 12-8. Trước khi rời đi trên chiếc xe Mercedes, tỷ phú này còn vẫy chào đám đông người ủng hộ, trong đó có nhiều người cầm theo số mới nhất của tờ Apple Daily.

Huyền Thi

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50 (QL50) đoạn qua địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với chiều dài hơn 6,9km, tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên tuyến nối từ TP Hồ Chí Minh đi Long An, Tiền Giang dù đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư từ tháng 6/2021, nhưng đến nay nhiều gói thầu xây lắp chính mới đạt tỷ lệ rất thấp…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文