Malaysia: “Khui” hàng loạt chính trị gia dùng bằng cấp giả
Hai nghi can đã bị bắt là giám đốc của viện giáo dục này và vợ của ông ta. Cảnh sát cho biết đường dây này hoạt động từ năm 2008 đến nay và hiện họ đang truy tìm 525 “sinh viên tốt nghiệp” từ đường dây này với những bằng đại học, thạc sĩ và tiến sĩ được mua ở năm trường đại học nước ngoài.
Cảnh sát đã xác minh và cho biết một trong số năm trường này là không tồn tại, còn các trường khác không có chương trình đào tạo hợp tác nào với đối tác Malaysia.
Cảnh sát trưởng cho biết sau chín năm hoạt động, viện giáo dục này đã thu về 5 triệu RM (32 tỉ đồng). Nghi can bán bằng giả qua các đại lý và thông qua quảng cáo trên website với giá 6.500 RM (42 triệu đồng)/bằng đại học, 8.500 RM (56 triệu đồng)/thạc sĩ và 10.500 RM (70 triệu đồng)/tiến sĩ. Những người này không phải đi học, không phải nộp bài kiểm tra hay bài tốt nghiệp.
Cảnh sát họp báo để cung cấp thông tin về đường dây cung cấp bằng cấp giả ở Malaysia |
Nhưng lễ tốt nghiệp lại được tổ chức hoành tráng ở một khách sạn hạng sang tại Klang Valley, có cả “hiệu trưởng” xuất hiện, sinh viên mặc đồng phục hay đội mũ như thật, thậm chí cả người thân của họ cũng được mời đến dự. Cho đến nay, chưa có ai mua bằng giả tự thú dù nhà cầm quyền Malaysia đã kêu gọi, nhưng cảnh sát khẳng định họ sẽ truy tìm bằng được những người này để có thể khởi tố về tội lừa đảo và sử dụng bằng giả.
Việc nhiều chính trị gia trong đảng cầm quyền Pakatan Harapan của Malaysia bị cáo buộc sử dụng bằng đại học giả đang gây xôn xao trên mạng xã hội trong những ngày gần đây, khiến chính quyền phải đối diện với những câu hỏi về sự trung thực và trách nhiệm giải trình.
Mọi việc bắt đầu từ thứ trưởng Ngoại giao Marzuki Yahya khi chuyện bằng đại học ngành kinh doanh của ông này bị phát hiện không phải do ĐH Cambridge (Anh) cấp như mọi người vẫn nghĩ trước đây, mà là của đại học quốc tế Cambridge - tổ chức tại Mỹ bị cho là “cái lò cấp bằng giả”, chuyên bán các loại bằng cấp học thuật trái phép.
Ít nhất 6 chính trị gia khác cũng dính bê bối tương tự, bao gồm Bộ trưởng Nhà ở Zuraida Kamaruddin và một số quan chức cấp địa phương. Tất cả các quan chức này đều phủ nhận đã cố tình mập mờ chuyện bằng cấp để lừa cử tri.
Sau khi lên nắm quyền vào tháng 5 năm ngoái nhờ đánh bại liên minh Barisan Nasional đã lãnh đạo gần 60 năm, vụ bê bối đang khiến chính quyền đương nhiệm bẽ mặt. Lãnh đạo bởi chính trị gia kỳ cựu Mahathir Mohamad, đảng Pakatan Harapan chiến thắng nhờ giương cao lá cờ chống tham nhũng.
Trước khi thông tin vỡ lở, trang Wikipedia về ông Marzuki viết rằng ông này có bằng cử nhân quản trị kinh doanh của ĐH Cambridge. Nhưng đến ngày 5/2, trang này được một người dùng giấu tên sửa lại thông tin. Báo chí địa phương nhanh chóng tấn công vào khẩu hiệu chống tham nhũng và đề cao trung thực của đảng Pakatan Harapan. The Star phát hiện ra rằng địa chỉ email mà ĐH quốc tế Cambridge cung cấp trên trang web của họ không hoạt động.
Và những bức ảnh lấy từ các trang web hẹn hò ở Đông Âu được dùng để quảng bá hoạt động học tập trên trang web của tổ chức này. Ông Marzuki vẫn khẳng định ông học một trường ở Mỹ theo diện đào tạo từ xa và ông không biết ai đã sửa trang thông tin về mình trên Wikipedia.
Nghị sĩ Mahfuz Omar thuộc đảng Ủy thác quốc gia, một thành viên của liên minh cầm quyền, cũng bị cáo buộc dùng bằng của một lò bán bằng giả, nhưng ông khẳng định ông có bằng của ĐH Belford, một cơ sở giờ đã không còn hoạt động.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nhà ở Zuraida phủ nhận đã nói dối về bằng cấp sau khi hãng thông tấn Bernama đăng bài nói bà tốt nghiệp ĐHQG Singapore. Nhưng tên của bà Zuraida không có trong cổng thông tin thẩm định bằng cấp trực tuyến của đại học này. Bà Zuraida nói rằng bà chưa bao giờ nhận mình tốt nghiệp trường đó, và không ai hỏi lại bà trước khi đăng tin.
Ít nhất 3 chính trị gia khác của đảng Pakatan Harapan cũng bị cáo buộc dùng bằng cấp giả, trong đó có quan chức phụ trách tài chính của bang Johor và uỷ viên hội đồng bang Perak. Ông James Chin, một nhà nghiên cứu về chính trị Malaysia và là Giám đốc Viện Châu Á thuộc ĐH Tasmania, cho rằng vấn đề thực sự của vụ bê bối này là cách dư luận chấp nhận “những hành vi xấu của các chính trị gia”.