Mối đe dọa an ninh với các nước trong khu vực Biển Đông
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
- Đức quan ngại về tình hình trên Biển Đông
Khủng bố trên biển
Tổ công tác của Ủy ban hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) đã định nghĩa hoạt động khủng bố trên biển là hoạt động khủng bố triển khai trong môi trường biển, phá hoại cảng biển hoặc phương tiện trên biển, tấn công tàu, hành khách và thuyền viên, phá hoại cơ sở hạ tầng và khu vực ven biển bao gồm địa điểm du lịch, cầu cảng và thành phố cảng. Mục tiêu tấn công của khủng bố trên biển khá rộng với phương thức tấn công bao gồm cướp hoặc đánh chìm tàu, bắt cóc, tấn công liều chết…
Khu vực xung quanh Biển Đông có rất nhiều tổ chức khủng bố. Phong trào Aceh tự do (GAM) ở Indonesia chủ yếu tấn công các mục tiêu trên đất liền nhưng cũng thực hiện khủng bố trên biển, chủ yếu tấn công các phương tiện xa bờ như giàn khoan dầu, tàu chở dầu…
Sau này, GAM ký Hiệp định hòa bình với chính phủ, từ bỏ đấu tranh vũ trang mang tính phá hoại. Ở Philippines có một vài tổ chức Hồi giáo đấu tranh với chính phủ và tiêu chí của họ là tấn công ven bờ biển.
Mặt trận giải phóng dân tộc Monro (MLF) và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Monro (MILF) đều từng đối đầu với Chính phủ Philippines để đòi ly khai. MLF đã từ bỏ đấu tranh vũ trang nhưng MILF thì không, hơn nữa còn có quan hệ chặt chẽ với tổ chức Jemaah Islamiyah (JI).
Một báo cáo quân sự của Philippines đã ghi nhận sự hợp tác giữa JI ở Indonesia và nhóm khủng bố Abu Sayyaf ở Philippines, đặc biệt là hợp tác cung cấp công nghệ thiết bị thở khi lặn dưới nước.
Theo báo cáo này, để hỗ trợ hoạt động dưới nước đối với mục tiêu bên ngoài Philippines, JI đã cung cấp kinh phí đào tạo sử dụng chất nổ trị giá ít nhất 18.500USD cho Abu Sayyaf để bình quân mỗi năm chúng tổ chức khoảng 190 vụ tấn công. Vụ việc nghiêm trọng nhất từ trước đến nay là tàu Superferry-14 bị các phần tử khủng bố đánh chìm ở gần Manila vào tháng 2-2004, khiến cho 116 người thiệt mạng.
Mục đích và động cơ của khủng bố trên biển không thể tránh khỏi tính chất chính trị, mối đe dọa đối với tình hình an ninh khu vực lớn hơn. Các phần tử khủng bố trên biển thường tham gia cả vào các hoạt động mua bán người, đưa người di cư trái phép, buôn lậu vũ khí,…nhằm thu về lợi ích kinh tế.
Thảm họa môi trường trên biển
Theo Báo cáo tình hình môi trường biển khu vực Biển Đông năm 2019 do Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc công bố, hiện tượng ô nhiễm ở một số khu vực trên Biển Đông đang diễn ra nghiêm trọng, diện tích ô nhiễm vào mùa hè có thể lên đến gần 8.000km².
Các nhân tố chủ yếu gây ô nhiễm bao gồm đạm vô cơ, phosphate, các loại dầu, một số vùng nước bị ô nhiễm do nuôi trồng thủy hải sản. Thông qua quan trắc đối với 110 cửa sông đổ ra biển, có 41% không đạt chuẩn, trên 60% chất lượng nước biển ở cửa sông không đáp ứng được yêu cầu chất lượng nước của vùng biển tại khu vực.
Biển Đông kết nối châu Âu, châu Phi và châu Đại Dương, là tuyến đường tập trung vận chuyển hàng hóa trên biển và thương mại quốc tế với lưu lượng 40.000 tàu đi qua khu vực này mỗi năm.
Do đó, ô nhiễm do tàu đi lại trên biển tạo ra không thể được coi nhẹ. Tàu cũ hoặc xảy ra các sự cố như mắc cạn, va chạm… khiến dầu tràn ra ngoài biển, dòng hải lưu thay đổi giữa các mùa làm gia tăng diện tích ô nhiễm do tràn dầu, đe dọa chất lượng và sự tồn tại của thực vật trên biển.
Biển Đông có trữ lượng dầu khí lớn, các nước trong khu vực có chủ quyền ở Biển Đông cũng đang tăng cường khai thác tài nguyên biển. Những chất gây ô nhiễm trong quá trình khai thác cơ bản đều trực tiếp đổ vào biển, gây ra ô nhiễm môi trường sinh thái rất rõ rệt.
Ngoài ra, thăm dò, khai thác khoáng sản ở biển sâu không đúng tiêu chuẩn, tắc đường ống dẫn dầu dẫn đến các sự cố như vỡ đường ống, tràn dầu gây ô nhiễm nghiêm trọng khu vực khai thác dầu khí.
Theo Trung tâm nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế của Mỹ (CSIS), an ninh nghề cá ở Biển Đông hiện đang phải đối mặt với hai mối đe dọa. Theo đó, đánh bắt quá độ và bất hợp pháp gây ra thiệt hại lớn cho môi trường biển.
Việc đánh bắt quá mức trong thời gian dài khiến cho sản lượng cá trong khu vực Biển Đông giảm dần. Hơn nữa, 14% các loại cá ở khu vực này bị đánh giá là đánh bắt bằng phương thức không bền vững về sinh học và 86% loài cá bị đánh bắt tận diệt.
Xét tới các vấn đề còn tồn tại liên quan đến an ninh phi truyền thống hiện nay, tuy cơ chế hiện tại có hiệu quả nhất định nhưng mức độ trùng lặp về chức năng vẫn còn cao. Hơn nữa, giữa các nước thiếu sự phối hợp, thỏa thuận đạt được ít tính cưỡng chế và ràng buộc. Việc quản lý vấn đề an ninh phi truyền thống không những cần sự phối hợp hành động và hợp tác chính sách của các quốc gia ven biển mà còn đòi hỏi phải có nguồn lực làm chỗ dựa cho những hành động mạnh mẽ.