Nepal: Trường học bỏ hoang vì tham nhũng tràn lan
"Chúng tôi phát hiện có trường cao tầng, nhưng không hề có giáo viên, học sinh. Những nơi khác không hề thấy gì, trường học chỉ tồn tại trên giấy", ông Keshav Ghimire, người phát ngôn của Ủy ban Điều tra lạm dụng quyền lực cho biết. "Các hiệu trưởng, quan chức chính quyền, tất cả đều có liên quan. Chúng tôi phát hiện nhiều người lấy tiền dành cho xây dựng trường học và đút túi riêng", ông Ghimire bức xúc.
Sau trận động đất lịch sử vào đầu năm nay, khoảng 1 triệu trẻ em Nepal có nguy cơ thất học. (Ảnh: Telegraph). |
Chính phủ Nepal đã phát hiện hơn 300 ngôi trường "ma", tất cả đều được xây dựng bằng ngân sách của Bộ Giáo dục. Kể từ năm 2009, Qũy Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh tài trợ hơn 500 triệu USD cho Bộ Giáo dục Nepal.
"Chúng tôi giám sát chương trình đào tạo riêng rất cẩn thận, tuy nhiên một số nguồn tiền của chúng tôi tài trợ cho Chính phủ Nepal có thể đổ vào những ngôi trường ma", bà Marilyn Hỏa, Giám đốc giáo dục UNICEF tại Nepal cho biết.
Đến nay, Chính phủ Nepal đã hoàn tất hồ sơ tố tụng đối với 50 vụ án, truy tố nhiều quan chức, giáo viên móc túi công quỹ xây trường, theo thông báo từ Bộ trưởng Giáo dục Bishwa Prakash Pandit. "Thật khó để biết con số thiệt hại chính xác, nhưng ước tính thiệt hại ngân sách trị giá khoảng 120 tỷ rupee", ông Pandit trả lời phỏng vấn trong một cuộc họp báo.
Báo cáo thường niên của Ủy ban chống tham nhũng tiết lộ trong tháng 4 cho thấy, một số quan chức đã bị bắt vì tội thổi phồng chi phí sách giáo khoa và tư liệu để ăn "chênh lệch" khoảng 30 triệu rupee với các trường học trong năm ngoái.
“Hầu hết trường không có giáo viên, hoc sinh nằm rải rác trên những bình nguyên dọc đất nước Nepal, nơi có cơ sở vật chất nghèo nàn và tỷ lệ thất nghiệp cao. Cơ quan chống tham nhũng Nepal cũng phát hiện nhiều giáo viên không đến lớp ngày nào, nhưng họ vẫn nhận lương đều như "vắt chanh" hằng tháng, và thậm chí một số người không có bằng sư phạm vẫn được trả tiền.
Ông Nagendra Raj Paudel, một quan chức giáo dục ở huyện Rautahat, địa phương cứ 10 trẻ em thì có 4 em bị mù chữ, buồn bã cho biết: "Một số giáo viên giả đã bị cấm hoạt động và bị truy tố. "Ở huyện tôi, có khoảng 400 giáo viên nhận lương đều đặn và chưa bao giờ làm việc", Paudel cho biết và yêu cầu cần có sự cải cách từ chính quyền địa phương.
Tham nhũng tràn lan khắp đất nước Nepal, được xếp hạng 126/175 quốc gia theo chỉ số giám sát tham nhũng toàn cầu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Năm 2010, áp lực từ các nhà tài trợ quốc tế đã dẫn đến việc sa thải Bộ trưởng Giáo dục Nepal, vì nhận hối lộ từ hơn 1.000 người "chạy hồ sơ" làm "giáo viên".
Tỷ lệ nhập học ở các trường công lập tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên các chuyên gia cho biết, mức độ tham nhũng đồng nghĩa với chất lượng giáo dục nghèo nàn. Có 67% học sinh trung học phổ thông Nepal thất bại trong kỳ thi cuối cấp vào mùa hè này.
Trong khi nhiều trường “ma” xuất hiện vì tham nhũng tràn lan, hàng triệu trẻ em Nepal không có nơi học (Ảnh: NepaliTimes). |
"Chất lượng giáo dục được xác minh là vấn đề mà chúng ta cần quan tâm. Một cuộc khảo sát cho thấy, chỉ có 37% trẻ em học lớp 2 biết đọc, biết viết, nhưng đến lớp 3 giảm tới 19%", ông Tomoo Hozumi, quan chức đại diện UNICEF tại Nepal tiết lộ.
Các chuyên gia tin rằng, tham nhũng cùng tác động của nó đối với chất lượng giáo dục yếu kém có liên quan rất nhiều đến tương lai của hệ thống giáo dục Nepal. Người phát ngôn của Ủy ban chống tham nhũng Ghimmire cho biết, cơ quan này đang gây sức ép đối với các quan chức địa phương nhằm cải thiện tính minh bạch.
"Chúng tôi muốn thấy sự tiến bộ trong thời gian dài, bắt đầu bằng chính sách giám sát ngân sách chặt chẽ hơn, đặc biệt về cách chi tiền, do đó trẻ em nghèo có thể đến trường, không chỉ vậy, những phụ huynh có thu nhập thấp cũng có thể cho con đi học trường tư thục", ông Ghimmire trả lời phỏng vấn báo giới.
"Phần lớn học sinh ở nước này đều học trường công lập. Nếu chúng tôi không hành động ngay bây giờ để cứu những ngôi trường đó, nhiều gia đình sẽ phải đẩy con ra ngoài đời để kiếm tiền, chẳng hạn làm bốc vác và giúp việc vặt trong gia đình", ông Mana Prasad Wagley, Trưởng phòng Giáo dục Đại học Kathmandu cảnh báo.