Ngăn chặn tội phạm trong thế giới ảo

16:53 25/07/2017
Sở dĩ các đối tượng coi internet, điện thoại là công cụ để phạm tội, bởi chúng nghĩ, thông tin trên mạng là "ảo", khi chúng rút tay ra khỏi bàn phím, lập tức chúng "vô hình".


Chỉ cần một chiếc máy tính xách tay hoặc một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, bọn tội phạm thực hiện hành vi phạm tội mọi lúc, mọi nơi với nhiều thủ đoạn khác nhau, từ nói xấu, bôi nhọ nhau để thỏa mãn nhu cầu cá nhân đến lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Sở dĩ các đối tượng coi internet, điện thoại là công cụ để phạm tội, bởi chúng nghĩ, thông tin trên mạng là "ảo", khi chúng rút tay ra khỏi bàn phím, lập tức chúng "vô hình".

Nhưng, chúng không bao giờ giấu được bàn tay đã "nhúng chàm", bởi có một lực lượng thực thi nhiệm vụ ngăn chặn những bàn tay vô hình ấy - đó là lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50).

Cách đây ít lâu, tôi gặp chị Lê Thị T., trú ở quận Hà Đông, Hà Nội - một bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chị là cán bộ về hưu, sống bằng tiền trợ cấp hàng tháng.

Hôm đó, đang ngồi ở nhà, có một người đàn ông giọng miền Nam gọi điện vào máy chị, xưng tên là Tài, là người quen cũ, hỏi thăm cuộc sống của chị T. Tưởng thật, chị T. cũng đáp lại. Sau vài ba câu chuyện, Tài nói hiện mình làm ở Công ty xổ số của nhà nước, làm ăn rất phát đạt nên kinh tế khá giả. Trước khi ngắt máy, Tài còn hẹn hôm nào sẽ đến nhà chị T. chơi.

Từ chuyện này, Tài dẫn dắt chị tham gia đánh đề  bằng cách bịa ra việc có chú ruột làm Giám đốc Công ty xổ số, hiện Công ty đang có chương trình làm từ thiện nên sẽ gửi tiền, cho số để người quen đánh đề, sau khi trúng, khách hàng được hưởng 15% tổng số tiền trúng, số còn lại phải gửi lại cho Công ty để ủng hộ người nghèo.

Nói rồi, Tài cho chị T. số máy "chú Ba" để chị T. gọi lại. Được "chú Ba" cho số đề, không ngờ, chị T trúng thật. Lập tức, các đối tượng gọi lại yêu cầu chị T ủng hộ và rủ rê chị "đặt cọc" 2 tỷ đồng để cho số chính xác tiếp. 

CBCS Cục C50 phối hợp khám xét các đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao.

Sau nhiều lần bị thúc giục, chị T gửi 1 tỷ đồng vào tài khoản của đối tượng; chúng lại giục tiếp, đe dọa nếu chị không gửi nữa thì mất 1 tỷ đã gửi, chị T lại mù quáng lấy luôn tiền bố mẹ chồng cho mua nhà và vay mượn, tổng được 1 tỷ gửi cho chúng. Sau khi lấy được 2 tỷ của chị T, các đối tượng lập tức tắt máy, biến mất.

Tưởng rằng "mất tích" như vậy sẽ không ai phát hiện ra nhưng các đối tượng không ngờ, dù mạng ảo nhưng trách nhiệm hình sự là thật. Đến khi bị bắt, các đối tượng mới biết rằng, dù "mất tích" cũng không thoát được trách nhiệm hình sự.

Triệt phá đường dây lừa đảo trên, CBCS C50 đã làm rõ, bắt giữ được cả đối tượng trung gian nhận - chuyển tiền cho các đối tượng, ngăn chặn được nhiều vụ lừa đảo tương tự, đồng thời cảnh tỉnh người dân cảnh giác với "chiêu" lừa này.

Đại tá Trần Văn Thắng, Trưởng phòng 6 cho biết "hàng ngày, các đối tượng gọi điện cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người để cho số đề nên chắc chắn sẽ có người trúng. Theo đó, chúng sẽ liên lạc lại đòi hoa hồng và tiếp tục lừa đảo ở mức cao hơn".

Còn nhớ, cách đây vài năm, phong trào kinh doanh vàng ảo trên mạng rầm rộ. Mặc dù cấm nhưng nhiều sàn vàng liên tục được mở ra, thu hút một lượng lớn người dân tham gia.

Không chỉ kinh doanh trái phép, các sàn vàng bất hợp pháp này với những mánh lới nhằm đoạt tiền của khách hàng đã đẩy nhiều người dân thiếu hiểu biết vào cảnh trắng tay, gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng.

Đây là loại tội phạm mới, phương thức thủ đoạn mới, chưa có tiền lệ; nhưng với nỗ lực của lực lượng Cảnh sát công nghệ cao, từ cuối năm 2014 đến nay, một loạt sàn vàng bất hợp pháp như VGX, Khải Thái, BBG, HGI, IG, 24 Gold… đã bị triệt phá, góp phần làm lành mạnh thị trường thương mại điện tử còn rất mới mẻ tại Việt Nam.

Thành công của công tác đấu tranh với loại tội phạm này không chỉ ngăn chặn hàng trăm tỷ đồng đối tượng chuẩn bị chuyển ra nước ngoài mà còn giúp hàng nghìn bị hại thoát khỏi cảnh trắng tay.

Điển hình như sàn vàng Khải Thái, các đối tượng đã đưa ra "mồi nhử" là các dự án hoành tráng tận Đài Loan, Singapore...  để yêu cầu mọi người gửi tiền vào đầu tư.

Chẳng ai biết số tiền mình gửi vào sẽ đi đâu, đầu tư thế nào nhưng với lãi suất khoảng 10-12%/ tháng khiến bị hại mờ mắt. Có người dồn hàng chục tỷ đầu tư, có những cụ già cả đời chắt chiu được vài chục triệu cũng đem đi nộp cho Công ty Khải Thái.

Cho đến khi các đối tượng bị bắt, họ mới giật mình biết rằng, Công ty trên chả kinh doanh gì, chỉ lấy tiền của người trước, trả cho người sau và chuẩn bị ôm hết tiền bỏ trốn.

Một số loại hình phạm tội khác diễn ra trong thời gian gần đây đã khiến cho rất nhiều người bị chiếm đoạt lượng lớn tài sản hoặc rơi vào cái bẫy lừa đảo qua kinh doanh đa cấp. 

Những loại hình này cũng đã khiến cho các trinh sát Cục C50 nói riêng và lực lượng Công an nói chung phải tốn rất nhiều thời gian, công sức mới khám phá ra được.

Đặc biệt, trong các vụ kinh doanh đa cấp thì một số người vừa là bị hại vừa là đối tượng phạm tội, vì sau khi bị lừa đã tình nguyện làm "chân rết" cho bọn lừa đảo đi lôi kéo những người khác tham gia nhằm thu lại số vốn liếng đã bị mất trước đó.

Sát cánh với CBCS Cục C50 và một số địa phương trong việc đấu tranh với các đối tượng kinh doanh đa cấp "đình đám" từ MB 24, Tâm Mặt Trời, đến chuỗi lừa đảo Hero8.org... chúng tôi hiểu rõ sự tinh vi của các đối tượng và những vất vả, khó khăn mà lực lượng chức năng phải trải qua để "vạch mặt, chỉ tên" các đối tượng này.

Các đối tượng chả cần có tài sản gì, cũng chẳng buôn bán gì, chúng chỉ cần lập 1 trang web rồi lôi kéo, dụ dỗ mọi người tham gia mua gian hàng trên trang web của chúng. Theo đó, người trước giới thiệu người sau thì được ăn phần trăm nên ai cũng hăng hái.

Cho đến khi bị Công an làm rõ, mọi người mới tá hoả khi biết mình bị lừa. Sau hàng loạt công ty kinh doanh đa cấp bị triệt phá, đến thời điểm này, đã cơ bản đưa việc kinh doanh đa cấp vào khuôn khổ.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, CBCS Cục C50 còn triệt phá hàng chục vụ cá độ bóng đá với số tiền cực lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng; làm rõ, ngăn chặn hàng chục vụ đối tượng giả danh Công an, viện kiểm sát để gọi điện cho các bị hại đe dọa họ tham gia vào đường dây tội phạm, sau đó bắt họ nộp tiền để "bảo lãnh", nếu quá trình điều tra không phát hiện tội phạm thì "công an" sẽ trả lại tiền. Sự đe dọa tưởng chừng rất vô lí trên nhưng nhiều người đã nghe theo đối tượng, chuyển tiền cho chúng...

Có lần, tôi nói với Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, Cục trưởng C50 là "làm án" công nghệ cao sướng hơn các đơn vị khác, luôn quần áo chỉn chu, ngồi trước máy tính, không phải lăn lộn ngoài đường. Anh bảo tôi, nhà báo cứ theo dõi rồi sẽ biết.

Quả vậy, khi gắn bó với đơn vị này, tôi mới hiểu, họ không chỉ quần áo cổ cồn, hay tay chân sạch sẽ mà còn tất tưởi ngược xuôi đến tận cơ sở, có khi vừa làm ở tỉnh này xong, chưa kịp ăn cơm lại tăng cường cho tỉnh khác, họ phải thức đêm, làm thông trưa, cũng phải ăn mỳ tôm, uống nước suối, nằm cả đêm ở địa bàn.

Khó khăn nhất, tội phạm sử dụng công nghệ cao là những kẻ giấu mặt, giỏi về CNTT nên đấu tranh với chúng, cán bộ phải "cao hơn một cái đầu". Làm được được điều đó mới có thể ngăn chặn những bàn tay vô hình..

Được thành lập năm 2010, mặc dù còn non trẻ nhưng với sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, của Tổng cục Cảnh sát, sự phối hợp giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương và đồng nghiệp, CBCS Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã có bước trưởng thành vượt bậc.

Từ chỗ vẻn vẹn trên 30 khi mới thành lập, với phương châm vừa phát triển vừa đào tạo, nay lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã đủ sức đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này; từ chỗ hành lang pháp lý còn khó khăn, nay đã xây dựng được văn bản pháp quy phối hợp giữa 5 bộ, ngành để xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao; trong quan hệ quốc tế, Cục đã tham gia vào tổ chức quốc tế G8 24/7 Network For Cybercrime (mạng lưới liên lạc G8 24/7 về chống tội phạm mạng) bao gồm 71 quốc gia và vùng lãnh thổ chung tay phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; có quan hệ với hầu hết các Bộ, ngành, địa phương, các công ty cùng sứ mạng phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đã mua sắm hệ thống thiết bị hiện đại bậc nhất phục vụ công tác phòng, chống tội phạm…

Với nỗ lực đó, Cục đã tiếp nhận, xử lý, khám phá hàng ngàn vụ việc liên quan tới tội phạm sử dụng công nghệ cao, góp phần quan trọng vào công tác giữ vững an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội phục vụ, phát triển đất nước.

Thanh Phong - Phương Thuỷ

Chiều 18/5, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết vừa phối hợp lực lượng chức năng phát hiện hơn 11.000 hộp thực phẩm chức năng của Công ty Cổ phần Thảo dược Mộc Can có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vụ việc cho thấy những thủ đoạn ngày càng tinh vi trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm "thổi phồng" công dụng, gây hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 22 bị can trong vụ án “Buôn lậu”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Quốc tế Tài Lộc (viết tắt là Công ty Tài Lộc), Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Hải phòng khu vực II (viết tắt là Chi cục Hải Quan II) và các đơn vị liên quan.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Ngọc Linh và bị can Nguyễn Thành Ngôn (hai cựu Giám đốc Công ty điện lực Bình Thuận) và 24 đồng phạm trong vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan.

Ngày 18/5, Công an TP Hà Nội cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục những khó khăn về điều kiện thời tiết mưa gió, địa hình trơn trượt, dốc cao và sự phối hợp, hỗ trợ của người dân địa phương, lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đã kịp thời giải cứu nhóm 5 người mắc kẹt tại núi Hàm Lợn, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Chất thải nông nghiệp, bao bì đựng phân, vỏ thuốc bảo vệ thực vật chất đống tràn lan đã bị nước mưa cuốn trôi xuống các mương, suối thoát nước không chỉ gây un tắc dòng chảy, thiệt hại hoa màu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan, môi trường của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Sau khi nghe thông tin dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Kon Tum, trên địa bàn xã Ba Tô, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã xuất hiện tình trạng người dân là chủ vườn, rừng tổ chức trồng xen cây keo và huỳnh đàn với mật độ dày đặc. Chính quyền địa phương cho biết sẽ kiểm tra việc trồng cây huỳnh đàn vào các rẫy keo hoặc dựng lán trại nhằm mục đích trục lợi từ dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum. Trên cơ sở đó huyện sẽ có hướng xử lý phù hợp nhất…

Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Hội nhà văn – Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho ra mắt sách “Đầu nguồn” - cuốn hồi ký về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Duy Nguyễn tuyển chọn.

Chuyện lên chơi V.League 2025/26 khó vuột khỏi tầm tay của Ninh Bình. Nhưng để vô địch ngay khi thăng hạng giống như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) hay CLB Bóng đá Công an Hà Nội trước kia, đội bóng cố đô Hoa Lư phải đầu tư lực lượng mạnh hơn nữa.

Ngày 18/5, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) phát đi thông báo khẩn đến toàn bộ khách hàng sử dụng điện 21 tỉnh, thành phố phía Nam nói riêng, khách hàng sử dụng điện trên cả nước nói chung về việc xuất hiện trang web giả mạo Tổng đài chăm sóc khách hàng ngành Điện, với cước phí 8.000 đồng/phút (cao gấp 8 lần cước phí tổng đài chính thức của EVNSPC).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.