Nhà sáng lập WikiLeaks sắp bị bắt?
"Ông Julian Assange không có quyền hack các tài khoản cá nhân và điện thoại, cũng như không được can thiệp vào tình hình chính trị của các nước khác, nhất là những quốc gia có quan hệ thân thiết với Ecuador", Tổng thống Ecuador Lenin Moreno vừa tuyên bố.
Đồng thời khẳng định, nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange đã lặp lại những vi phạm này nhiều lần - vi phạm một số điều khoản trong quy định tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh.
Quan hệ giữa ông Julian Assange và giới chức Ecuador trở nên căng thẳng sau khi Đại sứ quán nước này ở London cắt toàn bộ đường truyền internet của nhà sáng lập Wikileaks hơn 1 năm trước (tháng 3-2018).
9 tháng trước, Tổng thống Lenin Moreno cho biết, ông Julian Assange sẽ phải rời khỏi Đại sứ quán Ecuador ở London, nhưng thời gian cụ thể chưa được xác định. Sau đó (6-12-2018), Tổng thống Lenin Moreno thông báo, đã trao đổi với Chính phủ Anh để tạo mọi điều kiện giúp ông Julian Assange có thể rời Đại sứ quán Ecuador ở London.
Ngoài ra, Tổng thống Lenin Moreno còn nhấn mạnh, hơn 6 năm là khoảng thời gian quá dài đối với 1 người lưu trú gần như biệt lập ở một cơ quan đại diện ngoại giao của Ecuador (từ năm 2012 và sau đó được Chính phủ Ecuador cho nhập quốc tịch). Tổng thống Lenin Moreno thậm chí từng coi ông Julian Assange là người gây rắc rối đối với Chính phủ Ecuador.
"Nếu ông Assange muốn ở lại và tuân thủ các quy định của chúng tôi thì có thể ở lại trong đại sứ quán bao lâu cũng được", nhưng Tổng chưởng lý Inigo Salvador cũng nói thêm, 6 năm sống trong đại sứ quán của nhà sáng lập Wikileaks đã khiến Ecuador tiêu tốn 6 triệu USD. Hơn 1 năm trước (13-1-2018) tờ IB Times dẫn lời nhân viên Đại sứ quán Ecuador ở London cho biết, họ mệt mỏi vì ông Julian Assange.
Về phần mình, nhà sáng lập Wikileaks cáo buộc Ecuador đang tìm cách hủy bỏ quy chế tị nạn của ông tại Đại sứ quán nước này ở London, để dẫn độ tới Mỹ. Ông Julian Assange tuyên bố, sẽ rời Đại sứ quán Ecuador và ra đầu thú nếu được đảm bảo không bị dẫn độ về Mỹ.
Luật sư Carlos Poveda, người đại diện cho quyền lợi của ông Julian Assange cho biết, thân chủ của ông sẽ ra đầu thú giới chức Anh và chịu mức án từ 3 đến 6 tháng tù giam vì vi phạm các điều kiện bảo lãnh, với điều kiện không bị dẫn độ tới Mỹ sau thời gian thụ án. Còn theo ông Greg Barns, luật sư người Australia của ông Julian Assange, chính phủ Australia phải can thiệp để hỗ trợ công dân của mình đang đối mặt với nguy hiểm thực sự.
Ngoại trưởng Ecuador Jose Valencia từ chối bình luận về tuyên bố của ông Julian Assange - Ecuador đang tìm cách dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks sang Mỹ. Hơn 1 năm trước (23-2-2018), Bộ Ngoại giao Ecuador thông báo, cuộc thương lượng để đưa ông Julian Assange ra khỏi Đại sứ quán nước này ở Anh đã không đạt kết quả. Được biết, London luôn bác bỏ những kiến nghị phóng thích ông Julian Assange.
Julian Assange, người sáng lập trang Wikileaks, tại Đại sứ quán Ecuador. |
Theo tờ El Universo, thẻ căn cước của ông Julian Assange được cấp ngày 21-12-2017 cùng các dữ liệu cá nhân của nhà sáng lập WikiLeaks đăng trên trang điện tử của Cục Quản lý dân sự Ecuador.
Theo giới truyền thông, gần 7 năm qua (từ tháng 6-2012 đến nay), ông Julian Assange, quốc tịch Australia, đã sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển xét xử với cáo buộc xâm hại tình dục.
Giới truyền thông cho biết, WikiLeaks và ông Julian Assange đang phải đối mặt với ít nhất 4 cuộc điều tra hình sự, trong đó có 3 cuộc điều tra do Quốc hội Mỹ tiến hành và 1 cuộc điều tra từ cơ quan an ninh liên bang Mỹ.
Ủy ban tình báo của Thượng viện và Hạ viện Mỹ cùng lãnh đạo Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Mỹ đang điều tra vai trò của WikiLeaks đối với các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Gần 2 năm trước, sau khi gây ấn tượng lớn tại buổi công chiếu tối 30-4-2017 ở New York, bộ phim tài liệu "Risk" kể về ông Julian Assange của nữ đạo diễn Laura Poitras, nhà sáng lập WikiLeaks đã cắt đứt liên lạc với bà vì coi đó là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tự do của mình.
Bởi thông qua bộ phim "Risk", người xem có thể thấy những ngóc ngách trong thế giới được canh chừng cẩn mật của ông Julian Assange. Bản thân ông Julian Assange cũng không lường trước được sự "bùng nổ" của bộ phim "Risk".
Và sự xuất hiện của bộ phim "Risk" diễn ra sau khi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khi đó là Jeff Sessions tuyên bố, bắt giữ ông Julian Assange là ưu tiên bởi Washington đang đẩy mạnh việc truy tố những kẻ rò rỉ thông tin mật cho giới truyền thông.
Theo giới truyền thông, Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu điều tra ông Julian Assange từ năm 2010, sau khi WikiLeaks công bố hàng ngàn hồ sơ mật bị đánh cắp của Mỹ. Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder từng tuyên bố, khó buộc tội ông Julian Assange bởi WikiLeaks không phải là nơi duy nhất công bố các tài liệu bị đánh cắp.