Nhà tù duy nhất thế giới có thương hiệu rượu vang riêng

07:30 27/07/2015
Gorgona là nhà tù trên đảo duy nhất ở Italia, hiện có khoảng 60 tù nhân, phạm các tội nghiêm trọng như giết người, buôn bán ma túy và cướp có vũ trang, đang chăm sóc một vườn nho rộng lớn giữa Địa Trung Hải. Đây có lẽ là nhà tù duy nhất trên thế giới có một nhãn hiệu rượu vang riêng và tù nhân được hưởng lương từ việc trồng nho.

Trả lại cho xã hội người lương thiện

Ở nhà tù trên đảo Gorgona, khả năng trốn thoát gần như không tưởng vì đất liền gần nhất cũng cách 20 dặm, cảnh sát thường xuyên tuần tra và khu vực này cấm tàu bè đi lại trong vòng 3 dặm. Nhưng không giống như các nhà tù khét tiếng giữa vịnh San Francisco ở Mỹ, các tù nhân ở Gorgona đang được tham gia mô hình cải tạo độc đáo, họ học các kỹ năng trồng nho để sau này ra tù có thể tự mình gây dựng cuộc sống mới. Quá khứ của tù nhân có thể khiến người ta ghê sợ, nhưng rượu vang trắng được sản xuất trên đảo thì có một hương vị tinh tế khó quên.

Được gọi là "Gorgona", loại vang này là sự pha trộn của nho Vermentino và Ansonica với giá bán 80 euro một chai. Mỗi năm, trại Gorgona sản xuất gần 3.000 chai rượu, bán cho các nhà hàng sang trọng và quán rượu ở Italia cũng như xuất khẩu.

Các tù nhân trồng nho trên đảo Gorgona.

Thực ra, lô hàng rượu vang đầu tiên ở đây mới chỉ ra đời năm 2012. Khi dự án trồng nho và sản xuất rượu vang bắt đầu, ban quản lý trại giam đã kêu gọi sự giúp đỡ từ các chuyên gia trong lĩnh vực này. Ông Lamberto Frescobaldis, hậu duệ của gia đình quý tộc nổi tiếng Italia với truyền thống làm rượu vang từ thế kỷ thứ 13 đã tình nguyện đến đây chia sẻ kiến thức. "Một ngày kia, khi những người này được ra tù, họ sẽ làm gì khi trong túi không có một xu? Họ sẽ lại làm điều xấu.

Chúng tôi đang cố gắng giúp họ, ít nhất là trả lại cho xã hội người lương thiện"- ông Frescobaldi, người đại diện cho thế hệ thứ 30 của gia đình sản xuất rượu vang cho biết.

Từ dự án này, người ta cũng khám phá ra rằng, loại nho Ansonica đặc biệt thích nghi với điều kiện khí hậu biển khắc nghiệt ở Gorgona, đảo đá nằm giữa Italia và Corsica - hòn đảo của Pháp tại Địa Trung Hải. Kết quả của mô hình thử nghiệm ở Gorgona đã được đánh giá thành công, tỷ lệ tái phạm ở tù nhân từng cải tạo tại đây vào khoảng 20%, thấp hơn hẳn so với hơn 80% ở các trại tù quá đông ở đất liền. Từ thành công ban đầu đó, diện tích trồng nho trên đảo đã được tăng gấp đôi lên 2ha vào đầu năm nay và nhà chức trách hy vọng sẽ nhân rộng chương trình này trên đảo Pianosa gần đó.

Nơi của những tội phạm nguy hiểm

Các tù nhân ở đây làm việc 6 tiếng một ngày, vào vụ thu hoạch tăng lên 8 tiếng, không chỉ ở vườn nho mà còn ở khu trang trại nuôi bò, lợn đen, gà, cừu, dê và ngựa. Họ còn được hướng dẫn làm pho mát và mật ong, trồng rau trong nhà, làm bánh mì hay xây tường. Vào buổi tối, họ trở lại sau song sắt trong khu trại nhìn ra bến cảng của đảo.

"Làm việc trong điều kiện nóng nực nhưng tôi rất thích"- Carmelo, một tù nhân 54 tuổi từ Florence đang thụ án 16 năm về tội giết người cho biết.

Hầu hết tù nhân ở đây đều phải chịu án lên đến 20 năm, thậm chí chung thân vì những tội nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản và ma túy, nhưng đặc biệt là không có tù nhân nào liên quan đến mafia và tấn công tình dục. Các tù nhân được nhận khoảng 1.500 euro một tháng, tương đương mức lương trung bình của người lao động mà gia đình ông Frescobaldi vẫn trả. "Số tiền họ kiếm được rất quan trọng, đặc biệt là đối với những người nước ngoài bởi nhiều người ở trong tù nhưng vẫn phải cố gắng hỗ trợ gia đình"- Santina Savoca, Giám đốc nhà tù cho biết.

Tương tự như các nhà tù khác ở Italia, một nửa số tù nhân trên đảo Gorgona là dân nhập cư, đến từ Morocco, Bangladesh, Romania và nhiều quốc gia khác. "Tôi yêu công việc ở đây, không khí trong lành, xung quanh là thiên nhiên. Khi được tự do, tôi muốn trở thành một nông dân, hoặc là ở Italia hay về nước ở Albania"- một tù nhân Albania 32 tuổi tên là Edward nói.

Carmelo đã có mặt trên hòn đảo này 18 tháng. Ông còn 8 năm nữa mới mãn hạn nhưng đã xác định hướng đi cuộc đời mình là một khi trở lại Florence, ông sẽ đoàn tụ với hai con đã trưởng thành. Lau mồ hôi trên trán giữa vườn nho xanh mướt, Carmelo tâm sự: "Khi được tự do, tôi hy vọng sẽ mua một mảnh đất để trồng nho. Tôi sẽ luôn biết ơn những người đã cho tôi cơ hội này. Đây là một quãng thời gian tuyệt vời trong đời tôi".

Lai Nguyễn (tổng hợp)

Điều này nhằm quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và khắc phục "khoảng trống" của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 khi không quy định về cơ quan có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dẫn đến việc Việt Nam không thể chủ động trong vấn đề này.

Sau nhiều năm dồn phần lớn lượng rác thải sinh hoạt về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) để chôn lấp, tháng 3 vừa qua TP Hồ Chí Minh đã cho khởi công nhà máy rác điện với công suất 2.000 tấn/ngày. Đây mới chỉ là nhà máy rác điện thứ 2 trong khi từ lâu lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại thành phố đã ở mức 8.000 - 9.000 tấn...

Sau hai ngày TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Vinatea, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 38 tỷ đồng, chiều 15/4, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.  

Ngày 15/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Minh Huệ (SN 1980, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi của Huệ thể hiện qua việc chị ta khoe quen biết ngân hàng thu gom USD giá rẻ, sau đó lừa những người nhiều tiền để chiếm đoạt hơn 140 tỷ đồng.

Ngày 15/4, thông tin từ Công an phường Nam Sơn (quận An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, đơn vị vừa phát đi thông báo đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ việc cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi tử vong trước công chùa trên địa bàn, để phục vụ công tác điều tra.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文