Nhà tù là nơi giáo dục chống tội phạm
- 3 vụ bạo loạn nhà tù gây chấn động Brazil
- "Bom hẹn giờ" trong những nhà tù ở Anh
- Bên trong 2 nhà tù khét tiếng nhất Philippines
- Những vụ bạo loạn trong nhà tù
Những hình mẫu
Cơ quan Hỗ trợ cựu tù nhân Uruguay (DINALI) đã thành lập một tổ chức để giúp đỡ các cựu tù tìm kiếm công việc mới. Tổ chức này sẽ thuê những phạm nhân mãn hạn tù để làm việc cho một vài dự án, bao gồm chải lông chó, rửa xe và bảo dưỡng xe cảnh sát…
Trong khi đó tại Colombia, một khu lao động tập trung ở Meta đã trở thành hình mẫu cho các nhà tù cả nước. Trải dài trên 4.200 ha, nhà tù Acacías đã cung cấp cơ hội cho 1.273 phạm nhân tham gia vào một số chương trình làm việc và giáo dục. Và điều này đã đạt hiệu quả: suốt 15 năm qua không có phạm nhân nào trốn trại, và tỷ lệ tái phạm tội sau khi ra tù thấp nhất nước: chỉ 2%.
Các nhà chức trách ở Uruguay và Colombia đều thừa nhận những thách thức tái phạm tội đối với tù nhân sau khi ra tù vẫn rất lớn, và những chương trình này đã góp phần giảm đáng kể tác động của các tổ chức tội phạm đến phạm nhân sau khi ra tù.
Làn gió mới
Với trọng tâm nhắm đến việc đào tạo kỹ năng và giúp phạm nhân phục hồi nhân phẩm, các chương trình ở Colombia và Uruguay không giống cách ứng xử của đa phần các nhà tù khác ở Mỹ Latin đối với phạm nhân. Các nhà tù và trại cải tạo ở khu vực này đang hứng chịu một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, vì các biện pháp an ninh quá cứng nhắc, lại thiếu tính giáo dục phục hồi nhân phẩm đối với phạm nhân.
Việc gia tăng như vũ bão số lượng tù nhân cộng với điều kiện cơ sở kém đã biến các nhà tù thành “lò ấp” của các tổ chức tội phạm. Nghiên cứu của InSight Crime cho thấy, các tổ chức tội phạm đã dùng nhà tù làm nơi “tuyển dụng” thành viên mới và đào tạo họ nhằm mở rộng các hoạt động tội phạm.
Thật may mắn khi một số nước hiện đang cố gắng áp dụng những biện pháp cải tổ. Tại Panama, Chính phủ của Tổng thống Juan Carlos Varela đã triển khai chương trình với tên gọi Secure Neighborhoods, nhằm đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp cho các cựu thành viên băng đảng, giúp họ có thể hòa nhập cuộc sống tốt hơn sau khi ra tù. Năm 2015, El Salvador triển khai chương trình "Yo Cambio" (Tôi thay đổi), một sự kết hợp giữa đào tạo và xây dựng văn hóa hoàn hảo để giảm bạo lực trong và ngoài nhà tù.
Tuy nhiên, để những chương trình này vận hành hiệu quả, cần có sự ủng hộ ngân sách từ chính phủ lẫn xã hội. Năm 2011, một chương trình phục hồi nhân phẩm và cung cấp việc làm cho phạm nhân ở Belize đã phải dừng lại vì thiếu ngân sách, sau khi giúp hơn 200 phạm nhân hoàn lương.