Nhật Bản tăng mạnh ngân sách quốc phòng

17:37 05/10/2020
Ngày 30-9-2020, Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố ngân sách quốc phòng mới, với số tiền kỷ lục tương đương 52 tỷ đôla. Con số này tăng 3,3% so với ngân sách quốc phòng dành cho tài khóa 2020 (kết thúc vào tháng 3-2021). 

Nếu được thông qua, đây là năm thứ 9 liên tiếp chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản tăng, khi quân đội nước này đối mặt với nguồn lực quân sự khổng lồ của Trung Quốc, quốc gia đang tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông với Nhật, cũng như đe dọa từ Triều Tiên…

Bộ Quốc Phòng Nhật Bản cho biết sẽ yêu cầu Quốc hội biểu quyết thông qua ngân sách quốc phòng nói trên cho tài khóa tới, bắt đầu từ ngày 1-4-2021. Theo đó, Nhật Bản dự trù sẽ trang bị hai khu trục hạm mới và một tàu ngầm, trị giá tổng cộng hơn 1,6 tỷ đôla. Bộ Quốc phòng nước này cũng đang chuẩn bị thay thế các máy bay tiêm kích Mitsubishi F-2, một chương trình rất tốn kém về mặt nghiên cứu - phát triển và kéo dài nhiều năm.

Trong ngân sách quốc phòng 2021, Nhật Bản dự trù sẽ trang bị hai khu trục hạm mới và một tàu ngầm, trị giá tổng cộng hơn 1,6 tỷ đôla.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng không yêu cầu một ngân sách riêng cho hệ thống thay thế hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore mà chính phủ đã từ bỏ vào tháng 4-2020. Hệ thống này dự định sẽ được lắp đặt tại hai địa điểm ở Nhật Bản, nhưng dự án gây lo người dân tại các địa phương. Cộng thêm những trở ngại về mặt kỹ thuật, chi phí cho dự án có thể cao hơn nhiều so với mức dự kiến là 4,2 tỷ đôla.

Sau khi hệ thống Aegis Ashore bị hủy bỏ, cựu Thủ tướng Abe đã chỉ thị chính phủ nghiên cứu sự thay đổi lớn đối với chính sách răn đe tên lửa và tìm kiếm phát triển khả năng tấn công đầu tiên vào các căn cứ của đối phương nhằm phòng thủ cuộc tấn công sắp xảy ra trong bối cảnh mối đe dọa tên lửa gia tăng trong khu vực. Chính quyền ông Suga dự kiến sẽ soạn thảo kế hoạch mới vào cuối năm nay.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, ngân sách quốc phòng mới nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia trong vũ trụ và không gian mạng. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản dự kiến thành lập đơn vị chuyên trách không gian mạng mới với 540 nhân sự, cùng một đơn vị vũ trụ với khoảng 70 người. Theo các nhà phân tích, việc Nhật Bản tăng chi phí quốc phòng cho thấy  tân Thủ tướng Suga Yoshihide đang có cùng quan điểm với người tiền nhiệm Abe Shinzo. Trước khi từ chức vì lý do sức khỏe vào giữa tháng 9, Thủ tướng Abe Shinzo đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Nhật Bản.

Tân Thủ tướng Suga cũng không ngần ngại khẳng định trước báo chí là trong cương vị Thủ tướng, ông sẽ không “khuất phục” trước Trung Quốc. Việc gia tăng chi tiêu quốc phòng nhằm thúc đẩy Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mở rộng vai trò và năng lực quốc tế nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên và Trung Quốc.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng chịu áp lực từ chính quyền Tổng thống Donald Trump buộc các đồng minh của Mỹ phải tăng chi tiêu quốc phòng. Gia tăng chi tiêu quốc phòng một phần là vì Nhật Bản phải chi tiêu vào khoản mua vũ khí tốn kém của Mỹ để tăng cường khả năng tương thích vũ khí với lực lượng Mỹ.

Trước đó, giữa tháng 7-2020, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2020, trong đó tái khẳng định quan hệ đồng minh với Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng không chỉ đối với Nhật Bản mà còn đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh môi trường an ninh ngày càng phức tạp như vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh các mục tiêu của chính sách quốc phòng là tạo ra môi trường an ninh mà Nhật Bản mong muốn bằng cách hợp nhất và xây dựng các sức mạnh có thể sử dụng bất cứ khi nào cần; ngăn chặn và chống trả các mối đe dọa đối với Nhật Bản.

Theo Sách trắng, 3 trụ cột trong chính sách quốc phòng của Nhật Bản là cấu trúc phòng thủ riêng của Nhật Bản, quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ và hợp tác an ninh. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng chỉ ra hai ưu tiên trong việc tăng cường năng lực quốc phòng của nước này, gồm: Tăng cường năng lực cần thiết để thực hiện các chiến dịch phối hợp giữa các binh chủng, và tăng cường thành phần cốt lõi hình thành nên năng lực quốc phòng thông qua việc củng cố nguồn nhân lực, công nghệ và công nghiệp quốc phòng, rà soát lại cơ cấu trang thiết bị quân sự.

Về môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định các cường quốc quân sự đang tập trung ở các khu vực xung quanh Nhật Bản, với các xu hướng rõ ràng như tăng cường sức mạnh quân sự và gia tăng các hoạt động quân sự.

Đối với Trung Quốc, Sách trắng quan ngại về việc Bắc Kinh tiếp tục các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở các vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Sách trắng cho rằng Trung Quốc đang tăng cường năng lực tiến hành các hoạt động ở các khu vực xa hơn như Ấn Độ Dương…

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản hiện được xếp hạng trong số 10 nước hàng đầu thế giới.

Ngọc Trang (Tổng hợp)

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 6/5, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan này đang phối hợp UBND, Công an huyện Ninh Hải và Đồn biên phòng Vĩnh Hải tiến hành kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc nữ du khách đến từ Hà Nội bị hành hung tại bãi Kinh ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文