Nhiều nước châu Âu tái phong tỏa vì COVID-19
Ngày 28-10, Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố quyết định tái phong tỏa toàn quốc từ 30-10 đến 1-12. Phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống Macron cho biết, người dân có thể đi làm, đi khám bệnh, giúp đỡ người thân, đi chợ và tập thể dục gần nhà, với giấy chứng nhận tự khai như đợt phong tỏa vào mùa xuân. Tuy nhiên, các cơ quan dịch vụ công, các doanh nghiệp cũng như các trường học từ nhà trẻ đến trung học phổ thông vẫn tiếp tục hoạt động, các nhà dưỡng lão vẫn mở cửa đón khách đến thăm.
Các trường đại học duy trì các khóa học trực tuyến, các công ty khuyến khích làm việc từ xa. Nhà hàng và quán bar phải đóng cửa. Người lao động không thể làm việc sẽ tiếp tục hưởng lợi từ bảo hiểm thất nghiệp một phần. Theo Tổng thống Macron, một kế hoạch đặc biệt sẽ được chuẩn bị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Số tiền trợ giúp lên đến 10.000 euro/ tháng sẽ được cấp cho các doanh nghiệp bắt buộc đóng cửa.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Varese, Italy, ngày 19-10-2020. Ảnh: AFP |
Tại Đức, ngày 28-10, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo 16 bang ở Đức một lần nữa nhất trí tái áp đặt các biện pháp phong tỏa có giới hạn nhằm kiểm soát và hạn chế sự gia tăng ở mức đáng lo ngại của dịch bệnh nguy hiểm này. Thủ tướng Merkel thừa nhận Đức đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn của dịch bệnh COVID-19 khi nước này ghi nhận sự gia tăng "đột biến" các ca nhiễm mới tính theo từng ngày.
Trước tình hình trên, Chính phủ Đức và chính quyền các bang một lần nữa buộc phải nhanh chóng đưa ra quyết định siết chặt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch nhằm ngăn chặn tối đa sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng.
Các biện pháp mới bao gồm quy định chỉ cho phép gặp gỡ ở nơi công cộng tối đa 10 người từ một hoặc hai hộ gia đình; các nhà hàng phục vụ ăn, uống, các quán bar, quán rượu, câu lạc bộ và các khu trung tâm vui chơi giải trí, thể thao trong nhà và ngoài trời sẽ tạm thời đóng cửa.
Thủ tướng Merkel cũng cho biết bà và thủ hiến các bang cũng nhất trí tiếp tục duy trì hoạt động các trường học và nhà trẻ; các cửa hàng bán buôn và bán lẻ vẫn tiếp tục mở cửa, song phải đảm bảo các quy định về vệ sinh, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách cũng như đảm bảo có không quá một khách hàng/10 m2...
Các quy định này được áp dụng đồng bộ ở khắp 16 bang cả nước. Theo Thủ tướng Merkel, các quy định mới sẽ có hiệu lực trước mắt từ ngày 2-11 tới và được áp dụng đến hết tháng 11. Bà cho biết mục tiêu của chính phủ liên bang và tiểu bang là "nhanh chóng làm gián đoạn các tác nhân lây nhiễm" để không cần phải đưa ra những biện pháp "nghiêm ngặt" hơn trong mùa Giáng sinh tới cũng như "tránh tình trạng khẩn cấp quốc gia".
Tại Italia, theo số liệu của Bộ Y tế công bố, số ca nhiễm mới tại nước này trong ngày 28-10 tiếp tục tăng lên mức kỷ lục mới với 24.991 ca nhiễm được ghi nhận (số ca nhiễm mới cao nhất trước đó được ghi nhận ngày 27-10 với 21.994 ca). Vùng tâm dịch trước đây, Lombardia (thủ phủ là thành phố Milan) cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca nhiễm mới trong ngày 28/10 là 7.558 ca.
Cố vấn của Bộ trưởng Y tế Italia Walter Ricciardi cho biết, tại Milan và Napoli, việc phong tỏa hai thành phố này là điều cần thiết. Việc lây nhiễm rất dễ xảy ra khi tiếp xúc gần giữa người dân vì vi rút lưu hành rất nhiều, thậm chí người dân có thể bị lây nhiễm khi vào quán bar, nhà hàng hoặc đi xe buýt. Ông Ricciardi cũng cho rằng, tại hai thành phố Milan và Napoli, việc đóng cửa các nhà hát, rạp chiếu phim là điều cần thiết, bởi nguy cơ lây nhiễm tại hai thành phố này rất cao và bất kỳ ai cũng có nguy cơ mang vi rút vào trong các không gian khép kín, làm tăng khả năng lây nhiễm.
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) phải ứng phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả hơn thông qua các chính sách về xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, bào chế vaccine và cách ly.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã đề xuất một loạt biện pháp mới trong nỗ lực ứng phó với đại dịch. EC cho rằng chính phủ các nước thành viên EU cần phối hợp trong việc triển khai các chiến lược xét nghiệm, cũng như tận dụng các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên, cho dù nguồn cung toàn cầu cho các bộ kit xét nghiệm đang được siết chặt.
EC cũng cảnh báo cần sớm có biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lực xét nghiệm. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết Brussels đã quyết định dành 100 triệu euro (118 triệu USD) để mua các xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, nhấn mạnh đây là công cụ quan trọng trong nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tuần thứ hai liên tiếp, châu Âu có số ca mắc COVID-19 lớn nhất, với hơn 1,3 triệu ca được xác nhận, chiếm khoảng 46% tổng số ca nhiễm mới trên toàn thế giới. WHO cho biết số ca tử vong cũng đang gia tăng ở châu Âu, với mức tăng khoảng 35% so với tuần trước.