Nhiều phụ nữ Afghanistan bỏ việc vì bị đe dọa tính mạng

11:08 29/05/2019
Gần đây, vụ việc Mina Mangal - nhà báo, cố vấn chính trị nổi tiếng người Afghanistan bị ám sát một lần nữa cho thấy tình trạng mất an toàn đối với phụ nữ ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này.


Các chuyên gia lo ngại rằng, những vụ việc tương tự có thể tác động xấu đến tinh thần những người phụ nữ khác và làm giảm ý chí đấu tranh vì công lý của họ.

Bị sát hại vì đấu tranh cho phụ nữ và trẻ em gái?

Các phương tiện truyền thông Afghanistan đưa tin, Mina Mangal từng làm người dẫn chương trình cho một số kênh truyền hình Afghanistan trước khi trở thành cố vấn văn hóa của Quốc hội. Cô bị các tay súng không rõ danh tính sát hại vào hôm 18/5 khi rời nhà đi làm ở Thủ đô Kabul. Cảnh sát Afghanistan đã quyết định truy tìm chồng cũ của Mina Mangal sau khi bố mẹ cô nói rằng, anh ta phải chịu trách nhiệm về cái chết của con gái.

Shakib Mangal, anh trai của Mina Mangal nói với phóng viên tờ DW (Đức) rằng, em gái từng bị gia đình chồng cũ bắt cóc. "Mina từng bị gia đình chống cũ bắt cóc hai năm trước nhưng chúng tôi đã giải thoát con bé nhờ sự giúp đỡ của một số quan chức chính phủ và người lớn tuổi trong cộng đồng. Tuy nhiên, chồng cũ vẫn tiếp tục đe dọa Mina Mangal", Shakib Mangal nói.

Hiện nay, gia đình đã đệ đơn đến cơ quan chức năng tố cáo chồng cũ, chị gái và bố mẹ chồng cũ có liên quan đến cái chết của Mina. Cảnh sát Kabul nhận định, mâu thuẫn trong gia đình có thể là động cơ của vụ giết người. 

Shakib Mangal cho rằng, mâu thuẫn bắt nguồn từ công việc của em gái là đấu tranh cho phụ nữ và trẻ em gái. Shakib Mangal cho biết, chồng cũ của em gái đã cố ngăn cản cô làm công việc của một phóng viên mặc dù trước đó người chồng nói sẽ không phản đối hay can thiệp vào công việc của vợ.

Cái chết của Mina Mangal một lần nữa cho thấy, rủi ro ngày càng đe dọa đến tính mạng phụ nữ Afghanistan làm những công việc vì cộng đồng. Hầu hết đàn ông Afghanistan trong xã hội bảo thủ truyền thống vẫn giữ quan điểm rằng, phụ nữ cần ở nhà chứ không phải làm những công việc ngoài xã hội.

Năm 2018, Quỹ Thomson Reuters xếp Afghanistan là quốc gia nguy hiểm thứ hai đối với phụ nữ sau gần 17 năm chế độ Taliban bị lật đổ. Taliban khét tiếng vì đàn áp phụ nữ trong thời gian cai trị từ năm 1996 đến 2001. Trong khoảng thời gian này, phụ nữ không được tiếp cận hệ thống giáo dục, cấm phụ nữ làm việc bên ngoài và buộc phải che kín mặt cùng nhiều những điều khoản cấm đoán khác.

Nhà báo Mina Mangal bị các tay súng chưa rõ danh tính sát hại hôm 18-5 vừa qua.

Thách thức lớn hơn với phụ nữ làm việc trong lĩnh vực truyền thông

Bất chấp cộng đồng quốc tế rót hàng tỷ USD vào việc hỗ trợ truyền thông, nâng cao quyền của phụ nữ nhưng phụ nữ Afghanistan vẫn tiếp tục chịu sự phân biệt giới tính, bất bình đẳng về giáo dục, chăm sóc sức khỏe và tiếp cận các nguồn lực kinh tế. 

Hơn nữa, các vụ giết người vì danh dự và bạo lực liên quan đến giới đang gia tăng trong những năm gần đây. Phụ nữ phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng, đe dọa đến tính mạng chỉ vì chọn làm những công việc ngoài xã hội.

Ủy ban Nhân quyền Độc lập Afghanistan (AIHRC) cho biết, trong năm 2018, đã ghi nhận 26 trường hợp phụ nữ bị lạm dụng, giết hại vì công việc và nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi. Con số này có thể cao hơn vì ủy ban không ghi nhận tất cả các trường hợp vì không tiếp cận được một số khu vực của đất nước.

"Những sự cố này có thể có tác động xấu đến những người phụ nữ khác và làm giảm ý chí của họ tiếp tục đấu tranh cho công lý. Không rõ có bao nhiêu phụ nữ Afghanistan đã rời bỏ công việc vì bạo lực giới trong những năm qua", Musa Mahmudi, Giám đốc của AIHRC nói. 

Maqadasa Atalwali, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Kabul cũng bày tỏ sự lo ngại tương tự. "Khi các nhà hoạt động nhân quyền hoặc nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội bị giết hại, các gia đình sẽ tìm thấy lý do để ngăn con gái ra ngoài làm việc".

Phụ nữ Afghanistan nói chung phải đối mặt với những khó khăn khi làm việc bên ngoài  nhưng thách thức lớn hơn đối với những người chọn một số ngành nghề nhất định, chẳng hạn như lĩnh vực truyền thông. Nhiều nhà báo nữ đã bỏ việc để đảm nhận công việc khác. 

"Cho dù cơ hội việc làm tốt đến đâu nhưng nếu cuộc sống bị đe dọa, phụ nữ sẽ chọn ở nhà hoặc làm điều gì đó ít rủi ro hơn", Robina Shinwari, chuyên gia của tổ chức Mạng lưới Phụ nữ Afghanistan cho biết.

Zalma Kharoti là một trường hợp điển hình. Cô đã bỏ công việc dẫn chương trình của một đài truyền hình Afghanistan sau khi các mối đe dọa với cuộc sống tăng lên. "Tôi đã nghỉ việc với tư cách là người dẫn chương trình và quyết định ở nhà cho đến khi cảm thấy an toàn trở lại", Zalma Kharoti nói.

Mạnh Tường (tổng hợp)

Báo CAND đã đưa tin ban đầu về đường dây sản xuất, buôn bán, kinh doanh tiêu thụ sữa bột giả với quy mô cực lớn do Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường chủ mưu cầm đầu vừa bị Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp Văn phòng CSĐT triệt phá. Ngoài làm rõ cơ chế sở hữu chéo phức tạp với lợi ích chi phối rộng khắp của hệ sinh thái này, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng phanh phui những khuất tất trong hoạt động tài chính kế toán của Công ty Rance Pharma và Hacofood, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước ước tính hơn 28 tỷ đồng.

Ngày 13/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Đà Nẵng cho biết đã bắt giữ Đinh Hồng Hải (SN 1996, trú huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; hiện ở tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) về hành vi giả danh cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời làm rõ một đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với quy mô lớn liên quan đến Hải và đồng bọn.

Chiều 13/4, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, vừa phối hợp cùng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài tiếp nhận 21 công dân cư trú bất hợp pháp tại Campuchia. Các đối tượng này bị lực lượng chức năng Campuchia bắt giữ bàn giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, đưa về Việt Nam qua cửa khẩu.

Trong lúc đang nằm ngủ với các con tại nhà riêng thì anh Q. bất ngờ bị vợ dùng dao cứa vào cổ. Thấy vậy, anh Q. chạy ra ngoài kêu cứu thì bị vợ đuổi theo chém nhiều nhát vào vùng đầu khiến anh Q. phải nhập viện cấp cứu.

Tối 12/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với bà Nguyễn Ngọc Uyên Lan (SN 1995, trú xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn) để điều tra về hành vi hành hạ người khác theo Điều 140 Bộ luật Hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文