Những đứa trẻ bán sức lao động tìm "kim cương máu" ở Cộng hòa Trung Phi

14:00 08/10/2015
Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) và tổ chức Giám sát nhân quyền Human Rights Watch (HRW) cho biết, rất nhiều trẻ em đang bị bóc lột sức lao động trong những mỏ khai thác kim cương ở Cộng hòa Trung Phi (CAR). Hình ảnh những đứa trẻ mới lên 10 lao động quần quật trong mỏ khai thác kim cương đang khiến nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền phải lên tiếng.

Bán mình tìm "kim cương máu"

Những đồ trang sức đắt tiền đeo trên cổ, trên tay bạn là kết quả lao động vất vả của những nô lệ thời hiện đại. Báo cáo của AI cho thấy, một "bức tranh ảm đạm" của thị trường kim cương toàn cầu, "ngập trong máu" vì bóc lột sức lao động của trẻ em ở độ tuổi thiếu niên. "Các tổ chức phi chính phủ và AI đã phát hiện, nhiều lao động trẻ em tại các mỏ kim cương. Có những bé trai mới 11 tuổi, làm việc trong điều kiện vô cùng nguy hiểm và độc hại", một đoạn trong báo cáo của AI viết. Những đứa trẻ bán sức lao động của mình trong mỏ khai thác kim cương không được học tập vì cha mẹ khuyến khích chúng kiếm tiền từ sớm.

Theo một báo cáo của tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế công bố vào năm 2010 thì nhiều lao động trong những mỏ khai thác kim cương bị bóc lột sức lao động thậm tệ, dẫn đến tình trạng "thoát vị đĩa đệm và kiệt sức, nhiều lao động bị thương tích".

Cậu bé 11 tuổi đang bán sức lao động tại một mỏ kim cương ở khu vực Carnot vào tháng 5/2015 (ảnh dưới) và hàng ngàn trẻ em phải làm việc trong những mỏ khai thác vàng sâu đến 25m ở Philippines (ảnh trên).

"Nhiều lao động chết vì bị sập hầm mỏ. Không ít nô lệ thời hiện đại và gia đình đã rời khỏi làng của mình để sống trong các trại tạm gần khu hầm mỏ - nơi họ dễ mắc bệnh sốt rét và nhiều căn bệnh khác do môi trường sống quá ẩm ướt", báo cáo của tổ chức nghiên cứu khủng hoảng quốc tế cho biết thêm. Mặc dù đã có nhiều phản ánh từ các tổ chức nhân quyền nhưng vấn đề lao động trẻ em trong các mỏ khai thác kim cương ở CAR chưa bao giờ được kiểm tra.

Thị trường ngầm buôn bán kim cương ở CAR

Việc xuất khẩu kim cương từ CAR bị cấm vào năm 2012 dưới kiểm soát của Quy trình Kimberley nhằm ngăn chặn dòng chảy "kim cương máu" vào thị trường toàn cầu. "Kim cương máu" hay "xung đột kim cương" là thuật ngữ sử dụng nói về những viên kim cương được khai thác ở khu vực chiến tranh và bán để tài trợ cho các nhóm phiến quân, dân quân hay hoạt động của những tên độc tài. Tiền bán kim cương đã tài trợ cho các cuộc chiến tranh tàn bạo ở các quốc gia như CAR, Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Liberia, Sierra Leone trong nhiều thập kỷ dẫn đến cái chết và sự di cư của hàng triệu người. Tuy nhiên, theo AI, sau khi chính phủ đáp ứng các điều kiện theo Quy trình Kimberley vào tháng 7 năm nay, lệnh cấm được dỡ bỏ và "kim cương máu" sẽ tiếp tục được xuất khẩu đến các quốc gia trên toàn cầu.

Theo báo cáo của AI, ngay cả khi lệnh cấm xuất khẩu kim cương được áp dụng, những giao dịch ngầm trên thị trường vẫn tiếp tục được thực hiện ở CAR. Hàng nghìn thợ thủ công tiến hành khai thác kim cương, bán cho các thương nhân, sau đó, những thương nhân này bán cho các công ty xuất khẩu kim cương ở thủ đô Bangui. Nhiều người vẫn dự trữ kim cương, chờ đợi thời điểm lệnh cấm giao dịch dỡ bỏ để bán hàng với giá cao trên thị trường quốc tế. Các chuỗi cung ứng qua rất nhiều quốc gia và điều này che lấp nguồn gốc, xuất xứ của kim cương.

"Rất ít người biết đến nguồn gốc những đồ trang sức mà họ mang trên người và "kim cương bẩn" thường có điểm đến cuối cùng là những người giàu có và nổi tiếng", AI cho biết. Năm 2010, siêu mẫu Naomi Campbell phải làm chứng trước một tòa án về tội ác chiến tranh vì nhận viên kim cương từ người đàn ông làm việc cho nhà độc tài châu Phi Charles Taylor tại một sự kiện từ thiện tại Nam Phi năm 1997.

Các công tố viên cáo buộc rằng, nhà độc tài Charles Taylor đã nhận "kim cương máu" từ phiến quân ở Sierra Leone và sử dụng chúng để mua vũ khí. Siêu mẫu Campbell cho hay, cô được hai người đàn ông không rõ danh tính tặng viên kim cương vào ban đêm và không biết những viên kim cương đó là món quà tặng của nhà độc tài Taylor.

Tờ DW (Đức) cho biết, hàng loạt trẻ em đang bị bóc lột sức lao động trong những hầm mỏ khai thác vàng ở Philippines, chủ yếu ở tỉnh Masbate và Camarines Norte. Phần lớn là những đứa trẻ 13, 14 tuổi, làm việc cùng với người lớn trong các hố sâu lên đến 25m trong vài giờ mỗi ngày. Ngoài việc phải đối mặt với nỗi sợ hãi vì nguy cơ sập hầm, chết đuối, trẻ em cũng dễ mắc nhiều chứng bệnh như đau lưng, đau cơ, nhiễm trùng da, sốt rét… Juliane Kippenberg, tác giả của báo cáo về tình trạng lao động trẻ em trong các mỏ khai thác vàng ở Philippines cho biết, "Philippines là quốc gia khai thác vàng đứng thứ 20 trên thế giới. Nhiều trẻ em đang phải làm việc trong điều kiện đáng sợ ở các mỏ vàng quy mô nhỏ. Chúng bỏ học để làm việc ở đó".
P. Cường (tổng hợp)

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文