Những mánh lừa tinh vi nhằm vào các ngân hàng

22:27 16/06/2020
Vài năm trở lại đây các loại hình tín dụng, nhất là tín dụng tiêu dùng được dịp "bùng nổ". Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng thì loại hình này cũng luôn có không ít những rủi ro.

Và lợi dụng kẽ hở của hoạt động tín dụng, các đối tượng đã làm giả các loại giấy tờ, chứng minh thu nhập... rồi rút tiền ra tiêu xài, gây thiệt hại lớn cho các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Giấy tờ giả vẫn vay được hàng tỷ từ ngân hàng

Đầu tháng 6-2020, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã triệt phá một ổ nhóm chuyên làm giấy tờ giả để đưa vào ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Khoảng cuối năm 2019, do nợ như "Chúa Chổm" nên Trịnh Thị Quỳnh Nga (SN 1976 trú tại tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) đã tìm cách vay tiền rồi chiếm đoạt của các ngân hàng. Thông qua một đối tượng tên là Đức, Nga quen biết với Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1983 trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và đặt vấn đề với Đức, Nguyệt làm giả hồ sơ để Nga có thể vay vốn ngân hàng.

Trước đó, Nga là Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty TNHH Thiết bị khoa học Việt Anh có địa chỉ tại quận Cầu Giấy. Trong quá trình làm ăn, Nga đã nhiều lần vay vốn ngân hàng và chậm trả nợ, bị các ngân hàng liệt vào danh sách nợ xấu. 

Nga chọn tên giả là Nguyễn Huyền Nga, đồng thời được Đức làm giả thẻ căn cước công dân, sổ hộ khẩu, trích lục giấy đăng ký kết hôn, đăng ký xe ôtô Mercedes GLC 300 (chiếc xe này Nguyệt thuê cho Nga). 

Từ hồ sơ này, Nga đã mang đến ngân hàng S. (chi nhánh Thăng Long) làm hợp đồng tín dụng vay 1,2 tỷ đồng. Tháng 5-2020, ngân hàng giải ngân số tiền này vào tài khoản mang tên Nguyễn Huyền Nga.

Một nhóm đối tượng chuyên làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức rồi "đẩy" vào ngân hàng để lừa đảo.

Khi thấy tài khoản vừa "nổ" tiền, Nga lập tức làm ủy nhiệm chi chuyển gần 1 tỷ 180 triệu đồng sang một tài khoản ngân hàng khác mang tên Trịnh Thị Quỳnh Nga. Tiếp đó, Nga rút ra 200 triệu đồng để trả cho Nguyệt, rút 40 triệu đồng trả cho Đức. Số tiền còn lại Nga đã dùng để trả nợ và chi tiêu cá nhân hết.

Hiện cơ quan Công an đã tạm giữ hình sự Nga và Nguyệt, đồng thời hoàn thiện hồ sơ khởi tố các đối tượng về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức".

Cũng là nạn nhân của một vụ vay tín dụng có thủ đoạn giống như trên, song ngân hàng M. (chi nhánh Đống Đa) lại dính một vố nặng hơn. Gần như số tiền nhiều tỷ đồng sẽ không thể thu hồi lại được nữa.

Một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội cho biết đầu năm 2019, một số nhân viên tín dụng thuộc chi nhánh Đống Đa của ngân hàng M. phát hiện một số cá nhân từng có khoản vay trả góp và làm thẻ tín dụng tại ngân hàng có dấu hiệu chây ì trả nợ. 

Theo hợp đồng, với những khoản vay trả góp thì hàng tháng, khách hàng có trách nhiệm để trong tài khoản một số dư nhất định (lớn hơn tổng số dư gốc và lãi vay) để ngân hàng tự động trừ khi đến ngày thanh toán. Với thẻ tín dụng, khách hàng cũng có nghĩa vụ phải thanh tóan đủ số tiền đã tiêu vào một ngày cố định trong tháng (có thể cộng trừ 1-2 ngày).

Tuy nhiên, nhân viên chi nhánh đã phát hiện có đến hơn 20 khách hàng cá nhân (cùng là nhân viên một công ty có địa chỉ tại huyện Mê Linh, Hà Nội) có những khoản vay và dư nợ trong thẻ tín dụng quá hạn nhiều ngày mà chưa được thanh toán. Mỗi khách hàng nợ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. 

Tuy nhiên khi liên hệ với những khách hàng này qua các thông tin trong hồ sơ đăng ký đều bất thành. Do đó, chi nhánh ngân hàng đã báo cáo lên Hội sở để có biện pháp giải quyết. Qua kiểm tra, ngân hàng phát hiện có dấu hiệu tội phạm nên đã đề nghị cơ quan Công an vào cuộc.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã khẩn trương tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nhằm xác minh đơn của Ngân hàng M. Thông tin ban đầu cho thấy, có cơ sở để xác định một nhóm đối tượng đã làm giả hồ sơ để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của ngân hàng. Tuy nhiên, để làm rõ nhóm đối tượng và thực hiện các biện pháp tố tụng với nhóm này, lấy lại tiền cho ngân hàng lại là việc không hề đơn giản.

Đối tượng Phạm Văn Hảo.

Theo nguyên tắc, mỗi cá nhân muốn vay tín chấp (hoặc làm thẻ tín dụng) của ngân hàng đều phải có một bộ hồ sơ với những yêu cầu chặt chẽ. Ngoài một công việc cố định (thể hiện trong hợp đồng lao động) khách hàng cũng phải cung cấp hộ khẩu, giấy CMND, sao kê tài khoản… Ngân hàng cũng tiến hành xác minh những thông tin này. Khi thấy đúng thì mới được ngân hàng giải ngân.

Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra tổ chức rà soát lại các số điện thoại đăng ký, hồ sơ làm việc… của những đối tượng trong nhóm tình nghi thì phát hiện hầu hết là số điện thoại "rác". 

Các thông tin của các cá nhân trong hồ sơ đều thuộc dạng "Đầu Ngô mình Sở", tên một người song ảnh lại của người khác. Hoặc nếu tên và ảnh trùng song địa chỉ lại không có thực... nên rất khó để định danh được đối tượng. Bên cạnh đó, những thông tin về đối tượng trực tiếp nhận tiền mà ngân hàng đã giải ngân cũng rất mù mờ.

Cơ quan điều tra cũng xác định, rõ ràng nhóm đối tượng đã rất cao tay trong việc này. Bọn chúng đã tính toán từ trước, dựng lên những hồ sơ "ma". Lắp ghép các thông tin, hình ảnh của người nọ sang người kia. Đồng thời còn thiết lập cả một tổng đài "ảo", để khi cán bộ ngân hàng tiến hành xác minh thì chúng biết mà đối phó.

Siêu lừa cụt tay

Cũng làm giả giấy tờ, song đối tượng Phạm Văn Hảo (sinh năm 1988, trú tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) lại có thủ đoạn rất tinh vi. Đang nói hơn Hảo bị cụt mất một bàn tay phải, song gã đã có thể "qua mặt" các nhân viên ngân hàng rất ngon lành.

Đầu năm 2019, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội  nhận được đơn của Ngân hàng TMCP P. (có địa chỉ tại Hà Nội) tố cáo đối tượng Phạm Văn Hảo lừa đảo trong việc thế chấp tài sản để vay tiền. Theo trình bày của ngân hàng này, Hảo xưng là lái xe taxi, đến ngân hàng đề nghị làm một hợp đồng vay tiền để mua chiếc xe du lịch để chở khách. Giá trị của chiếc xe là gần 1 tỷ đồng, ngân hàng sẽ giải ngân 70%.

Tiến hành thẩm tra, cán bộ ngân hàng xét thấy Hảo có đủ điều kiện để thực hiện hợp đồng nên đã xúc tiến các thủ tục cần thiết. Sau khi ký hợp đồng mua xe tại một đại lý và nộp các loại thuế phí, nhân viên ngân hàng đã cùng với Hảo đến Phòng Cảnh sát giao thông để đăng ký biển số xe ôtô mới.

Nhóm 6 nữ quái làm giả hàng trăm bộ hồ sơ để lừa tiền tỷ ngân hàng bị cơ quan công an bắt giữ.

Theo nguyên tắc, bộ giấy tờ sau khi được cơ quan Công an cấp thì ngân hàng sẽ giữ bản chính, còn người vay sẽ được cung cấp bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông. Khi tham gia giao thông, người vay sẽ mang theo giấy này kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của Ngân hàng còn hiệu lực để sử dụng nếu cơ quan chức năng kiểm tra. Sau khi cán bộ ngân hàng đã cầm giấy đăng ký gốc, Hảo được giao xe để sửng dụng.

Thế nhưng, chỉ chưa đầy một tuần sau, đối tượng đã tiếp tục mang chiếc xe ôtô này đi "cắm" tại một ngân hàng khác để ôm về gần 1 tỷ đồng. Một chiếc xe ôtô được "cắm" ở 2 ngân hàng để vay số tiền lớn. Khi sự việc lộ tẩy, cả 2 ngân hàng đều nhận chiếc xe thế chấp là của mình. Và, sau khi cơ quan Công an thông báo thủ đoạn tinh vi của đối tượng để qua mặt cán bộ ngân hàng, các bên mới đều giật mình tỉnh ra.

Thủ đoạn của Hảo là sau khi nhận được giấy hẹn từ Phòng Cảnh sát giao thông, có được các thông tin cần thiết, đối tượng lập tức làm giả một Giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô với các thông số giống hệt trong giấy hẹn.

Đến ngày Phòng Cảnh sát giao thông trả kết quả, Hảo đã nhanh tay tráo Giấy chứng nhận đăng ký xe ôtô giả (Hảo đã thủ sẵn trong người) cho cán bộ ngân hàng mang về, còn gã giữ lại đăng ký thật. Ngoài ra, Hảo còn làm giả "Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân" nhằm hợp thức hóa việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau khi nhận được đơn tố cáo của các bị hại, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khẩn trương tiến hành điều tra, ra quyết định khởi tố vụ án "Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức", khởi tố bị can để điều tra. Tuy nhiên Hảo đã bỏ trốn. Tháng 7-2019, Cơ quan Công an ra quyết định truy nã đối với Hảo.

Sáu nữ quái bắt tay làm giả hàng trăm bộ hồ sơ để lừa tiền tỷ ngân hàng

Tháng 6-2019 Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát hiện một ổ nhóm tội phạm có tổ chức, chuyên làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên đã xác lập chuyên án đấu tranh. 

Cơ quan điều tra đã khởi tố 6 đối tượng gồm: Phạm Thị Thanh Nga (trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội); Phan Thị Hảo (trú tại chung cư Golden An Khánh huyện Hoài Đức,TP Hà Nội); Nguyễn Thị Hương Giang (trú tại phường Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh); Ngô Thị Ngọc Lan (trú tại phường Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội); Nguyễn Thị Thanh Thanh (trú tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) và Trần Thị Yến (trú tại phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP Hà Nội).

Lời khai của các đối tượng thể hiện ổ nhóm này hoạt động rất tinh vi. Các đối tượng phân công nhiệm vụ từ việc lấy thông tin của khách hàng, làm giả CMND, sổ hổ khẩu, sau đó đến ngân hàng mở thẻ tín dụng, hoặc vay tiền trên các ứng dụng online. 

Sau khi số tiền được giải ngân, nhóm đối tượng này nhanh chóng rút hết về chia nhau. Mỗi bộ hồ sơ được làm giả với giá 10 triệu đồng/bộ. Đường dây do các "nữ quái" này đã làm giả tổng cộng 100 bộ và lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng số tiền trên 1,7 tỷ đồng của nhiều ngân hàng khác nhau.

Minh Khang

Sáng 18/11, trong quá trình lực lượng chức năng thực hiện đảm bảo ANNT, cưỡng chế thu hồi đất, nhóm các đối tượng thành viên trong gia đình bà Nhan – ông Điền đã dùng bom xăng, xe cuốc, hung khí tấn công lực lượng chức năng, khiến 5 CBCS bị thương, nhiều phương tiện, máy móc của đơn vị thi công công trình bị hư hại.

Khoảng 16h ngày 18/11, tại khu vực bãi bồi sông Hồng thuộc địa bàn xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 5 học sinh đều sinh năm 2011, học sinh trường THCS xã Hiền Quang mất tích, hiện mới tìm thấy 1 thi thể.

Để tránh sự phát hiện, các đối tượng tạo tài khoản, cửa hàng kinh doanh giả ngụy trang trên trang thương mại điện tử Lazada hoặc trên sàn giao dịch điện tử Bambooship để tạo các đơn vận chuyển với nội dung giả là sản phẩm linh kiện điện tử. Thực tế, trong mỗi kiện hàng là thuốc lá nhập lậu để gửi đến các tỉnh, thành phố để tiêu thụ. 

Tâm thấy dải phân cách trồng nhiều bụi cau kiểng có chiều cao che khuất tầm nhìn các bảng quảng cáo nên nảy sinh ý định thuê người cưa các bụi cây cau kiểng để tạo khoảng trống, không bị khuất tầm nhìn. Tâm đã thuê 3 đối tượng chặt 9 cây cau kiểng với giá 15 triệu đồng.

Ngày 18/11, Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa bắt giữ 2 phụ nữ dùng xe ôtô vận chuyển ma túy từ thị xã La Gi tới TP Phan Thiết, Bình Thuận để kiếm 500 nghìn đồng tiền công.

Sau 2 tuần lao dốc, giá vàng đã có phiên đảo chiều tăng mạnh, kéo kim loại quý trở lại “quỹ đạo” tăng giá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文