Những vụ bằng giả và đạo văn gây chấn động dư luận

16:00 01/07/2015
Tổng thống Moldova Nicolae Timofti đã bổ nhiệm Ngoại trưởng Natalia Gherman làm quyền Thủ tướng (22/6) cho đến khi chính phủ mới được thành lập. Việc này diễn ra sau khi Quốc hội Moldova thông qua (18/6) việc từ chức của chính phủ bởi trước đó Thủ tướng Chiril Gaburici đã đệ đơn từ chức vì bị cáo buộc sử dụng bằng giả cho dù vừa được Tổng thống Nicolae Timofti bổ nhiệm đứng đầu nội các hồi tháng 2/2015.

Thủ tướng Chiril Gaburici đã quyết định ra đi (12/6) sau khi bị các công tố viên thẩm vấn về tính xác thực của bằng trung học và cao đẳng của ông. Phát biểu về việc từ chức, Thủ tướng Chiril Gaburici đã lấy làm tiếc trước việc vấn đề bằng cấp của ông trở thành công cụ của "trò chơi chính trị". Đồng thời nhấn mạnh, không muốn chuyện giáo dục cá nhân của mình trở thành vấn đề quốc gia.

Vụ bê bối bằng giả của Thủ tướng Chiril Gaburici rộ lên từ hồi tháng 4 và Bộ trưởng Nội vụ Oleg Balan đã phải ra lệnh khởi tố vụ án hình sự về vấn đề này. Giới truyền thông cho rằng, Thủ tướng Chiril Gaburici đã bị "soi" vụ bằng giả sau khi ông yêu cầu Tổng Công tố nhà nước và Thống đốc Ngân hàng trung ương từ chức vì không giải quyết được vụ 1 tỷ USD biến mất khỏi 3 ngân hàng nước này.

Hơn 3 năm trước (2/4/2012), Tổng thống Hungary Pal Schmitt đã từ chức sau khi bị tước học vị tiến sĩ nhận năm 1992 do bị cáo buộc đạo văn. Phát biểu trước Quốc hội, ông Pal Schmitt tuyên bố: "Theo hiến pháp, Tổng thống phải đại diện cho sự đoàn kết của Hungary, nhưng thật không may, tôi lại trở thành biểu tượng của sự chia rẽ, nên cảm thấy phải có nghĩa vụ rời khỏi vị trí hiện nay".

Từ trái sang: Thủ tướng Moldova Chiril Gaburici, Tổng thống Hungary Pal Schmitt, Thủ tướng Romania Victor Ponta,Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Trước đó (29/3/2012), Trường Đại học Semmelweis ở Budapest đã ra quyết định tước học vị tiến sĩ của Tổng thống Pal Schmitt sau khi phát hiện ra rằng, phần lớn luận án tiến sĩ của ông là sản phẩm sao chép - hơn 200 trong tổng số 215 trang của luận án giống các công trình nghiên cứu khác hoặc được dịch nguyên từ luận án có trước. Đại học Semmelweis đã điều tra sau khi có thông tin về bê bối của Tổng thống Pal Schmitt xuất hiện trên một tờ báo hồi tháng 1/2012.

Hiệu trưởng trường Đại học Semmelweis Tivadar Tulassay đã lên án hành động sao chép luận văn là "sự vi phạm các quy tắc khoa học". Trong khi đó, ông Pal Schmitt lại cho rằng, mình không hề sao chép bất cứ nội dung nào từ bản luận văn của tác giả Nikolai Georgiev người Bulgaria và coi việc giống nhau giữa hai bản nghiên cứu chỉ là sự trùng hợp!

Gần 3 năm trước (20/7/2012), mặc dù bị ủy ban đạo đức ở Đại học Bucharest kết luận đã đạo văn trong luận án tiến sĩ, nhưng Thủ tướng Romania Victor Ponta vẫn quyết không từ chức. Theo ủy ban đạo đức của Đại học Bucharest, 1/3 luận án viết năm 2003 về Tòa án Hình sự Quốc tế của Thủ tướng Victor Ponta là sao chép từ nhiều người khác nhau. Nhưng ông Victor Ponta lại coi đây là quyết định mang tính chính trị bởi ủy ban này không mời ông đến bày tỏ quan điểm, và quyết định có tước bằng hay không vẫn thuộc quyền của Bộ Giáo dục.

Trước đó (29/6/2012), Hội đồng Quốc gia về Công nhận chức danh, chứng chỉ và văn bằng đại học của Romania tuyên bố, 85 trang trong luận án tiến sĩ của Thủ tướng Victor Ponta được sao chép từ các nguồn khác mà không chú thích. Khi đó, có 2 cuộc điều tra xung quanh cáo buộc đạo văn của Thủ tướng Victor Ponta và họ đã đưa ra kết luận khác nhau và chẳng bên nào chịu bên nào.

Điều đáng nói là người giám sát luận án của ông Victor Ponta là cựu Thủ tướng Adrian Nastase, lại phải thụ án 2 năm tù vì tội tham nhũng. Và trước đó (tháng 5/2012), một nhóm nhà khoa học quốc tế cũng cáo buộc Bộ trưởng Giáo dục Romania Ioan Mang đã cố tình đánh cắp ý tưởng từ những công trình đăng tải trên Internet.

Hai năm trước (26/6/2013), Trường Đại học Glasgow Caledonian ở Scotland cho biết, họ đã nhận được các đơn tố cáo cho rằng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đạo văn trong luận án tiến sĩ. Người phát ngôn Charles McGhee của Đại học Glasgow Caledonian cho biết, nhà trường đã nhận được đơn tố cáo từ các nhà hoạt động ở Anh và Mỹ, đề nghị hủy học vị tiến sĩ của Tổng thống Hassan Rouhani.

Theo tờ Telegraph của Anh, ông Hassan Rouhani đã lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Glasgow Caledonian trong thập niên 1990, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về luật Hồi giáo Sharia. Nhưng theo đơn tố cáo, 2 đoạn trong luận văn tiến sĩ dài 500 trang của Tổng thống Hassan Rouhani đã sao chép nguyên xi từ một quyển sách của tác giả Mohamad Hashem Kamali, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Hồi giáo của Iran. Cáo buộc này diễn ra trước khi Tổng thống Hassan Rouhani chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 4/8/2013. Do đó, dư luận coi cáo buộc kể trên mang động cơ chính trị.

Thiện Lân

Liên quan đến vụ đấu giá quyền khai thác khoáng sản điểm mỏ cát ĐB2B, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn từ giá khởi điểm hơn 1,2 tỷ đồng lên mức trúng đấu giá bất thường là hơn 370 tỷ đồng, chiều 25/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết đã khởi tố vụ án "Vi phạm các quy định về đấu giá".

Tiểu khu 416 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai được biết đến từ lâu là điểm “nóng” về khai thác vàng trái phép. Có những thời điểm nơi đây có đến hàng trăm người dân đổ xô vào khai thác vàng. Cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức truy quét, đốt máy móc, lán trại… nhưng “vàng tặc” vẫn hoạt động.

Ngày 25/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Huế cho biết đã tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983, quê quán TP Huế, trú ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) để điều tra làm rõ hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại điện Thái Hòa, Đại Nội Huế.

Vụ việc liên quan đến đối tượng Ngô Thị Theu (còn gọi là “Madam Ngo” hay “Bà Ngô”), một công dân Việt Nam, vừa bị Intepol, Cảnh sát Thái Lan và Công an Việt Nam phối hợp bắt giữ tại một khách sạn ở quận Watthana của Bangkok, Thái Lan (ngày 23/5), vì liên quan đến vụ lừa đảo tài sản mã hóa trị giá 300 triệu USD. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.