Nỗi ám ảnh bị quấy rối tình dục tại Lễ hội màu sắc ở Ấn Độ
Lợi dụng lễ hội để tấn công tình dục
Người dân Ấn Độ rất háo hức chờ đón Lễ hội Holi. Đây là lễ hội đánh dấu sự kết thúc của mùa đông, khởi đầu mùa xuân, khẳng định sự chiến thắng của cái thiện với cái ác. Lễ hội được diễn ra vào dịp trăng tròn tháng 3 hằng năm. Những người tham gia lễ hội sẽ ném bột màu pha với nước vào bạn bè, gia đình…
Người nào càng nhận được nhiều màu được cho là sẽ gặp may mắn trong cả năm. Để mùa Lễ hội Holi năm nay diễn ra an toàn, cảnh sát Delhi tuyên bố bố trí khoảng 25.000 cảnh sát khắp thành phố để ngăn chặn tình trạng bạo lực, quấy rối tình dục xảy ra trong buổi lễ.
Nạn quấy rối tình dục diễn ra phổ biến trong Lễ hội Holi. |
Trước khi Lễ hội Holi diễn ra, một bản quy định đã được dán lên tường các phòng ngủ của nữ sinh viên Đại học Delhi. Theo đó, trong ngày diễn ra lễ hội, các nữ sinh sẽ bị khóa cửa trong phòng học từ 9 giờ tối hôm trước đến 6 giờ tối hôm sau. Trong khoảng thời gian này, những người dân Ấn Độ đang “chơi đùa với màu sắc”, nhảy múa hoặc uống rượu với nhau.
Quyết định của Trường Đại học Delhi đã cho thấy “góc tối” thường xảy ra trong các lễ hội ở Ấn Độ là nạn quấy rối tình dục.
“Nạn quấy rối tình dục thường xuyên xảy ra. Nhiều phụ nữ phản ánh rằng, họ bị người khác giới lợi dụng tình trạng lộn xộn để đụng chạm vào ngực, mông mình”, Devangana Kalita, nhà hoạt động nhân quyền đồng thời là nhà nghiên cứu tại Đại học Jawaharlal Nehru nói.
Một người phụ nữ có tên là Shristi Satyawati cho biết, có lần cô đã báo với cảnh sát về việc nhóm thanh niên ném những quả bóng nước vào ngực và mông một cô gái trẻ. Tuy nhiên, cảnh sát nói rằng, không thể khởi tố vụ án vì đó là Lễ hội Holi.
“Phụ nữ một lần nữa mắc kẹt vì sự an toàn của bản thân”
Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên của Đại học Delhi, Sabika Abbas Naqvi cho biết, thực tế cho thấy, để tránh bị quấy rối tình dục, nhiều phụ nữ tránh đến các địa điểm công cộng diễn ra lễ hội, những nơi tụ tập đông người, khó kiểm soát.
Tuy nhiên, việc cấm nữ sinh tham gia Lễ hội Holi là không cần thiết. “Trong khi những người đàn ông có thể tự do đi lại, vui vẻ tham gia lễ hội thì phụ nữ - những nạn nhân tiềm năng lại bị cấm ra đường. Thật đáng thương hại", Naqvi nói.
Pinjra Tod, một sinh viên lên tiếng chống lại tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ nói rằng, "sự gia tăng bạo lực và quấy rối tình dục xảy ra trong những Lễ hội Holi hầu như không được giải quyết. Thay vào đó, phụ nữ lại một lần nữa bị kẹt vì sự an toàn của bản thân với những quy định tuỳ tiện".
Sophie Whitehead, 21 tuổi, sinh viên Đại học Edinburgh hiện đang học tại Đại học Delhi theo chương trình trao đổi văn hóa cho biết, cô cũng bị khóa trong phòng học hôm diễn ra lễ hội Holi.
“Chúng tôi rất bức xúc khi không thể ra ngoài. Tôi hiểu rằng, nhiều vấn đề có thể xảy ra với phụ nữ tham gia Lễ hội Holi. Theo tôi, giải pháp tốt nhất là nên tránh nơi tụ tập đông người nhưng chúng tôi đã đủ tuổi trưởng thành để đưa ra quyết định cho chính mình. Thật nực cười khi mà chúng tôi thậm chí không thể ra ngoài lấy đồ ăn, thức uống”, Sophie Whitehead nói.
Nhóm hoạt động nhân quyền “Men Engage Delhi” cũng cho rằng, thời điểm diễn ra lễ hội có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ và đang nỗ lực chống lại nạn quấy rối tình dục.
Badar Uzzama, một thành viên của nhóm “Men Engage Delhi” nói với phóng viên tờ “Asian Age” rằng, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng về lễ hội và những vấn đề có thể xảy ra để mọi người có quyết định đúng đắn cho chính mình.
"Holi là lễ hội vui nhưng điều đó không có nghĩa rằng, mọi người đựng chạm vào cơ thể người khác một cách thoải mái. Tất cả những gì chúng tôi làm là mong muốn có một Lễ hội Holi an toàn, mang đậm màu sắc truyền thống”, Badar Uzzama nói.