Nỗi ám ảnh khủng bố bằng bom xe ở Somalia
- Somalia: Văn phòng Thị trưởng Mogadishu bị đánh bom
- Người tị nạn Somalia ở Kenya "tố" phải "lót tay" quan chức để được trở lại quê hương
Thị trưởng Mogadishu, ông Omar Mohamud Mohamed cho biết, con số thương vong nói trên mới chỉ là thống kê sơ bộ và không loại trừ khả năng con số này sẽ tiếp tục tăng.
Chỉ 4 tháng sau khi kết hôn, Qali Ibrahim, 18 tuổi, đã trở thành góa phụ. Sáng 28-12, trong khi đầu óc còn chưa hết choáng váng vì vụ nổ khủng khiếp ở gần nhà, Ibrahim hoảng loạn gọi liên tiếp vào số điện thoại di động của chồng, bởi trước đó vài phút, Muktar Abuka, người chồng 35 tuổi của cô mới ra khỏi nhà đi làm.
Nhưng từ đầu dây bên kia, cô chỉ nhận được câu trả lời tự động của tổng đài: "Số điện thoại quý khách vừa gọi không thể liên lạc được". Nhiều giờ trôi qua trước khi cô biết cơn ác mộng tồi tệ nhất đời mình và vội vã đến bệnh viện Medina lớn nhất Mogadishu.
Ibrahim cùng chị chồng được yêu cầu nhìn một loạt xác chết chưa xác định danh tính sau vụ nổ bom đẫm máu. Người phụ nữ 18 tuổi run rẩy kéo vải liệm trên thi thể đầu tiên nhìn thấy và nhận ra đó là chồng mình nhờ vết sẹo sâu trên ngón tay. "Chỉ trước đó vài phút chúng tôi mới chia tay nhau. Đau đớn quá", góa phụ đang mang thai tháng thứ ba khóc thảm thiết và gục vào vai chị chồng.
Chồng của Ibrahim chỉ là một trong hơn 90 con người vô tội bị thiệt mạng trong buổi sáng kinh hoàng ấy sau vụ khủng bố bằng bom xe ở ngoại ô thủ đô Mogadishu sáng 28-12. Hiện khoảng gần 150 người khác nữa bị thương đã được đưa đến các bệnh viện tại Mogadishu để chữa trị.
Các tay súng Al-Shabaab ở Somalia. |
Người phát ngôn của Chính phủ Somalia Ismael Mukhtar cho biết, hung thủ đã lái xe đến khu vực đông dân và kích nổ bom. Trong tuyên bố trên truyền hình, Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Farmajo lên án vụ đánh bom đồng thời trấn an người dân rằng, đất nước sẽ không bị rơi vào bất ổn: "Động cơ của vụ tấn công là khủng bố tinh thần người dân và chính phủ Somalia.
Người dân và chính phủ sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu trong việc phát triển và xây dựng lại đất nước. Tôi đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ giúp đỡ những người bị thương trong vụ đánh bom và cung cấp cho họ bất cứ sự hỗ trợ nào mà họ cần. Tôi cũng yêu cầu người dân Somalia giúp đỡ các nạn nhân bằng mọi cách có thể".
Nhóm khủng bố Al-Shabaab thân al-Qaeda đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom. Somalia chìm trong tình trạng bạo lực vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước khi xung đột bùng phát giữa các nhóm vũ trang.
Lực lượng Hồi giáo al-Shabaab đã tuyên bố trung thành với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và thực hiện nhiều cuộc tấn công khắp Somalia, tìm cách lật đổ chính quyền trung ương và lập ra một chính quyền dựa trên thực thi luật Hồi giáo hà khắc.
Al-Shabaab đã bị đánh đuổi khỏi thủ đô Mogadishu năm 2011 và sau đó phải rút dần khỏi các thành phố lớn của Somalia. Tuy nhiên, hiện lực lượng này vẫn kiểm soát nhiều vùng tại nước này, thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công du kích hoặc đánh bom liều chết nhằm vào các mục tiêu cơ quan chính phủ hoặc an ninh.
Al-Shabaab trong tiếng Arab có nghĩa là "tuổi trẻ". Nhóm này liên kết với tổ chức Liên minh Tòa án Hồi giáo kiểm soát thủ đô Mogadishu của Somalia vào năm 2006, trước khi rút về kiểm soát một phần miền Trung và Nam Somalia.
Theo chuyên gia Roland Marchal ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, Al-Shabaab là tổ chức Hồi giáo cực đoan nhất trong các tổ chức Hồi giáo ở Somalia. Tổ chức này muốn đưa Somalia trở thành một quốc gia Hồi giáo. Khoảng năm 2008-2010, Al-Shabaab có khoảng 15.000 quân.
Năm 2009, Al-Shabaab tuyên chiến với Chính phủ Somalia. Đến tháng 10-2011, Kenia đưa quân vào Somalia và phối hợp với quân đội chính phủ mở chiến dịch Linda Nchi (bảo vệ đất nước) tấn công Al-Shabaab. Tổ chức này bị đánh bật khỏi nhiều địa bàn, nhưng vẫn chiếm nhiều vùng nông thôn rộng lớn.
Hiện nay, Al-Shabaab là một trong hai tổ chức Hồi giáo lớn nhất Somalia. Al-Shabaab đưa các chiến binh sang Afghanistan và Iraq chiến đấu và học tập kinh nghiệm tác chiến. Al-Shabaab cũng đã dung nạp nhiều phần tử thánh chiến nước ngoài, trong đó có nhiều công dân Mỹ và châu Âu.
Từ năm 2008, Al-Shabaab bắt đầu nhập khẩu kỹ thuật đánh bom tự sát. Nhiều nguồn tin cho biết, Al-Shabaab có thể có liên kết với những tổ chức Hồi giáo khác tại châu Phi như Boko Haram ở Nigieria và Al-Qaeda tại sa mạc Sahara. Al-Shabaab bị Mỹ, Anh xem là tổ chức khủng bố. Mỹ cáo buộc nhiều thành viên của Al-Shabaab có liên kết với Al-Qaeda và một số lãnh đạo cấp cao của tổ chức này từng được Al-Qaeda huấn luyện và chiến đấu tại Afghanistan.
Những năm gần đây, hầu như năm nào Somalia cũng xảy ra những vụ khủng bố thảm khốc bằng đánh bom xe. Tháng 10-2017, thủ đô Mogadishu đã chứng kiến vụ đánh bom xe kinh hoàng khiến 512 người thiệt mạng và 295 người bị thương. Mới cách đây hai tuần, ít nhất 5 người đã thiệt mạng sau khi Al-Shabaab tấn công một khách sạn ở Mogadishu.
Nhóm này hồi tháng 2 cũng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom xe ở một trung tâm thương mại khiến 10 người thiệt mạng. Al-Shabaab cũng đứng sau 3 vụ đánh bom xe tháng 11-2018 khiến ít nhất 52 người chết và khoảng 100 người bị thương
Cho tới lúc này, Chính phủ Somalia vẫn đang đau đầu trong việc tìm giải pháp để tiêu diệt al-Shabaab khi nhóm này đang gia tăng hoạt động tại các vùng miền Trung và miền Nam của Somalia, thường xuyên thực hiện các vụ tấn công khủng bố, cướp viện trợ nhân đạo, tống tiền người dân địa phương để kiếm kinh phí cho các hoạt động khủng bố cũng như huấn luyện các phần tử cực đoan.